LOẠN BÁT VƯƠNG CUỐI THỜI NHÀ TẤN

by admin

Dịch từ: Serious Trivia

PHẦN 7: VÒNG 4: TƯ MÃ NGHỆ VÀ CUỘC CHIẾN Ở LẠC DƯƠNG

Trong phần trước, Hoàng đế Tư Mã Luân (司馬倫) đã bị tiêu diệt và Tư Mã Quýnh (司馬冏) được lên thay thế, nhưng ông lại không học được từ lịch sử và đạp lên vết xe đổ của Tư Mã Luân. Vì tin đồn Tư Mã Nghệ (司馬乂) định liên minh với các vị Vương khác lật đổ mình, Tư Mã Quýnh cho người đến bắt Tư Mã Nghệ. Chỉ có khoảng 100 vệ sĩ trong tay, số phận của Tư Mã Nghệ có lẽ đã được định sẵn là tốt thí trong trò chơi vương quyền này.

Nhưng chúng ta sẽ không có phần này nếu như Tư Mã Nghệ chỉ đầu hàng trước số phận. Tuy nhiên, sau khi nghe tin Tư Mã Quýnh đòi xử trảm mình, Tư Mã Nghệ đã mở một trong những cuộc đảo chính thành công nhất lịch sử. Chỉ với 100 binh lính trong tay, ông biết rằng mình cần hỗ trợ mới đánh được với Tư Mã Quýnh, nhưng không ai trong kinh thành dám đứng lên phản đối nhiếp chính Tư Mã Quýnh quyền lực cả.

Vì vậy ông và quân đội mình bất ngờ xuống đường với Tư Mã Nghệ dẫn đầu, họ không không chạy trốn khỏi kinh thành, mà là tiến thẳng đến cổng Hoàng cung. Không giống như cuộc đảo chính thất bại cùng 700 kiếm sĩ Hoài Nam của Tư Mã Sung (司馬充). Tư Mã Nghệ và quân đội đã vào được bên trong Hoàng cung trước khi lính gác kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra, vì dinh thự của Tư Mã Quýnh nằm trong góc khuất không thể thấy cổng Hoàng cung. Tư Mã Nghệ sau đó bắt giữ Tư Mã Trung (司馬衷) làm con tin và dùng danh nghĩa Hoàng đế để triệu tập Ngự Lâm Quân và hạ lệnh cho đóng tất cả cổng Hoàng cung.

Sau đó, trong hai ngày liên tiếp, quân của Tư Mã Quýnh và Tư Mã Nghệ giao tranh quyết liệt tại kinh thành. Ngay cả khi nắm Ngự Lâm Quân trong tay, quân của Tư Mã Nghệ vẫn ít hơn nhiều so với Tư Mã Quýnh, vì vậy Tư Mã Nghệ cho người đốt các vị trí chiến lược quan trọng tại kinh thành, khiến Tư Mã Quýnh phải dàn mỏng quân đội đi dập lửa, còn mình thì tập trung lực lượng tại Hoàng cung.

Tư Mã Quýnh sau đó cho người lấy trộm Quân kỳ trong cung, nhằm mục đích lấy lại quyền kiểm soát Ngự Lâm Quân. Mặc dù Ngự Lâm Quân được chỉ định là phải tôn trọng lệnh từ người nắm giữ Quân kỳ như thể đó chính là lệnh từ Hoàng đế, Tư Mã Nghệ lại luôn giữ Tư Mã Trung bên cạnh, khiến Tư Mã Quýnh không có cách nào nói Hoàng đế theo phe mình.

Trong hai ngày liên tiếp kinh thành hoàn toàn rơi vào hỗn loạn, khi mà cả 2 bên đều nói mình được Hoàng đế ủng hộ, và bên còn lại mới chính là phản tặc. Các lực lượng còn lại ở Lạc Dương cũng liên tục đổi phe và không biết phải ủng hộ cho ai. Nhưng cuối cùng, Tư Mã Nghệ nhờ có Hoàng đế trong tay nên thắng thế và bắt giữ được Tư Mã Quýnh, mặc dù ban đầu quân đội nhỏ hơn rất nhiều.

