LÀM SAO ĐỂ YÊU

by admin

“Tại sao lại có những người xấu tính đến vậy?” là một trong những “câu đố trí tuệ” tuyệt vời thường xuyên xuất hiện trong đầu chúng ta hằng ngày. Tại sao họ lại không đáng tin cậy, hung dữ, sân si, hai mặt, hèn nhát đến vậy? Càng cố gắng tìm câu trả lời, ta lại càng dần dần nghiêng về một mối duy nhất, một cách lý giải đơn giản đến bất ngờ, đó là vì họ là những người xấu tính. Họ không tốt tính, họ bị tha hóa, họ có những sự sai lệch về nhân cách hoặc đơn giản họ là “người xấu”. Kết luận này nghe có vẻ thật nghiệt ngã nhưng nó cũng thật sự đúng đắn và về cơ bản là nó không thể thay đổi được.

Tuy nhiên, khi mọi thứ đã trở nên quá rõ ràng, chúng ta có thể sẽ trải nghiệm qua những ý nghĩ khác thường, thách thức những điều từ trước đến nay luôn được cho là hiển nhiên và khiến thế giới trở nên phức tạp hơn: chúng ta có thể cố gắng nhìn vào người khác bằng cặp mắt tràn đầy tình yêu thương.

Những trải nghiệm đòi hỏi ở bạn sức chịu đựng đặc biệt vào những thời điểm yên tĩnh, ít kích động trong ngày. Khi ta làm chủ được nó, những trải nghiệm này có thể được xem là một trong những thành tựu đạo đức đáng quý nhất của chúng ta. Chúng ta thường chỉ chú trọng vào lợi ích cá nhân và điểm nhìn của bản thân; lại rất dễ bị rơi vào tình trạng thương mại hóa đối với những phẩm chất đạo đức. Rất hiếm khi chúng ta có đủ năng lực để nhìn nhận một người trên nhiều phương diện khác nhau: ta nhận thấy rằng trên thực tế, tính cách của họ luôn phức tạp và giàu sắc thái hơn những gì ta nhận định ban đầu. Điều đó trái ngược với những đánh giá bốc đồng của chúng ta về họ, họ đáng được cảm thông và thấu hiểu nhiều hơn kể cả khi họ đã làm tổn thương ta, hành động của họ đi ngược lại mong muốn của ta hoặc ham muốn của họ biến họ thành những kẻ ngu ngốc, dại khờ.

Nhìn nhận người khác thông qua lăng kính của tình yêu thương bao gồm những yếu tố sau:

– Trí tưởng tượng

Tư duy đạo đức đánh giá con người chặt chẽ nhất qua những khoảnh khắc tồi tệ nhất của họ. Tư duy tình yêu thúc đẩy chúng ta theo một hướng khác, nó khuyến khích chúng ta sử dụng trí tưởng tượng của mình để hình dung lí do tại sao ai đó có thể phạm sai lầm nhưng vẫn đáng nhận được sự cảm thông và thấu hiểu. Có thể họ đã rất hoảng sợ hoặc họ đang bị chèn ép bởi những mối lo âu và tuyệt vọng. Có thể họ đã cố gắng để nói hoặc hành động theo một hướng khác tích cực hơn nhưng những gì ta nhìn thấy là tất cả nỗ lực xoay sở của họ.

Những người biết nhìn nhận người khác dưới đôi mắt của tình yêu thương luôn đoán rằng sẽ có một nỗi buồn hay sự hối hận nào đó ẩn sâu bên trong những lời nói giận dữ, hoặc một tâm hồn dễ bị tổn thương đằng sau sự khinh thường và thái độ khinh bỉ. Họ tin rằng những tổn thương và nỗi thất vọng hình thành quá sớm trong cuộc đời một người sẽ là tác nhân lớn cho những sai lầm trong tương lai. Họ hiểu rằng những người phạm sai lầm cũng từng là một đứa trẻ thơ ngây mà thôi. Người hay ban phát tình thương luôn quan niệm rằng những điều ngọt ngào thường được tìm thấy từ bên trong chứ không hiện diện ngay trên mặt nổi của vấn đề, chúng được hình thành thông qua quá trình nhận thức lỗi lầm và dần trưởng thành của con người. Họ cố gắng tránh xa tất cả những hoàn cảnh có thể gây ra lỗi lầm và bất cứ sự thật nào dù là nhỏ nhất cũng có thể tạo ra ánh sáng cho một bi kịch.

