Một ngày nọ bạn trở về nhà với tâm trạng của một kẻ mang nhiều ưu tư. Lột bỏ hết bộn bề cuộc sống lê từng bước chân mỏi mệt vào nhà vệ sinh, bạn hứng từng giọt nước mát mẻ phủ nên gương mặt đầy rẫy sự mệt mỏi và mong rằng nó có thể rửa trôi một chút sự mệt mỏi đó. Rọi nên tấm gương phản chiếu cuộc đời, bạn không còn là chính bạn. Ở thế giới bên kia bạn thấy họ đang khóc, khóc thật to và thê thảm. Với nội tâm là một kẻ mạnh mẽ bạn không thể bỏ mặc, ý định khuyên can nổi nên nhưng bất chợt bạn nhận ra kẻ đối diện mình lại không có mắt. Phải chăng là ảo giác hay sự thật là gì?
Khóc là một đặc tính của con người, giúp chúng ta phân biệt với các loài sinh vật khác. Nói đơn giản, khóc thực ra là cơ chế tràn lệ ra từ khóe mắt của con người do sự chi phối của não bộ, hoặc phản ứng tự nhiên trước một kích thích. Khóc là giải tỏa những đau thương, hối hận, sợ hãi hoặc sung sướng và có một cửa mở để đưa thoát, không phải giữ mãi cái đau khổ, lo lắng trong lòng. Nước mắt cũng giúp thanh tẩy đôi mắt, giúp nó trong sáng, khỏe mạnh hơn. Khóc là đã đến tột bậc của cảm xúc, sự căng thẳng vì thế được hạ giải. Không khóc được nữa, không dám khóc hoặc phải kìm nén quá mức đều không tốt cho cảm xúc và sức khỏe.
Khóc là trạng thái giải tỏa cảm xúc dễ nhất đối với mỗi chúng ta. Thủa còn nhỏ, chúng ta hay mè nheo, khóc nhè, bị té cũng khóc, bị bạn bè ăn hiếp cũng khóc, bị la cũng khóc, bị điểm thấp cũng khóc, hay không đạt được những gì bản thân mong muốn cũng khóc nốt. Lúc này dường như nước mắt đến một cách quá dễ dàng, không cần kìm nén, cũng chẳng phải tỏ ra mạnh mẽ khóc là khóc. Lớn nên một chút kéo theo là và phần áp lực học hành, một vài câu chuyện tình dang dở. Tiếng khóc đã ít đi thay vào đó mỗi lần khóc lại kéo dài thêm một chút. Lớn thêm ít nữa, với những lo toan bộn bề của cuộc sống cùng sự trưởng thành của trong nội tâm và biết cách áp chế cảm xúc chúng ta đã không còn khóc nhiều. Ta kìm nén cảm xúc rồi gom nó lại để xả hết trong lần khóc sắp tới. Rồi tới khi trưởng thành những giọt nước mắt dường như đã cạn khô hoặc do cảm xúc đã chai lì, chúng ta không còn khóc được nữa thay vào đó sẽ có nhiều lựa chọn khác để phủ lấp đi nỗi buồn trong tâm. Có những lựa chọn tích cực hoặc tiêu cực nhưng nhìn chung nó chẳng thể nào giải quyết hết những u sầu ta đang mang.
Có một số người như bạn và tôi. Ở độ tuổi mới ngoài 20 chưa phải trưởng thành nhưng cảm xúc đã quá chai lì dẫn đến việc không còn có thể khóc. Không phải chúng tôi cố tỏ ra mạnh mẽ hay đại loại gì như thế, cũng có lúc chúng tôi yếu đuối, cũng có lúc muốn khóc thật to thật dài để những dòng cảm xúc tồi tệ được rửa trôi khỏi cõi lòng nhưng rồi lại thất bại và lại thêm một lần hằn nó và tận sâu bên trong. Nhiều người khuyên “Hãy mở lòng để đón nhận những điều tốt đẹp” chúng tôi cũng đã từng thử, tốt đẹp đâu chẳng thấy ngược lại còn mang thêm nhiều hoài nghi cho chính người khuyên và tôi. Chúng tôi bắt đầu vô cảm với mọi thứ xảy ra, việc điều tiết cảm xúc cũng không còn quá quan trọng. Khi nào thích cười thì cười, còn không dù cạy miệng chúng tôi cũng không thể cười.
Vậy nên, có cảm xúc tột bậc thì cứ nên khóc, không vì câu nệ rằng người lớn không được khóc hay đàn ông không nên khóc. Chúng ta phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành để không phải trở thành một cỗ máy vô cảm mà hướng tới một con người với đầy đủ cung bậc và cảm xúc.
Sợ nhất là sự vô cảm và lạnh lùng.
Nếu đang có cảm xúc tồi tệ hãy khóc đi, khóc thật to vào. Những giọt nước mắt sẽ làm an bình, vơi dịu nỗi đau và thấy mình vẫn còn cảm xúc và cảm giác của loài người.