Làm sao ta có thể cùng lúc tin vào cả khoa học lẫn tôn giáo được chứ?

by admin

Freeman Dyson là một nhà toán học và vật lý lý thuyết. Ông đã có nhiều công trình khoa học quan trọng trong điện động lực học lượng tử, vật lý chất rắn, thiên văn, và cả kỹ thuật hạt nhân. Ông đã thống nhất được ba mô hình điện động lực học lượng tử do Feynman, Schwinger và Tomonaga phát minh ra. Ông cũng giành được cả giải Henri Poincaré vì những đóng góp xuất sắc cho vật lý toán học, bên cạnh đó còn có giải Lorentz, giải Max Planck, giải Hughes, và cả giải tưởng niệm J. Robert Oppenheimer. 

Freeman Dyson cũng theo đạo Cơ Đốc phi hệ phái và giành được giải thưởng Templeton dành cho Tiến Bộ Tôn Giáo năm 2000.

Với lý lịch như vậy, chắc chắn ông đủ tư cách trả lời câu hỏi này.

Dưới đây là diễn văn nhận giải của Freeman Dyson vào ngày 20 tháng 5 năm 2000 tại Nhà thờ Quốc Gia Washington.

________

Đầu tiên, xin được gửi lời cảm ơn tới ngày John Templeton và các nhà quản lý của quỹ Templeton vì đã trao cho tôi vinh dự bất ngờ này. Thứ hai, xin được cảm ơn Viện Nghiên Cứu Cao Cấp tại Princeton vì đã ủng hộ tôi trên cương vị Giáo sư Vật lý khi tôi dấn thân vào các hoạt động khác ngoài vật lý. Thứ ba, xin cảm ơn các biên tập viên cùng các nhà xuất bản đã phát hành những cuốn sách của tôi đã giúp tôi có cơ hội được gặp gỡ với công chúng. Thứ tư, xin cảm ơn người vợ cùng cả gia đình tôi vì đã luôn giúp tôi tỉnh táo. Thứ năm, xin cảm ơn Nhà thờ Quốc gia Washington vì đã cho phép chúng tôi dùng tòa nhà tráng lệ này để thực hiện những lễ kỉ niệm.

Ngài John Templeton đã nói rất rõ cho chúng ta biết về mục đích giải thưởng của ông. Ấy là giải thưởng dành cho Tiến bộ về Tôn Giáo. Nhưng chúng ta phải tìm ra được ý nghĩa thực sự của Tiến bộ Tôn giáo. Nói tóm lược thì, những người giành giải trước đây có thể chia làm hai nhóm. Đầu tiên là những công việc thiết thực, chăm sóc cho người ốm đau, hay giúp những người sắp mất giữ được phẩm giá của mình. Nổi bật nhất trong nhóm này có Mẹ Tesera và Cicely Saunders. Thứ hai là nghiên cứu và giảng dạy, giúp đỡ những người theo một tôn giáo nào đó tiếp cận được với Thượng đế nhờ vào tri thức, đồng thời giải thích cho những người không theo đạo hiểu về nền tảng logic của đức tin. Nổi bật trong nhóm này có James McCord và Ian Barbour. Tôi lấy làm vinh dự khi mình được sánh vai cùng những con người tuyệt vời như vậy, một nửa trong số đó là các vị thánh, nửa còn lại lại là những nhà thần học. Tôi chẳng là ai trong số đó cả.

Đối với tôi, làm việc thiện sẽ quan trọng hơn là thần học. Chúng ta đều biết rằng từ xưa đến ngay cả bây giờ, tôn giáo vẫn là nguyên nhân tạo ra những tội ác ghê rợn hay những điều thiện lành cao thượng trong xã hội con người. Chúng ta đã nhìn thấy các cuộc chiến tranh, các đợt đàn áp khủng khiếp được thực hiện nhân danh tôn giáo. Chúng ta cũng chứng kiến rất nhiều người thực hiện những nghĩa cử cao đẹp do ảnh hưởng của tôn giáo, họ mang giáo dục, y tế đến cho người nghèo, xóa bỏ chế độ nô lệ, và giữ vững hòa bình giữa các quốc gia. Tôn giáo có khả năng khuếch đại cái thiện hay cái ác trong tâm hồn mỗi người. Tôn giáo sẽ luôn là một thế lực mạnh mẽ trong lịch sử của chúng ta. Với tôi thì, tiến bộ tôn giáo đơn giản là như vầy, rằng khi chúng ta từ quá khứ tiến đến tương lai, trong số những việc được thực hiện do ảnh hưởng của tôn giáo thì việc thiện sẽ ngày càng nhiều hơn việc ác.