– Nỗi đau không tệ đến thế

Tư duy tình yêu phủ nhận những khẳng định vô lý như cái ác được sinh ra một cách tự nhiên, tính xấu là bản chất khó lòng thay đổi. Hành vi xấu luôn là hệ quả của một vết thương: người ta hét to lên vì không cảm thấy được lắng nghe, người ta hay mỉa mai người khác vì từng bị đem ra làm trò cười cho người khác, người ta đa nghi vì họ từng bị cướp mất hy vọng. Đây không phải lời ngụy biện cho sự đổ trách nhiệm lên một người khác, đây chỉ là một phản ứng tự nhiên của con người tự bảo vệ mình khi bị tổn thương, nó không bao giờ là một tham vọng xấu ngay từ ban đầu. Bước cơ bản nhất của tình yêu là giữ vững lập trường của mình trong bất cứ hoàn cảnh nào để có thể phân biệt rạch ròi giữa hành động quá quắt của một người với những động cơ đáng tiếc thúc đẩy họ từ sâu bên trong.

– Tập trung vào câu chuyện, đừng chỉ đọc tiêu đề

Tư duy đạo đức được ví như một dòng tiêu đề và tư duy tình yêu chính là câu chuyện. “Một trụ cột gia đình thiếu bình tĩnh sẽ dẫn đến một gia đình không toàn vẹn”. Câu nói này đã có nguồn gốc từ nhiều thập kỷ trước, trong một ngôi nhà cũ, dưới bàn tay của những bậc cha mẹ thiếu kiên nhẫn, sự thơ ngây của con trẻ sẽ dần bị hủy hoại. “Một CEO kém tài sẽ đạp đổ một công ty” không phải là một câu chuyện kể về lòng tham lam hay tính mạng của con người, nó nói về những sự mất mát, đau buồn và những vết thương tâm lí. Nói một cách thật mỉa mai thì nhiệm vụ của tình yêu là sự tò mò hợp hoàn cảnh.

– Luôn nhớ họ cũng từng là một đứa trẻ

Nhìn nhận người khác bằng tình yêu tức là bạn phải luôn ghi nhớ họ cũng từng là một đứa trẻ và kí ức của đứa trẻ đó chưa bao giờ tách rời khỏi họ. Những người phạm sai lầm xung quanh ta có thể đã hoàn toàn trưởng thành về bề ngoài nhưng hành vi của họ thì luôn có sự liên kết với những sự việc xảy ra trong những năm đầu đời của họ. Chúng ta không nên tỏ vẻ bảo hộ bằng cách đối xử với họ như với những đứa trẻ, điều đó cho thấy chúng ta đang bỏ qua những mặt trưởng thành bên ngoài của họ để thấu hiểu và thông cảm với đứa trẻ đang bối rối, giận dữ bên trong.

Khi chúng ta tiếp xúc với những đứa trẻ làm ta tức giận, ta không bao giờ xem chúng như những thành phần xấu, chúng ta không gây áp lực hay trút giận để chúng hiểu mình đã hư như thế nào. Thay vào đó, chúng ta cố gắng tìm một cách thức nhẹ nhàng hơn để hiểu tại sao chúng lại có những hành động như vậy. Chúng ta không chăm chăm tìm ra những động cơ sai trái hay ý định dại dột của đứa trẻ, ta chỉ nên xem xét tình hình chung để tìm ra hướng giải thích nhân văn nhất. Có thể bọn trẻ thấy không khỏe, hoặc đau nướu hoặc buồn bã vì sự xuất hiện của một đứa em trong gia đình. Trong đầu chúng ta đã hình thành sẵn hàng tá lí do.

Điều này trái ngược hẳn với những gì diễn ra khi người lớn phạm sai lầm. Khi người lớn làm sai, họ luôn bị áp đặt vào một tâm địa xấu xa nào đó. Nhưng mọi định kiến đó sẽ khác đi nếu ta áp dụng cách đánh giá dành cho trẻ con lên người lớn. Tận sâu bên trong mỗi người trưởng thành đều tồn tại phần nào đó trẻ con, vậy nên một số cách ứng xử dễ dãi đối với trẻ con đôi khi vẫn phù hợp với người lớn.

– Khả năng tồn tại những bi kịch

Tư duy đạo đức khẳng định con người luôn đạt được những thứ mà họ xứng đáng. Tư duy tình yêu lại tin vào sự tồn tại của những tấn bi kịch, rằng, một người dù tốt đến đâu vẫn có thể nếm trải thất bại. Bi kịch dạy ta rằng những sự việc không ngờ tới nhất luôn có thể xảy ra với nhiều mức độ. Chúng ta không bao giờ có cơ hội sống trong một hành tinh toàn những điều tốt đẹp được, thảm họa luôn chực chờ xảy đến với những ai ít phòng bị nhất. Tư duy tình yêu luôn chấp nhận những khả năng khủng khiếp và ít có cơ hội xảy ra nhất: thất bại không chỉ dành cho “người xấu”.

