Liberia – cuộc chiến hoang dại của thế kỷ 21: Phần 3

by admin
Liberia – cuộc chiến hoang dại của thế kỷ 21.Phần 3: Nội chiến Liberia lần 2 – Trả g…

Liberia – cuộc chiến hoang dại của thế kỷ 21.
Phần 3: Nội chiến Liberia lần 2 – Trả giá của tội ác.
Ảnh: người dân thủ đô Monrovia chào đón quân đội Nigeria vào tiếp quản thành phố sau khi Tổng thống Charles Taylor từ chức tháng 8/2003.
1/ Các nhóm kháng chiến và sự thù địch quốc tế chống Charles Taylor.
Xét về dòng thời gian, lẽ ra phần này phải đặt sau ”Nội chiến Sierra Leone”, nhưng để duy trì sự liền mạch nên tiếp tục viết về nội chiến Liberia lần 2.
Sau năm 1997, với thắng lợi bầu cử đưa Charles Taylor lên nắm quyền, những lãnh đạo đối lập của Liberia buộc phải chạy khỏi đất nước để bảo toàn tính mạng. Đa số họ chạy đến Guinea, nước từng tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở Liberia trước kia.
Điều thuận lợi với những người lưu vong đến ngay sau đó. Những hành động đàn áp của Charles Taylor đã không chấm dứt, ngược lại còn gia tăng sau khi có được quyền lực hợp pháp. Người dân thất vọng với Charles Taylor, đã nổi dậy đánh nhau sống còn với Tổng thống. Nhận thấy tình hình, đầu năm 1999, Liên minh Hòa giải và Dân chủ Liberia – Liberians United for Reconciliation and Democracy (viết tắt là LURD) được thành lập ở miền Bắc Liberia. Ngay sau đó, ở miền Nam Liberia thành lập Phong trào Dân chủ Liberia – Movement for Democracy in Liberia, bằng một cách kỳ diệu nào đó viết tắt là MODEL – người mẫu!
Do lịch sử không gắn với chủ nghĩa thực dân và thuộc địa, Liberia không có quan hệ với các nước phương Tây ngoài nước Mỹ. Vì vậy, các nhóm chống đối Charles Taylor được thành lập không có sự hỗ trợ đáng kể nào của nước ngoài. Tuy nhiên, họ đã chiến đấu ngoan cường chống lại Charles Taylor, và thường xuyên được tuyên truyền, chiến đấu với tinh thần được phổ biến kiểu như ”đằng nào cũng chết bởi Charles Taylor, thà chiến đấu chết còn hơn đợi hắn giết”. Trong các nhóm nổi dậy chống Taylor thời này có một nhóm đặc biệt của ”Naked butt General”, nổi tiếng chiến đấu không cần quần áo và ăn thịt người (sẽ có bài riêng).
Sau đó, các nhóm đối lập này đã được một số nước châu Phi hỗ trợ. Nhấn mạnh là không phải vì bản thân LURD hay MODEL mà các nước châu Phi giúp họ. Điều này xuất phát từ tác nhân bên ngoài, cụ thể là Sierra Leone. Sau khi chứng kiến Charles Taylor hỗ trợ cho quân nổi dậy Sierra Leone gây nên cuộc nội chiến phá vỡ quốc gia ổn định nhất Tây Phi, các nước châu Phi hết sức lo ngại Charles Taylor sẽ làm điều tương tự. Vì vậy, họ đã quyết định lập ra một liên minh đối phó với Charles Taylor. Đứng đầu các quốc gia này là Nigeria, Ghana, và thêm một số nước nghèo hơn ở Tây Phi là Guinea, Benin, Mali,…
Nhưng giờ đây Charles Taylor đã là Tổng thống được bầu hợp pháp, không có chuyện đưa quân vào bắt được. Nên đầu tiên, liên minh các nước châu Phi thực hiện việc cấm vận Bờ Biển Ngà, quốc gia chống lưng chế độ Charles Taylor, buộc Bờ Biển Ngà phải ngưng hỗ trợ Taylor. Tiếp đó, họ hỗ trợ cho các nhóm đối lập với Charles Taylor, hy vọng sẽ lật đổ hoặc ít nhất là kiềm chế tham vọng của ông.
