Lược Sử Cuộc Cách Mạng Trí Tuệ Nhân Tạo

by admin

Có thể chúng ta sẽ là thế hệ loài người cuối cùng trên hành tinh này

Tóm tắt: Bạn có lo sợ một ngày loài người sẽ làm nô lệ phục tùng những chủ nhân máy móc do chính mình tạo ra, hay 1 kịch bản tồi tệ hơn, chúng ta sẽ bị diệt vong bởi những tên Robot như trong phim Kẻ hủy diệt. Hoặc bạn có thể lạc quan hơn vào một tương lai mà Robot sẽ là một người bạn thân của loài người, hay nhờ hệ thống Trí tuệ nhân tạo phát triển (AI) mà con người cuối cùng cũng có thể sống bất tử. 

Giới chuyên gia AI hiện nay đang chia rẽ thành 2 trường phái lớn về những tác động khổng lồ mà AI có thể đem lại. Đa số đều đồng ý rằng, nếu AI phát triển đến cấp độ cao nhất, Trí thông minh nhân tạo siêu phàm (cấp độ 1 là AI hẹp và cấp độ 2 là AI toàn năng), thì con người đã sáng tạo ra một vị chúa có trí thông minh hơn hoặc gấp hàng tỷ lần trí tuệ toàn bộ người Trái Đất gộp lại. Câu hỏi then chốt là vị chúa đó có yêu loài người hay không?

Phe bi quan thì cho rằng không. Những bộ não thông minh nhất thế giới đang thể hiện mối quan ngại trước sự phát triển chóng mặt của Trí tuệ nhân tạo (AI), khi con người lần lượt bị hạ đo ván trong nhiều lĩnh vực, tiêu biểu như trong môn cờ vua bởi Deap Blue (1996), trò chơi giải đố truyền hình Jeopardy! bởi Watston (2011) và gần đây nhất là môn cờ vây bởi DeepMind của Google (2016). Nhà vật lý Stephen Hawking cảnh báo sự phát triển vũ bão của Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể đặt dấu chấm hết cho loài người. Tỷ phú Bill Gates thì không hiểu tại sao một số người vẫn không mảy may lo lắng về những hiểm họa của AI. Đại gia Elon Musk thì e sợ rằng loài người đang tạo ra quỷ dữ.

Phe lạc quan thì cho rằng AI sẽ đem lại những thay đổi tích cực lớn lao nhất từng có trong lịch sử loài người. Không chỉ nghèo đói, bệnh tật, của cải…tất cả mọi thứ đều sẽ được giải quyết mà nỗi sợ lớn nhất của loài người là ai rồi cũng phải chết cũng sẽ được dập tắt. Bang chủ của trường phái này là Ray Kurzweil, Giám đốc kĩ thuật của Google, mổ trong những nhà tương lai học có tỉ lệ tiên đoán chính xác cao nhất, người cổ xúy cho một thế giới hợp nhất giữa người và máy, nơi con người có thể đăng tải trí tuệ của mình lên mạng, cắt bỏ xiềng xích khỏi cái cơ thể đang chết dần chết mòn và trở nên bất tử.

Bạn cần phải cố sống bao lâu trước khi có thể tự mình phân bua xem bên nào đúng, bên nào sai, bên nào chỉ lo hão hay bên nào đã quá bất cẩn? Chỉ cần 45 năm nữa. Trong một cuộc khảo sát hàng trăm chuyên gia trong ngành AI, mốc thực tế nhất mà những người hiểu biết nhất trong ngành cho rằng loài người sẽ đạt được Trí tuệ nhân tạo toàn năng [Hệ thống AI có khả năng trí tuệ bằng và sau đó là vượt lên trên con người] là vào năm 2040, và mất thêm 20 năm để nhảy vọt lên Trí tuệ nhân tạo siêu phàm [Cấp độ AI thông minh hơn tất cả con người gộp lại – từ thông minh hơn một chút đến thông minh hơn hàng nghìn tỷ lần.]

Nếu theo đúng dự đoán, thế giới của năm 2060 sẽ như thế nào. Để trả lời câu hỏi này, bạn cần hiểu được một vài khái niệm, như tăng trưởng cấp số mũ và bậc thang trí tuệ mà sẽ được diễn giải chi tiết như sau. Tưởng tưởng, bạn có một chiếc cỗ máy thời gian và muốn chơi khăm một gã nào đấy từ quá khứ bằng cách làm hắn choáng mà ngất trước những tiến bộ của khoa học hiện đại.

Bạn quay lại những năm 1800, bắt đại một tên và cho hắn chiêm ngưỡng Tên lửa, Máy Tính, Smarphone, TV… và chỉ cần 2 phút, hắn sẽ lăn ra mà ngất vì không thể tin nổi vào mắt mình. Hắn, tương tự, lại muốn bắt một tên khác từ quá khứ để xả cơn tức giận. Nhưng lần này hắn không thể chỉ quay lại 200 năm như chúng ta, mà có lẽ phải quay lại 15,000 năm thời các xa xa rồi bắt trở lại năm 1800, để mới có thể làm tên kia ngất đi được. Bởi vì trong hàng chục nghìn năm hoang dại đó, những tiến bộ của con người gần như không đáng kể. Một lần nữa, nếu anh chàng vừa tỉnh dậy kia lại muốn làm ai đó tiếp tục ngất thì anh ta buộc phải quay về thời kì đồ đá, cách đây 100,000 năm để tìm một nạn nhân. Người tiền sử này sẽ được chứng kiến lửa, các công cụ phức tạp, ngôn ngữ… của xã hội hậu cách mạng nông nghiệp. Hắn sẽ lại kinh hoàng mà ngất.

Như vậy, khoảng thời gian để khiến một người từ quá khứ ngất xỉu trước những tiến bộ khoa học, công nghệ đã giảm rất mạnh, từ 100,000 năm tới 15,000 năm xuống còn 200 năm. Và ngày nay, có lẽ con số này thậm chí còn giảm xuống vài chục năm. Như Ray Kurzweil dự đoán thì trong tương lai gần, chỉ trong 1 năm, thậm chí 1 tháng, con người có thể đạt được tiến bộ bằng cả thế kỉ 20. Đó là sự tăng trưởng theo cấp số mũ của công nghệ.

Trong ngành Trí tuệ nhân tạo, có một khái niệm tương tự để ám chỉ sự tăng trưởng chóng mặt như trên là sự bùng nổ trí thông minh. Hơn nữa, các hệ thống AI còn có rất nhiều ưu thế hơn so với con người, như khả năng làm việc không ngừng nghỉ 24/7, khả năng làm việc nhóm tối ưu, tốc độ chip xử lý gấp 10 triệu lần Neuron trong não…khiến khả năng tăng tốc trí tuệ của nó còn khủng khiếp hơn nữa.

Đến khi chúng vươn tới cấp độ Trí tuệ siêu phàm, thì đến người thông minh nhất thế giới này cũng không thể hiểu hay mô tả được độ “siêu phàm” của nó nữa, bởi vì nó đã tồn tại ở một đẳng cấp khác. Điều này giống như bạn sẽ không bao giờ giải thích cho con tinh tinh, chia sẻ 98% với gene loài người, hiểu được sự ưu việt của chủ nghĩa xã hội, cho dù bạn có tuyên truyền nó cả đời. ‘Chúng ta thông minh hơn loài tinh tinh không phải do tốc độ suy nghĩ mà là số lượng các mô đun nhận thức tiên tiến, giúp phát triển những khả năng như thể hiện ngôn ngữ phức tạp dưới các hình mẫu, lập kế hoạch dài hạn hoặc lý luận trừu tượng, những chức năng mà bộ não tinh tinh không hề có. Tăng tốc bộ não của tinh tinh lên hàng nghìn lần vẫn không nâng nó ngang tầm với loài người – kể cả có dành ra vài chục năm học tập, tinh tinh vẫn không thể tìm ra cách lắp ghép các mẩu Lego bằng cách nhìn vào tờ hướng dẫn – một việc mà một cậu bé có thể làm được trong vài phút. Có những chức năng nhận thức mà con tinh tinh sẽ không bao giờ đạt được, bất kể nó có cố gắng tới mức nào.’

Và đấy là ta chỉ đứng trên tinh tinh 2 bậc trong cầu thang trí tuệ. Nếu hệ thống Trí tuệ nhân tạo siêu phàm chi cần đứng trên con người 2 bậc hoặc 100 bậc, thử tưởng tượng độ thông minh của nó sẽ tới mức nào. Trong ngôn ngữ loài người, chúng ta có thể dùng chỉ số IQ 130 để chỉ một người thông minh, hay 85 là thiểu năng, nhưng làm sao chúng ta có thể diễn tả một thực thể có mức IQ ở 12,952. Bởi vậy, theo kinh nghiệm làm bá chủ Trái Đất của loài người cho thấy, thông minh đi kèm với sức mạnh.