Sau khi bắt giữ Tư Mã Quýnh, ông thấy rằng mình không có đủ lực lượng trong kinh thành để giữ mạng sống cho Tư Mã Quýnh, lo lắng rằng phe cánh trung thành với Tư Mã Quýnh sẽ mở một cuộc đảo chính một lần nữa, Tư Mã Nghệ hạ lệnh chém đầu Tư Mã Quýnh và những người trung thành với ông để kiểm soát hoàn toàn Lạc Dương. Sau 2 ngày liên tiếp đánh nhau tại kinh thành, lại có thêm 2,000 người bị xử trảm.

Không như các vị Vương trước đây, Tư Mã Nghệ sau khi kiểm soát kinh thành không tự phong mình làm nhiếp chính hay các chức quan cao khác, ông vẫn phục vụ cho Hoàng đế Tư Mã Trung, xin lỗi Hoàng đế vì bắt ông làm con tin do tình hình lúc đó cần thiết. Và ông thề rằng sẽ tận tâm phục vụ cho người dân tại Lạc Dương, trao chức nhiếp chính lại cho em trai là Thành Đô Vương (成都王) Tư Mã Dĩnh (司马颖), hiện tại đang ở Nghiệp Thành. Tư Mã Nghệ rất tôn trọng Tư Mã Dĩnh, nhất là sau khi ông nhường chức nhiếp chính cho Tư Mã Quýnh, trong khi mình là người tiêu diệt đạo quân phía bắc của Tư Mã Luân. Chúng ta đã biết trong phần trước, Tư Mã Dĩnh là vị Vương quyền lực nhất Trung Hoa lúc bấy giờ, với quân đội hơn 20 vạn người. Có lần khi cả hai đến viếng thăm lăng cha mình là Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm (司馬炎), Tư Mã Nghệ đã nói với Tư Mã Dĩnh rằng triều đại này do tổ tiên chúng ta dày công gây dựng, đừng nên để nó bị sụp đổ. Có thể thấy, Tư Mã Nghệ hoàn toàn tin tưởng em trai Tư Mã Dĩnh.

Cuộc sống quay trở lại bình thường tại Lạc Dương, và sử sách không hề ghi nhận gì về những sự kiện diễn ra sau khi Tư Mã Nghệ đảo chính. Đủ để cho thấy ông không làm những chuyện gì “quái lạ” như các vị Vương khác, từ cố gắng được nổi tiếng sau khi giết nhiếp chính như Tư Mã Vĩ (司馬瑋), dùng những thứ mê tín dị đoan để soán ngôi như Tư Mã Luân, hay coi thường Hoàng đế và xây cả một dinh thự khổng lồ như Tư Mã Quýnh. Tư Mã Nghệ không làm những việc này và nhường chức nhiếp chính cho Tư Mã Dĩnh, nhưng Tư Mã Dĩnh càng ngày càng tự cao và bắt đầu âm mưu soán ngôi làm Hoàng đế.

Trong khi đó ở phía tây, chúng ta cũng không nên quên mất người đã gây ra tất cả việc này, Hà Gian Vương (河間王) Tư Mã Ngung (司馬顒). Tư Mã Ngung ban đầu cho rằng tin đồn của mình sẽ khiến Tư Mã Nghệ bị xử trảm, giúp ông có cớ động binh đánh Tư Mã Quýnh. Nhưng giờ Tư Mã Quýnh đã chết và Tư Mã Nghệ lại trở thành anh hùng trừ gian giúp nước trong mắt người dân nên ông không có cớ để đưa quân đội đến kinh thành làm nhiếp chính.

Tướng quân Lý Hán (李汉) từng viết thư xin Tư Mã Ngung đánh Tư Mã Quýnh giờ lại bị Tư Mã Ngung sai ám sát Tư Mã Nghệ, nhưng Lý Hán ám sát không thành và lại bị giết. Tức giận, Tư Mã Ngung dùng cái chết của Lý Hán làm cớ đem 70,000 quân đi đánh Tư Mã Nghệ, người chỉ có trong tay 50,000 quân vào thời điểm đó.

