LỊCH SỬ NHỮNG Ý TƯỞNG TÔN GIÁO (8)

by admin

LỊCH SỬ NHỮNG Ý TƯỞNG TÔN GIÁO (8)

Các cự thạch, đền đài, trung tâm tế lễ: phương Tây, Địa Trung Hải, thung lũng Indus
Hòn đá và quả chuối
Các công trình cự thạch ở phương Tây và Bắc Âu đã làm say mê các nhà nghiên cứu hơn một thế kỷ. Nhìn vào sự sắp xếp ở Carnac hay những cấu trúc bộ ba khổng lồ của Stonehenge, thật khó mà khiến người ta không tự hỏi về mục đích và ý nghĩa của chúng. Khả năng công nghệ của những nông dân Thời kỳ đá mài làm khơi dậy sự kinh ngạc. Làm thế nào mà họ dựng đứng được khối đá 300 tấn và nâng được phiến đá 100 tấn? Không những thế, những di tích này không hề đơn độc, chúng hình thành một quần thể cự thạch phức hợp trải dài từ bờ biển Địa Trung Hải của Tây Ban Nha, bao phủ Bồ Đào Nha, một nửa nước Pháp, bờ biển miền tây nước Anh, tiếp nối đến tận Ireland, Đan Mạch và bờ biển nam của Thụy Điển. Trải qua hai thế hệ, những người tiền sử đã dùng mọi nỗ lực để biểu lộ sự liên tục của toàn bộ văn hóa cự thạch Châu Âu – một sự liên tục chỉ có thể giải thích bởi sự rải rác của phức hợp cự thạch bắt nguồn từ một trung tâm tại Los Millares, một tỉnh của Almenia.
Phức hợp cự thạch gồm ba loại cấu trúc: (1) menhir (men = đá, hir = dài) là một tảng đá lớn, đôi khi cao, dựng thẳng đứng; (2) cromlech (crom = cong, tròn và lech = đặt) là một nhóm menhir xếp thành vòng tròn hay bán nguyệt (nổi tiếng nhất là Stonehenge ở gần Salisbury), đôi khi menhir xếp thẳng hàng thành nhiều hàng song song như ở Carnac, Brittany; (3) dolmen (dol = bàn, men = đá) tạo bởi một phiến đá khổng lồ được đỡ bởi vài khối đá dựng đứng sắp xếp theo kiểu quây lại hoặc một căn phòng. Ban đầu các dolmen được bao phủ bởi một gò đất.
Nói một cách khắt khe hơn thì dolmen là nơi mai táng. nhưng sau này được chuyển thành lối đi có mái che bằng cách thêm vào một loại phòng tiền sảnh dưới dạng một hành lang dài che phủ bởi đá phiến. Một vài dolmen có kích thước khổng lồ, ví dụ như ở Soto, hay mộ địa có tới hàng trăm lối đi ở Los Millares. Việc chôn cất có thể lên đến hàng trăm người, đại diện cho vài thế hệ có cùng gens. Đôi khi phòng mai táng có một cái cột ở giữa, và vài hình vẽ vẫn còn có thể nhận ra được. Tại Ireland phòng mai táng khá cao và có tường được trang trí bằng những hình điêu khắc.
Tất cả những điều trên là bằng chứng rõ ràng của giáo phái thờ người chết. Trong khi nhà ở của những người nông dân thời kỳ đồ đá mới nhỏ bé và mong manh thì cũng chính họ lại xây nhà cho người chết bằng đá tảng. Đá dẫn lộ một khoảng thời gian không có kết thúc, sự vĩnh cửu, bất hoại.
Khi lặng ngắm những di tích cự thạch vĩ đại này, chúng ta không thể không nhớ đến một chuyện thần thoại Indonesia. Thủa ban đầu, khi trời và đất còn rất gần nhau, Chúa treo một món quà vào một sợi dây để ban cho cặp đôi đầu tiên. Đến một ngày Ngài gửi cho họ một hòn đá, nhưng những tổ tiên đã từ chối trong sự ngạc nhiên và tức giận. Mấy hôm sau Chúa thả dây treo lần nữa với một quả chuối và quà được chấp nhận ngay lập tức. Sau đó tổ tiên nghe thấy giọng Ngài nói: “Vì các ngươi đã chọn quả chuối nên sự sống của các ngươi cũng như quả chuối. Nếu các ngươi chọn hòn đá, sự sống của các ngươi sẽ như sự tồn tại của hòn đá, bất biến và bất tử.”