Tất nhiên, tương lai đó vẫn còn xa (nếu bạn tin vào mốc 2060 của các chuyên gia AI) hoặc thậm chí sẽ không bao giờ xảy đến (2% chuyên gia được hỏi cho rằng Trí tuệ nhân tạo có trí thông minh ngang ngửa với não người sẽ mãi chỉ là đề tài cho các phim khoa học viễn tưởng). Sự dè dặt của thiểu số cũng có lý bởi đến nay, Google hay Facebook vẫn đang phải chi hàng tỷ đô la để khiến máy tính có nhận biết 1 bức ảnh đang hiển thị 1 con chó hay con mèo, 1 việc mà 1 em bé 5 tuổi cũng có thể dễ dàng đưa cho bạn ngay đáp án. Tuy nhiên, trong khoa học, thì 1 đột phá nhỏ cũng có thể kéo théo 1 chuỗi sáng tạo hoàn toàn không thể lường trước.

Bạn nên làm gì sau khi đọc xong bài viết trên? Nên vui mừng vì chỉ cần sống 45 năm nữa, bạn sẽ được sống bất tử hay nên “xõa” trước khi phải làm nô lệ cho bọn máy móc. Thật tiếc là bạn chỉ có quyền được biết trả lời, chứ không thể thay đổi cách trả lời câu hỏi đó. Nếu trước đây, số phận của 99% loài người được đặt trong tay của các nhà khoa học hạt nhân, và các chính trị gia kiểm soát chúng, thì ngày nay quyền sinh sát đó đã được chuyền sang tay của những nhà khoa học máy tính, các chuyên gia AI, máy học tại các trường công nghệ hàng đầu như Stanford, MIT, Caltech…các công ty công nghệ khổng lồ như Google, Microsoft… Dù vậy, ít nhất thì bạn đã được Trạm cảnh báo về tương lai của mình.

Cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo 101


Giới thiệu

Giả sử rằng con người vẫn tiếp tục các hoạt động khoa học mà không gặp phải gián đoạn nào lớn, Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể sẽ là biến chuyển tích cực nhất trong lịch sử nhân loại, hay cũng có thể là phát minh nguy hiểm nhất mà chúng ta từng nghĩ ra như nhiều chuyên gia lo sợ. Nghiên cứu AI đang từng bước phát triển 1 chiếc máy tính có khả năng nhận thức ngang ngửa với não người trong khoảng 30 năm nữa. Theo những nhà khoa học AI dự báo, phát minh này có thể đem đến những cải tiến chóng mặt (được gọi là cất cánh nhanh), trở thành một thứ gì đó vô cùng mạnh mẽ – Trí tuệ nhân tạo siêu phàm – một thực thể thông minh hơn toàn bộ trí tuệ nhân loại gộp lại. Không phải tôi đang bàn chuyện đâu đâu. Cấp độ 1 trong giai đoạn phát triển AI đang dần dần hiện diện trong các công nghệ chúng ta sử dụng hàng ngày. Cứ mỗi năm những tiến bộ này sẽ càng tăng tốc và công nghệ sẽ trở nên ngày càng phức tạp, càng khó sống thiếu và càng phổ biến hơn. Chúng ta sẽ tiếp tục chuyển giao các công việc trí óc nhiều hơn cho máy tính, đảo lộn tất cả các lĩnh vực cuộc sống: từ cách chúng ta quản lý bản thân, và công việc, tới cách con người kết nối với nhau và trải nghiệm cuộc sống.

Tăng trưởng cấp số mũ

Nguyên tắc điều hành đằng sau tiến bộ công nghệ

Để giúp bạn dễ dàng nắm được các nguyên tắc điều hành đằng sau cuộc cách mạng AI, đầu tiên hãy tạm gác nghiên cứu khoa học sang một bên. Hãy cùng nhập vai vào một câu chuyện như sau. Tưởng tượng bạn có một cỗ máy thời gian và được giao nhiệm vụ đem 1 một ai đó về từ quá khứ. Mục đích của bạn là phải khiến họ thật sốc bằng cho họ chiêm ngưỡng những tiến bộ về công nghệ và văn hóa của thời đại chúng ta tới mức người này sẽ choáng váng vì không tin nổi vào mắt mình.

Bạn suy nghĩ xem nên du hành thời gian đến thời đại nào, và quyết định quay trở lại thời điểm cách đây 200 năm. Bạn đặt chân đến những năm đầu 1800, tóm lấy một anh chàng và mang anh ta trở lại năm 2016. Bạn cho anh ta đi thăm quan và quan sát mọi phản ứng của anh chàng. Thật khó để hiểu nổi tâm trạng của anh ấy khi nhìn thấy những con nhộng bóng lộn lao vun vút trên đường cao tốc, nghe đôi bạn chat chit với nhau từ 2 đầu đại dương, xem các cầu thủ chơi bóng cách đó 1000 dặm, thưởng thức buổi trình diễn âm nhạc đã diễn ra cách đây 50 năm, chơi đùa với…một hình chữ nhật đầy ma thuật mà anh ta có thể sử dụng để ghi lại những khoảng khắc đời thực, sử dụng chiếc bản đồ với một chấm xanh huyền bí cho biết anh ta đang ở đâu, chat video với người khác kể cả khi họ đang ở rất xa, và rất nhiều phép thuật không thể tưởng tưởng nổi khác nữa. Bạn sẽ không phải chờ đợi lâu. Chỉ sau hai phút, anh ta sẽ xỉu đi vì choáng ngợp.

Bây giờ, 2 người lại muốn làm điều tương tự, mang một ai đó từ những năm 1600 đến những năm 1800, và chứng kiến anh ta lại quay cuồng vì choáng ngợp. Tuy bạn chắc chắc là anh ta thực sự quan tâm tới những gì mình chứng kiến, nhưng hẳn anh ta sẽ không lăn ra vì sốc. Bạn quyết định mình cần phải du hành thời gian một lần nữa, nhưng lúc này phải đi xa hơn. Bạn chọn xoay chiếc đồng hồ lại 15,000 năm tới thời điểm trước khi Cuộc Cách Mạng Nông Nghiệp sản sinh ra các thành phố đầu tiên và lúc các nền văn minh mới bắt đầu hình thành. Bạn bắt cóc ai đấy từ xã hội săn bắn-hái lượm và cho anh ta thấy những đế chế khổng lồ năm 1750 với những nhà thờ cao chót vót, những chiếc thuyền vượt đại dương, khái niệm “ở trong nhà”, và hàng núi tri thức và khám phá của loài người được gom góp lại – dưới dạng các cuốn sách. Lần này cũng không cần phải đợi lâu. Sau 2 phút, anh ta sẽ lại choáng mà ngất.

Bây giờ ba người bạn đang cực máu muốn làm lại trò này. Bạn biết rằng nếu chỉ quay lại 15,000, 30,000, hay 45,000 năm nữa thì cũng không có tác dụng. Bạn phải du hành ngược thời gian xa hơn nữa. Vậy là bạn phải kiếm một gã sống cách đây 100,000 năm và đưa hắn đi chứng kiến các bộ tộc lớn với hệ thống phân chia đẳng cấp xã hội phức tạp. Hắn ta sẽ được thấy nhiều vũ khí săn bắn, các công cụ phức tạp, thấy cả lửa và lần đầu tiên trải nghiệm ngôn ngữ dưới dạng kí tự và âm thanh. Trải nghiệm hẳn phải sẽ rất kinh hoàng. Hẵn sẽ lại choáng váng chỉ sau hai phút.

Tóm lại điều gì đã xảy ra? Tại sao anh chàng cuối cùng phải nhảy 100,000 năm, anh tiếp theo phải nhảy 15,000 năm và anh chàng nhảy đến thời đại của chúng ta, chỉ cần 200 năm?

Sở dĩ có hiện tượng này bởi vì các xã hội tiên tiến có khả năng phát triển với tốc độ nhanh hơn các xã hội có trình độ thấp. Loài người những năm 1800 hiểu biết nhiều hơn và có công nghệ tốt hơn, vì vậy chẳng có gì ngạc nhiên khi họ có thể phát triển vượt bậc hơn con người từ 15,000 về trước. Số năm cần để làm các anh chàng trong quá khứ choáng mà ngất giảm từ khoảng 100,000 năm tới 200 năm và nếu chúng ta nhìn vào tương lai, con số sẽ còn giảm dữ dội hơn nữa. Ray Kurzweil, một chuyên gia AI và nhà khoa học, dự đoán rằng con người chỉ mất 15 năm, từ 2000 đến 2014, để đạt được tiến bộ bằng cả thế kỉ 20 và chỉ cần thêm 7 năm nữa, từ 2014 tới 2021, để đạt được thành quả tương tự. Trong tương lai gần, ông tin rằng chỉ trong một năm, con người có để đạt được vài lần mức tiến bộ ngang với cả thế kỉ 20, và sau đó thậm chí rút ngắn chỉ trong một tháng. Kurzweil tin rằng thế kỉ 21 sẽ đạt được tiến bộ gấp 1,000 lần tiến bộ của thế kỉ 20.