Nghe có vẻ lực lượng hai bên không chênh lệch mấy, điều xảy ra tiếp theo lại khiến Tư Mã Nghệ hoàn toàn sốc. Người em trai mà ông tin tưởng là Thành Đô Vương Tư Mã Dĩnh cũng đem 200,000 quân từ Nghiệp Thành đến tấn công Tư Mã Nghệ từ phía đông. Do lo sợ anh trai mình quá giỏi, mà Hoàng đế giờ lại không còn con trai sau khi Thái tử Tư Mã Duật (司馬遹) bị Giả Nam Phong (賈南風) hại chết, Tư Mã Dĩnh sợ sau khi Tư Mã Trung chết, các quan chức trong triều sẽ cử Tư Mã Nghệ lên thay, mặc dù bản thân Tư Mã Nghệ muốn nhường chức nhiếp chính cho ông. Trước đây Tư Mã Dĩnh cũng gửi sát thủ tới giết Tư Mã Nghệ như Tư Mã Ngung đã làm, và sát thủ đó cũng thất bại nhưng may mắn là Tư Mã Nghệ không bao giờ nghi ngờ em trai mình. Vì vậy lần này thay vì đem sát thủ đến, Tư Mã Dĩnh đem cả đội quân 20 vạn người để đảm bảo tiêu diệt Tư Mã Nghệ một lần và mãi mãi.

Và rồi đột nhiên lực lượng nhỏ bé của Tư Mã Nghệ lại phải một lần nữa chống chọi với đối thủ lớn hơn. Ở phía tây, 70,000 quân của Tư Mã Ngung dưới sự chỉ huy của tướng Trương Phương (張方); ở phía đông bắc, 200,000 quân của Tư Mã Dĩnh dưới trướng Lục Kỳ (陸机), cháu nội của Lục Tốn (陸遜), tướng quân nổi tiếng của Đông Ngô thời Tam Quốc, giúp Ngô giết được tướng Quan Vũ (關羽) của Lưu Bị (刘备).

Sau khi Đông Ngô bị nhà Tấn lật đổ, những người đến từ các gia tộc lớn phía nam như Lục Kỳ đã đầu quân cho Tư Mã Dĩnh, vốn đã nổi tiếng từ khi ra trấn thủ Nghiệp Thành. Sự nổi tiếng này không chỉ giúp ông có 20 vạn quân, mà còn giúp ông thu phục được nhiều người tài, ví dụ như Lư Chí (卢志), chắt của Lư Thực (卢植) đã nhắc đến trong phần trước, và giờ là cả Lục Kỳ. Khi Tư Mã Dĩnh lựa người chỉ huy quân đội, ông đã chọn người đến từ một gia tộc lớn phía nam là Lục Kỳ để lấy lòng khu vực này, tiện cho việc sau này lên làm Hoàng đế. Nhưng quyết định này cũng khiến nhiều tướng sĩ dưới trướng không hài lòng bởi đa phần họ là người phương bắc.

Hai cánh quân của Tư Mã Dĩnh và Tư Mã Ngung hợp binh bao vây Lạc Dương được 5 tháng. Mặc dù lương thực dần cạn kiệt, kinh thành vẫn tiếp tục được giữ vững nhờ sự tài trí của Tư Mã Nghệ. Nhưng đến tháng 1 năm 304, một số quan chức trong triều cho rằng việc Tư Mã Nghệ cố thủ cũng vô ích và hiện tại, đầu hàng là lựa chọn duy nhất.

Dẫn đầu nhóm quan chức này là Đông Hải Vương (東海王) Tư Mã Việt (司馬越), vị Bát Vương cuối cùng tham gia loạn. Đây là lần đầu tiên chúng ta nhắc đến Tư Mã Việt, nhưng ông trước đây cũng có tham gia Loạn Bát Vương rồi. Tư Mã Việt là con của Cao Mật Vương (高密王) Tư Mã Thái (司馬泰), Tư Mã Thái là con của Tư Mã Quỳ (司馬馗) em trai thứ tư của Tư Mã Ý (司馬懿). Tư Mã Việt ngay từ đầu luôn ở kinh thành và còn giúp Giả Nam Phong lật đổ nhiếp chính Dương Tuấn (杨骏) ở phần 3. Nhờ như vậy mà ông được Giả Nam Phong cân nhắc trở thành Đông Hải Vương. Sau khi được phong chức tước, Tư Mã Việt chỉ ở lại kinh thành và im hơi lặng tiếng suốt nhiều năm trong khi các vị Vương khác chém giết lẫn nhau.

