LỊCH SỬ NHỮNG Ý TƯỞNG TÔN GIÁO (11)

by admin

LỊCH SỬ NHỮNG Ý TƯỞNG TÔN GIÁO (11)

Các cự thạch, đền đài, trung tâm tế lễ: phương Tây, Địa Trung Hải, thung lũng Indus (tiếp theo)
Crete: Những hang động thiêng, những mê cung, những nữ thần
Tại Crete, chứng tích của thời kỳ đồ đá mới từ thiên niên kỷ thứ năm kết thúc vào khoảng thiên niên kỷ thứ ba khi hòn đảo bị thuộc địa hóa bởi những kẻ nhập cư đến từ phương nam và phương đông. Những kẻ mới đến này là những bậc thầy về công nghệ luyện đồng. Sir Arthur Evans gọi văn hóa của họ là “Minoan” theo tên vị vua huyền thoại Minos, chia làm ba thời kỳ: Đầu Minoan (khoảng cuối thiên niên kỷ thứ ba); Giữa Minoan (2000 – 1580 trước công nguyên); Cuối Minoan (1580 – 1150 trước công nguyên). Suốt thời kỳ Giữa người Crete dùng chữ tượng hình và tiếp nối bằng chữ nét dài (Tuyến A, khoảng 1700 trước công nguyên); cả hai loại đều chưa thể giải mã được. Cũng trong thời kỳ này (giữa 2000 và 1900 trước công nguyên) những người Hy Lạp đầu tiên, những Minyan, đã đến lục địa Hy Lạp. Họ là những tiền hộ vệ của những nhóm Ấn-Âu sẽ đến định cư ở Hellas, trên những hòn đảo và miền duyên hải Tiểu Á. Tiếp nối đỉnh cao của thời kỳ Giữa, trong giai đoạn đầu của thời kỳ Cuối (1580 – 1450 trước công nguyên) những kẻ xâm lược nói tiếng Aryan đã xây dựng Mycenae tại Peloponnesus. Không lâu sau (1450 – 1400 trước công nguyên) người Mycenae (hay Achaea) lập nghiệp tại Cnossus và giới thiệu loại chữ mới gọi là Tuyến B. Giai đoạn cuối của thời kỳ Cuối gọi là giai đoạn Mycenae (1400 – 1150 trước công nguyên) kết thúc với sự xâm lăng của người Doris và sự hủy hoại cuối cùng của nền văn minh Crete.
Trước khi Ventris giải mã được chữ Tuyến B năm 1952 thì những bằng chứng về văn hóa và tôn giáo Minoan chỉ có được nhờ khai quật khảo cổ. Những hoạt động hướng đến tôn giáo đầu tiên được phát hiện trong những cái hang. Một lượng lớn hang được hiến cho các vị thần bản địa. Một số những nghi lễ, thần thoại, truyền thuyết liên quan đến những cái hang sau này được tích hợp vào truyền thống tín ngưỡng của người Hy Lạp. Một cái hang nổi tiếng ở Amnisos được hiến cho Eileithyia, nữ thần sinh sản của tiền Hy Lạp. Một cái hang khác ở núi Dicte thì lại nổi danh là nơi trú ngụ của bé Zeus; từ đó chủ nhân của Olympus đã đến với thế giới.
Những mê cung tiếp nối và mở rộng vai trò tôn giáo của hang động; đi vào hang hay mê cung cũng tương đương việc xuống với Hades. Chức năng tôn giáo của mê cung giống như những chướng ngại thụ pháp.
Về mặt ngữ nguyên học thì mê cung (labyrinth) được giải nghĩa là “nhà của rìu hai lưỡi” (labrys), tức là nói đến cung diện hoàng gia của Cnossus. Nhưng “rìu” tiếng Achaea lại là pelekys. Nhiều khả năng thuật ngữ này dẫn xuất từ gốc Á labra/lauranghĩa là “đá,” “hang.” Do đó “mê cung” (labyrinth) nói đến một mỏ đá ngầm, khai thác bởi con người.
Tượng nữ giới tăng về số lượng suốt thời kỳ đồ đá mới, có đặc điểm là mặc váy quanh thắt lưng, ngực trần và tay nâng kiểu thờ cúng. Dù chúng có đại diện cho “thần tượng” hay không thì cũng thể hiện sự nổi trội về mặt tôn giáo của phụ nữ, trên hết là tính ưu việt của Nữ thần. Tài liệu về sau đã xác nhận điều này. Những nữ thần được giới thiệu là che mạng hay khỏa thân một phần, ép vếu hoặc giơ tay theo tư thế ban phước. Nhưng hình ảnh khác giới thiệu họ như Nữ thần của thú hoang (potnia theron), v.v.
Nghi lễ được tổ chức trên đỉnh núi, thánh điện hoặc nhà riêng. Ở mọi nơi các nữ thần đều được tìm thấy tại trung tâm của hoạt động tôn giáo.
Cây đóng vai trò trung tâm. Nhiều bằng chứng biểu tượng cho thấy hình những nhân vật khác nhau chạm vào lá, tôn thờ nữ thần của thảm thực vật, hoặc thực hiện những điệu nhảy lễ nghi. Một số cảnh tượng nhấn mạnh bản chất hoang dại, nếu không muốn nói là phấn khích của nghi lễ: một người phụ nữ khỏa thân ôm chặt lấy một cành cây; một thầy tế kéo cái cây với khuôn mặt quay đi, trong khi người đồng hành của ông ta có vẻ như đang than khóc trên một ngôi mộ. Những cảnh này không chỉ được xem là mô tả tấn kịch thường niên của thảm thực vật mà còn là của kinh nghiệm tôn giáo lấy cảm hứng từ sự liên đới bí ẩn giữa con người và cây cỏ.
Những đặc điểm tôn giáo Minoan
