Làm sao “hãy là chính mình” khi chưa biết ‘đâu là mình’?

by admin

“Những thực trạng mà chúng ta nhìn thấy ngày nay của con người, của gia đình, của tổ chức và của xã hội là bắt nguồn sâu xa từ việc có quá nhiều thứ chưa được trả lại chân giá trị của nó và có quá nhiều người chưa hiểu đúng và làm tốt những ‘công việc’ của mình. Vậy đâu là chân giá trị của mọi vấn đề, đâu là những ‘công việc’ quan trọng nhất mà nếu được hiểu đúng và làm tốt thì mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn và xã hội cũng sẽ được vận hành một cách văn minh?”

Đúng Việc

“Công việc” của bất kỳ ai trong đời cũng bao gồm làm người, làm dân và làm nghề. Lựa chọn của mỗi người trong từng “công việc” đó sẽ làm nên cuộc đời họ. Bởi lẽ, con người tự do thì khác với con người nô lệ; công dân thì khác với thần dân; ca sĩ thì khác với thợ hát; trí thức thì khác với trí nô; nhà báo thì khác với bồi bút; nhà quản trị thì khác với kẻ cai trị; doanh nhân thì khác với trọc phú hay con buô

Nhưng làm sao lựa chọn nếu không hề biết đến sự tồn tại của những lựa chọn, không rõ đâu là sự khác biệt giữa chúng và đâu là “mình” giữa những lựa chọn đó? Làm sao có thể làm đúng việc khi chưa biết đâu là cái đúng? Làm sao “làm ra chính mình”, làm sao “hãy là chính mình” khi chưa biết “đâu là mình”… Hành trình “tôi đi tìm tôi” đó cũng là câu chuyện khai minh của mỗi con người, mỗi nhà và mỗi xứ sở.

Cuốn sách giúp bạn hiểu cách LÀM NGƯỜI, LÀM DÂN, LÀM VIỆC và LÀM GIÁO DỤC là như thế nào?

Với chủ đề lớn lao mà không kém phần quen thuộc như vậy, cuốn sách “Đúng Việc” của nhà giáo Giản Tư Trung sẽ cùng bạn đọc bàn luận về vai trò của từng người và mọi người trong xã hội. Ông đặt ra nhiều câu hỏi và nhiều vấn đề, chẳng hạn: Thế nào là con người? Thế nào là công dân? Thế nào là “đúng việc” trong các công việc và nghề nghiệp mà mình chọn? Thế nào là thành công? Thế nào là hạnh phúc? Sống để làm gì? Rốt cuộc ý nghĩa của đời ta nằm ở nơi đâu? Thế nhưng, cuốn sách không đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi trên, như tác giả đã chia sẻ, “Đúng Việc” mang tính gợi mở và tranh luận chứ không áp đặt người đọc phải theo bất kỳ một “chân lý” nào. Bởi mặc dù mỗi cá nhân đều có các vấn đề về tiền tài, công danh, tình yêu, tình bạn…, nhưng do tính cách, hoàn cảnh và cuộc đời của họ khác nhau, nên các vấn đề họ gặp phải cũng được cá nhân hóa và phải giải quyết theo những cách riêng biệt. Hành trình khai phóng được nhà giáo Giản Tư Trung trình bày trong cuốn sách này sẽ giúp độc giả tự tìm tòi những giá trị và bài học phù hợp nhất với cuộc đời của mình.

“Đúng Việc” được chia làm bốn phần: Làm người, làm dân, làm việc & làm giáo dục. Các phần lại chia nhỏ thành nhiều nội dung liên quan, và được viết theo cùng lối kiến giải minh triết, chi tiết. Người đọc sẽ bắt gặp không chỉ các quan điểm, trích dẫn mà còn cả câu chuyện của những cá nhân rất đỗi bình thường, mang đến một góc nhìn chân thực, khơi gợi thêm suy ngẫm về những vấn đề rất đời. Đồng thời, “Đúng Việc” đưa ra quy trình năm bước – “Ta là sản phẩm của chính mình” giúp người đọc vận dụng cách tư duy sâu về khai phóng con người vào chính cuộc sống của cá nhân để tìm hiểu bản thân là ai. Mặt khác, “Đúng Việc” không phải một cuốn sách kỹ năng đơn thuần, bởi nó quả thật không dạy người đọc các cách hay mẹo làm tốt công việc, mà nó đưa ra những tư duy nền tảng, chứa đựng những trăn trở, suy ngẫm của một nhà giáo, của một nhà hoạt động giáo dục, nhà nghiên cứu và nhà quản lý tài ba – người luôn đau đáu về giáo dục khai phóng con người.

Mở ra hành trình khai minh gian khó – Bạn đã sẵn sàng?

Có thể khẳng định rằng, chủ đề “đúng việc” này là một chủ đề khó và bao quát gần như toàn bộ xã hội loài người. Cuốn sách của Giản Tư Trung như một cuốn sách giáo khoa về những điều tưởng chừng hiển nhiên (làm người là làm gì?), vẽ ra cho độc giả một cuộc hành trình khai minh bản thân (hay “tự lực khai hóa” như cách nói của Phan Châu Trinh) tưởng dễ mà lại đòi hỏi bao nhiêu thời gian lẫn nỗ lực mới có thể thành công.