Ngay cả trong thế kỷ 20 đầy kinh hoàng, tôi vẫn được chứng kiến nhiều bằng chứng về tiến bộ tôn giáo. Hai cá nhân tiêu biểu cho cái ác trong thế kỷ này, Adolf Hitler và Joseph Stalin, đều là những kẻ vô thần. Tôn giáo không thể chịu trách nhiệm cho sự tàn bạo của bọn họ được. Và ba người tượng trưng cho cái thiện, Mahatma Gandhi, Martin Luther King và Mẹ Teresa, đều sùng đạo theo những cách rất riêng. Một người anh hùng thầm lặng hơn của Thế chiến thứ Hai ấy là Andre Trocme, mục sư đạo Tin lành làng Le Chambon sur Lignon nước Pháp, người đã cưu mang và cứu sống hơn năm ngàn người Do Thái ngay dưới sự giám sát của cơ quan mật vụ Đức Quốc Xã. Bốn mươi năm sau, một người Do Thái được cứu tên là Pierre Sauvage đã thuật lại câu chuyện về ngôi làng trong bộ phim tài liệu tuyệt vời có tên gọi “Weapons of the Spirit” (tạm dịch – Sức mạnh tinh thần). Dân làng đã chứng minh được rằng sự bất tuân dân sự cũng như kháng cự thụ động có thể trở thành công cụ rất hữu hiệu, ngay cả khi kẻ thù là Hitler. Đức tin đã giúp họ có được sự can đảm cũng như kỷ luật để có thể trụ vững. Tiến bộ tôn giáo tức là, theo thời gian, tôn giáo sẽ giúp đỡ được càng nhiều nạn nhân chống lại những kẻ áp bức hơn.

Đối với Ian Barbour, người giành được giải Templeton năm ngoái thì tôn giáo là một đam mê đầy tri thức. Còn với tôi, nó đơn giản là một phần tạo nên con người. Gần đây tôi có ghé thăm nhà thờ Imani ở Trenton vì con gái tôi, một mục sư Trưởng Lão, tình cờ đang thuyết giảng ở đó. Imani là một nhà thờ nội thành với giáo đoàn chủ yếu là người da màu, mục sư của họ cũng là người da màu. Mọi người tới đó không chỉ để thể hiện lòng thành kính đến thượng đế mà còn để tận hưởng một khoảng thời gian tuyệt vời. Buổi lễ không hề câu nệ hình thức và dàn hợp xướng thật tuyệt vời. Khi tôi ở đó, họ đã rửa tội cho bảy em bé, sáu em da đen, một em da màu. Lần lượt từng em bé được đưa ra và trao tay để mọi người cùng ôm hôn. Các nghiên cứu xã hội chỉ ra rằng tội ác xảy ra tại vùng lân cận nhà thờ Imani ít hơn bất kỳ nơi nào khác trong thành phố. Sau khi kết thúc buổi lễ hai tiếng đó, mọi người chuyển sang căn phòng kế bên và cùng dùng bữa trưa. Với tôi, được ăn uống cùng nhau còn quan trọng hơn là tranh luận về đức tin. Theo sách phúc âm, Chúa Jesus cũng nghĩ như vậy.

