Lữ Bố – nhân vật lịch sử gây nhiều tranh cãi

by admin
#chienbinh (phần 9)

#chienbinh (phần 9)
Lữ Bố là một nhân vật lịch sử gây nhiều tranh cãi. Ông bị đánh giá là kẻ tính hay phản phúc và hữu dũng vô mưu. Tuy nhiên ta không thể phủ nhận tầm ảnh hưởng của ông ta lên thời kỳ tiền Tam Quốc. Không chỉ là một sứ quân mạnh, ông ta còn ghi dấu trong lịch sử với tư cách một chiến binh với nhiều kỳ tích. Người đương thời có câu nói: “Nhân trung Lữ Bố, Mã trung Xích thố” (trong loài ngựa nổi lên ngựa Xích thố, trong loài người nổi bật có Lữ Bố.)
Điểm qua những chiến tích của ông ta với tư cách chiến binh:
Lữ Bố từ trẻ nổi tiếng vì giỏi võ nghệ, có tài cưỡi ngựa bắn cung, tính thô lỗ nhưng can đảm, nhanh nhẹn, thường đi đầu quân sĩ.
Năm 192, trong cuộc biến loạn ở thành Trường An sau cái chết của Đổng Trác, Lý Thôi và Quách Dĩ đã đem quân tấn công thành. Lữ Bố thách Quách Dĩ đấu tay đôi và đâm Quách Dĩ ngã ngựa, khiến cho quân của Thôi, Dĩ phải tạm lui. Đây là lần hiếm hoi trong thời Tam Quốc mà hình thức đấu tay đôi giữa hai tướng diễn ra. Nó đã thành cảm hứng cho các trận đấu tướng trong các tiểu thuyết lịch sử sau này.
Một thời gian sau Lữ Bố về với Viên Thiệu, được cử đi đánh Trương Yên. Trương Yên có 1 vạn bộ binh và vài nghìn kỵ binh. Lữ Bố hàng ngày cùng vài chục thủ hạ phi ngựa xông vào doanh trại của Trương Yên đánh phá. Phương pháp tác chiến này tuy không gây thiệt hại lớn nhưng làm tinh thần quân địch suy sụp thảm hại. Nó cũng góp phần xây dựng hình ảnh bất khả chiến bại của Lữ Bố. Cuối cùng quân của Trương Yên tan rã.
Về sau Viên Thiệu không hài lòng với tính cách của Lữ Bố nên định giết đi. Ông dùng kế kim thiền thoát xác để bỏ trốn. Viên Thiệu cử vài chục giáp sĩ đuổi theo nhưng khi đuổi đến nơi thì tất cả đều sợ oai Lữ Bố mà không dám đánh.
Năm 196, khi tướng Kỷ Linh của Viên Thiệu đem quân đánh Lưu Bị, Lữ Bố nhận lời Lưu Bị đem 1000 quân đến giảng hòa. Trước sự chứng kiến của ba đạo quân, ông đã bắn một mũi tên trúng ngạnh của cây kích đặt cách 150 bước chân, rồi tuyên bố rằng đó là ý trời, bắt cả hai bên phải bãi binh. Kỷ Linh thấy Lữ Bố kiêu dũng nên cũng không dám trái ý.
Năm 199, Lữ Bố bị vây khốn ở lầu Bạch Môn. Đường cùng hết kế, ông bảo thủ hạ chặt đầu mình rồi ra hàng nhưng thủ hạ của ông từ chối. Ông bị quân của Tào Tháo bắt sống rồi bị thắt cổ chết năm 40 tuổi.
Ngày nay người ta thường biết về ông qua những điển tích như Tam anh chiến Lữ Bố, Lữ Bố đại chiến sáu tướng của Tào Tháo, Lữ Bố hý Điêu Thuyền. Tuy nhiên đó đều là hư cấu của tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa.
Người phương Tây khi tìm hiểu về Lữ Bố thường coi ông là chiến binh toàn tài, thông thạo cả bắn cung, cưỡi ngựa, đánh giáo và ví ông như Achiles của Châu Á.

You may also like

Leave a Comment