Và rất may mắn cho họ, là Charles Taylor đã sai lầm khi nhúng tay vào Sierra Leone. Liberia không phải thuộc địa, nhưng Sierra Leone là thuộc địa của Anh. Khi cuộc chiến ở Sierra Leone nổ ra, quân đội Anh đã không khoanh tay đứng nhìn như Liberia mà gửi quân đến giúp. Sự can thiệp của Anh đã giúp Sierra Leone đánh bại quân nổi dậy được Liberia hỗ trợ và có được hòa bình sớm hơn nước láng giềng. Chứng kiến sự can thiệp hiệu quả của quân đội Anh, Nigeria đã sử dụng ảnh hưởng trong Khối thịnh vượng chung, thuyết phục nước Anh làm điều tương tự ở Liberia. Dù nước Anh từ chối đưa quân trực tiếp, do Liberia không phải thuộc địa của họ, nhưng họ cam kết ủng hộ Nigeria và các nước Tây Phi trong khối gọi là ECOMOG (đại khái là một liên minh các thuộc đại Tây Phi của Anh). Một hành động thiết thực, là Anh đã đề xuất lệnh trừng phạt quốc tế với Charles Taylor trước quốc tế và được chấp nhận.
2/ Nội chiến Liberia lần 2 và thất bại của Charles Taylor
Ban đầu, Charles Taylor định ra tay trước, bằng cách tấn công qua lãnh thổ Guinea dẹp các căn cứ của quân kháng chiến. Guinea rất nghèo, không thể chống lại các cuộc tấn công này, nên chịu trận. Tuy nhiên, điều này cũng khiến cho Charles Taylor bị căng sức giữa 3 mặt trận ở cả 3 nước: Liberia, Sierra Leone và Guinea, một điều vượt quá khả năng của ông.
Lợi dụng việc Charles Taylor quá căng sức ở Guinea, quân nổi dậy Liberia trong nước tăng cường tấn công từ nhiều hướng khác nhau. Lực lượng của Charles Taylor trong nước bị giàn mỏng, không thể chống lại mà co cụm vào thủ đô Monrovia. Đến năm 2002, tình hình trong nước đã diễn biến có lợi cho quân nổi dậy Liberia, dù thực tế là sự hỗ trợ của nước ngoài rất hạn chế. Thành công và sự tự lực của quân kháng chiến giúp họ có được sự ủng hộ của người dân. Năm 2002, thủ đô Monrovia đã bị bao vây, chủ yếu bởi quân LURD, và Charles Taylor chỉ có thể duy trì tiếp viện cho thủ đô bằng đường biển.
Đầu năm 2003, tình hình tiếp tục xấu đi với Charles Taylor khi nhóm nổi dậy thứ 2 là MODEL cũng áp sát thủ đô Monrovia. Lúc này Charles Taylor chỉ còn giữ được 1/3 lãnh thổ đất nước, và các đơn vị của ông ở nước ngoài như Sierra Leone và Guinea đã bị chia cắt hoàn toàn với trong nước. Trong bối cảnh đó, một Hội nghị của các nước Tây Phi tháng 6/2003 ở Ghana đã thông qua ý chí của tổ chức này: quyết tâm buộc Charles Taylor rời quyền lực.
Nhận thấy áp lực cả từ trong và ngoài nước, Charles Taylor tháng 7 năm 2003 tuyên bố chấp nhận giải pháp quốc tế, đồng nghĩa có thể chấp nhận rời bỏ quyền lực.
Tuyên bố của Charles Taylor đã được đón nhận. Ngay lập tức các nước Tây Phi gửi hàng nghìn quân đến thủ đô Monrovia bằng đường biển để thiết lập trật tự. Và lần đầu tiên, Hải quân Hoa Kỳ đã đổ bộ vào Liberia làm nhiệm vụ nhân đạo và giải cứu công dân. Chiến dịch Shinning Express được Hoa Kỳ lặp lại như Chiến tranh Việt Nam, đưa người rời khỏi sứ quán ở Monrovia bằng trực thăng ra biển. Một lực lượng các nước Nam Âu (Ý, Hy Lạp,…) cũng tới Liberia hỗ trợ.
Sau khi lực lượng quốc tế đến nơi, ngày 11/8/2003, Tổng thống Charles Taylor tuyên bố từ chức. Ngày 14/8/2003, quân đội Nigeria và một phần quân đội Mỹ tiến vào thủ đô Monrovia qua những cây cầu. Hàng nghìn người dân Monrovia tràn ra đường nhảy múa ăn mừng trong nước mắt, chào đón quân đội Nigeria, nhưng điều này gây ra nỗi lo sập cầu. Quân đội Nigeria tiếp quản thủ đô Monrovia, giải giáp tất cả các nhóm vũ trang. Các đơn vị Liberia ở nước ngoài như Sierra Leone và Guinea cũng được giải giáp tại chỗ.
