LANG THANG CHỢ GIỜI CHÂU ÂU

by admin
LANG THANG CHỢ GIỜI CHÂU ÂU

Mỗi khi đi nước ngoài mọi người thích đi đâu nhất? Thăm thú danh lam thắng cảnh, đi bảo tàng, đi ăn, đi công viên hay đi shopping? Riêng mình lại thích nhất là đi chợ giời ngắm nghía đồ cũ, đồ cổ. Nói dân dã tiếng Việt là chợ giời vậy thôi chứ thực ra phương Tây nhất là các nước châu Âu có cả một hệ thống, văn hoá chợ giời vô cùng phức tạp và đặc sắc. Theo cảm nhận của bản thân, mình tạm xếp và phân loại theo mức độ “xịn, mịn” giảm dần của hàng hoá có thể mua được tại các kiểu chợ như sau:
1. Antiquaire – cửa hàng đồ cổ, do những người buôn bán đồ cổ chuyên nghiệp bán hàng ngày. Vì là đồ cổ nên chất lượng, giá cả luôn đầu bảng. Nhiều món hàng có hẳn giấy chứng nhận đàng hoàng và người bán có trách nhiệm xác thực nguồn gốc authentic của món hàng. Vào antiquaire là hoàn toàn yên tâm đồ xịn miễn bạn chịu chi và nên nhớ mặc cả hơi bị khó ? Nhớ hồi ở Antwerp, Bỉ, nhà mình nằm ngay trong khu phố cổ cách nhà danh hoạ Rubens có vài trăm mét. Cung đường yêu thích mỗi thứ 7 cuối tuần là vòng qua nhà Rubens rồi lượn lờ dãy phố Leopoldstraat và Mechelsesteenweg nơi có vài chục hàng đồ cổ đẹp mê ly xen giữa toàn shop hàng hiệu. Antwerp còn có khu Kloosterstraat cũng cực kỳ nổi tiếng về đồ cổ. Khu này nằm cùng khu Đèn đỏ của Antwerp nên chỉ khi nào rủ được mấy anh em đi hộ tống (mà thường rủ cái anh em vui vẻ nhận lời ngay) mình mới dám đi dù thú thực giữa bạt ngàn các cô chân dài, da trắng, gợi tình chết người đứng trong các hộp kính kia nào ai thèm dòm cái con nhỏ da vàng, chân ngắn đâu. Đúng thật là lo bò trắng răng! Bạn nào đi Bỉ và muốn tìm đồ cổ thì rất rất nên đến Antwerp nhé, một trung tâm đồ cổ có tiếng của Châu Âu đó. À nhưng ở đây thường chuyên về tranh, tượng và đặc sản nhất là đồng hồ chứ ít đồ trà lắm!
2. Marché aux puces – hay còn gọi là flea market tức “chợ bọ chét”. Cái tên này xuất phát từ khoảng cuối thế kỷ 19 khi các chợ bán đồ cũ thường bẩn thỉu, đầy rệp bọ bám trên hàng sạp. Đương nhiên ngày nay chắc chả tìm nổi bọ rệp nữa nhưng người ta vẫn giữ nguyên tên gọi Marché aux puces. Tại đây đủ các thể loại đồ cũ, đồ xưa, đồ cổ, và đa dạng chủng loại từ tranh, đồng hồ, tượng, đồ gỗ, đồ dệt, thuỷ tinh, bạc, đèn, pha lê… than ôi không thiếu thứ gì. Marché aux puces đúng là định nghĩa chuẩn của “thượng vàng hạ cám”. Nếu muốn hiểu tường tận chợ này thế nào nhất định phải đến Marché aux puces de St-Ouen nằm ở ngoại ô Paris và được coi là chợ trời lớn nhất thế giới. Chợ St-Ouen kinh khủng to với hàng ngàn cửa hàng, nói đúng ra thì giống một gallery, bảo tàng hơn là một khu chợ nên mình đã suýt lạc hai bố con vì cứ mải chúi mũi xem đồ ? Chợ to quá và đông dân tứ xứ, nhất là phải đi bộ qua một dãy phố tập trung toàn dân Rệp chỉ nhìn thôi đã thấy bất an nên tốt nhất các bạn gái chớ nên đi một mình. Bạn nào đang ở Pháp thì cập nhật tình hình chợ này bây giờ sao nhé chứ mình đi tròn đúng 10 năm giờ nhiều cái có thể đã khác chăng.
3. Brocante – chợ giời họp phiên: cũng là chợ giời bán hàng như Marché aux puces nhưng hàng hoá tạp nham hơn, có đủ cả quần áo, sách vở, giầy dép, đồ dùng gia đình… tức “hạ cám” hơn chợ bọ chét. Thêm nữa brocante không mở cố định mà theo lịch của chính quyền địa phương, thường trên bãi đất rất rộng ngoài trời hoặc trong nhà. Dân buôn đồ cũ/cổ mà không có điều kiện mở hẳn cửa hàng antiquaire hay thuê riêng một shop trong chợ bọ chét rất hay bán hàng ở brocante. Thi thoảng cũng thấy hộ gia đình trả phí để mua một chỗ bán nhưng số này không nhiều. Nếu muốn đi brocante bạn phải lên mạng tra sẵn lịch mở, địa điểm, thời gian, chủ đề của brocante định đi và nhất là cầm theo tiền mặt để trả giá và mua luôn! Không có chuyện ưng lắm rồi nhưng chần chừ mai kia định bụng quay lại đâu nhé. Pháp và Bỉ là thiên đường của brocante nên nếu bạn có duyên hãy cố thử đi brocante ở đây nhé.
4. Loại chợ giời cuối cùng bét bảng là các vides-greniers (dọn dẹp gác xép) nơi người dân tự đem đồ dùng cũ (và nhiều khi đã hỏng) của nhà ra bán với giá rất bèo. Đồ chơi, đồ bếp, sách vở, quần áo, ấm tách sứt vòi… đủ những thứ mà bất kỳ ai đã dùng đều có thể đem bán. Chợ này ý nghĩa thương mại không nhiều mà chủ yếu là yếu tố chia sẻ cộng đồng, người có hoặc người khó chia sẻ lại cho những người khó hơn! Vides-greniers ở Châu Âu y chang garage-sales ở Mỹ. Với người cực kỳ nghèo khó ở Mỹ còn có hệ thống thrift-store, goodwill-store nơi đồ cũ đa phần do người dân tự quyên góp sau đó bán với giá rất rẻ cho những người nghèo rồi lại dùng phần lớn số tiền thu được để ủng hộ từ thiện. Đi mấy chợ kiểu này mình chỉ khoái nhất búp bê còn lại cũng khó thu hoạch được món gì. Nhưng cái thích hơn cả là tinh thần chia sẻ xã hội và tiết kiệm!

