Bao bì, nhu yếu phẩm không thể thiếu của con người, đồng hành với sự phát triển của thế giới, và cũng là một “nhân tố” gây tranh cãi khi Trái Đất ngày càng “lên tiếng” về tác hại của chúng. Cùng tìm hiểu về những cột mốc lịch sử của bao bì tại bài viết này nhé!
Bao bì và lịch sự gắn liền với sự tiến hóa của con người
Thuở sơ khai
Khái niệm bao bì hình thành từ thời xa xưa, bắt nguồn từ lịch sử cổ đại. Mặc dù không có tài liệu nào ghi lại thời điểm chính xác nhưng các nhà sử học tin rằng trong thời săn bắt, hái lượm du mục, con người đã biết sử dụng lá hay vỏ cây, da thú để đựng và vận chuyển các vật phẩm.
Thời Ai Cập cổ đại, kỹ thuật thổi thủy tinh giúp tạo nên những lọ, chai đựng thức ăn và nước uống. Nhưng bấy giờ thủy tinh được coi là một loại đá quý thường dành cho hoàng gia.
Người Trung Quốc thời cổ đại được ghi nhận là đã phát minh ra bao bì linh hoạt do những đổi mới của họ trong việc tạo ra giấy. Các nhà sử học tin rằng vào thế kỷ thứ nhất người Trung Quốc đã bắt đầu sử dụng vỏ cây dâu tằm đã qua xử lý để bọc thực phẩm. Trong những thế kỷ sau, khi người Trung Quốc hoàn thiện kỹ thuật làm giấy của họ, giấy cũng bắt đầu được sử dụng để đóng gói các mặt hàng như thuốc và trà.
Thời Trung cổ
Thời trung cổ chứng kiến sự gia tăng phổ biến việc sử dụng thùng gỗ và hộp gỗ làm thiết bị lưu trữ và vận chuyển. Thùng gỗ thường được sử dụng để lưu trữ các mặt hàng như rượu rum, thực phẩm khô và nước ngọt.
Thời đại Khám phá (thế kỷ 15-19)
Các vật liệu đóng gói trong giai đoạn đầu thời này làm từ sứ, sắt, vàng bạc hay nhôm, thường là các kim loại có giá thành sản xuất khá cao và không được dùng phổ biến trong đời sống nhân dân.
Đến đầu thế kỷ 19 đánh dấu sự trỗi dậy của thiếc trong việc chế tạo bao bì. Vào năm 1810, thương gia người Anh Peter Durand đã được cấp bằng sáng chế cho ý tưởng bảo quản thực phẩm bằng lon thiếc. 20 năm sau, thiếc trở thành một trong những vật liệu đóng gói phổ biến nhất.
Năm 1844, những chiếc túi giấy thương mại đầu tiên được tạo ra bởi Francis Wolle. 35 năm sau, Robert Gair, một thợ in ở Brooklyn, New York, nước Mỹ đã nhận ra rằng việc cắt và tạo nếp các tấm bìa gấp có thể tạo nên hộp carton.
Thế kỷ 20 đến nay
Nhà hóa học người Thụy Sĩ Jacques E. Brandenberger đã phát minh ra giấy bóng kính vào năm 1908. Giấy bóng kính có tác động lớn đến ngành bao bì vì tính trong suốt đặc trưng khiến nó trở thành vật liệu được lựa chọn để gói hàng trong những năm thập niên 50 và 60. Giấy bóng kính cũng đặt nền móng cho bao bì nhựa trong những năm tiếp theo.
Năm 1933, Ralph Wiley tình cờ phát hiện ra polyvinylidene clorua (PVDC), đánh dấu bước tiến mới trong việc chế tạo nên bao bì nhựa. Từ giữa thế kỷ 19, sự ra đời của chất dẻo nhân tạo đã làm bùng nổ ngành sản xuất bao bì nhựa. Các dòng bao bì nhựa lần lượt được tung ra trên thị trường và chiếm lĩnh cả thế giới.
Tuy nhiên bao bì nhựa chứa BPA rất độc hại, hóa chất độc hại được phát tán trong quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, bao bì nhựa còn gây nguy hại đến môi trường sống của chính chúng ta vì quá trình phân hủy của nhựa kéo dài lên hàng trăm đến nghìn năm.
