Dù cho là một chuyện tình bi kịch thì nó cũng là một câu chuyện trong mơ hoàn hảo và khó cưỡng lại được
“Thế giới này không phải là nhà máy ban phát điều ước”.
Lời thoại trích từ “Lỗi ở những vì sao” (The Fault in Our Stars) này là sự thật, và việc bộ phim – giống như cuốn sách mà nó được chuyển thể – là một cỗ máy tinh xảo chuyên lấy nước mắt người xem hàng loạt cũng là sự thật. Dưới sự chỉ đạo của đạo diễn Josh Boone (người cũng từng đứng sau bộ phim “Stuck in Love”), cùng sự tôn trọng tỉ mỉ đối với nguyên tác của John Green – cũng là một tiểu thuyết best-seller dành cho thanh thiếu niên, bộ phim này được làm ra để khiến bạn phải rơi nước mắt – không phải kiểu sụt sùi hay thổn thức, mà là khóc cho tới khi mặt mũi bạn đã tèm nhem. Và nó thực sự đã làm được điều ấy.
Nhân vật chính và cũng đồng thời là người kể chuyện là Hazel Grace Lancaster, được lấy nguyên mẫu từ trang sách của John Green. Hazel một cô gái trẻ phải sống phần lớn những năm tháng với căn bệnh ung thư tuyến giáp đã di căn mà cô cho rằng sẽ sớm đặt dấu chấm hết cho cuộc đời mình. Cô đem lòng yêu Augustus Waters (do Ansel Elgort thủ vai), hay thường được gọi là Gus, một người bạn cùng cảnh ngộ cũng từng bị căn bệnh ung thư cướp đi một chân, nhưng đã được chữa trị khỏi và sau đó quyết tâm sống một “cuộc đời phi thường”.
Cũng giống như chính nữ diễn viên tài năng Shailene Woodley, Hazel là một cô gái dí dỏm, đầy lòng trắc ẩn và dễ thương như một ngày tháng Sáu. Cô dứt khoát gạt bỏ mặt ủy mị thường thấy trong những “câu chuyện về ung thư”, và cũng chối phăng cảm giác tự thương hại chính mình; nhưng chính sự mạnh mẽ ấy lại trở thành một điểm “lấy nước mắt” của câu chuyên và khơi dậy sự đồng cảm của khán giả. Cô từng nói: “Điều duy nhất đau đớn hơn việc bị ung thư là việc có một đứa con bị ung thư”, và nỗi niềm thương xót ấy của cô được minh chứng rõ rệt bởi gương mặt khắc khổ của cha mẹ cô (do Sam Trammell và Laura Dern thủ vai, cả hai đều rất xuất sắc trong những vai diễn phụ)
Woodley gần như luôn phải đeo một ống thở oxy qua mũi trong mọi cảnh quay (do căn bệnh ung thư của Hazel ảnh hưởng tới phổi của cô ấy), nhưng tính cách thực tế của cô ấy có thể được phản chiếu rõ ràng qua những hành động mà cô vốn chẳng hề nhận thức đến. Cô chẳng bao giờ mong được ta chú ý đến, nhưng cũng chính bởi thế ta thấy mình bị cuốn hút bởi cô. Trong khi đó, Gus lại là một anh chàng điển trai, lịch thiệp, tràn đầy năng lượng và lúc nào cũng thản nhiên một cách tinh nghịch, khiến chúng ta thậm chí còn “đổ” cậu ấy trước cả khi Hazel đem lòng yêu cậu. Vừa ngậm một điếu thuốc nhưng không bao giờ châm lửa vừa nhoẻn miệng cười, cậu ta là một người hùng lãng mạn hoàn hảo, đi bên cạnh một người chiến hữu đôi phần ngờ nghệch (nhân vật Isaac, do Nat Wolff thủ vai).
Nhưng bạn có thể nói gì về một cô gái người mà…? Câu hỏi này không hẳn có ý định nói trước về bộ phim, mà là nhằm tham chiếu. Cách đây rất lâu, có một bộ phim tên là “Câu chuyện tình” (Love Story), cũng dựa trên một tác phẩm bán chạy nhất (best-seller) lấy đề tài về căn bệnh hiểm nghèo, cũng càn quét nền văn hóa đại chúng và giúp đưa nhân vật chính lên bìa tạp chí Times. Bộ phim cũng có ảnh hưởng mãnh liệt và ăn sâu vào tâm trí khán giả dù không phải hoàn toàn tốt. Rất nhiều năm sau, người ta vẫn có thể cười khi nghe những đoạn hội thoại cứng nhắc, xem những cảnh quay vụng về, và đến cuối phim vẫn thấy mắt mình ươn ướt, giọng nói nghèn nghẹn.