Bản thân việc đọc hiểu cuốn sách này đã là một việc không dễ dàng. Ấy không phải là vì văn phong của nhà giáo Giản Tư Trung khó hiểu, mà là vì khối lượng thông tin (gồm cả những triết lý, quan điểm, cái tên hay câu chuyện) khổng lồ của nó dễ khiến độc giả bị “bội thực” nếu họ chỉ biết đọc mà không dành thời gian suy ngẫm về từng vấn đề được đề cập trong trang sách.

Như đã đề cập phía trên, “Đúng Việc” được chia ra làm bốn phần: Làm người, làm dân, làm việc & làm giáo dục. Nhưng làm người là hành trình khai minh gian khó nhất. Tìm hiểu bản thân mình không phải là câu chuyện một sớm một chiều mà xong được. Có người sống cả đời cũng không biết mình là ai, mình muốn gì hay như thế nào là đúng, là sai cũng phải khó khăn phân biệt, để rồi than thở, tự vấn không rõ mình đã sai ở đâu. Do đó, tìm ra đạo sống của mình sẽ là kim chỉ nam cho cuộc hành trình làm người, làm dân và làm việc trong tương lai. Làm người là nền tảng cho mọi “công việc” khác con người phải đảm nhiệm. Một khi đã thực hiện tốt phần làm người thì con người sẽ có cơ sở lựa chọn, hoàn thiện những việc khác sao cho không hổ thẹn với chính mình. 

Antonio Sortino (Behance.net)

Chẳng hạn, khi một người đã có nhận thức về đạo sống của mình và cuộc sống xung quanh, họ sẽ có sự hiểu biết sâu sắc về con người tự do và hiện trạng xã hội mình đang sống. Họ sẽ biết cách nên quản trị xã hội đó và tham gia xây dựng bộ máy quản trị từ những công việc hàng ngày trong vai trò cá nhân. Về phương diện làm việc, cách con người làm người sẽ phản ánh thái độ của họ trong công việc thông qua “đạo nghề”. Một người làm giáo viên vì yêu con người, yêu sự phát triển mỗi ngày của trẻ có xu hướng yêu công việc của mình hơn, được học sinh yêu quý hơn một giáo viên đi làm chỉ vì không còn sự lựa chọn nào khác. Nói cách khác, “đạo nghề” chính là “đạo sống” trong công việc.

Ngoài ra, “đạo sống” còn đặc biệt quan trọng trong hệ thống giáo dục. Như đã đề cập ở trên, “đạo sống” là minh chứng cho việc con người hiểu rõ chính mình và môi trường xung quanh. Do đó, để làm “đúng việc”, các chủ thể giáo dục (nhà nước, nhà trường, nhà giáo, gia đình và người học) cũng phải hiểu rõ công việc của mình, đồng thời biết giành lấy quyền lợi vốn có và trả lại quyền cho các chủ thể khác. Đây là điều kiện tiên quyết cho bất cứ quá trình đổi mới hệ thống giáo dục nào.  

 

Lẽ ra, cái ta phải chọn trước hết là chọn lẽ sống, giá trị sống của mình (tức là chọn cuộc đời để sống, mình phải biết rõ là mình muốn trở thành một con người như thế nào và sống một cuộc đời ra sao); và khi ta đã biết mình sống để làm gì và muốn dùng cuộc đời của mình cho mục đích gì rồi, ta mới chọn công việc, nghề nghiệp, sự nghiệp phù hợp với cuộc đời đó. Đằng này, ta lại nỗ lực đi ‘chọn nghề’ trong khi vẫn còn hết sức mù mờ về ‘chọn đời’, ‘chọn người’, để rồi khi nhận ra rằng ta không tìm thấy con người mình trong cái nghề đó thì bắt đầu mất phương hướng và chán nản. Ngoài ra, cần phải ‘chọn nghề’ trước rồi mới ‘chọn trường’ sau, chứ không phải cứ theo trào lưu rồi chọn những trường mà được mọi người cho là ‘ngon’ để học bốn năm ra trường và đi làm rồi mới chợt nhận ra rằng nghề này không hợp với mình…

 

Tác giả Giản Tư Trung

Đôi nét về giáo sư Giản Tư Trung

Nhà giáo Giản Tư Trung là Chủ tịch sáng lập Học Viện Quản Lý PACE, Viện trưởng Viện Giáo dục IRED, và Phó Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh. Bên cạnh đó, ông còn là người khởi xướng việc xây dựng 3 tủ sách: “Tủ sách Doanh trí” (dành cho doanh giới), “Tủ sách Giáo dục” (dành cho giáo giới), và “Tủ sách Khai phóng” (dành cho đại chúng). “Đúng Việc” là cuốn sách nổi tiếng của ông, được xuất bản năm 2015. Với hơn 150 ngàn bản đã được bán ra sau hơn ba năm ra mắt. 

Thu Trang

You may also like

Leave a Comment