Làm sao ta có thể làm chủ ngôn ngữ mới nhanh chóng?

by admin

Đa phần các khóa học sẽ cho bạn cảm giác rằng mình đang học một ngôn ngữ, song nếu muốn học nhanh thì, bạn phải tuân thủ năm nguyên tắc sau:

Nguyên tắc 1: Những từ thường được dùng

Nguyên tắc Pareto do Tim Ferriss đưa ra, nói rằng có 20% số việc ta làm sẽ mang lại 80% kết quả. Nguyên tắc này có thể áp dụng với việc học một ngôn ngữ bằng cách tập trung vào những yếu tố thường được sử dụng của một ngôn ngữ. Mọi người đồng ý rằng đa phần các ngôn ngữ có không quá 500 – 1500 từ được dùng thường xuyên.

Đại học Brigham Young tiến hành một nghiên cứu lớn chỉ ra là chỉ cần nắm được khá ít từ thường dùng, ta có thể làm chủ một ngôn ngữ:

Số Từ || Level

250 || Cốt lõi cơ bản của một ngôn ngữ

750 || Hằng ngày mọi người đều dùng

2.500 || Có khả năng biểu đạt bất kỳ điều gì

5.000 || Người bản ngữ không có Giáo dục Bậc Cao

10.000 || Người bản ngữ có Giáo dục Bậc Cao

20.000 || Đọc và Hiểu được bất kỳ văn bản nào

Và bảng sau thể hiện Quy luật Hiệu suất giảm dần đối với việc học ngôn ngữ:

Từ thường được dùng || Mức độ hiểu biết

1000 || 76% các loại phi hư cấu; 79,6% các loại hư cấu; 87,8% các cuộc đối thoại

2000 || 84% các loại phi hư cấu; 86,1% các loại hư cấu; 92,7% các cuộc đối thoại

3000 || 88,2% các loại phi hư cấu; 89,6% các loại hư cấu; 94% các cuộc đối thoại

_____
Học được 1000 từ thường dùng cho phép ta lãnh hội được gần 90% các cuộc đối thoại đấy, trong khi tiếp thu thêm 1000 hay 2000 từ nữa chỉ gia tăng khả năng hiểu một chút thôi. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý, ấy là 1000 từ thường dùng chứ không phải những từ được chọn ngẫu nhiên sao cho dễ giảng dạy và học (giống như những từ vựng được dùng trong phần lớn các tài liệu học tập).

Song nếu bạn lập ra một danh sách những từ được nói nhiều nhất, bạn sẽ thấy rằng đa phần trong đó là các giới từ, mạo từ, hay đại từ, ví dụ như or, for, on, he, the, và but. Dù rất phổ biến, song những từ này không bao quát được mức ý nghĩa lớn cho lắm. Nếu bạn loại bỏ chúng khỏi câu, ý nghĩa chung thường sẽ vẫn rõ ràng. Ngữ nghĩa thực sự thường nằm trong động từ, danh từ, và tính từ. Vì thế, ta nên tập trung vào những từ thường được dùng và bao quát ý nghĩa ấy, hay trong trường hợp này là các động từ, danh từ và tính từ phổ biến.

Khi đã nắm được những từ phổ biến mang nhiều ý nghĩa rồi, ta sẽ dễ dàng học thêm được những từ khác. Cũng như chơi Chiếc nón kỳ diệu vậy thôi. Vài chữ cái quan trọng sẽ giúp bạn đoán được ra các chữ còn lại.

__

Nguyên tắc 2: Bắt đầu từ cốt lõi, không phải từ ‘rìa’

Đa phần các tài liệu học tập sẽ dạy bạn cách nói các từ và câu mà bạn thường sẽ không dùng ở ngoài phạm vi khóa học. Bạn sẽ học những từ vựng như bia, khách sạn, con chó, vv, vậy thì cũng không thực sự hữu ích đâu.

Bạn nên tập trung vào những động từ cốt yếu và những danh từ đa mục đích. Động từ cốt yếu sẽ kết hợp được với bất kỳ chủ ngữ nào. Đa phần các khóa học đều tránh việc tập trung vào động từ lúc đầu bởi như thế sẽ rất phức tạp vì chúng còn liên quan tới việc chia động từ. Hơn nữa, các động từ thường được dùng thường là động từ bất quy tắc nên lại càng rắc rối hơn.

Mỗi người có một nhu cầu ngôn ngữ khác nhau tùy thuộc vào sở thích của mình. Ngôn ngữ của một nhạc công sẽ với ngôn ngữ của một kỹ sư hay một doanh nhân. Điểm chung của họ ấy là phần cốt lõi, còn phần ‘rìa’ lại khác biệt. Khi học về phần lõi bạn có thể đối thoại ngay lập tức đồng thời điều chỉnh sao cho phù hợp với bản thân mình.

