LẤP ĐẦY CHIẾC CV TRỐNG TỪ KHI CÒN LÀ SINH VIÊN

by admin

“Sinh viên chỉ cần tập trung cho việc học thôi, đi làm là việc cả đời, không việc gì phải vội!”

Nếu là sinh viên Đại học, chắc hẳn bạn đã từng nghe thấy lời khuyên này từ bạn bè, bố mẹ hay thậm chí… là bác hàng xóm khi có ý định bắt đầu một công việc làm thêm. Mình đồng ý việc học là ưu tiên hàng đầu của các bạn học sinh, sinh viên nhưng theo cá nhân mình, “làm” cũng là một cách “học”, và hơn thế là một cách “học” rất hiệu quả. Trong thị trường việc làm nhiều cơ hội nhưng đầy rẫy sự cạnh tranh hiện nay, các bạn trẻ gen Z ngày càng năng động với profile nhiều thành tích, thương hiệu cá nhân nổi trội. Bởi vậy, việc trang bị những kỹ năng trong môi trường thực tế bên cạnh kiến thức ở giảng đường sẽ giúp sinh viên thích nghi tốt hơn khi ra trường đi làm cũng như hấp thụ được lý thuyết ở trường lớp một cách sâu sắc hơn.

Mình xin phép không bàn thêm về tính đúng sai của ý kiến trên mà chỉ chia sẻ câu chuyện của bản thân – một sinh viên sau ba năm học đại học, tuy không quá nhiều trải nghiệm những cũng đã “lấp đầy” được kha khá khoảng trống trong chiếc CV. Background là sinh viên Marketing NEU.

Công việc đầu tiên của mình là trợ giảng Tiếng Anh, giúp mình giao tiếp tiếng Anh tốt hơn và sử dụng thành thạo các ứng dụng văn phòng. Hết năm nhất, mình đã hoàn thành chứng chỉ ngoại ngữ và tin học theo chuẩn đầu ra của trường.

Công việc thứ hai của mình liên quan đến chuyên ngành học – làm Content Marketing cho một start-up về giáo dục. Nhờ đó, mình đã có cơ hội hiểu hơn về chuyên môn, cũng như mở rộng mạng lưới quan hệ.

Công việc hiện tại của mình là thực tập sinh cho một doanh nghiệp xuất nhập khẩu – job này mình được chị HR ở công ty cũ giới thiệu.

Dưới đây là 3 bài học mình rút ra để có kinh nghiệm làm việc từ khi còn là sinh viên.

  1. Trở nên “có giá trị” trong mắt nhà tuyển dụng.

Mình đã tìm hiểu kỹ về JD của các vị trí công việc trên các trang tuyển dụng xem mình đã đáp ứng được những yêu cầu nào. Đối với những yêu cầu còn thiếu, mình chủ động học hỏi nếu thời gian và tài chính cho phép. Chứng chỉ, bằng cấp từ khóa học ngắn hạn và dài hạn không phải là điều kiện bắt buộc nhưng cũng giúp CV có sức nặng hơn nên hãy tranh thủ học nhé! Nếu không đáp ứng được quá nhiều yêu cầu thì Job đó có thể chưa phù hợp ở thời điểm hiện tại. Hãy bắt đầu với những công việc ít đòi hỏi hơn. (VD: mình chưa thể làm công việc chuyên ngành ở năm nhất mà bắt đầu với việc trợ giảng những kiến thức mình đã học ở THPT)

  1. Trải nghiệm nhiều môi trường.

Trước khi đến với công việc thứ hai, mình đã có thời gian tham gia CLB chuyên môn ở Đại học cũng như Dự án xã hội. Đây là nơi thích hợp cho những bạn newbie tích lũy kinh nghiệm trước khi apply vào doanh nghiệp. Hiện nay, hoạt động ngoại khóa của sinh viên vô cùng bùng nổ. Không thiếu những cơ hội trên các trang Youth Opportunities Vietnam, iVolunteer Vietnam,… mà bạn có thể tham khảo.

  1. Luôn chủ động, giữ tinh thần học hỏi

Khi đi làm, chắc chắn sẽ “học” được nhưng nhiều hay ít, nông hay sâu phụ thuộc vào sự chủ động của mỗi người. Như bạn thấy đấy, nhờ chủ động kết nối và duy trì mối quan hệ với các anh chị mentor ở công ty cũ, mình đã được giới thiệu thêm nhiều cơ hội mới. Hãy duy trì tinh thần nhiệt huyết học hỏi từ khi phỏng vấn cho đến khi rời công việc ấy (nếu có)!

Chúc các bạn vẫn còn đang băn khoăn giữa chuyện học và chuyện làm sẽ sớm giải quyết được bài toán khó này!

Phạm Thanh Tùng

You may also like

Leave a Comment