Tôi thấy thỏa mãn khi mình là một trong số rất nhiều tín đồ Công Giáo không quá quan tâm tới giáo lý về Chúa Ba Ngôi hay sự thật về các bản phúc âm. Dù là với tư cách nhà khoa học hay một người theo đạo, tôi cũng đã quá quen phải sống với những điều bất định. Khoa học rất hấp dẫn bởi nó chứa đựng rất nhiều những bí ẩn chưa được giải mã, và với lý do tương tự, tôn giáo cũng rất hấp dẫn. Những bí ẩn tuyệt vời nhất chưa được giải đáp ấy là thắc mắc liên quan tới sự tồn tại của chúng ta – những sinh vật có ý thức sống ở một góc nhỏ bé trong vũ trụ rộng lớn này. Tại sao chúng ta lại ở đây? Vũ trụ này liệu có chứa đựng mục đích gì không? Tri thức của chúng ta về điều thiện và cái ác có từ đâu chứ? Các câu hỏi đó, cùng hàng ngàn thắc mắc tương tự đều nằm ngoài khả năng của khoa học. Song chúng đều nằm trong phạm vi của tôn giáo.

Thuyết thần học cá nhân của tôi được nêu trong các bài giảng Gifford tôi trình bày tại Aberdeen, Scotland vào năm 1985, và được xuất bản với tựa đề Infinite In All Directions (tạm dịch: Vô hạn theo mọi hướng). (TN: Các bài giảng Gifford là một sáng kiến theo di chúc của Huân tước Adam Gifford (mất năm 1887) nhằm “khuyến khích và truyền bá những nghiên cứu về thần học tự nhiên hiểu theo nghĩa rộng nhất của thuật ngữ này – nói một cách khác là tri thức của Chúa).

Tổng kết lại một chút tôi thấy như sau. Vũ trụ đã chỉ ra nhiều bằng chứng về hoạt động của tâm thức ở ba cấp độ. Cấp độ một là các quá trình vật lý cơ bản, như chúng ta đã được biết hồi nghiên cứu về nguyên tử trong phòng thí nghiệm. Cấp độ hai là trải nghiệm trực tiếp của chúng ta đối với tâm thức của chính bản thân mình. Cấp độ ba là tổng thể cả vũ trụ. Trong phòng thí nghiệm, nguyên tử là những thứ thật kỳ lạ. Chúng giống chất hoạt động hơn là chất trơ và sẽ thực hiện những việc không thể đoán trước được trong số các khả năng tuân theo định luật về cơ học lượng tử. Hóa ra, theo nghĩa nhất định nào đấy, tâm thức được đặc trưng bằng khả năng lựa chọn của chúng ta lại hiện diện trong từng nguyên tử. Toàn bộ vũ trụ này, với những định luật tự nhiên cùng khả năng trở nên thân thiện với tâm thức, cũng thật kỳ lạ. Tôi không cố ý phân biệt rạch ròi tâm thức với Thượng đế đâu nhé. Khi đã vượt ra khỏi tầm lãnh hội của chúng ta, tâm thức sẽ trở thành Thượng đế. Thượng đế có thể là một Đại hồn hay một nhóm Đại hồn. Vì lẽ đó, tôi cho rằng nguyên tử, con người, hay Thượng đế có thể có tâm thức ở các cấp độ khác nhau, song lại không khác biệt về yếu tính. Nói sơ bộ thì, chúng ta ở giữa tính bất định của nguyên tử và tính bất định của Thượng đế. Nguyên tử là những mảnh ghép nhỏ trong cỗ máy tư duy của chúng ta và chúng ta là những mảnh ghép nhỏ trong cỗ máy tư duy của Thượng đế. Tâm thức của mọi người đều có thể nhận tín hiệu từ nguyên tử hay từ Thượng đế. Quan điểm về vũ trụ này có thể không chính xác, nhưng nó lại tương đồng với bản chất hoạt động của nguyên tử mà ta đã khám phá được trong vật lý hiện đại. Tôi không nói rằng thuyết thần học cá nhân này có bằng chứng khoa học rõ ràng. Tôi chỉ bảo rằng nó đồng nhất với các bằng chứng khoa học thôi nhé.