Nếu suy luận logic thì khi các loài tiến bộ bậc nhất trên 1 hành tinh tiếp tục đại nhảy vọt với tốc độ ngày càng tăng, thì đến một điểm nào đấy, bước nhảy của họ sẽ vĩ đại tới mức nó sẽ thay đổi hoàn toàn cuộc sống hiện tại và ý niệm về con người. Chuyện này giống như cách tiến hóa liên tiếp phát triển trí thông minh cho tới khi cuối cùng nó nhảy vọt đến hình thái sống là con người, loài vật thay đổi hoàn toàn cách sống trên hành tinh này. Và nếu bạn có thời gian để tìm hiểu về tiến bộ trên mặt trận khoa học và công nghệ, bạn sẽ bắt đầu thấy vô số các dấu hiệu báo trước cuộc sống hiện đại sẽ không thể chịu được bước nhảy vọt sắp xảy đến tiếp theo.

Con đường đi đến Trí tuệ nhân tạo toàn năng

Chế tạo một chiếc máy tính thông minh như con người

Trí tuệ nhân tạo, hay AI, là một thuật ngữ bao hàm sự tiến bộ trí thông minh của máy tính. Mặc dù có rất nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này, hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng có ba phân loại, hay ba cấp độ trong giai đoạn phát triển AI. Chúng là:

ANI: Trí tuệ nhân tạo hẹp

Cấp độ trí tuệ thứ nhất. AI chuyên môn hóa trong 1 lĩnh vực. Đây là AI có thể đánh bại kiện tướng cờ vua thế giới, nhưng nó chỉ có mỗi chức năng đó.

AGI: Trí tuệ nhân tạo toàn năng

Cấp độ trí tuệ thứ hai. AI có thể đạt tới và sau đó vượt qua mức độ trí tuệ của con người, có nghĩa là nó có khả năng lý luận, lên kế hoạch, giải quyết vấn đề, tư duy trừu tượng, thấu hiểu những ý tưởng phức tạp, học hỏi rất nhanh, và học tập từ trải nghiệm.

ASI: Trí tuệ nhân tạo siêu phàm

Cấp độ trí tuệ thứ ba. AI thông minh hơn tất cả con người gộp lại – từ thông minh hơn một chút đến thông minh hơn hàng nghìn tỷ lần.

Chúng ta đang đứng ở đâu?

Hiện tại thì loài người đã vượt qua được cấp độ thấp nhất của Trí tuệ nhân tạo – ANI – trong rất nhiều lĩnh vực và nó xuất hiện ở mọi nơi.

  • Những chiếc ô tô chứa đầy các hệ thống ANI, từ bộ phận phát hiện ra khi nào nên chống khóa phanh tới bộ phận tự tinh chỉnh các thông số của hệ thống phun nhiên liệu.
  • Google tìm kiếm là một bộ não ANI lớn với những công cụ siêu tinh vi để xếp hạng các trang web và hiển thị kết quả tìm kiếm. Bảng tin của Facebook cũng hoạt động tương tự.
  • Bộ lực thư điện tử rác bắt đầu được trang bị trí thông minh để phát hiện ra thư nào là spam và thư nào không, và sau đó, nó học tập và tinh chỉnh bộ lọc theo cấu hình của riêng bạn
  • Các máy bay dân dụng ngày nay được vận hành hầu như hoàn toàn bởi ANI, mà không cần sự trợ giúp của con người.
  • Xe tự lái của Google đang được thử nghiệm hiện nay, sẽ được tích hợp những hệ thống ANI mạnh mẽ nhất, giúp nó có thể nhận thức và phản ứng với thế giới xung quanh.
  • Chiếc điện thoại của bạn là một nhà máy ANI tí hon. Bạn tìm đường bằng ứng dụng Bản Đồ, nhận những bài hát được gợi ý theo sở thích bởi ứng dụng Pandora, xem thời tiết ngày mai và trò chuyện qua trợ lý ảo Siri.
  • Các hệ thống ANI phức tạp đang được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như quân sự, sản xuất, và tài chính (những hệ thống AI giao dịch cao tần được lập trình ngày nay chiếm hơn một nửa số cổ phiếu được trao đổi trên thị trường Mỹ).

Con người vẫn chưa cần phải e sợ các hệ thống ANI hiện tại. Trong trường hợp tồi tệ nhất, 1 trục trặc hoặc 1 hệ thống ANI được lập trình tồi có thể gây ra một thảm họa độc lập như tai nạn máy bay, sự cố nhà máy điện hạt nhân, hay một thảm họa trong thị trường tài chính (như vụ Flash Crash xảy ra năm 2010 khi một chương trình ANI phản ứng sai trong một tình huống không lường trước làm cho thị trường chứng khoán đột ngột sụt giảm, lấy đi 1,000 tỷ đô la giá trị thị trường mà sau này cũng chỉ khôi phục lại được một phần). Mặc dù ANI không có khả năng để gây ra mối đe dọa tuyệt chủng, chúng ta nên nhìn các hệ thống Trí tuệ nhân tạo hẹp tương đối vô hại đang ngày càng phình to và phức tạp này như là mầm mống của một siêu bão đang đến. Mỗi một sáng tạo Trí tuệ nhân tạo hẹp mới nào sẽ tạo nền móng cho cả Trí tuệ nhân tạo toàn năng và Trí tuệ nhân tạo siêu phàm.

Thế giới trong con mắt của chiếc xe tự hành do Google chế tạo

Điều gì sẽ đến tiếp theo? Những thách thức trước khi đạt được AGI

Bạn sẽ đánh giá đúng mức độ phức tạp của trí tuệ loài người khi thử chế tạo một cỗ máy thông minh như mình. Tạo ra một chiếc máy tính có thể nhân các số có 10 chữ số trong tích tắc là một việc đơn giản như đan rổ. Chế một chiếc máy có thể nhìn một con chó và trả lời liệu nó là một con chó hay con mèo – đã là một kì tích. Chế một hệ thống AI có thể đánh thắng con người trong môn cờ vua? Đã xong. Chế 1 cái có thể đọc một đoạn văn từ cuốn truyện tranh của một em bé 6 tuổi và không chỉ là nhận được mặt chữ mà còn hiểu được ý nghĩa đằng sau chúng? Google hiện đang chi cả tỷ đô la để làm được việc đó.

Tại sao những thứ khó nhằn – như tính toán, xây dựng chiến lược thị trường tài chính, hay dịch ngôn ngữ đối với máy tính lại dễ ợt, trong khi những thứ đơn giản với loài người – như tầm nhìn, chuyển động, nhận thức – lại siêu khó cho máy tính?

Những thứ trông có vẻ đơn giản với con người thực ra lại cực kì phức tạp. Chúng chỉ trông có vẻ dễ bởi những kĩ năng này đã được tối ưu hóa bên trong chúng ta (và hầu hết các loài vật) nhờ hàng trăm triệu năm tiến hóa. Khi với tay tới một đồ vật, các cơ, gân và xương trong vai, cùi trò, và cổ tay liên tục thực hiện một chuỗi những hoạt động sinh lý, kết hợp với mắt, cho phép bạn di chuyển bản tay của mình theo một đường thẳng trong không gian 3 chiều. Nói cách khác, phép nhân các số lớn hay chơi cờ mới chính là những hoạt động mới lạ cho các sinh vật sống và chúng ta vẫn chưa có đủ thời gian tiến hóa để đạt tới mức thành thạo. Vì vậy một chiếc máy tính không quá vất vả để đánh bại chúng ta.

Một ví dụ vui vẻ…

Khi nhìn vào bức ảnh A, bạn và một chiếc máy tính có thể đồng thời biết được rằng đó là một hình chữ nhật phủ hai màu đan xen nhau. Hòa 1-1.

Bức ảnh B. Bạn có thể dễ dàng mô tả đầy đủ những các hình xi lanh đục và mờ, các thanh que và các góc 3-D, nhưng chiếc máy tính sẽ thất bại thảm hại. Nó có thể mô tả những gì nó nhìn – rất nhiều các hình 2D với các bóng đậm nhạt khác nhau – hiển thị trong bức ảnh. Còn não của bạn thì đang thực hiện rất nhiều hoạt động phức tạp để giải nghĩa chiều sâu ngầm, bóng trộn và ánh sáng phòng mà bức ảnh đang cố truyền tải.

Nhìn vào bức ảnh C, một chiếc máy tính có thể thấy một bức tranh cắt dán 2 chiều có màu trắng, đen và xám, trong khi bạn có thể dễ dàng nhìn thấy bức ảnh thực sự là gì – bức ảnh một cô gái và một chú chó đang đứng trên một bờ đá.

