Có một bài tập tập trong chương trình huấn luyện của SEAL có tên là down-proofing. Người ta sẽ trói chặt tứ chi bạn lại rồi quăng bạn xuống một cái hồ nước sâu khoảng 3 m. Nhiệm vụ của bạn là sống sót trong vòng 5 phút.
Giống như hầu hết các chương trình huấn luyện của SEAL, gần như mọi sĩ quan đều không vượt qua bài drown-proofing này. Khi họ bị quăng xuống nước, nhiều người bắt đầu hoảng sợ và hét lên muốn được kéo trở vào. Một số thì cố gắng vật lộn tới khi họ chìm xuống nước, bắt đầu mất ý thức và phải nhờ tới cứu hộ kéo lên. Thậm chí, đã từng có một vài thực tập sinh mất mạng trong bài tập này.
Nhưng một số thì thành công. Và họ thành công không phải vì họ có khả năng bơi lội siêu phàm như Aquaman. Họ thành công vì họ đã không bơi.
Khi bị trói chặt tay chân thì không ai có thể giữ cho mình nổi trên mặt nước quá năm phút. Nghịch lý của bài tập này là khi cảm thấy mình sắp chết chìm, bản năng sinh tồn của bạn sẽ khiến bạn sẽ cảm thấy vô cùng hoảng loạn và muốn vùng vẫy để thoát khỏi tử thần. Nhưng càng vùng vẫy để khỏi chết chìm, bạn lại càng cạn kiệt sức lực và chìm xuống nhanh hơn.
Bí quyết ở đây không phải là làm thế nào để không chìm, mà là cho phép cơ thể bạn chìm xuống. Những người chiến thắng chỉ đơn giản là đã thả lỏng để cho bản thân mình chìm xuống đáy. Từ đó, họ nhẹ nhàng đạp chân đẩy mình khỏi sàn bể một chút và động lượng sẽ đưa họ lên trên mặt nước. Một khi tới đó, họ lấy một hơi thở nhanh và làm lại quá trình ấy một lần nữa. Cứ thế, họ vượt qua bài tập một cách nhẹ nhàng trong khi những kình ngư hàng đầu quân đội đang được hô hấp nhân tạo để tỉnh lại.
Thật lạ, sống sót qua quá trình drown-proofing không cần bạn phải có thể lực hay sức chịu đựng của một siêu nhân. Bạn thậm chí chẳng cần phải biết bơi. Ngược lại, nó đòi hỏi khả năng không bơi. Thay vì cố gắng chống lại những quy luật vật lý mà dường như sẽ giết chết bạn, hãy đầu hàng chúng và sử dụng chúng để cứu chính mình.
Không chỉ là một bài kiểm tra thể lực, drown-proofing là bài kiểm tra khả năng kiểm soát cảm xúc của mỗi sĩ quan trong những tình huống nguy hiểm nhất. Liệu anh ta có thể kiểm soát được sự thúc giục trong bản thân mình? Liệu anh ta có thể thả lỏng người trong thời khắc đối mặt với tử thần? Liệu anh ta sẽ sẵn lòng liều mạng để phục vụ những giá trị hay mục tiêu cao cả hơn?
Những kỹ năng ấy quan trọng hơn rất nhiều so với khả năng bơi lội của bất cứ sĩ quan nào. Chúng quan trọng hơn sự dẻo dai, sức bền thể lực, hay tham vọng của anh ta. Chúng quan trọng hơn trí thông minh của anh, ngôi trường anh ta học, hay vẻ đẹp trai khi anh ta diện bộ suit Ý bóng loáng.
Tôi nghĩ rằng việc sống theo cách mình muốn cũng như vậy. Để có thể vượt qua những sóng gió trong cuộc sống không cần phải có tài năng hay nghị lực phi thường như người ta vẫn nói. Cái mà chúng ta cần thực ra là sự chấp nhận và buông bỏ. Kỹ năng này – khả năng từ bỏ những thôi thúc của bản năng khi chúng trở nên dữ dội nhất – là một trong những kỹ năng quan trọng nhất một người có thể phát triển. Nó quan trọng không chỉ cho SEAL, mà còn cho cả cuộc sống¹.
KHI BẠN RƠI XUỐNG NƯỚC
Nếu như bạn quan tâm tới bài viết này, tôi đoán là bạn đang ghét cuộc sống của mình.