Giờ đây với nguồn lương thực cạn kiệt, Tư Mã Việt cuối cùng cũng liên minh với các quan chức khác làm đảo chính, bắt giữ Tư Mã Nghệ và xin Hoàng đế cho mình thương lượng hoà bình với các Vương địa phương. Sau khi chính quyền Lạc Dương ra thương lượng với Tư Mã Ngung và Tư Mã Dĩnh thì mới phát hiện quân đội của các vị Vương này cũng đang dần cạn kiệt hậu cần, tướng Trương Phương dưới trướng Tư Mã Ngung đã phải đem chém hết 1 vạn nô lệ làm thức ăn cho quân đội vào mùa đông.

Khi các quan chức này biết được tin quân của Tư Mã Ngung và Tư Mã Dĩnh sắp bị đánh bại, họ bàn bạc với nhau và muốn thả Tư Mã Nghệ ra tiếp tục chỉ huy. Trong khi tất cả mọi người đang chuẩn bị ăn mừng chiến thắng, Tư Mã Việt lại sợ sau khi Tư Mã Nghệ lên nắm quyền trở lại sẽ hận mình do làm đảo chính. Nên ông bí mật liên lạc với quân của Tư Mã Ngung, mang họ vào thành để giải Tư Mã Nghệ cho Trương Phương. Sau đó Trương Phương hạ lệnh thiêu sống Tư Mã Nghệ. Vị Trường Sa Vương (長沙王) vốn đang trên đà chiến thắng thì bị Tư Mã Việt đâm sau lưng và bị Trương Phương thiêu sống, hưởng thọ 28 tuổi.

Với cái chết của Tư Mã Nghệ, lực lượng quân đội ở Lạc Dương cũng nhanh chóng đầu hàng và một lần nữa Tư Mã Dĩnh và Tư Mã Ngung tiếp tục đưa quân vào kinh thành. Vì Tư Mã Dĩnh là vị Vương đông quân nhất, lại có gia phả gần với Tư Mã Trung hơn, Tư Mã Ngung buộc phải chấp nhận Tư Mã Dĩnh làm Thái đệ, kế vị Tư Mã Trung, đồng thời là nhiếp chính cho nhà Tấn.

Mặc dù đã đến quá gần với chức vị Hoàng đế, Tư Mã Dĩnh lại đưa ra một quyết định kỳ lạ không thể tin nổi. Ông nói sẽ chấp nhận làm Thái đệ và nhiếp chính nhưng lại không đóng quân ở Lạc Dương mà quyết định rút về Nghiệp Thành. Ông làm vậy bởi mẹ ông cảm thấy thích Nghiệp Thành hơn và không muốn dời về Lạc Dương, ngoài ra Nghiệp Thành cũng là nơi nam sủng (情夫), tức “bạn trai” của ông (thời này quan hệ đồng giới khá bình thường), cuối cùng thì dù sao ông cũng làm nhiếp chính ở Nghiệp Thành từ lúc Tư Mã Nghệ trao chức đó cho ông rồi, nên Tư Mã Dĩnh cũng không lo lắng lắm.

Do đó, với Tư Mã Dĩnh rút về Nghiệp Thành, Tư Mã Ngung rút về Quan Trung, khoảng trống quyền lực ở kinh thành Lạc Dương đột nhiên rơi vào tay không ai khác ngoài Tư Mã Việt. Trước đây chưa ai nghĩ vị Vương im hơi lặng tiếng này sẽ gây nguy hiểm gì nhiều, nhưng giờ đây Tư Mã Việt biết rằng thời cơ đã đế và ông lên kế hoạch để làm Hoàng đế.

Để biết kế hoạch của Tư Mã Việt là gì và kết quả cuối cùng của Loạn Bát Vương, trở lại với phần sau, và cũng là phần cuối của series, khi mà cả 3 vị Vương cuối cùng hỗn chiến lẫn nhau cho đến khi chỉ còn 1 người duy nhất.

Phần 6: https://www.facebook.com/groups/NghienCuuLichSu/permalink/1155718914779410?sfns=mo

You may also like

Leave a Comment