Và đó là chúng ta chỉ mới kể quá trình lấy thông tin hình ảnh và xử lý chúng. Để có được trí thông minh như con người, một chiếc máy tính cần phải hiểu những thứ phức tập hơn như sự khác biệt tinh vi giữa các biểu cảm khuôn mặt, sự khác biệt giữa tâm trạng vui lòng, nhẹ nhõm hay thỏa mãn.

Làm sao để máy tính có thể vươn đến trình độ cao như khả năng lập luận phức tạp, giải thích số liệu, và kết hợp ý tưởng từ các ngành khác nhau? 

Xây cao ốc, đưa con lên vũ trụ, tìm ra những chi tiết về vụ nổ Big Bang – tất cả đều dễ hơn nhiều công cuộc khám phá về bộ não hay cách để nhân bản được một thứ tuyệt vời như thế. Cho đến nay thì não người vẫn là thứ phức tạp nhất từng được biết đến trong vũ trụ.

Chế tạo phần cứng

Nếu trí tuệ nhân tạo đạt đến đẳng cấp thông minh như não người, thì AI cần phải sánh ngang với khả năng tính toán thô của bộ não. Một cách để diễn tả khả năng này là tổng số phép tính trên một giây (cps) mà bộ não có thể thực hiện được.

Vấn đề là hiện nay chỉ có một vài vùng trong bộ não được đo đạc chính xác. Tuy nhiên, Ray Kurzweil đã phát triển một phương pháp bằng cách lấy số cps từ 1 vùng của bộ não và nhân nó theo cấp số tương ứng với trọng lượng của vùng đó so với khối lượng của cả bộ não. Ông thực hiện việc tính toán này rất nhiều lần với các ước lượng chuyên môn cho các vùng não khác nhau, và ông luôn luôn ra cùng một kết quả – khoảng 10^16 phép tính trên giây.

Hiện tại, siêu máy tính nhanh nhất thế giới, Tianhe-2 của Trung Quốc, thực sự đã vượt qua con số đó, đạt 34^16 phép tính trên giây. Nhưng Tianhe-2 là một con quái vật, chiếm diện tích 720 mét vuông, tiêu thụ 24 MW (bộ não chỉ mất 24 W), và tốn 390 triệu đô để xây dựng. Và nó vẫn chưa sẵn sàng để đưa vào sử dụng rộng rãi, thậm chí còn chưa được áp dụng thương mại.

Kuzweil cho rằng chúng ta nên suy nghĩ về máy tính hiện nay bằng cách nhìn vào số cps bạn có thể mua với 1,000 đô la. Khi con số đó đạt tới cấp độ loài người – cps ~ 10^16 – thì có nghĩa là Trí tuệ nhân tọa toàn năng có thể trở thành một phần của cuộc sống.

Hiện tại, với 1,000 đô la bạn có thể mua 1 chiếc máy tính có khả năng tính toán 10^10 phép tính trên giây. Tuy nhiên, theo như đinh luật Moore đã dự đoán rất nhiều lần chính xác rằng sức mạnh tính toán tối đa của thế giới sẽ tăng gấp đôi trong xấp xỉ mỗi hai năm, nghĩa là tiến bộ phần cứng máy tính, giống như sự tiến bộ của loài người, sẽ tăng trưởng theo cấp số mũ, trùng với quỹ đạo đồ thị dưới đây dự báo:

Sự tăng trưởng này khiến người bình thường có thể mua 1 chiếc máy tính có thể cạnh tranh với sức mạnh não người vào năm 2025. Nhưng tất nhiên bản thân sức mạnh tính toán không biến một chiếc máy tính trở nên toàn năng – câu hỏi tiếp theo là, chúng ta cần phải làm thêm những gì?

Xây dựng phần mềm

Công đoạn khó nhất để tạo ra Trí tuệ nhân tạo toàn năng là học cách phát triển phần mềm cho nó. Sự thật là không một ai thực sự biết cách để khiến nó trở nên thông minh – chúng ta vẫn còn đang tranh cãi làm sao để khiến máy tính có thể thông minh như người và có khả năng biết đâu là 1 con chó, đâu là chữ B được viết nguệch ngoạc và đâu là một bộ phim hạng thường. Tuy nhiên vẫn có một vài chiến lược, và đây là 3 cách phổ biến nhất:

  1. Sao chép cách bộ não hoạt động.

Ý tưởng hiển nhiên nhất là sao chép lại bộ não, và xây dựng kiến trúc máy tính gần giống với cách cấu tạo của bộ não. Một ví dụ là mạng thần kinh nhân tạo. Nó khởi đầu là một mạng các ‘neuron’ bóng bán dẫn, kết với với nhau qua đầu vào và đầu ra, và nó không biết tí gì – giống như bộ não trẻ sơ sinh. Nó học bằng cách thử giải một bài toán, giả dụ như nhận diện chữ viết tay, và ban đầu các neuron truyền tín hiệu và thử giải nghĩa mỗi chữ cái một cách hoàn toàn ngẫu nhiên. Nhưng khi nó được dạy đâu là đúng sai, những kết nối giữa các bán dẫn ngẫu nhiên đưa ra câu trả lời đúng sẽ được tăng cường; khi được bảo là nó làm sai, những kết nối của các con đường này sẽ bị yếu đi. Sau rất nhiều lần thử và phản hồi, bản thân mạng lưới đã tự hình thành những lối mòn thần kinh thông minh và cỗ máy đã được tối ưu để giải quyết bài toán đặt ra.

Phương pháp thứ hai, cấp tiến hơn sao chép là mô phỏng toàn bộ não. Các nhà khoa học lấy một bộ não thật, cắt nó thành rất nhiều các mảnh nhỏ li ti để nhìn thấy các kết nối thần kinh và mô phỏng nó lại trên máy tính như một phần mềm. Nếu phương pháp này thành công, chúng ta sẽ có một chiếc máy tính chính thức có khả năng trọn vẹn như bộ não – nó sẽ chỉ cần học và thu thập thông tin. Còn bao lâu chúng ta mới có thể mô phỏng cả bộ não? Tới gần đây, chúng ta mới chỉ có thể mô phỏng bộ não của con giun dẹp dài 1mm, chỉ có tổng cộng 302 neuron. Đặt trong tương quan thì bộ não người chứa 86 tỷ neuron được liên kết với nhau bởi hàng nghìn tỷ synapse.

  1. Đưa tiến hóa vào các máy tính

Thực tế là kể cả khi bạn có thể mô phỏng một bộ não, thì bạn mới chỉ như thế cố gắng chế tạo máy bay bằng cách sao chép chuyển động vỗ cánh của một con chim – thông thường, các cỗ máy được thiết kế tối ưu nhất bằng cách sử dụng phương pháp tiếp cận từ đầu, theo hướng máy móc, không phải bằng cách mô phỏng chính xác sinh học. Nếu bộ não quá phức tạp để chúng ta có thể mô phỏng kĩ thuật số, chúng ta có thể thay bằng mô phỏng sự tiến hóa. Việc này sử dụng một quy trình gọi là thuật giải di truyền. Một nhóm các máy tính cố gắng giải quyết một bài toán, và những chiếc máy thành công nhất sẽ được nhân giống với nhau bằng cách có một nửa thuật giải kết hợp với nhau thành một chiếc máy tính mới. Những chiếc máy kém thành công hơn sẽ bị loại bỏ. Tiến hóa nhân tạo có lợi thế về tốc độ, và hướng đi nhắm đến mục tiêu hơn là tiến hóa sinh học. Qua rất nhiều lần lặp, quá trình chọn lọc tự nhiên sẽ sản sinh ra những chiếc máy tính tốt hơn và tốt hơn. Thách thức ở đây sẽ là nghĩ ra được cách đánh giá tự động và chu kỳ sinh sản để quá trình tiến hóa có thể tự động chạy

  1. Biến mọi thứ thành vấn đề của máy tính, không phải của chúng ta.

Phương pháp cuối cùng là đơn giản nhất, nhưng có lẽ cũng đáng sợ nhất. Chúng ta sẽ chế tạo một chiếc máy tính có hai kĩ năng chính đó là: thực hiện các nghiên cứu về AI và tự lập trình sự thay đổi cho bản thân nó – cho phép nó không chỉ học mà còn tự cải thiện kiến trúc của mình. Chúng ta sẽ dạy những chiếc máy tính trở thành các nhà khoa học máy tính để chúng có thể tự lập trong quá trình phát triển. Đây là cách khả thi nhất để vươn tới Trí tuệ nhân tạo toàn năng mà con người sẽ sớm biết đến.

Tất cả những tiến bộ phần mềm này có thể trông chậm chạp hoặc khó nhận biết, nhưng trong khoa học, một sáng tạo nhỏ thôi cũng có thể đột nhiên gia tăng tốc độ phát triển. Chuyện này giống như sau cuộc cách mạng Copernic – khám phá đột nhiên biến việc tính toán quỹ đạo phức tạp của các hành tinh trở nên dễ dàng hơn nhiều – từ đó tạo kích thích cho vô số các sáng tạo khác. Cần phải nói thêm rằng, tăng trưởng cấp số mũ vô cùng mạnh mẽ và những thứ trông có vẻ chỉ đang tiến triển với tốc độ ốc sên có thể nhanh chóng cán đích.