Ước tính thêm 300.000 người đã chết trong nội chiến Liberia lần 2 từ 1999 đến 2003. Tổng cộng, hơn 1 triệu người trong tổng dân số 3 triệu của Liberia trước chiến tranh, đã chết trong nội chiến.
3/Tị nạn, bắt giữ và xét xử của Charles Taylor.
Tổng thống Liberia sau đó đàm phán trực tiếp với Nigeria – nước ủng hộ những người lật đổ ông, xin được tị nạn chính trị. Ngạc nhiên là Nigeria đồng ý, và tổng thống Charles Taylor được an toàn sang Nigeria, mang theo tài sản và gia đình. Từ đó đến năm 2006, dù nhiều lần được yêu cầu dẫn độ Taylor ra tòa quốc tế, Nigeria luôn bác bỏ. Có tin rằng Charles Taylor đã hối lộ chính phủ Nigeria bằng kim cương – thứ mà ông chiếm được ở Sierra Leone, để đổi lấy việc họ không trao ông cho tòa.
Nhưng 2006, quốc tế đã đe dọa áp đặt trừng phạt nếu Nigeria không giao nộp Charles Taylor. Tổng thống Mỹ Bush thậm chí đã hủy cuộc gặp với Tổng thống Nigeria, Olusegun Obasanjo, nếu Nigeria không giao Charles Taylor. Nhận thấy nguy cơ bị bắt, Charles Taylor chạy trốn qua biên giới bằng chiếc ô tô Range Rover. Điều này là sai lầm, bởi lính biên phòng Nigeria dễ dàng phân biệt một xe hạng sang trong một đất nước còn nghèo đói. Charles Taylor bị bắt dễ dàng tại cửa khẩu và bị bắt giải thẳng về quê nhà Liberia. Ngày hôm đó, các báo lớn đều đưa tin châm biếm: Charles Taylor bị bắt trên một chiến Range Rover.
Điều hài hước là thực tế Charles Taylor sẽ không chịu hình phạt cho tội ác ông gây ra ở quê nhà. Chính phủ Liberia đã không kiện Charles Taylor bất cứ tội danh nào. Nhưng ông vẫn không thoát. Chính phủ Sierra Leone kiện Charles Taylor vì tội ác do phiến quân của ông chống lưng gây ra. Và Burkina Faso sau này đòi kiện Taylor vì giết nhà lãnh đạo Cộng sản Thomas Sankara của họ năm 1987.
Năm 2012, bất chấp lời kêu gọi kết án tử hình, tòa án Công lý quốc tế ở La Hay (Hà Lan) kết án Charles Taylor 50 năm tù. Chính phủ Sierra Leone tuyên bố rằng bản án ”hoàn toàn không tương xứng”, còn luật sư người Anh của Charles Taylor, Courtenay Griffiths cho rằng nó không công bằng do ”có những cáo buộc nhằm vào Taylor lẽ ra phải dành cho Tổng thống Bush của Mỹ, như tra tấn”.
Trong thời gian xét xử Taylor, năm 2010 vụ bê bối Wikileak bùng nổ đã tiết lộ kế hoạch của chính phủ Hoa Kỳ định dẫn độ Charles Taylor về nhà tù ở Mỹ. Cuối cùng, tòa La Hay đã bác bỏ và Charles Taylor sau đó đã yêu cầu được giam giữ ở Vương Quốc Anh.
4/ Liberia hậu chiến.
Liberia đi vào lịch sử với tư cách nước châu Phi đầu tiên có nữ Tổng thống – Ruth Perry năm 1996, nhưng đó là hành động tuyệt vọng trong bối cảnh nội chiến tàn phá đất nước. Dù vậy, Liberia sau đó vẫn tiếp tục duy trì truyền thống đáng tự hào của họ. Năm 2005, Ellen Johnson Sirleaf, một phụ nữ khác trở thành Tổng thống Liberia, và lần này bà trở thành nữ Tổng thống ĐƯỢC BẦU đầu tiên của châu Phi. Năm 2011, bà được nhận giải Nobel Hòa Bình nhờ nỗ lực hàn gắn đất nước và phát triển phụ nữ.
Và đến năm 2017, huyền thoại bóng đá Geogre Weah đã trở thành tổng thống thứ 23 của Liberia.

You may also like

Leave a Comment