Kaliningrad là một thành phố ở phía tây bắc nước Nga, trung tâm hành chính của vùng Kaliningrad. Kaliningrad đặc biệt ở chỗ là không có biên giới với các khu vực khác của Nga, chỉ tiếp giáp với Ba Lan và Litva.
Trong một thời gian dài Kaliningrad thuộc về Đức. Lịch sử của thành phố bắt đầu vào năm 1255, khi các hiệp sĩ của Huynh đệ Teuton đặt một pháo đài trên một ngọn đồi và gọi nó là Konigsberg (Núi Hoàng gia). Lần đầu tiên thành phố thuộc về Nga vào năm 1758, sau chiến thắng trong Chiến tranh Bảy năm. Tuy nhiên, vào năm 1762, vùng đất đã được trả lại cho vương quốc Phổ. Konigsberg từng là tâm điểm trong nhiều cuộc chiến tranh ở châu Âu: Chiến tranh Bảy năm (1756-1763), Chiến tranh Napoléon (1805-1807 và 1812-1814), Chiến tranh Thế giới thứ I (1914-1918) và Chiến tranh Thế giới thứ II (1939 -1945). Chính vì vậy, tỉnh Kaliningrad là nơi giao thoa của nhiều truyền thống lịch sử, văn hóa, tôn giáo, nơi nương náu của nhiều dân tộc, sự kết hợp giữa kiến trúc Phổ với kiến trúc Liên Xô trước đây.
Königsberg trở thành của Nga một lần nữa vào năm 1946, sau khi Thế chiến II kết thúc, một phần lãnh thổ của Đức đã được chuyển sang Liên Xô. Người Đức bị đuổi khỏi khu vực và công dân Liên Xô đến định cư tại đây. Bà Lyudmila Putina, vợ cũ của Tổng thống Nga Vladimir Putin, sinh năm 1958 tại Kaliningrad. Trước đó, năm 1943, trong hội nghị Teheran (Iran), Joseph Stalin đã đề nghị đồng minh cho sáp nhập phần lãnh thổ này vào Liên Xô. Đòi hỏi này không phải là một sự ngẫu nhiên bởi vì Stalin nhận thấy một lợi thế chiến lược từ các cảng biển của Konigsberg và Pillau : Quanh năm không có băng, khác biệt hoàn toàn với Leningrad và Kronstadt. Cùng lúc đó, một cái tên mới xuất hiện – Kaliningrad, để vinh danh nhà lãnh đạo đảng Liên Xô Mikhail Ivanovich Kalinin. Tuy được gọi là thành phố biển, song Kaliningrad lại không có lối đi trực tiếp ra biển. Thành phố nằm ở ngã ba sông Pregel chảy vào vịnh Kaliningrad. Tại thành phố này có một cảng lớn và là nơi đóng quân của Hạm đội Baltic, Hải quân Nga.
Kaliningrad còn nổi tiếng bởi nơi đây là quê hương của nhà triết học Immanuel Kant (1724 – 1804). Ông là một trong những nhà tư tưởng vĩ đại hàng đầu thế giới, người được xem là cha đẻ của triết học Khai sáng. Ông sinh ra và gần như cả cuộc đời sống ở Konigsberg. Ngôi mộ của nhà hiền triết nằm bên bức tường nhà thờ Cathedral, được xây dựng từ thế kỷ XIV, trên hòn đảo chính của thành phố. Bên trong nhà thờ là Bảo tàng và Phòng hòa nhạc mang tên Kant, nơi tổ chức các buổi hòa nhạc organ. Kant tuyên thệ trung thành với Nữ hoàng Nga Elizaveta Petrovna. Và chính vì không muốn phá vỡ lời thề của mình, nên sau khi Elizaveta Petrovna băng hà tháng 1-1762, vùng đất được người kế vị Peter III trao trả lại cho Đông Phổ, nhưng Kant vẫn coi mình là công dân Nga cho đến khi qua đời.