Tôi không nói mình có thể năng đọc được suy nghĩ của Thượng đế. Tôi chỉ chắn chắn điều này. Khi chúng ta ngắm nhìn vẻ huy hoàng của các vì sao, các thiên hà trên bầu trời, cũng như vẻ rực rỡ của những bông hoa, những cánh rừng trên thế giới, ta thấy được bằng chứng chỉ ra rằng Thượng đế rất thích sự đa dạng. Có lẽ vũ trụ được xây dựng theo một nguyên lý cực đại sự đa dạng. Nguyên lý đó nói rằng các quy luật tự nhiên, và các điều kiện ở thời điểm ban đầu như vậy là để làm cho vũ trụ của chúng ta thật hấp dẫn. Từ đấy có sự sống, song không dễ dàng đến vậy đâu. Cực đại đa dạng thường sẽ dẫn đến cực đại áp lực mà. Sau cùng, suýt soát lắm chúng ta mới có thể tồn tại được. Đây là lời tuyên xưng về đức tin của một kẻ dị giáo khoa học. Có lẽ tôi nên lấy việc chúng ta không còn thiêu sống những kẻ dị giáo nữa để làm bằng chứng cho sự tiến bộ tôn giáo.

Về cá nhân tôi, vậy là đủ rồi. Bây giờ xin cho phép tôi nói về sự biến đổi lớn lao trong thế giới tương lai của chúng ta. Trong suốt lịch sử, chung ta đã thay đổi thế giới bằng công nghệ của mình. Công nghệ có thể được chia làm hai loại, xanh và xám. Công nghệ xanh bao gồm hạt giống và cây trồng, những vườn nho, vườn cây ăn quả, những loại lợn, bò, và ngựa thuần hóa, sữa và pho mát, da và len. Công nghệ xám là đồng và thép, giáo mác và súng, than và dầu hay điện, ô tô, máy bay, tên lửa, điện thoại di động, máy tính. Mười ngàn năm trước, nền văn minh bắt đầu với công nghệ xanh, với nông nghiệp, chăn nuôi. Và rồi, cách đây khoảng ba ngàn năm, công nghệ xám dần nhen nhóm với các ngành khai thác, luyện kim, và máy móc. Trong vòng năm thế kỷ gần đây, công nghệ xám đã phát triển vượt trội và khai sinh ra thế giới hiện đại với những thành phố, nhà máy, các siêu thị.

Sự thống trị của công nghệ xám giờ đã sắp kết thúc. Trong vòng năm mươi năm qua, chúng ta đã có được hiểu biết cơ bản về quá trình diễn ra trong tế bào sống. Hiểu biết sẽ giúp chúng ta có khả năng khai thác và kiểm soát. Song song với tri thức có được nhờ sinh học hiện đại, vi sinh học hiện đại cũng dần phát triển. Công nghệ xanh sẽ cho chúng ta sức mạnh chỉ với nguồn năng lượng duy nhất là ánh sáng mặt trời và nguyên liệu là không khí, nước, và đất đai để sản xuất cũng như tái chế hầu hết các loại hóa chất. Công nghệ xám liên quan tới cơ khí hay điện toán sẽ không biến mất, nhưng công nghệ xanh sẽ phát triển nhanh hơn nữa. Công nghệ nghệ xanh sẽ trở nên sạch sẽ hơn, linh động và ít lãng phí hơn so với những ngành công nghệ hóa học hiện có. Rất nhiều loại sản phẩm công nghiệp có thể được trồng thay vì được chế tạo ra. Công nghệ xanh có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu của con người đồng thời gây ít tác động hơn nhiều. Đồng thời công nghệ xanh có thể tạo nên sự cân bằng tuyệt vời, giúp những vùng nhiệt đới nhiều nắng nóng, đông dân cư và đặc biệt là nhiều người nghèo được phát triển. Tôi cho rằng công nghệ xanh có thể làm được tất cả những điều này, giúp những vùng nhiệt đới phát triển, đem đến cơ hội kinh tế cho những ngôi làng, đồng thời thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Tôi không nói là công nghệ xanh sẽ làm được tất cả những việc tốt đẹp này nhé. “Khả năng” không đồng nghĩa với “chắc chắn”. Để làm được, chúng ta không chỉ cần công nghệ mới mà còn cần cả tới sự hỗ trợ về chính trị và kinh kế giúp cho mọi người trên toàn cầu có khả năng tiếp cận. Để làm được, chúng ta cần có sự thôi thúc lương tâm mạnh mẽ. Chúng ta cần tới sự đồng thuận trong dư luận quốc tế rằng không thể chấp nhận được sự mất cân đối lớn trong việc phân bổ tài sản hiện nay. Để có được sự đồng thuận đó, tôn giáo cần đóng một vai trò quan trọng. Chỉ riêng khoa học hay tôn giáo thì không thể đủ sức đem lại công bằng xã hội đến cho nhân loại đâu, nhưng nếu hai thứ kết hợp lại với nhau thì có thể đấy. Chúng ta đều biết rằng công nghệ xanh có mặt tối của nó, cũng như công nghệ xám vậy. Ngoài điện thoại, công nghệ xám còn tạo ra bom khinh khí. Ngoài thuốc kháng sinh, công nghệ xanh còn tạo ra bom khuẩn than. Bên cạnh sự nguy hiểm của vũ khí sinh học, công nghệ xanh cũng gây ra nhiều mối nguy khác ngoài các loại vũ khí. Hiểm họa tuyệt đối của công nghệ xanh đến từ khả năng thay đổi tận gốc loài người nhờ sử dụng kỹ thuật gen để biến đổi phôi thai. Nếu ta cho phép thị trường gen người tự do hoạt động, các bậc phụ huynh giàu có sẽ có thể mua được những loại gen ưu việt cho con của mình. Điều này có thể sẽ khiến nhân loại bị phân chia thành các chế độ đẳng cấp cha truyền con nối. Trong vòng vài thế hệ, con cái của người giàu và người nghèo có thể trở thành các loài khác biệt với nhau. Nhân loại có thể sẽ thoái lui trở lại xã hội nô lệ. Dù có tin tưởng mạnh mẽ vào nền kinh tế thị trường tự do tới đâu chúng ta cũng không nên cho phép buôn bán gen người.