Theo Picard, “như vậy, chúng ta không có bằng chứng nào của một vị nam thần trưởng thành.” Nữ thần đôi khi được theo bởi phụ tá, nhưng vai trò này không rõ ràng. Dù sao thì một vài vị thần cây chắc chắn được biết đến vì thần thoại Hy Lạp đề cập đến những đám cưới thần thánh diễn ra tại Crete, những đám cưới mang đặc tính của những tôn giáo nông nghiệp. Persson tin rằng có thể đặt từng khung cảnh vào từng mùa xuân, hạ , thu. Một vài phân tích có vẻ thuyết phục nhưng về tổng thể thì gây tranh cãi.
Thứ dường như chắc chắn là hàng loạt các bằng chứng biểu tượng cho thấy giáo phái thờ cúng tập trung vào “bí ẩn” của sự sống, cái chết và sự tái sinh; do đó có những nghi lễ thụ pháp, khóc tang, những buổi lễ thác loạn và truy hoan.
Cần phải nhấn mạnh tầm quan trọng của cung điện như một trung tâm nghi lễ. Những trận đấu bò được thực hiện tại những nơi bao quanh bởi những hàng ghế theo từng bậc, cũng được biết đến như khu vực sân khấu của những cung điện. Những bức vẽ ở Cnossus vẽ những màn nhào lộn của cả nam lẫn nữ quanh những con bò (bò không bị giết). Không có gì phải nghi ngờ về ý nghĩa tôn giáo của màn nhào lộn này: vượt qua một con bò đang chạy tạo thành một chướng ngại thụ pháp hoàn hảo. Rất có thể huyền thoại về những người đồng hành cùng Theseus, bảy trai trẻ và bảy thiếu nữ được hiến cho Minotaur (Nhân Ngưu), là sự hồi tưởng của ký ức về chướng ngại thụ pháp kiểu này. Rất tiếc là chúng ta không biết gì về thần thoại bò thiêng và vai trò của nó trong giáo phái.
Rìu hai lưỡi chắc chắn là được dùng trong việc hiến tế. Tại Tiểu Á, nó được coi như biểu tượng của lưỡi tầm sét, tượng trưng cho thần sấm. Tại Crete, rìu hai lưỡi được thấy trong tay phụ nữ – nữ tư tế hoặc nữ thần – hoặc trên đầu họ. Evans giải thích rằng điều này tượng trưng cho sự hợp nhất những phần bù căn bản giữa nam và nữ.
Các cột chống có khả năng là biểu tượng của trục trung tâm vũ trụ. Những cột nhỏ với chim đậu trên đỉnh có thể phân tích theo nhiều hướng khi chim có thể đại diện cho linh hồn hoặc là hiện thân của nữ thần. Trong trường hợp nào thì các cột cũng thay thế cho nữ thần, “vì đôi khi họ được nhìn thấy, giống như bà, bên cạnh sư tử hoặc chim ưng.”
Việc thờ cúng người chết đóng một vai trò đáng kể. Thi thể được thả từ bên trên xuống những phòng sâu ở nơi mai táng. Ở đâu đó tại Tiểu Á và Địa Trung Hải, nước thánh ngầm được ban cho người chết. Người sống có thể xuống một số phòng nhất định có những hàng ghế cho việc cúng bái. Có khả năng việc mai táng được thực hiện dưới sự bảo trợ của Nữ thần.
Thứ giá trị nhất nhưng cũng bí ẩn nhất liên quan đến tôn giáo Crete là hai tấm ván có trang trí của một cỗ quan tài khai quật tại Hagia Triada. Nói chắc chắn thì bằng chứng này phản ánh ý tưởng tôn giáo tại thời đại của nó khi người Mycenae đã ổn định tại Crete (khoảng thế kỷ 13 đến 12). Một tấm ván mô tả cảnh hiến tế bò: ba nữ tư tế đang diễu hành lại phía con bò; về phía nạn nhân thì cổ họng đã bị cắt, một cuộc huyết tế trước một cái cây thiêng. Ở tấm thứ hai chúng ta thấy việc hoàn thành những lời nguyện tang: một nữ tư tế rót một chất lỏng màu đỏ vào một cái bình lớn. Cảnh cuối cùng là bí ẩn nhất: trước mộ của mình, một người đàn ông đã chết mặc một chiếc áo choàng dài, lồng ghép sự hiện diện của ông ta với đồ cúng tang lễ; ba người hiến tế nam mang cho ông ta một chiếc thuyền nhỏ và 2 con bê.
Số lớn các học giả đánh giá qua sự hiện diện của ông ta tin rằng người chết này được phong thần. Giả thuyết có vẻ hợp lý và như thế thì người này có thể là một nhân vật chức quyền, chẳng hạn như thầy tế-vua của Cnossus hoặc một trong những vị thần Hy Lạp (Héc-quyn, Achilles, Menelaus). Tuy nhiên, khả năng là cảnh tượng này gợi ý sự hoàn tất lễ thụ pháp của người chết hơn là sự thần hóa, một loại nghi lễ tôn giáo bí ẩn đảm bảo sự hạnh phúc của ông ta sau khi chết. Diodorus đã từng chú ý đến sự tương đồng giữa tôn giáo Crete và những tôn giáo bí ẩn, kiểu tôn giáo sau này sẽ bị loại bỏ tại nơi gọi là Hy Lạp Doris và chỉ còn tồn tại ở một vài hội kín nhất định gọi là thiasoi.
(còn nữa)
—————————————–
Link các phần khác (ở cuối bài):
https://www.facebook.com/groups/NghienCuuLichSu/permalink/1180792385605396/

You may also like

Leave a Comment