Hiện tại, Kaliningrad có diện tích khoảng 15.100 km2 và dân số khoảng 1 triệu người, cách thủ đô Moscow của Nga khoảng 1.300 km. Về mặt quản lý hành chính, đây là một tỉnh (oblast) của Nga, với trung tâm hành chính đặt tại thành phố cùng tên. Hằng năm, hàng triệu tấn dầu, than cốc và than đá được chuyển đến Kaliningrad – chủ yếu bằng đường sắt – qua Lithuania. Khoảng 100 chuyến tàu của Nga đi qua Lithuania mỗi tháng. Kaliningrad nhập lương thực từ các nước láng giềng EU nhưng khu vực này vẫn phụ thuộc nhiều vào phần còn lại Nga về các mặt hàng khác. Cảng Baltiysk ở Kaliningrad là cảng duy nhất của Nga ở biển Baltic không bị đóng băng quanh năm.
Mặc không có bất cứ đường biên giới trên bộ với lãnh thổ chính và giống như một ốc đảo giữa lòng Châu Âu của Nga nhưng Kaliningrad lại có vai trò rất quan trọng về mặt thương mại. Trước hết, do nằm ở vị trí trung tâm châu Âu, Kaliningrad có thể dễ dàng vận chuyển hàng hóa của Nga đến bất cứ khu vực nào của Liên minh châu Âu. Kaliningrad có quan hệ kinh tế tương đối chặt chẽ với các quốc gia châu Âu sau khi Liên Xô tan rã, nhưng mối quan hệ này đã dần phai nhạt sau khi EU áp đặt lệnh trừng phạt Nga, liên quan đến sự kiện Nga sáp nhập Bán đảo Crimea vào năm 2014.
Ngoài vai trò thương mại, Kaliningrad cũng có tầm quan trọng về mặt chiến lược và quân sự đối với Nga. Lâu nay, nơi đây đã được xem như “hàng không mẫu hạm không thể chìm” của Điện Kremlin tại Biển Baltic. Từ đây, Nga có thể triển khai các loại vũ khí ở Kaliningrad để tấn công Tây Âu một cách dễ dàng trong trường hợp xung đột bùng phát. Đây cũng là nơi đóng quân của Hạm đội Baltic Nga và là địa điểm Nga thử nghiệm tên lửa Iskander có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Hơn nữa, sau Chiến tranh lạnh, Kaliningrad hoạt động như một “đặc khu kinh tế” với mức thuế thấp và hầu như không có thuế nhập khẩu để kích thích sản xuất và đầu tư. Tuy nhiên, nền kinh tế của Kaliningrad đã bị chững lại sau khi phương Tây áp đặt những lệnh trừng phạt đầu tiên.
Tầm quan trọng của Kaliningrad càng trở nên lớn hơn với Nga khi theo kế hoạch, Thụy Điển và Phần Lan sẽ gia nhập NATO. Vào tháng 5, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev cho biết, kế hoạch gia nhập của hai nước này có nghĩa là “sẽ không còn có thể nói về bất kỳ tình trạng phi hạt nhân hóa nào của các nước Baltic và sự cân bằng phải được khôi phục”. Từ lâu, Nga đã không thích sự hiện diện của các nước NATO xung quanh Kaliningrad. “Họ đã chuyển cơ sở hạ tầng của NATO đến gần biên giới của chúng tôi. Và đây không phải là lãnh thổ của Mỹ”, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói với CNN vào năm 2015, sau khi báo chí đưa tin Nga đã chuyển tên lửa Iskander có khả năng hạt nhân đến khu vực.
Được biết, kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, Lithuania đã nhiều lần thúc giục NATO tăng cường triển khai quân đội trên lãnh thổ của mình. Từ cuối tuần trước, Lithuania đã tuyên bố cấm việc trung chuyển hàng hóa bằng tàu hỏa giữa Nga và vùng Kaliningrad thuộc Nga. Tuyên bố này nằm trong các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực từ ngày 17/6. Theo đó, các mặt hàng bị cấm gồm than, kim loại và vật liệu xây dựng. Điều đáng nói, lệnh cấm này cũng đồng nghĩa với việc Nga không thể vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt sang Kaliningrad. Bộ Ngoại giao Nga đã ngay lập tức chỉ trích đây là hành động “thù địch công khai” và yêu cầu EU khôi phục tuyến trung chuyển qua Lithuania. Nga thậm chí cảnh báo về những hậu quả “nghiêm trọng” đối với Lithuania. Tuy nhiên, Lithuania khẳng định mình chỉ thực hiện trách nhiệm của 1 thành viên EU chứ không có mục đích nào khác.