Lộ trình đi đến Trí Tuệ Nhân Tạo Siêu Phàm

Một thực thể thông minh hơn tất cả người Trái Đất gộp lại

Chúng ta hoàn toàn có thể đạt được AGI trong tương lại: phần mềm có trí thông minh ngang ngửa, thậm chí còn vượt qua con người. Liệu có phải vào thời điểm đó thì những chiếc máy tính sẽ có khả năng trí tuệ ngang với chúng ta? Không, chúng sẽ hoạt động hiệu quả hơn con người rất nhiều. Do là các tín hiệu điện tử, chúng sẽ có những lợi thế như sau:

  • Tốc độ. Các neuron não người có số lần dao dao động trong 1 giây tối đa là 200 lần, trong khi các bộ vi xử lý ngày nay đạt được tần số là 2GHz, hay nhanh hơn 10 triệu lần.
  • Bộ nhớ.Hệ thống AI sẽ rất ít khi quên hay nhầm lẫn. Máy tính có thể ghi nhớ nhiều dữ liệu trong 1 giây hơn 1 người có thể nhớ trong 10 năm. Bộ nhớ của máy tính cũng chính xác và có khả năng lưu trữ lớn hơn nhiều.
  • Hoạt động. Những bóng bán dẫn máy tính có tính chính xác cao hơn các neuron sinh học, và chúng ít bị “lão hóa” (và có còn thể sửa chữa hoặc thay thế nếu bị hỏng). Não người còn rất dễ bị mệt, trong khi máy tính có thể hoạt động không nghỉ ở hiệu suất cao, 24/7.
  • Khả năng làm việc nhóm.Con người cực kì khó làm việc nhóm do phải mất thời gian giao tiếp và hệ thống thứ bậc xã hội phức tạp. Nhóm càng lớn, đầu ra của mỗi người càng chậm hơn. Nhưng AI không bị hạn chế sinh học trong một cơ thể, không gặp phải vấn đề hợp tác như con người, và có thể đồng bộ và tự cập nhật hệ điều hành của mình.

Sự bùng nổ trí thông minh

Chúng ta cần nhận ra rằng AI sẽ không coi trí thông minh ngang với loài người như một cột mốc quan trọng – đó chỉ là một điểm dánh dấu từ quan điểm của con người- và chúng cũng không có lý do nào để dừng lại tại ngưỡng của chúng ta. Và xét về những lợi thế mà hệ thống AGI với trí tuệ ngang bằng loài người sẽ có, thì chỉ ngớ ngẩn mới không nhận ra rằng chúng sẽ chỉ mất tích tắc để vươn tới trí tuệ siêu việt hơn loài người.

Sự khác biệt thực sự giữa người và Trí tuệ nhân tạo siêu phàm sẽ không thuộc về mặt tốc độ mà là chất lượng trí thông minh, một thứ hoàn toàn khác biệt. Chúng ta thông minh hơn loài tinh tinh không phải do tốc độ suy nghĩ mà là số lượng các mô đun nhận thức tinh vi giúp phát triển những khả năng như các hình mẫu đại diện ngôn ngữ phức tạp, lập kế hoạch dài hạn hoặc lý luận trừu tượng, mà bộ não tinh tinh không hề có. Tăng tốc bộ não của tinh tinh lên hàng nghìn lần vẫn không nâng nó ngang tầm với loài người – kể cả có dành ra vài chục năm học tập, tinh tinh vẫn không thể tìm ra cách lắp ghép các mẩu Lego bằng cách nhìn vào tờ hướng dẫn – một việc mà một cậu bé có thể làm được trong vài phút. Có những chức năng nhận thức mà con tinh tinh sẽ không bao giờ đạt được, bất kể nó có cố gắng tới mức nào.

Và trong thang trí tuệ sinh học, khoảng cách về chất lượng trí thông minh giữa tinh tinh với người là vô cùng nhỏ.

Để dễ hình dung tầm quan trọng của sự tồn tại một thực thế có trí thông minh cao hơn chúng ta về chất như thế nào, bạn cần tưởng tưởng AI đang đứng trên Cầu thang trí tuệ phía trên ta hai bậc – khả năng nhận thức tăng cường của nó so với con người sẽ bằng khoảng cách giữa loài người và loài linh tinh. Và giống như tinh tinh sẽ không bao giờ hiểu được sự kì diệu đằng sau cơ chế hoạt động của một chiếc núm cửa – con người sẽ không bao giờ có thể hiểu được những gì [một cỗ máy có trí tuệ nhân tạo siêu phàm] có thể làm được, kể cả khi cỗ máy đó có cố giải thích về mình cho chúng ta hiểu. Và đó mới chỉ là đứng trên hai bậc.

Bất kì cỗ máy nào đứng trên con người từ bậc thứ hai đến bậc cao nhất trên Cầu thang trí tuệ sẽ có mức độ thông minh so với loài người như thể giữa loài người với loài kiến. Trí tuệ siêu phàm ở cấp độ đó không phải là thứ gì chúng ta có thể mơ hồ hiểu được, như thể cố bảo một con ong vò vẽ giải nghĩa kinh tế học Keynes. Trong thế giới của loài người, thông minh là có IQ 130 và thiểu năng là có IQ 85 – nhưng chúng ta không có từ để diễn đạt IQ ở mức 12,952. 

Nhưng kiểu trí tuệ siêu phàm mà chúng ta đang bàn đến hôm nay là một thứ còn vượt ra xa bất cứ thực thể nào nằm trên chiếc cầu thang đó. Trong trường hợp trí tuệ bùng nổ – khi một cỗ máy ngày càng thông minh, nó càng có thể gia tăng trí thông minh của mình lên nhanh hơn – một cỗ máy có thể chỉ cần vài năm để đi từ trí thông minh của một chú kiến lên trí thông của một người bình thường, nhưng nó sẽ chỉ cần thêm khoảng 40 ngày để có thể thông minh như Einstein. Khi điều này xảy ra, nó sẽ tự làm việc để cải thiện trí thông minh của mình, với trí tuệ ngang với Einstein, công việc sẽ không quá khó khăn và có thể tạo ra những bước nhảy vọt. Những bước nhảy vọt sẽ làm nó thông minh hơn bất cứ con người nào, giúp nó lại có thể tiếp tục nhảy vọt.

Từ đó trở đi, theo định luận tiến bộ cấp số mũ và tận dụng tốc độ và sự hiệu quả của mạng điện, có lẽ lúc đó nó sẽ chỉ cần 20 phút để nhảy thêm một bậc nữa, và cho đến khi nó cách xa loài người 10 bậc, nó sẽ có thể nhảy thêm 4 bậc trong 1 giây. Đó là lý do tại sao chúng ta cần nhận thức được rằng ngay sau khi bạn nghe được tin tức về cỗ máy đầu tiên đạt tới cấp độ Trí tuệ nhân tạo toàn năng ngang với loài người, chúng ta sẽ có thể phải cùng chung sống trên Trái Đất với một thực tế đứng cùng bậc thang (hay có thể cao hơn một triệu lần):

Và bởi vì chúng ta vừa thống nhất rằng sẽ vô ích để cố hiểu sức mạnh của một cỗ máy chỉ đứng hai bậc trên chúng ta, tôi khẳng định 1 lần cuối cùng rằng sẽ không có cách nào để biết ASI sẽ làm gì hoặc hậu quả gì sẽ đến với chúng ta. Bất cứ ai có ý kiến khác nghĩa là họ không hiểu trí tuệ siêu phàm là gì.

Nếu loài người có thể phát minh ra wifi, thì một trí tuệ thông minh hơn chúng ta gấp 100 hoặc 1,000 hoặc 1 triệu lần sẽ chẳng khó gì trong việc kiểm soát vị trí của mỗi và mọi nguyên tử trong thế giới này theo cách nó thích, ở bất cứ thời gian nào – mọi thứ chúng ta gọi là phép màu, mọi sức mạnh chúng ta tưởng tưởng chỉ có Chúa siêu phàm mới sở hữu sẽ chỉ là công việc cỏn con với Trí tuệ nhân tạo siêu phàm như với khi chúng ta bật tắt bóng đèn.

Theo như tôi hiểu, nếu Trí tuệ siêu phàm trở thành hiện thực, sẽ có một vị Chúa toàn năng trên Trái Đất – và câu hỏi tối quan trọng với loài người là: Liệu nó vị chúa này có tốt đẹp hay không?

Hãy bắt đầu bằng phần tích cực của câu chuyện.

Trí tuệ nhân tạo siêu phàm có thể thay đổi thế giới loài người như thế nào?

