LÚC KHÔNG BẬN, NHỚ GỌI ĐIỆN VỀ NHÀ

by admin

Tôi có một chú chó Labrador, tuy mới sáu tháng tuổi nhưng cơ thể khá lớn. Bởi vì không thể nuôi nổi trong căn nhà ở Bắc Kinh, tôi đành phải gửi về quê nhờ bố mẹ chăm sóc giúp.

Tôi không phải người lưu luyến gia đình gì cho cam, từ nhỏ đã quen sống tự lập. Trước đây hầu như toàn một hai tháng mới chủ động gọi về cho mẹ tôi một lần, bây giờ vì chú chó này, tôi bắt đầu gọi điện thoại, gửi tin nhắn video về cho bố mẹ thường xuyên.

“Chó con có ngoan không mẹ? Nó có ăn nhanh giống như trước không? Có cắn nhau với con chó Golden nhà hàng xóm không? Có bị nó ức hiếp không?” Tôi hỏi chi tiết từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, bố mẹ cũng tích cực chia sẻ với tôi tình hình gần đây của nó.

Tôi không cảm thấy có gì sai cả, mãi đến mấy hôm trước, em gái gửi tin nhắn đến nói rằng: “Chị chỉ biết quan tâm đến con chó thôi, sao chị không hỏi xem gần đây bố mẹ thế nào rồi?”

Vào khoảnh khắc đó tôi mới nhận thức được, tôi xem con chó như con trai ruột của mình, muốn biết nó có nhớ tôi hay không. Thế nhưng tôi cũng là con gái của bố mẹ, giống như việc tôi lo lắng cho con chó, họ cũng lo lắng không biết tôi có chăm sóc tốt cho bản thân mình hay không. Họ cũng muốn được tôi quan tâm, chỉ là không biết nên biểu đạt như thế nào mà thôi.

Trong thời gian ở nhà vì dịch bệnh, tuy ngoài miệng thì mẹ toàn nói mấy lời chê bai tôi, nhưng vẫn làm các loại đồ ăn ngon cho tôi, khi công ty thông báo đi làm trở lại, bà ấy lại dặn dò tôi đủ thứ rồi đưa hết khẩu trang và găng tay có ở trong nhà cho tôi.

Hai tuần tôi cách ly ở nhà, rõ ràng thấy bố mẹ không thạo dùng điện thoại cho lắm, nhưng vì lo cho tôi, không biết họ học được ở đâu cách mua hàng trên mạng, giành mua được một đống khẩu trang và nước sát khuẩn gửi qua cho tôi.

Từ nhỏ đến lớn, tôi thoải mái hưởng thụ sự quan tâm và yêu thương của bố mẹ, tôi vẫn luôn cho rằng họ là siêu nhân, là áo giáp của tôi, nhưng trong chốc lát tôi phát hiện, hóa ra siêu nhân cũng sẽ yếu đuối, tình yêu của siêu nhân cũng cần được hồi đáp, cũng cần được ghi nhớ.

Trong bộ phim “Adoring”, Vu Hòa Vĩ và Lý Lan Địch diễn một cặp bố con trong gia đình có cuộc hôn nhân đổ vỡ, con gái đi theo mẹ đến Mỹ sinh sống. Người bố đã nuôi một con mèo và sống nương tựa với nó. Người bố yêu thương con gái, nhưng không biết nên biểu đạt ra sao, mỗi lần gọi điện thoại ra nước ngoài với cô bé đều phải lấy con mèo làm cái cớ.

Vào kỳ nghỉ hè, con gái về nước và muốn đưa mèo con đi. Người bố sợ sau khi mèo bị đưa đi mất, hai bố con sẽ không còn cái cớ để liên lạc nữa. Vậy nên người bố tìm mọi cách ngăn trở, cuối cùng vẫn không nỡ nhìn con gái đau lòng và thất vọng, chỉ có thể nén lại nỗi đau, đồng ý với cô bé.

Lúc tiễn con gái lên máy bay, người bố dè dặt hỏi: “Con đưa mèo đi rồi, vậy sau này con có gọi điện cho bố nữa không?” Con gái đáp: “Bố thật sự cho rằng con gọi điện thoại chỉ vì con mèo thôi sao?” Phân cảnh này đã chạm vào tâm của biết bao bậc làm cha làm mẹ và con cái.

Thay đổi sau khi trưởng thành là gì? Chính là hai từ “thích” và “nhớ” ngày càng khó nói bằng lời. Hồi nhỏ, cho dù ngã nhẹ một cái cũng sẽ nằm bò trên đầu gối bố mẹ khóc lóc ăn vạ thật lâu, trưởng thành rồi, cho dù sống có khó khăn đến mấy cũng học cách né tránh, chỉ toàn nói những chuyện vui vẻ trước mặt bố mẹ.

Chúng ta có thể không ngần ngại biểu đạt tình yêu đối với người mình thích, ôm một cái thật chặt, trao một nụ hôn thật nồng cháy, nhưng đối với người thân, chúng ta luôn khó nói ra ba từ đó.

Thực ra, hơn ai hết, bố mẹ đều khao khát được nghe thấy chúng ta bày tỏ nỗi nhớ và tình yêu dành cho họ, hơn ai hết, họ khao khát nhận được cuộc gọi về nhà của chúng ta. Vậy nên đừng ki bo trong việc bày tỏ, nói chuyện điện thoại cũng có thể khiến họ vui vẻ rất lâu.

Suy cho cùng, cha mẹ cũng chỉ có thể cùng chúng ta đi một đoạn đường trong cuộc đời này, phía sau là sông rộng núi cao, đường xa trắc trở, chúng ta cũng chỉ có thể nói lời tạm biệt. Vậy nên trong duyên phận cha mẹ – con cái được định sẵn sẽ phải chia xa, ngoài việc hưởng thụ sự yêu thương, chúng ta còn phải học được cách trân trọng.

Đời người ngắn ngủi, thời gian dành cho chúng ta vốn dĩ không nhiều, vậy nên càng không thể để sự chờ đợi trở thành tiếc nuối.

You may also like

Leave a Comment