Vài tuần trước, tôi có dự một thánh lễ ở nhà thờ thánh Stephen tại Anh quốc. Ở Princeton tôi là Trưởng Ião, nhưng tại Anh tôi là người Công giáo vì tôi dự Thánh lễ với chị gái mình. Trích đoạn trong sách Phúc âm của Thánh Matthew kể lại câu chuyện chúa Jesus giận dữ đuổi những thương nhân và người đổi tiền ra khỏi nhà thờ, Người lật đổ bàn của người đổi tiền và làm tiền xu vương vãi trên sàn nhà. Chúa Jesus không phản đối tư bản và mục đích lợi nhuận, chỉ cần các hoạt động kinh tế diễn ra bên ngoài nhà thờ. Trong Dụ ngôn Yến bạc, Người đã khen ngợi người đầy tớ dùng tiền của chủ nhân để tạo ra các khoản đầu tư sinh lời, và phê bình người đầy tớ quá nhút nhát không dám đầu tư. Nhưng Người đã vạch ra ranh giới rất rõ ràng ở ngưỡng cửa nhà thờ. Ấy là thánh địa của Thượng đế và mọi hoạt động kiếm lời cần phải dừng lại.

Khi nghe được trích đoạn này, tôi tự hỏi liệu Người sẽ nổi giận với việc buôn bán cơ thể và gen người tới mức nào. Vào thời của Người và kể cả tới nhiều thế kỷ sau đó, vẫn tồn tại thị trường buôn bán cơ thể con người mà. Thể chế nô lệ xuất phát từ quyền của chủ nô, quyền đó cho phép họ được bán tài sản của mình trên thị trường. Mãi tới tận phong trào bãi nô thế kỷ 19, dưới sự dẫn dắt của Giáo hữu hội (Quaker) cùng các tín đồ, nhân loại mới thiết lập được sự đồng thuận không cho phép buôn bán cơ thể con người. Cơ thể ấy là đền thờ của Thượng đế chứ không phải thứ hàng hóa thương mại nào cả. Và giờ đây vào thế kỷ 21, vì sự bình đẳng và lòng bác ái của nhân loại, chúng ta cần duy trì nguyên tắc không cho phép thị trường được phép buôn bán gen người. Hãy cùng nhau hi vọng rằng chúng ta có thể đạt được đồng thuận về vấn đề này mà không phải gây ra một cuộc chiến nào khác. Các nhà khoa học cùng tín đồ tôn giáo, các bác sĩ và luật sư cần hợp tác với nhau dựa trên sự tôn trọng để đạt được sự đồng thuận cũng như quyết định xem giới hạn của nhà thờ kia sẽ được vạch ra tại đâu.