Vì vậy để cứu lấy Trái Đất đang ngày càng nóng lên với những biến đổi khó lường về khí hậu thì các biện pháp phòng ngừa đã được đề ra. Trong đó có việc sản xuất bao bì nhựa sinh học.
Bao bì trong thời kỳ Kinh Tế Xanh – Kinh Tế Tuần Hoàn
Kinh Tế Xanh với bao bì nhựa sinh học
Loại bao bì này làm từ chất liệu được sản xuất với nguồn nguyên liệu hóa thạch là dầu mỏ và nguồn nguyên liệu tự nhiên như tinh bột, cellulose. Điểm khác biệt cơ bản của nhựa sinh học so với loại nhựa truyền thống là chúng có thể phân hủy trong môi trường tự nhiên.
Tại Việt Nam, một trong những nhà tiên phong phát triển ngành sản xuất bao bì nhựa sinh học là công ty cổ phần Xuất Nhập Khẩu Nam Thái Sơn với người sáng lập là ông Trần Việt Anh – đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội tái chế chất thải Việt Nam.
Ông Trần Việt Anh chia sẻ tại 5W1H Podcast rằng: vào thời điểm năm 2002, Việt Nam vẫn sử dụng bao bì thường trong khi các nước đã hạn chế dùng túi ni lông 1 lần bởi chính sách quan tâm bảo vệ môi trường trỗi dậy mạnh mẽ. Năm 2012 Việt Nam đánh thuế môi trường, bao bì tự huỷ bước đầu được đưa vào “nguyên tắc kinh doanh”, Nam Thái Sơn gần như đã trang bị đầy đủ kiến thức, công nghệ trong nhiều năm học hỏi từ nước ngoài về sản xuất bao bì tự huỷ, sẵn sàng tham gia và dẫn đầu xu hướng bao bì tự huỷ bên cạnh các ông lớn khác như Favaco. Thị trường lúc bấy giờ chỉ có những hệ thống lớn Việt Nam và nước ngoài như Coop Mart, Circle K, Aeon Mall, cho đến nay gần như các siêu thị, hệ thống bán lẻ Việt Nam đều sử dụng bao bì nhựa sinh học.
Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam vẫn chưa tham gia sản xuất nguyên liệu nhựa sinh học, mà phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài.
Kinh Tế Tuần Hoàn và truyền thông bảo vệ môi trường
Dưới tầm nhìn của một nhà làm môi trường, tại 5W1H Podcast, ông Trần Việt Anh cũng đưa ra nhận định rằng: Việt Nam chúng ta cần “trở về thời kỳ ve chai” những năm thập niên 90, 2000, thời kỳ mà phế liệu, rác thải nhựa là nguồn nguyên liệu không thể thiếu của ngành sản xuất bao bì. Chúng ta cần trở lại, nâng cao giá trị của nghề thu mua phế liệu, rác thải tái chế, nỗ lực thúc đẩy tái chế bởi lượng rác thải nhựa ra môi trường là khổng lồ, đặc biệt là phải tái chế từ rác trong nước. Ông nêu quan điểm mạnh mẽ rằng chúng ta hoàn toàn không được nhập phế liệu từ nước ngoài về Việt Nam để tái chế bởi…chẳng khác mua rác về nhà, đây không phải là một giải pháp bảo vệ môi trường trong nước.
Ngành truyền thông Việt Nam chúng ta rất cần có nhiều hơn những phóng sự về quy trình từ sử dụng, thải rác đến khi thu gom, làm sạch và tái chế rác thải thành bao bì sử dụng. Đây là một phương thức rất cần thiết và thực tế trong việc truyền thông cho Kinh Tế Tuần Hoàn, Kinh Tế Xanh.
Bên cạnh đó, chúng ta cần học hỏi nước ngoài về quy chuẩn túi đựng rác, hiện nay Việt Nam chúng ta vẫn sử dụng túi đựng rác, thậm chí là thùng rác tự phát. Về ý thức của người tiêu dùng, chúng ta cần phải nghiêm túc nhìn nhận và có những hình thức giáo dục ý thức người dân về “rác thải và môi trường”.
Nguồn tham khảo: “The History of Packaging” của Crawford Packaging, Youtube: Maybe Podcast