Ít nhất là bạn đang ghét một phần nào đó trong cuộc sống của mình. Có thể bạn đang phải làm công việc mà bạn không thích. Có thể bạn mắc kẹt trong một mối quan hệ hoặc mắc kẹt trong việc không thể có một mối quan hệ nào. Có thể bạn dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội và thấy phát ngán với nó nhưng không thể rời bỏ nó. Hoặc phòng của bạn bừa bộn như chuồng lợn và đã 3 tuần bạn không tắm nhưng vẫn đang ngồi ngoáy mũi.
Bạn thấy chán cuộc sống của mình, nhưng bạn vẫn cứ sống như thế. Có lúc bạn muốn thay đổi hoàn cảnh của mình nhưng mỗi khi định bắt đầu, bạn lại thấy sợ hãi và trì hoãn những kế hoạch của mình. Đôi khi bạn gom góp đủ ý chí để bắt đầu những kế hoạch thay đổi của mình sau khi được truyền cảm hứng từ đâu đó, kiểu như dậy từ lúc bình minh và tập thể dục, học ngoại ngữ hay đọc sách mỗi ngày, bạn sớm cảm thấy đó là một cực hình. Bạn gồng hết các cơ bắp ý chí của mình lên, cố gắng đánh bại sự lười biếng trong mình nhưng sau vài ngày đầu tiên tử tế, bạn nhanh chóng kiệt quệ và nói lời chào tạm biệt với những ước mơ. Thế là bạn quay trở lại với lối sống mà bạn ghét, dành thật nhiều thời gian cho mạng xã hội và phim con heo để quên đi sự chán chường của mình.
Khi bạn còn nhỏ, bạn chả bao giờ quan tâm tới việc sống cuộc đời hạnh phúc. Đơn giản vì lúc đó bạn đang bận phải sống một cách vô cùng hạnh phúc. Bạn còn đang mải chơi với những ngón chân xinh xinh, phụng phịu đòi ăn khi đói và mút ngón tay một cách ngon lành. Bạn không quan tâm tới việc phải ăn được nhiều bột hơn thằng bé nhà bên hay phải được nhiều phiếu bé ngoan hơn mấy đứa bạn trong lớp. Chẳng điều gì trên đời này khiến bạn phiền não được cả. Bạn có thể khóc ầm lên khi đói, nhưng bạn sẽ không phiền não. Đó hẳn là lý do mà nhiều người muốn có vé đi tuổi thơ đến thế.
Nhưng rồi một ngày chúng ta lớn lên và rơi vào một bể nước sâu hoắm. Đời là bể khổ, người ta vẫn hay nói như vậy nhỉ. Khi chúng ta bước “vào đời”, chúng ta phải đối mặt với những vấn đề của cuộc sống. Chúng ta bị cuốn vào một cuộc ganh đua về một đôi giày, một công việc hay một cô bạn gái với những bạn bè đồng trang lứa và chịu đựng Peer Pressure. Các phương tiện truyền thông ngày ngày rỉ tai ta về một anh chàng trở thành tỷ phú năm 23 tuổi, hay một mối tình lãng mạn nào đó, và điều đó khiến chúng ta tự ti biết chừng nào. Rồi thì, chúng ta biết yêu và chẳng chóng thì chầy, quý ông hay quý cô hoàn hảo cũng kéo lê trái tim ta trên vỉa hè và đập vỡ nó bằng một cây búa tạ.
Thế là, chúng ta hoảng loạn và vùng vẫy, cố tìm mọi cách để không chìm xuống cái bể nước chết tiệt này. Khi gặp phải những đau khổ trong cuộc sống, bản năng ta luôn thúc giục phải làm sao để loại trừ những nỗi đau khổ nhanh nhất, bởi vì đau khổ thì thật là tệ. Cách mà ta thường chọn nhất là né tránh những vấn đề và chuốc say bản thân bằng một công cụ nào đó. Đó là lý do đằng sau tất cả những tật xấu của chúng ta.