Cũng như nhiều công nghệ mới được sản sinh từ tri thức khoa học, công nghệ sinh học là công cụ mạnh mẽ có thể được sử dụng cho mục đích thiện hay ác. Đạo đức sẽ giúp chúng ta củng cố cái thiện đồng thời tránh xa cái ác. Tôi đã nhìn ra một điều thiện to lớn của công nghệ sinh học trong thế kỷ tới, đầu tiên là giảm thiểu đau đớn cho con người nhờ sự phát triển của dược liệu, thứ hai là thay đổi trong nền kinh tế toàn cầu khi công nghệ xanh giúp phân phối nền kinh tế theo cách bình đẳng hơn. Hai điều ác cần được nghiêm cấm ấy là vũ khí sinh học và sự biến đổi trong bản chất con người khi mua bán gen. Tôi chẳng thấy có lý do khoa học nào khiến chúng ta không nên hiện thực hóa điều thiện và nghiêm cấm điều ác. Rào cản lớn nhất khi thực hiện điều thiện lại là chính trị hơn là kỹ thuật. Không may là rất nhiều người ở nhiều quốc gia phản đối mạnh mẽ công nghệ xanh vì một cơ số lí do rất ít liên quan tới hiểm họa thực sự. Quan trọng là cần phải tôn trọng đối thủ của mình, chú ý tới những lo lắng, sợ hãi của họ, và nhẹ nhàng tiếp cận với thế giới công nghệ xanh mới mẻ để cả phẩm giá con người cũng như đức tin tôn giáo không bị xâm phạm. Nếu có thể hành xử một cách nhẹ nhàng, trong vòng 100 năm chúng ta sẽ có cơ hội thực hiện được mục tiêu về cân bằng sinh thái và bình đẳng xã hội nhờ công nghệ xanh.

Giờ đây tôi chỉ còn năm phút để gửi tặng mọi người một thông điệp. Thông điệp rất đơn giản thôi. “Thượng đế ngăn cấm chúng ta tiết lộ giấc mơ về một hình ảnh thế giới trong tưởng tượng của mình”. Một trong những người sáng lập ra khoa học hiện đại, Francis Bacon đã phát biểu như vầy bốn trăm năm trước. Bacon là một trong những người thông minh nhất vào thời đại của ông, có lẽ chỉ xếp sau William Shakespeare. Ông đã thấy được rất rõ ràng những gì khoa học có thể và không thể thực hiện. Ông tuyên bố với các triết gia, các nhà thần học vào thời của mình rằng: hãy tìm kiếm Thượng đế trong các chân lý về tự nhiên, thay vì trong lý thuyết của Plato hay Aristotle. Và tôi sẽ nói với các triết gia, và các nhà thần học hiện đại rằng: đừng cho rằng những ý tưởng mới nhất về Big Bang hay gen người đã có thể giải quyết được bí ẩn của vũ trụ hay của cuộc sống. Xin được trích lại lời Bacon: “Sự vi tế của tự nhiên còn lớn hơn nhiều sự vi tế của các giác quan hay tri thức”. Trong bốn trăm năm vừa rồi, khoa học đã thực hiện được nhiều ước mơ của Bacon, nhưng vẫn chưa thể nắm bắt được sự vi tế của tự nhiên. Bàn tán về cái kết của khoa học chỉ cũng ngớ ngẩn hệt như bàn về cái kết của tôn giáo. Khoa học hay tôn giáo đều còn rất gần với điểm khởi đầu của mình, và ta chưa thể hình dung gì về cái kết. Cả hai đều mang sứ mệnh phát triển và thay đổi trong hàng ngàn năm ở phía trước chúng ta, có lẽ sẽ giải quyết được nhiều vấn đề cũ và còn khám phá ra được nhiều bí ẩn mới mà ta chưa biết gì. Sau khi tóm lược về chương trình cho sự phát triển của khoa học mà mình đã tiên đoán được, Bacon kết thúc câu chuyện của mình bằng một lời cầu nguyện:

“Chúng con tha thiết mong cầu rằng tâm trí này sẽ luôn kiên định, và nhờ vào đôi tay này của chúng con, cũng như đôi tay của những ai được Người trao cho tinh thần quý báu ấy, Người sẽ ban cho gia đình nhân loại thật nhiều tình thương”. Ấy vẫn là một lời cầu nguyện tốt đẹp cho tất cả chúng ta khi bước vào thế kỷ 21.