– Sự kiên nhẫn

Những người có suy nghĩ thiên về lý trí sẽ nhanh chóng đi đến kết luận, còn những người thiên về cảm tính lại dành nhiều thời gian suy nghĩ trước khi đưa ra nhận định của mình. Họ thanh thản đối mặt với những hành vi xấu như: sự đột ngột mất bình tĩnh, một lời buộc tội hồ đồ hay một lời nhận xét khiếm nhã. Dường như việc tự đưa ra những lời giải thích tích cực và thói quen nghĩ tới những khoảnh khắc tốt đẹp trong quá khứ của người khác đã trở thành bản năng của họ. Họ hiểu rõ bản thân mình rằng việc bỏ qua những định kiến tiêu cực là hết sức bình thường, nó chẳng thể khiến họ cảm thấy mệt mỏi hay tuyệt vọng. Sự tự bào chữa cho hành vi của người khác không làm trầm trọng thêm tình trạng tổn thương của họ. Một người đập mạnh tay xuống bàn hoặc hùng hổ tuyên bố một điều gì đó có thể đơn giản là vì họ đang lo lắng, hoảng sợ, đói hay thậm chí là quá nhiệt tình; trong trường hợp đó ta nên thông cảm với họ hơn là ghê tởm họ.

– Có qua có lại

Những người có suy nghĩ thiên về tình cảm cho rằng tất cả mọi người đều có điểm mạnh và điểm yếu của riêng họ. Khi họ phải đối mặt với điểm yếu của mình, họ sẽ không cho đó là việc hoàn toàn bất lợi vì họ biết rằng hầu hết những điều tiêu cực ấy đều sẽ được kết nối với điểm tích cực nào đó ở họ. Họ chăm chỉ tìm kiếm nguồn sức mạnh cho riêng mình mà ở đó những ưu điểm của họ được phát huy gấp đôi. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy những ai có xu hướng không thỏa hiệp, cứng đầu; trong thời điểm khủng hoảng này ta lại thường quên mất đức tính tỉ mỉ và trung thực của họ. Chúng ta có thể hiểu rất rõ bản tính bày bừa của một người nhưng lại bỏ quên khả năng sáng tạo không giới hạn của họ. Không ai là hoàn hảo cả, và cũng không ai là không có điểm tốt nào. Những lời an ủi sinh ra khi con người ta quyết định bỏ qua những điểm yếu của một người. Tình yêu chính là kết quả của việc không ngừng nâng cao nhận thức về sự cảm thông mà “những người không có điểm yếu” không bao giờ có được.

– Ai trong chúng ta cũng từng phạm sai lầm

Yếu tố quan trọng nhất và duy nhất làm nảy sinh tình yêu giữa con người là ý thức rằng tất cả chúng ta đều không hoàn hảo. Kẻ thù của lòng rộng lượng chính là cảm giác cho rằng chúng ta không thể phạm lỗi, nhưng một khi tình yêu đến, nó sẽ giúp ta nhận ra ai cũng có điểm yếu về tâm lý, đều có những phút giây dại khờ. Và sự tin tưởng tuyệt đối vào con người hoàn hảo của chính họ đã biến họ thành những nhà phê bình kệch cỡm.

Nhìn thế giới qua đôi mắt của tình yêu, chúng ta buộc phải thừa nhận rằng trên đời này không có ai sinh ra đã là kẻ xấu, không một ai đáng bị gọi là “quái vật”. Thứ chắc chắn có tồn tại trên đời, sự tức giận, hận thù và chịu đựng, dồn nén quá lâu dẫn đến những hành vi không tốt. Chúng ta không nên chỉ tỏ ra rộng lượng trong ý nghĩ, đây không phải bài tập để rèn luyện chúng ta thành những con người tốt tính, đây là bài tập giúp chúng ta nhìn nhận ra sự thật của vấn đề, những điều chỉ sáng tỏ khi chúng ta đi sâu vào tâm lý con người.

——————–

Link bài gốc: How to Love

Dịch giả: Nguyễn Lê Trâm Anh – ToMo – Learn Something New

Có thể là hình minh họa về một hoặc nhiều người, hoa và văn bản

You may also like

Leave a Comment