Có phải bạn cắm rễ trên mạng xã hội vì mỗi khi không có nó thì bạn cảm thấy rất buồn chán? Có phải bạn mua sắm quá độ vì bạn cảm thấy bản thân mình thật thiếu sót và cần đến những phụ kiện bên ngoài để khỏa lấp? Có phải bạn cắm đầu vào háng mấy cô diễn viên JAV vì bạn cô đơn và không biết làm thế nào để thực sự bắt đầu một mối quan hệ? Tôi gọi những hình thức tránh né này là những viên thuốc giảm đau cho tinh thần, và bạn biết vấn đề của thuốc giảm đau là gì không? Chúng chỉ giảm đau mà không thực sự trị bệnh, và nếu dùng nhiều quá thì hỏng dạ dày. Việc cố gắng tránh né những đau khổ như vậy cuối cùng làm cuộc sống của chúng ta trở nên tồi tệ hơn, dần dần đi vào bế tắc, và điều đó lại mang đến những đau khổ khác. Cũng như bài tập down-proofing, càng cố vùng vẫy thì chúng ta càng chìm xuống sâu hơn. Lý do mà chúng ta vẫn sống cuộc sống mà mình ghét, cuối cùng là vì ta không vượt qua được những nỗi đau của mình.
Vì lẽ đó, để thực sự sống cuộc sống như mình mong muốn đòi hỏi chúng ta phải vượt qua những nỗi đau của mình. Chỉ khi bạn không còn buồn chán khi không có mạng xã hội, bạn mới thôi nghiện mạng xã hội. Chỉ khi bạn không còn sợ cô đơn thì bạn mới thôi tìm đến phim con heo.
Nhưng chúng ta phải làm cách nào? Tôi đoán là, nếu việc cố gắng trốn chạy những đau khổ không thành công, giải pháp có lẽ là đầu hàng chúng.
CHẾT VẪN HƠN LÀ SỢ CHẾT
Những đau đớn là một phần không thể tách rời của cuộc sống. Vài chục năm trước khi bạn chưa bước vào thế giới này, bạn không phải chịu đựng đau đớn. Vài chục năm nữa khi người ta đưa bạn vào trong 6 miếng ván gỗ, bạn cũng sẽ không còn cảm thấy đau đớn. Nhưng chừng nào bạn còn sống trên đời này, bạn sẽ luôn phải đối mặt với những cảm xúc tiêu cực. Những nỗi đau, sự khổ sở, dày vò, sợ hãi, mệt mỏi sẽ luôn đến với bạn. Không ai có thể trốn tránh khỏi điều đó, bởi đó là một phần của cuộc sống. Vậy nên việc trốn tránh đau khổ cũng là trốn tránh việc thực sự sống.
Để sống một cách tốt đẹp không phải là có một ý chí phi thường như người ta vẫn nghĩ, mà là buông bỏ ham muốn chạy trốn khỏi khỏi những nỗi đau. Không phải là cố gắng vùng vẫy để thoát ra, mà là để cho bản thân mình chìm xuống. Hãy cảm nhận những nỗi đau, nếm trải nó, quan sát nó, rồi học cách bước đi cùng với nó, thay vì cố gắng loại trừ nó. Hãy để cho bản thân từ từ chìm vào chúng, và rồi bạn sẽ có thể vươn lên.
Thay vì cố gắng trốn tránh nỗi buồn chán bằng mạng xã hội, hãy cho phép bản thân mình buồn chán. Hãy cảm nhận nó, quan sát nó để xem nó sẽ đưa bạn đến đâu.
Thay vì né tránh sự hoang mang và xếp xó các kế hoạch của mình, hãy chấp nhận rằng mọi bước đi trong cuộc sống luôn đầy rẫy những sự vô định, rồi thử bước một bước đầu tiên trên con đường mình muốn, cảm nhận sự run rẩy cũng như hưng phấn của việc theo đuổi ước mơ và xem mọi chuyện sẽ ra sao.
Thay vì sợ hãi nỗi đau của việc bị từ chối, hãy nhận ra rằng tất cả mọi người trên đời này đều đã, đang và sẽ bị từ chối, rồi thử bày tỏ bản thân mình một cách chân thật, và xem việc từ chối có thể đau đớn tới mức nào.
Những điều này ban đầu nghe có vẻ rất đáng sợ. Và thực sự là chúng đáng sợ chết đi được. Chúng đem lại những cảm giác không dễ chịu chút nào. Nhưng bạn biết không, sự thật là những nỗi đau không hề gây hại cho chúng ta. Việc cảm thấy sợ hãi, hoang mang, thất vọng, đau khổ không thực sự gây ra bất kỳ tổn thương vật lý nào cho chúng ta cả. Rồi chúng sẽ qua đi như chưa hề từng tồn tại. Hãy thử nghĩ về những khoảnh khắc tồi tệ mà bạn từng trải qua trong đời, và xem giờ chúng thế nào rồi? Chính việc trốn tránh những đau khổ tất yếu của việc làm người, mới thực sự hủy hoại cuộc đời chúng ta.