Khoa học và tôn giáo là hai cánh cửa sổ để mọi người nhìn vào, và cố hiểu được vũ trụ rộng lớn ngoài kia cũng như tìm hiểu xem tại sao chúng ta lại ở đây. Mỗi cửa sẽ có một góc nhìn khác nhau, nhưng đều soi ra cùng một vũ trụ. Và cả hai đều chỉ là một phía, không có bên nào trọn vẹn hết. Cả hai đều lược bỏ đi nhiều yếu tính của thế giới thực. Cả hai đều đáng được trân trọng.

Mọi chuyện chỉ phát sinh khi khoa học hay tôn giáo tuyên bố về quyền hạn phổ quát của mình, khi bên nào tuyên bố giáo lý của mình là không thể sai sót. Những người theo thuyết sáng tạo tôn giáo hay người duy vật khoa học đều giáo điều hay vô cảm như nhau hết. Bằng sự ngạo mạn của mình, họ làm ô danh cả khoa học lẫn tôn giáo. Truyền thông đã thổi phồng quá mức con số cũng như mức độ quan trọng của họ. Truyền thông không nêu lên một thực tế rằng phần đông những người tôn giáo đều thuộc các giáo đoàn ôn hòa và rất coi trọng khoa học, hay phần lớn các nhà khoa học cũng tôn trọng tôn giáo khi tôn giáo không nói về khả năng của mình với các vấn đề khoa học. Trong khu Princeton nhỏ bé nơi tôi sống, chúng tôi có hơn hai mươi nhà thờ và ít nhất một hội đường Do Thái, từ đó cho phép mọi người thể hiện đức tin dưới các hình thức khác nhau. Các địa điểm đó đã giúp gắn kết cộng đồng mạnh mẽ hơn bất kỳ tổ chức nào khác trong khu vực. Trong cộng đồng được tạo dựng dựa trên truyền thống tôn giáo, truyền thống đùm bọc bác ái này, có một cộng đồng nhỏ các nhà khoa học chuyên nghiệp phát triển dần.

Tôi nhìn vào cộng đồng Princeton dễ mến được Enstein mô tả là “cổ kính và nhiều nghi lễ, chứa đầy các vị bán-thần” này. Giờ đây tôi lại nhìn vào cộng đồng của các nhà ngân hàng, các giáo sư và hỏi xem, liệu chúng ta có thể làm gì để giảm bớt sự khốn khổ của nhân loại ở thế giới ngoài kia. Câu hỏi vĩ đại dành cho thời của chúng ta ấy là, làm sao ta đảm bảo được rằng các phát triển của khoa học sẽ đem lại lợi ích cho tất cả mọi người hơn là chỉ nới rộng khoảng cách giàu nghèo. Để nâng đỡ các nước nghèo, cũng như những người nghèo tại các quốc gia giàu có, để giúp họ có được một cuộc sống tốt thì công nghệ là không đủ. Công nghệ cần được đạo đức dẫn đường, chỉ lối nếu muốn làm được điều gì khác ngoài tạo ra thêm những món đồ cho người giàu. Các nhà khoa học cũng như chủ doanh nghiệp quan tâm tới bình đẳng xã hội cần chung tay với các tổ chức về môi trường, tôn giáo để giúp đạo đức có được sức mạnh chính trị. Khoa học và tôn giáo cần hợp tác cùng nhau nhằm xóa bỏ những bất bình đẳng trong thế giới hiện đại. Ấy là tầm nhìn của tôi, cũng là tầm nhìn của Francis Bacon bốn trăm năm trước khi ông cầu nguyện rằng thông qua khoa học, Thượng đế sẽ “ban phát lòng nhân từ cho gia đình nhân loại”.

Theo: Vũ Cường

You may also like

Leave a Comment