Không rõ trong 40 năm tới thì sẽ thế nào, nhưng bề ngoài “Lỗi thuộc về những vì sao” có vẻ là một bộ phim tốt hơn nhiều, nhờ vào tính kỉ luật của Woodley và nhờ kịch bản do Scott Neustadter và Michael H. Weber viết, đã tiếp cận câu chuyện một cách chậm rãi và dễ gần. Những kịch bản phim trước đó của họ, (500 ngày yêu [500 days of Summer] và Thực tại hoàn mỹ [Spectacular Now], cũng có sự xuất hiện của Woodley) đều là những biến thể sinh động của thể loại hài-lãng mạn, và giờ họ lại khéo léo thể hiện được những dòng văn khô khan, kì lạ đặc trưng trong những tác phẩm có phần gắng gượng của Green.
Tôi chuẩn bị dấn thân vào một lãnh địa nguy hiểm. Cuốn sách của Green thực sự đáng yêu, khả năng lay động cảm xúc của bộ phim là không thể chối cãi, và những gì mà bộ phim và cuốn sách dựa trên những điều xảy ra trong thực tế đều kinh khủng và rắc rối tới mức chỉ một chút hoài nghi thôi cũng có thể thể hiện ra như một sự thiếu nhạy cảm đáng ghê tởm. Một phần trong cái tài tình của “Lỗi ở những vì sao” là cách nó đặt tính cách khiêm nhường dễ mến bên cạnh sự thao túng một cách vô liêm sỉ để khiến khó ai có thể phê phán nổi. Những đứa trẻ này thật tốt bụng, thật thông minh, thật hài hước, nhưng chúng cũng đang hấp hối. Loại quái vật nào có thể nhìn vào đó mà bới móc ra thiếu sót cơ chứ?
Câu trả lời nằm trong chính bộ phim, qua nhân vật Peter Van Houten, vị tiểu thuyết gia đã viết nên cuốn sách về căn bệnh ung thư mang tên “Nỗi đau tột cùng” (Imperial Affliction) mà Hazel đặc biệt mến mộ. Cô đã chia sẻ về nó với Gus, và cả hai người đã đến Amsterdam để tìm vị tác giả ẩn dật, do Willem Dafoe vào vai, một ông già cáu bẳn, râu ria xồm xoàm và nồng nặc mùi rượu. Van Houten đã cáu kỉnh giảng giải với những vị khách của mình về sự khác biệt giữa hư cấu và thực tế, nhưng những luận điểm đầy tính lí thuyết mà ông đưa ra trong mắt họ, và cả trong mắt chúng ta, là vừa không chính xác lại vừa tàn độc.
Tranh cãi giữa tiểu thuyết gia nọ và người hâm mộ ông – mâu thuẫn thực sự duy nhất trong phim bên cạnh mâu thuẫn với bệnh tật – là một cuộc chiến giữa lý luận và cảm xúc. Đó gần như là một cuộc chiến không cân sức, và cách sắp đặt của nó – những người trẻ trên bờ vực cái chết đầy ngây thơ trong sáng đối mặt với một lão già nghiện rượu, bệ rạc, cay độc – chính là gợi ý cho logic cảm xúc của Lỗi ở những vì sao. Nó không hẳn là một bộ phim về căn bệnh ung thư, mà là sự lột tả – hay đúng hơn là tôn vinh tính vị kỷ của tuổi trẻ.
Dù cho là một chuyện tình bi kịch thì nó cũng là một câu chuyện trong mơ hoàn hảo và khó cưỡng lại được. Hazel và Gus nắm giữ sức mạnh tinh thần, một khả năng khẳng định sự chân thật trong mọi hành động của họ mà ít người có được và cũng thật nhiều người thèm muốn. Họ hiểu ý nghĩa cuộc sống của họ, và dù rất cố gắng che giấu, bộ phim cũng ít nhiều thể hiện ra rằng căn bệnh ung thư đã góp phần tạo nên sự hoàn hảo đó. Điều ấy có gì đó khá khó chịu, và kéo theo là cả trong những giọt nước mắt mà bộ phim lấy đi. Tiếng khóc lớn nhất mà bạn nghe được – bao gồm cả của chính bạn – có lẽ không phải xuất phát từ nỗi tiếc thương hay ngưỡng mộ, mà từ sự ghen tị.
Trạm Đọc (Read Station)
Nguồn: New York Times