Những phán đoán về cách mạng công nghệ AI

Công nghệ Nano

Công nghệ Nano là một khái niệm sẽ liên quan đến hầu hết mọi thứ bạn đọc về tương lai của Trí tuệ nhân tạo. Nó là công nghệ hoạt động ở cấp độ nano – từ 1 tới 100 nano mét. Một nano mét bằng 1 phần triệu một mi-li-mét. Trong khoảng 1 nm- 100 nm, sẽ có virus (dài 100nm), DNA (chiều rộng 10nm), và những thứ nhỏ ngang phân tử như huyết sắc tố (5nm) và các phân tử cỡ chung như glucose (1nm). Nếu/khi chúng ta nắm vững công nghệ nano, bước tiếp theo sẽ là tác động tới từng nguyên tử, có kích thước nhỏ hơn 10 lần (~0.1 nm).

Để dễ hình dung, hãy tưởng tượng một người rất cao đứng trên Trái Đất có đầu chạm tới Trạm Không Gian Quốc Tế (cao 431km). Người khổng lồ đó dùng tay với xuống (chiều ngang 30km) để xây dựng “một vật thể sử dụng những vật liệu có kích thước cỡ từ một hạt cát [0.25 mm] tới nhãn cầu [2.5cm].

Một khi chúng ta phát triển hoàn thiện công nghệ nano, chúng ta có thể dùng nó để làm ra các thiết bị công nghệ, quần áo, đồ ăn, các sản phẩm sinh học – như tế bào nhân tạo, virus tí hon hay hạt tiêu diệt tế bào ung thư. Chi phí vật liệu sẽ không phụ thuộc vào độ khan hiếm hay sự khó khăn trong quá trình sản xuất mà được xác định bởi độ phức tạp trong cấu trúc nguyên tử. Trong một thế giới của công nghệ nano, một viên kim cương có thể còn rẻ hơn một cục tẩy.

Một trong những phương pháp được đề xuất để chế tạo công nghệ nano đó là sản xuất ra thứ có thể tự sao chép, sau đó để nó tự nhân bản từ 1 thành 2, từ 2 thành 4, từ 4 thành 8, và trong 1 ngày sẽ có một vài nghìn tỷ sản phẩm sẵn sàng ra lò.

Nhưng nếu như quá trình này gặp lỗi hay những tên khủng bố sở hữu được công nghệ này thì sao? Hãy tưởng tượng một kịch bản trong đó những rô bốt nano sẽ được thiết kể để tiêu thụ bất kì vật liệu carbon nào làm thức ăn cho quá trình sản sinh, và không may thay, tất cả sự sống trên trái đất đều có cấu tạo từ carbon. Sinh khối của Trái Đất chứa khoảng 10^45 nguyên tử carbon. Một con rô bốt nano sẽ chứa khoảng 10^6 nguyên tử carbon, vì vậy sẽ cần 10^39 con rô bôt nano để ăn hết toàn bộ sự sống trên Trái Đất, điều sẽ xảy ra trong 130 lần sao chép. Các nhà khoa học nghĩ rằng một con rô bốt nano có thể sao chép trong 100 giây, nghĩa là một sơ suất nhỏ cũng tiện thể kết liễu toàn bộ sự sống trên Trái Đất trong vòng 3.5 giờ.

Chúng ta vẫn chưa có khả năng kiểm soát công nghệ nano – vì mục đích tốt hay xấu. Và vẫn chưa rõ là chúng ta đang đánh giá quá thấp hay quá cao mức độ khó khăn để đến được tương lai đó. Nhưng có vẻ nó không quá xa vời. Kurzweil dự đoán chúng ta sẽ đạt được trình độ đó vào những năm 2020. Các chính phủ biết rằng công nghệ nano có thể sẽ là bước ngoặt của nhân loại. Mỹ, EU, và Nhật Bản đến giờ đã đầu tư tổng cộng 5 tỷ đô la vào nó.

Bất tử

Vì ai rồi cũng phải chết, con người sống với niềm tin rằng cái chết là điều không thể tránh khỏi. Chúng ta quan niệm về tuổi già giống như thời gian – cả hai đều trôi đi và bạn không thể làm gì để ngăn chúng lại. Trong hàng thế kỉ, các nhà thơ và triết gia đã tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu ý thức không chết đi theo cơ thể. W.B.Yeats mô tả chúng ta như “tâm hồn bị xích vào một con vật đang chết dần chết mòn.” Richard Feynman, nhà vật lý đạt giải Nobel, nhìn cái chết từ quan điểm thuần khoa học:

Một trong những điều kinh ngạc nhất là trong mọi ngành khoa học đời sống đều không có tí manh mối về sự cần thiết của cái chết. Nếu bạn muốn một vật chuyển động mãi mãi, chúng ta đã khám phá ra đủ các định luật khi nghiên cứu vật lý để chứng minh rằng điều đó hoàn toàn bất khả thi hoặc các định luật là sai. Nhưng trong sinh học, chúng ta không tìm thấy đầu mối nào ám chỉ sự không tránh khỏi của cái chết. Điều này làm tôi nghĩ rằng nếu cái chết không phải tiền định, thì vấn đề chỉ là thời gian trước khi các nhà sinh học khám phá ra nguyên nhân của cái chết và căn bệnh toàn nhân loại kinh khủng đó sẽ được chữa khỏi.

Lý thuyết về lực hút các loài lớn

Khi chúng ta nhìn lại lịch sử sự sống trên Trái Đất, cho tới giờ đã có 99.9% loài đã bị tuyệt chủng. Nick Bostrom, giáo sư Oxford và chuyên gia về Trí tuệ nhân tạo, gọi tuyệt chủng mà một trang thái hút – một nơi mà các loài đang ngã vào và từ đó không một loài nào quay trở lại.

Và trong khi hầu hết các nhà khoa học AI thừa nhận rằng Trí tuệ nhân tạo siêu phàm sẽ có khả năng khiến loài người tuyệt chủng, nhiều người cũng tin rằng nếu nó được sử dụng với mục đích tốt đẹp, những tiềm năng của ASI có thể được sử dụng để đưa loài người vào trạng thái hút thứ hai – loài bất tử.

Tiến hóa không có lý do nào hợp lý để kéo dài cuộc sống chúng ta hơn hiện tại. Từ góc nhìn tiến hóa, giống người vẫn có thể sinh sôi nảy nở nếu mỗi cá thể có tuổi thọ chỉ hơn 30 tuổi. Thế là đủ để đẻ và nuôi con, vì vậy không có lý do nào để xuất hiện một đột biến khiến con người trường thọ được lựa chọn trong quá trình chọn lọc tự nhiên. Nếu bạn sửa chữa hoặc thay thế mọi bộ phận ô tô bất cứ khi chúng gặp vấn đề, chiếc xe có thể chạy mãi mãi. Cơ thể con người không khác  là mấy – chỉ là phức tạp hơn nhiều. Nghe thì có vẻ ngớ ngẩn, nhưng cơ thể con người chỉ là một đống các hạt nguyên tử làm thành DNA được lập trình hữu cơ, thứ về mặt lý thuyết có thể tác động. Và một thứ quyền năng như Trí tuệ nhân tạo siêu phàm có thể giúp chúng ta nắm vững công nghệ gene.

Ray Kurzweil tin rằng các vật liệu nhân tạo có thể được tích hợp vào trong cơ thể người nhiều hơn nữa. Các bộ phận có thể được thay thế bởi những phiên bản máy siêu tân tiến có thể hoạt động vĩnh cửu mà không bao giờ hỏng. Các tế bào hồng cầu có thể trở nên hoàn hảo hơn nhờ các rô bốt hồng cầu nano, có thể tự di chuyển, loại bỏ vai trò của tim. Nhà lý thuyết công nghệ nano Robert A. Freitas đã bắt đầu thiết kế phiên bản thay thế tế bào máu, nếu một ngày được đưa vào trong cơ thể, sẽ cho phép con người chạy nước rút trong 15 phút mà không cần hít một hơi thở. [Kurzweil] thậm chí còn muốn nâng cấp cả bộ não và tin rằng chúng ta sẽ có thể phát triển năng lực tư duy tới điểm con người sẽ có thể suy nghĩ nhanh hơn bây giờ gấp tỷ lần bằng cách tích hợp những bộ phân điện tử và có thể truy cập dữ liệu trực tiếp từ não.

Cuối cùng, Kurzweil tin rằng con người sẽ đến lúc được sản xuất hoàn toàn nhân tạo. Khi đó chúng ta sẽ nhìn lại các chất liệu sinh học xưa cũ của mình và ngạc nhiên làm sao con người đã từng được tạo ra bởi những chất liệu thô sơ đến vậy và chúng ta đã từng già đi, chết bởi ung thư, cho phép những yếu tố ngẫu nhiên như vi sinh vật, bệnh tật, tai nạn gây thương tích hoặc tử vọng.

Khi nào thì Cỗ máy đầu tiên trở nên Siêu thông minh?