Và khi bạn cho phép những đau khổ đó được diễn ra, một vài điều thú vị sẽ xảy đến.
Đầu tiên, khi bạn không còn muốn chạy trốn khỏi những nỗi đau, bạn không còn muốn tự làm tê liệt các cảm xúc của mình nữa. Bạn không còn muốn sử dụng những viên Panadol cho tinh thần nữa. Giờ đây, bạn sẽ muốn chăm sóc cho bản thân mình và làm những điều mình muốn. Bạn sẽ thấy ghê tởm với những điều đáng ghê tởm, và bạn sẽ có thể bắt đầu làm những việc tốt. Thay vì trốn chạy những nỗi sợ hãi và nép mình trong vùng an toàn với các thiết bị công nghệ, bạn chấp nhận những nỗi sợ này và theo đuổi những dự án của mình, bất kể chúng sẽ đi tới đâu. Những đau khổ vẫn sẽ đến. Những sợ hãi sẽ ghé thăm bạn. Thất bại sẽ xảy ra. Chỉ là giờ bạn hiểu rằng đó là một phần của cuộc sống và không còn để chúng quyết định cuộc đời của mình nữa. Bạn sẽ không còn cảm thấy “tôi không biết phải làm gì với đời mình” mà bạn sẽ bắt tay vào làm bất cứ việc gì để cải thiện cuộc sống của mình. Và dần dần, bạn sẽ biết phải làm gì.
Thứ hai, những nỗi đau, sự sợ hãi chỉ là những tín hiệu sinh học của não bộ cho bạn biết rằng có điều gì đó đang không ổn trong cuộc sống. Trước đây, khi bạn cố gắng trốn tránh những tín hiệu này, não bộ sẽ càng rung chuông báo động to hơn, và những tín hiệu đau đớn trong bạn sẽ liên tục trở nên dữ dội hơn. Nhưng giờ, khi bạn đã bắt đầu lắng nghe tín hiệu từ cơ thể mình và dần dần sửa chữa những vấn đề còn tồn đọng, các tín hiệu sẽ dần lắng xuống. Những cảm xúc tiêu cực sẽ dần dần nhẹ đi rồi biến mất khi chúng đã thực hiện xong vai trò của mình. Khi bạn lắng nghe nỗi buồn chán thay vì xua đuổi nó, nó sẽ dần lắng dịu. Khi bạn quan sát sự sợ hãi thay vì trốn tránh nó, rồi nó sẽ biến mất.
Cứ thế, bạn dựa lưng vào nỗi sợ và sự bất định, và ngay khi bạn nghĩ rằng mình sắp chết chìm, khoảnh khắc bạn chạm đến đáy bể, nó sẽ phóng bạn trở lại sự cứu vớt của cuộc đời.
Mọi thứ nói nghe thì có vẻ dễ, nhưng tất cả bắt đầu từ việc đầu tiên: chấp nhận những nỗi đau trong cuộc sống của mình. Nó không hề dễ chịu chút nào, nhưng hãy thả lỏng người và để nó dẫn bạn đi tới nơi mà bạn cần đến. Hãy để cho bản thân chìm xuống và rồi bạn sẽ có thể vươn lên.
Rồi bạn sẽ nhận ra rằng những nỗi đau không gây hại. Chúng không phải là kẻ thù của cuộc sống, mà chỉ đơn giản là một phần của cuộc sống. Vài chục năm trước khi bạn chưa bước vào thế giới này, bạn không được nếm trải nó. Vài chục năm tới khi người ta sắp đưa bạn vào trong 6 miếng ván gỗ, bạn cũng sẽ không còn được trải nghiệm nó. Chỉ khi bạn còn ở đây, bạn mới được tận hưởng nó. Chỉ khi bạn còn cảm nhận được đau khổ, bạn mới thực sự sống. Khi bạn cố gắng tránh né những đau khổ, bạn chỉ đang tồn tại một cách vô hồn. Bên trong bể khổ là vô vàn đau đớn, run rẩy, sợ hãi nhưng cũng đầy hưng phấn, tự hào và hạnh phúc. Chỉ khi dám đối mặt với những điều đó, chúng ta mới có thể tìm ra những điều có ý nghĩa, và sống một cuộc đời có ý nghĩa.
________________________
CHÚ THÍCH:
(¹) Phần dẫn nhập của bài viết được viết lại từ phần mở đầu của bài viết “Why the Best Things in Life Are All Backwards” của tác giả Mark Manson, bản dịch của Sang Doan – THĐP