Thử tưởng tượng bạn đang xây một tòa nhà. Đầu tiên bạn sẽ chuẩn bị phần móng sau đó tạo nên khung nhà bằng thép. Khi đang ở thời điểm này, trông có vẻ không giống tòa nhà mà bạn hay thấy cho lắm vì không có tường, không cửa sổ và chẳng được trang trí gì. Tuy nhiên, đó sẽ là thứ cần thiết trước khi bạn định tạo nên một ngôi nhà hoàn chỉnh. Với ngôn ngữ cũng vậy. Đầu tiên, bạn tạo nên một nền tảng vững chắc hợp thành bởi những từ cốt lõi. Khi đã xong việc này, bạn có thể dễ dàng thêm yếu tố thẩm mỹ vào. Nhiều khóa học sẽ cung cấp cho bạn thứ gì đó có vẻ giống một ngôi nhà hoàn chỉnh, song lại không hề có nền móng vững chắc.

__

Nguyên tắc 3: Cả việc học ‘thẩm thấu’ lẫn có phân tích đều rất quan trọng

Thường sẽ có hai cách để học thứ gì đó: thẩm thấu và phân tích. Thẩm thấu tức là học giống như trẻ con, đặt mình vào trong môi trường và tiếp thu kiến thức bằng trực giác. Cách này không cần phải xem xét về những nguyên tắc hay giải thích. Học sinh sẽ học bằng cách lắng nghe, quan sát, và tạo ra liên kết trong đầu. Học phân tích là cách học hàn lâm hơn, bạn cần hiểu được các cấu trúc và nguyên tắc của một ngôn ngữ, lý do cho việc có những thứ nhất định được nói theo cách này chứ không phải cách khác.

Ví dụ, Rosetta Stone dùng cách học thẩm thấu còn sách giáo trình lại dùng cách học phân tích. Có nhiều người dùng Rosetta Stone bộc lộ sự thất vọng vì họ không hiểu tại sao có những từ dùng thế này trong bối cảnh này nhưng trong bối cảnh khác lại dùng một từ khác có cùng định nghĩa. Các hệ thống kiểu này không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào từ đó dễ khiến người ta bỏ học ngang chừng. Tương tự, có nhiều học sinh học ngôn ngữ ở trường nhiều năm trời theo cách phân tích và vẫn chẳng thể giao tiếp nổi.

Việc dùng cả hai phương pháp là rất quan trọng. Học thẩm thấu là cần thiết song việc hiểu được nguyên tắc ở đây cũng cần nếu mục đích của bạn là thực sự học được một ngôn ngữ chứ không phải chỉ giả vờ là bạn biết nó.

__

Nguyên tắc 4: Tối thiếu hóa việc ghi nhớ

Một trong những lý do quan trọng nhất khiến người ta ngừng học ngôn ngữ ấy là phải ghi nhớ quá nhiều. Bạn nên giới hạn số từ mới mình học trong một buổi là từ 7 đến 12 từ. Việc tập trung vào những từ thường dùng sẽ quan trọng hơn là ghi nhớ một danh sách dài dằng dặc những từ hiếm khi dùng.

Từng đó từ có thể được dùng theo những cách rất khác biệt để tạo ra nhiều loại câu khác nhau. Sau một thời gian ngắn chỉ cần ghi nhớ rất ít, bạn sẽ thấy rằng mình có thể dụng được rất nhiều loại từ và câu phổ biến để giao tiếp.

Bạn có thể coi những từ ít ỏi đó là nốt nhạc, còn những cụm từ bạn tạo ra nhờ đó là các thang âm. Từ việc thành thục các thang âm nhỏ, bạn có thể tạo chơi được cả một bản nhạc đấy.

__

Nguyên tắc 5: Chuyển đam mê trong hành động thành đam mê với ngôn ngữ

Ngoài những từ ý nghĩa thường được dùng nhất, ngôn ngữ từng người sử dụng sẽ có sự khác biệt tùy thuộc vào tính cách của họ. Dù phần lõi sẽ là như nhau với hầu hết mọi người, song phần ‘rìa’ sẽ khác đấy.

Khi đã học được những từ ý nghĩa thường dùng nhất bạn có thể học những từ ở phần ‘rìa’ thuộc lĩnh vực mà mình ưa thích. Nếu bạn là nhạc công bạn có thể học các từ vựng liên quan tới thuật ngữ âm nhạc. Bạn sẽ học rất nhanh thôi vì đam mê với lĩnh vực đó sẽ được chuyển thành đam mê với ngôn ngữ.

Áp dụng năm nguyên tắc này, bạn sẽ học được bất kỳ ngôn ngữ nào một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Theo: Vũ Cường

You may also like

Leave a Comment