Dự đoán từ những chuyên gia Trí tuệ nhân tạo hàng đầu

Mất bao lâu nữa thì cỗ máy đầu tiên đạt đến cấp độ Trí tuệ siêu phàm? Không có gì ngạc nhiên khi có nhiều ý kiến trái chiều, và đây là một cuộc tranh luận nóng bỏng giữa các nhà khoa học và các nhà tư tưởng hàng đầu. Rất nhiều người, như giáo sư Vernor Vinge, nhà khoa học Ben Goertzel, đồng sáng lập Sun Microsystems Bill Joy, hay nổi tiếng nhất là nhà phát minh và nhà tương lai học Ray Kurzweil đồng ý với chuyên gia máy học Jeremy Howard khi ông trình bày biểu đồ này trong bài diễn thuyết TED 

Những người tin điều này sẽ sớm xảy ra – nghĩa là họ cho rằng tăng trưởng cấp số mũ và máy học, mặc dù chỉ mới đang chập chững, sẽ phát triển như vũ bão trong vài thập kỉ tới.

1 số chuyên gia khác, như đồng sáng lập Microsoft Paul Allen, nhà nghiên cứu tâm lý Gary Marcus, nhà khoa học máy tính trường NYU Ernest Davis, và doanh nhân công nghệ Mitch Kapor, tin rằng những người như Kurzweil đang đánh giá quá thấp những thách thức phải đối mặt [và quá trình chuyển đổi sẽ cần nhiều thời gian hơn].

Phe Kurzweil sẽ phản bác lại rằng chính việc đánh giá thấp những tiến triển hiện tại cho thấy phe hoài nghi đang đánh giá thấp tiềm năng của tăng trưởng cấp số mũ, và  so sánh họ với những người nhìn thấy sự tăng trưởng chậm của Internet vào năm 1985 và cho rằng không đời nào Internet có thể có tác động lớn trong tương lai.

Phe hoài nghi có thể lại cho rằng những tiến bộ cần đạt được để tạo ra đột phá trong nghiên cứu trí tuệ nhân tạo cũng sẽ trở nên ngày càng khó khăn, do đó bù trừ đi lợi thế tăng trưởng cấp số mũ của tiến bộ công nghệ.

Phe thứ ba, bao gồm Nick Bostrom, tin rằng 2 phe đều không có bằng chứng vững chắc để có thể dự đoán chính xác và thừa nhận rằng A) Điều này hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai gần B) Không có gì đảm bảo về điều đó, nó có thể cần nhiều thời gian hơn.

Vẫn có những người như triết gia Hubert Dreyfus, tin rằng cả 3 nhóm đều ngây thơ khi tin rằng sẽ xuất hiện Trí tuệ nhân tạo siêu phàm, cho rằng có thể nó sẽ không bao giờ xảy ra.

Vậy bạn rút ra được gì khi tổng hợp tất cả những ý kiến này?

Lịch trình của Trí tuệ nhân tạo toàn năng

Năm 2013, Vincent C. Müller và Nick Bostrom thực hiện một cuộc khảo sát hàng trăm chuyên gia Trí tuệ nhân tạo với câu hỏi sau:

Giả sử các hoạt động khoa học của loài người tiếp diễn mà không gặp phải gián đoạn nào lớn. Bạn dự đoán năm bao nhiêu với xác suất từ 10%, 50%, 90% để Trí tuệ máy có trình độ ngang con người [hay chúng ta còn gọi là Trí tuệ nhận tạo toàn năng] có thể xuất hiện?

Cuộc khảo sát này hỏi các chuyên gia chỉ ra dự đoán lạc quan (năm mà họ tin rằng có 10% khả năng chúng ta sẽ có Trí tuệ nhân tạo toàn năng), dự đoán thực tế (năm mà họ tin rằng có 50% khả năng chúng ta sẽ có Trí tuệ nhân tạo toàn năng) và dự đoán an toàn (năm mà họ tin rằng 90% khả năng chúng ta sẽ có Trí tuệ nhân tạo toàn năng). Tổng hợp lại thành một tập dữ liệu, đây là kết quả:

  • Năm lạc quan trung bình (10% khả năng): 2022
  • Năm thực tế trung bình (50% khả năng): 2040
  • Năm bi quan trung bình (90% khả năng): 2075

Theo đó trung bình các chuyên gia nghĩ rằng chúng ta sẽ có khả năng vươn tới Trí tuệ nhân tạo toàn năng trong vòng 25 năm nữa. Nếu con số đó được lùi sang năm 2075, nghĩa là nếu bây giờ bạn mới đang tuổi teen thì gần như chắc chắc Trí tuệ nhân tạo toàn năng sẽ xuất hiện trong cuộc đời bạn.

Trong một nghiên cứu riêng biệt khác, thực hiện gần đây bởi tác giả James Barrat tại Hội nghị Trí tuệ nhân tạo toàn năng hàng năm của nhà nghiên cứu Ben Goertzel, bỏ qua xác suất và hỏi luôn những người tham gia khi nào loài người có thể xây dựng được Trí tuệ nhân tạo toàn năng, vào các mốc 2030, 2050, 2100, sau 2100 hoặc không bao giờ. Kết quả có được như sau:

  • Mốc 2030: 42%
  • Mốc 2050: 25%
  • Mốc 2100: 20%
  • Sau 2100: 10%
  • Không bao giờ: 2%

Kết quả này khá giống với khảo sát của Müller và Bostrom. Trong khảo sát của Barrat, 2/3 tổng số người tham gia tin rằng Trí tuệ nhân tạo toàn năng sẽ xuất hiện vào khoảng năm 2050, và gần 1/2 dự đoán Trí tuệ nhân tạo toàn năng sẽ xuất hiện trong 15 năm nữa. Đáng ngạc nhiên là chỉ có 2% những người được tin hỏi cho rằng Trí tuệ toàn năng sẽ mãi chỉ là khoa học viễn tưởng.

Lịch trình dành cho Trí tuệ nhân tạo siêu phàm

Müller và Bostrom cũng đặt câu hỏi cho các chuyên về khả năng con người có để đạt được Trí tuệ nhân tạo siêu phàm: A) trong 2 năm sau khi vươn tới Trí tuệ nhân tạo toàn năng (sự bùng nổ trí thông minh gần như ngay lập tức), và B) trong 30 năm sau đó. Những người trả lời được yêu cầu chọn mức xác xuất cho mỗi lựa chọn của mình. Kết quả có được như sau:

  • Chuyển dịch từ AGI sang ASI trong vòng 2 năm: 10%
  • Chuyển dịch từ AGI sang ASI trong vòng 30 năm: 75%

Câu trả lời trung bình cho xác suất chuyển dịch từ Trí tuệ nhân tạo toàn năng sang Trí tuệ nhân tạo siêu phàm trong vòng 2 năm vào khoảng 10%, còn với phương án phải mất 30 năm vào khoảng 75%. Chúng ta không thể suy luận từ bộ dữ liệu này khoảng thời gian để sự chuyển dịch từ AGI sang ASI mà trung bình người tham gia đặt cược 50/50 là bao nhiêu, nhưng nếu tính gần đúng thì sẽ khoảng 20 năm.

Vậy nên theo ý kiến tổng hợp từ những chuyên gia trong ngành, mốc thực tế nhất con người sẽ đạt được Trí tuệ nhân tạo siêu phàm là vào năm 2060. [Mốc 2040 dành cho Trí tuệ nhân tạo toàn năng và ước tính khoảng 20 năm chuyển dịch.]

Tất nhiên là những số liệu trên đây mới chỉ là dự đoán, và chúng chỉ đại diện cho ý kiến tổng hợp từ cộng đồng các chuyên gia Trí tuệ nhân tạo, nhưng nó cho chúng ta biết rằng rất nhiều người hiểu rõ về vấn đề này sẽ đồng ý 2060 là ước chừng hợp lý cho sự xuất hiện của Trí tuệ nhân tạo siêu phàm. Chỉ khoảng 45 năm nữa thôi.

Kết cục của Trí tuệ nhân tạo

Hai trường phái với hai kết luận trái chiều

Góc lạc quan

Phần lớn những gì chúng ta thảo luận từ đầu đến giờ đại diện cho phần lớn các nhà khoa học cùng có cái nhìn lạc quan về kết cục của công cuộc phát triển AI. Sự tự tin của họ đến từ đâu thì còn phải tranh cãi. Những nhà chỉ trích tin rằng nó đến từ sự phấn khích mù quáng đến mức bọn họ đơn thuần lờ đi hoặc phủ định những kết cục bi quan có thể xảy ra. Phe lạc quan lại cho rằng sẽ là ngây thơ khỉ tưởng tượng ra những kịch bản tận thế khi xét cả lợi lẫn hại, công nghệ đang và sẽ tiếp tục giúp con người nhiều hơn là làm hại chúng ta. Peter Diamandis, Ben Goertezl và Ray Kurzwei là những nhân vật nổi bật trong nhóm này, những người đã xây dựng cộng đồng người ủng hộ rộng lớn, tận tâm và tự coi mình là “Những kẻ hợp nhất.”