Hôm 20/6, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết quyết định cấm việc trung chuyển hàng hóa của Lithuania là “chưa có tiền lệ”, “bất hợp pháp” và đi ngược các thỏa thuận giữa Nga và EU. Phủ tổng thống Nga tuyên bố sẽ có các biện pháp đáp trả. Nikolai Patrushev, thư ký Hội đồng Bảo an Liên bang Nga, cho biết “Phía Nga chắc chắn sẽ đáp trả những hành động thù địch như vậy”. Các biện pháp đang được thực hiện theo hình thức liên bộ và sẽ có hiệu lực trong tương lai gần. Chúng sẽ đem lại hậu quả tiêu cực nghiêm trọng tác động tới người dân Lithuania”, RIA Novosti dẫn lời ông Patrushev. “Trong tương lai gần, nếu vận chuyển hàng hóa giữa vùng Kaliningrad và phần còn lại của Nga thông qua Lithuania không được khôi phục hoàn toàn, Nga có quyền thực hiện hành động để bảo vệ lợi ích quốc gia”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cho hay. Dmitry Lyskov – đại diện của chính quyền khu vực – đã kêu gọi người dân không mua sắm hoảng loạn. Các sản phẩm bị trừng phạt giờ sẽ vận chuyển bằng đường biển.
Bất chấp cảnh báo của Nga, Lithuania sẵn sàng mở rộng phong tỏa vùng Kaliningrad nếu Liên minh châu Âu áp dụng lệnh trừng phạt mới với Nga. Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda hôm 22/6 cho biết, nước này sẵn sàng mở rộng danh sách hàng hóa từ Nga trung chuyển qua Lithuania đến vùng Kaliningrad bất chấp nguy cơ bị đáp trả. “Chúng tôi đã sẵn sàng và chuẩn bị cho những hành động của Nga. Chẳng hạn, Nga có thể cắt Lithuania khỏi mạng lưới điện hoặc sử dụng những biện pháp khác”, ông Nauseda nói.
Trước đó, đại diện cấp cao của Ủy ban châu Âu (EC) Josep Borrell cũng cho biết, việc vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ giữa Kaliningrad với các khu vực khác của Nga không bị cấm. Ông khẳng định: “Không có sự phong tỏa nào. Việc vận chuyển hành khách và hàng hóa không bị trừng phạt vẫn tiếp diễn”. Ông Borrell khẳng định, Lithuania không áp dụng bất cứ hạn chế đơn phương nào mà chỉ áp dụng các lệnh trừng phạt của EU.
Trong 25 năm đầu sau khi Liên Xô tan rã, Moscow đã nỗ lực để xóa đi hình ảnh của Kaliningrad là nơi đồn trú của các lực lượng vũ trang và đóng cửa với người nước ngoài. Tuy nhiên, gần đây có dấu hiệu cho thấy điều ngược lại, và các chuyên gia quân sự phương Tây cũng như một số chuyên gia khác đang xem vùng Baltic như “đường đứt gãy” chính trong những căng thẳng giữa Đông và Tây. Một trong những vụ đối đầu nghiêm trọng nhất những năm qua đã xảy ra hồi giữa tháng 4/2016, tại vị trí cách Kaliningrad khoảng 70 hải lý, khi hai cường kích Su-24 của Nga sà xuống sát tàu khu trục tên lửa dẫn đường Donald Cook của Mỹ. Washington cho rằng máy bay Nga mô phỏng một vụ tấn công và phản ứng mạnh mẽ.
Moscow từng cố gắng hồi sinh Kaliningrad, vốn nằm cách đại lục Nga hơn 320 km, thông qua quảng bá khu vực này như một “Hong Kong phi thuế quan” của Nga. Các nhà máy sản xuất ôtô, thiết bị điện tử và nội thất từ đó phát triển nhanh chóng. Đến khi chính quyền tỉnh Kaliningrad đàm phán và đi đến thống nhất việc miễn thị thực đi lại với Ba Lan, điểm bán hàng của tập đoàn nội thất Ikea tại thành phố Gdanks ở Ba Lan trở thành điểm đến của đông đảo người Nga. “Người sống ở Kaliningrad vào các nước châu Âu còn nhiều hơn cả về đại lục Nga”, Ilya Shumanov, đại diện tổ chức chống tham nhũng Minh bạch Quốc tế tại Kaliningrad cho biết.