Như chúng ta đã thấy, việc khai phá nền nông nghiệp đã thay đổi tận gốc rễ quan niệm về sự tồn tại của con người: mong manh như sự sống của cây cỏ. Con người chia sẻ vòng đời như cây cỏ: sinh ra, sống, chết, tái sinh. Những di tích cự thạch có thể được phân tích như sự tìm kiếm sức mạnh và sự trường tồn thông qua cái chết. Người chết trở về trong lòng Đất Mẹ với hy vọng chia sẻ sinh mệnh như một hạt giống; nhưng họ cũng liên kết một cách bí ẩn với những khối đá của phòng mai táng, do đó trở nên mạnh mẽ và bất hoại như đá.
Phái thờ cúng người chết cự thạch dường như không chỉ chắc chắn về sự sống của linh hồn mà trên hết, tự tin vào sức mạnh của tổ tiên và hy vọng họ sẽ bảo vệ và giúp đỡ người sống. Hơn nữa, trong khi giao tiếp lễ nghi với tổ tiên là chìa khóa cho những hoạt động tôn giáo của những người xây cự thạch, thì đối với văn hóa nguyên thủy, sự tách biệt giữa người sống và người chết lại là một quy tắc khắt khe.
Một số menhir được dựng lên độc lập với việc mai táng. Khả năng lớn nhất là những khối đá này tạo thành một dạng “cơ thể thay thế” mà linh hồn người chết sẽ nhập vào. Menhir đôi khi được trang trí với hình người, nói cách khác, đó là nơi “trú ngụ”, là“cơ thể” của người chết. Tương tự, những hình vẽ cách điệu trên tường của các dolmen, cùng với những tượng thần nhỏ khai quật tại cự thạch ở Tây Ban Nha, có khả năng là đại diện cho tổ tiên. Trong những trường hợp nhất định, một niềm tin song hành có thể được nhận ra: Linh hồn tổ tiên có thể ra vào mộ tùy ý. Những tảng đá đục lỗ để đóng một số cự thạch mộ, còn gọi là “lỗ hồn,” cho phép giao tiếp với người sống.
Ý nghĩa tình dục của menhir cũng cần được xem xét vì bằng chứng toàn cầu của nó cũng như trong nhiều tầng lớp văn hóa. Những người nông dân Châu Âu đầu thế kỷ này vẫn còn tin vào tính thụ tinh của menhir. Để có bầu, những cô gái Pháp trượt dọc một hòn đá và ngồi lên một tảng đá dựng đứng hoặc cà bụng vào những phiến đá nhất định.
Chức năng sinh sản này không thể giải thích bằng biểu tượng dương vật của menhir. Ý tưởng gốc rễ, cơ bản là “sự biến hóa” tổ tiên vào trong đá, hoặc bằng cách dùng menhir như một “cơ thể thay thế,” hoặc bằng cách tích hợp những thành phần cơ bản của người chết (xương, tro, “linh hồn”) vào một cấu trúc thật của di tích. Dù bằng cách nào thì người chết cũng “làm sống” tảng đá, cư trú trong một cơ thể mới bất hoại. Vì thế menhir hay cự thạch mộ cấu thành một bể chứa vô tận của sức sống và nguồn lực. Những người chết trở thành những bậc thầy về sinh sản và thịnh vượng. Nói theo kiểu thần thoại Indonesia, họ đã thành công trong việc sở hữu cả hòn đá lẫn quả chuối.
(còn nữa)
—————————————–
Link các phần khác (ở cuối bài):
https://www.facebook.com/groups/NghienCuuLichSu/permalink/1180792385605396/

You may also like

Leave a Comment