Đi chợ giời, săn đồ cổ, đồ vintage thực thú vị vô cùng. Niềm vui sẽ vỡ oà nếu tìm được món mình thích và mua với giá hời. Với những món đồ nhỏ kiểu như tách, đĩa lót trà nếu may mắn bạn sẽ tìm được món ưng trong bất kỳ loại chợ giời nào kể trên. Nhưng với những món đồ có giá trị như tượng, đồng hồ, đèn chùm hay bộ trà đủ hết các món bạn phải dành nhiều thời gian lùng sục, canh các hàng đồ cổ, hàng chuyên món này trong chợ bọ chét, mua lại từ các nhà sưu tầm lâu năm, mua qua các trang đấu giá…

Ngấm ngầm, lặng lẽ nhưng bền bỉ, các giá trị văn hoá của phương Tây được gìn giữ theo một cách giản dị vậy. Luôn có một Châu Âu, một phương Tây “rất xưa, rất cũ” giữa bộn bề nhịp sống hối hả là bởi thế!

Hy vọng các bạn thích chuyến du-lịch này và nếu các bạn muốn ngắm thật nhiều các món đồ vintage xinh đẹp thu hoạch ở chợ giời Châu Âu thì có thể ghé qua nhóm Trà chiều vintage là nơi chúng mình luyên thuyên cả ngày về chúng quanh tách trà ?





You may also like

Leave a Comment