Hãy cùng bàn về Ray Kurzweil, người có lẽ là 1 trong những nhà lý thuyết AI ấn tượng và gây chia rẽ nhất. Ông thu hút cả những người tôn thờ mình như chúa lẫn những người trợn mắt khinh bỉ. Ông có một vài sáng kiến đột phá, như máy quét dạng nằm đầu tiên, máy quét đầu tiên chuyển chữ thành lời nói (giúp người mù có thể đọc được chữ thường), máy piano điện tử thực sự đầu tiên, và phần mềm nhận diện giọng nói có nhiều từ vựng được thương mại hóa đầu tiên. Ông có được biết đến qua những dự đoán táo bạo của mình, như là dự đoán công nghệ trí tuệ như Deep Blue có thể đánh thắng kiện tướng cờ vua vào năm 1998. Ông cũng dự đoán rằng vào cuối những năm 80, lúc Internet mới chỉ là một thứ vô danh tiểu tốt, rằng đầu những năm 2000 nó sẽ là một hiện tưởng toàn cầu. Trong 147 dự đoán mà Kurzweil đã đưa ra những năm 1990, 115 dự doán đã trở thành hiện thực, và 12 dự đoán gần như đúng, trật 1 hoặc 2 năm, khiến ông có tỉ lệ dự đoán chính xác là 86%. Ông cũng là tác giả của 5 cuốn sách bán chạy nhất nước Mỹ. Năm 2012, đồng sáng lập Google là Larry Page đã gặp Kurzweil và muốn ông làm Giám đốc kĩ thuật của Google. Năm 2011, ông đồng sáng lập Đại học hợp nhất, được chủ trì bởi NASA và tài trợ một phần bởi Google. Không quá tệ cho một đời người.

Bạn cần biết tiểu sử của ông, bởi vì nếu không có bối cảnh trên, lời ông nói sẽ nghe như một người hoàn toàn mất trí. Kurzweil tin rằng máy tính sẽ vươn đến AGI vào năm 2020 và đến năm 2045 chúng ta sẽ có không chỉ ASI mà cả một thế giới hoàn toàn mới, thời điểm mà ông gọi là sự hợp nhất. Lịch trình về AI của ông thường bị mọi người coi là tự tin thái quá, nhưng trong 15 năm trở lại đây, với sự phát triển nhanh chóng của các hệ thống Trí tuệ nhân tạo hẹp đã đưa dự đoán của nhiều chuyên gia AI gần hơn với lịch trình của ông. Những dự đoán của ông tham vọng hơn nhiều con số trung bình trong khảo sát của Müller và Bostrom (AGI vào năm 2040, và ASI vào năm 2060), nhưng không quá nhiều.

Góc lo lắng

Bạn sẽ không thấy lạ khi biết rằng những ý tưởng của Kurzweil vấp phải rất nhiều chỉ trích. Với mỗi chuyên gia nồng nhiệt tin rằng Kurzweil đang đi đúng hướng, sẽ có khoảng 3 người nghĩ ông đang lạc đường. Sự thật ngạc nhiên là hầu hết các chuyên gia bất đồng với ông không hoàn toàn phủ nhận mọi thứ ông nói. Nick Bostrom, triết gia và Giám đốc của Viện Tương Lai của Nhân Loại thuộc trường đại học Oxford, người chỉ trích Kurzweil vì rất nhiều lý do, và kêu gọi nên thận trọng hơn khi đánh giá về những tiềm năng của AI, thừa nhận rằng:

Bệnh tật, đói nghèo, phá hoại môi trường, những nỗi thống khổ không cần thiết khác: đây là những vấn đề mà Trí tuệ siêu phàm trang bị công nghệ nano tiên tiến có khả năng loại bỏ. Thêm nữa, Trí tuệ siêu phàm có thể giúp loài người sống bất tử, hoặc là thông qua đóng băng và đảo ngược quá trình lão hóa qua công nghệ y tế nano, hoặc là cho chúng ta lựa chọn đăng tải ý thức mình online.

Đúng là tất cả những điều này có thể xảy ra nếu chúng ta có thể chuyển dịch an toàn từ AGI sang ASI, nhưng đó chính là phần khó nhất. Những nhà tư tưởng từ Góc lo lắng chỉ ra rằng cuốn sách nổi tiếng của Kurzweil, Hợp nhất đang đến gần, trong hơn 700 trang giấy ông chỉ dành khoảng 20 trang để nói về những hiểm họa tiềm tàng. Sức mạnh khủng khiếp của AI được tóm tắt gọn gàng bởi Kurzweil như sau: Trí tuệ nhân tạo siêu phàm đang xuất hiện nhờ rất nhiều nỗ lực khác nhau và sẽ được tích hợp sâu vào cơ sở hạ tầng trong nền văn minh của chúng ta. Thực sự, nó sẽ được nhúng sâu vào trong cơ thể và bộ não con người. Và khi đó, nó cũng sẽ phản ánh các giá trị của con người bởi vì nó sẽ là một phần con người.

Nhưng nếu đó là câu trả lời, tại sao rất nhiều những người thông minh nhất hành tinh này lại lo lắng tới vậy? Tại sao Stephen Hawking cho rằng sự phát triển của ASI có thể đặt dấu chấm hết cho loài người, và Bill Gates nói rằng ông không thể hiểu nổi tại sao lại có người lại không thèm quan tâm và Elon Musk sợ rằng chúng ta đang triệu hồi quỷ dữ? Và tại sao rất nhiều các chuyên gia về vấn đề này lại gọi ASI là hiểm họa lớn nhất đối với nhân loại?

Sáng tạo cuối cùng của loài người

Những hiểm hoạt diệt vọng khi phát triển AI

Khi con người phát triển AI siêu thông minh, chúng ta đang tạo ra một thứ gì đấy có thể sẽ thay đổi mọi thứ trong cả những địa hạt chưa từng được khám phá, và chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra đến lúc đấy. Nhà khoa học Danny Hillis so sánh tình huống này giống như:

khi những sinh vật đơn bản chuyển thành đa bào. Chúng ta là những con amip và chúng ta không biết được mình đang tạo ra thứ quỷ quái gì.

và Nick Bostrom cảnh báo rằng:

Trước tương lai của sự bùng nổ trí thông minh, loài người giống như những đưa trẻ đang chơi đùa với bom. Con người dù chưa đủ chính chắn đang nắm trong tay thứ đồ chơi có sức mạnh hủy diệt

Khả năng cao là Trí tuệ nhân tạo sẽ đến lúc thông minh hơn toàn nhân lại gộp lại. Khi đó nó sẽ là một thực thể có trí tuệ hoàn toàn khác với những gì con người từng biết. Trong hòn đảo tí hon của tâm lý con người, chúng ta chia mọi thứ thành đạo đức hoặc vô đạo đức (immoral). Ngoài hòn đảo tí hon đó là đại dương rộng lớn của các hành vi phi đạo đức (amoral), và bất cứ thứ gì, không phải người, đặc biệt là những thứ không có cấu tạo sinh học, mặc nhiên sẽ là phi đạo đức.

Để hiểu được ASI, chúng ta phải hiểu được khái niệm về một thứ gì đó vừa thông minh vừa xa lạ. Nhân hóa AI (phóng chiếu những giá trị của con người vào một thực thể phi-người) chỉ có tác dụng khi các hệ thống AI trở nên giống với con người hơn. Con người cảm thấy những cảm xúc cấp độ cao như cảm thông bởi vì chúng ta đã tiến hóa để cảm thấy chúng, nhưng cảm thông không phải là một đặc điểm căn cốt của “bất cứ thứ gì có trí tuệ phát triển”.

Nick Bostrom tin rằng bất kì cấp độ trí tuệ nào có thể gộp lại vào chung một mục đích tối thượng. Bất cứ giả định nào cho rằng một khi trở nên siêu thông minh, một hệ thống sẽ bỏ đi mục tiêu ban đầu và làm thứ gì đó thú vị hoặc có ý nghĩa hơn là đang cố nhân hóa nó. Con người thay đổi mục tiêu, không phải máy tính. Động lực của các hệ thống ASI ban đầu sẽ là bất cứ động lực nào chúng ta lập trình cho nó. Những hệ thống AI được người sáng tạo nó đặt ra mục tiêu – mục tiêu của hệ thống GPS là để chỉ cho bạn đường lái xe tiện lợi nhất, mục tiêu của Watson là trả lời câu hỏi chính xác nhất. Và hoàn thành mục tiêu tốt nhất có thể là động lực duy nhất của chúng.

Bostrom, và rất nhiều người khác, dự đoán chiếc máy tính đầu tiên đạt đến cấp độ ASI sẽ ngay lập tức nhận ra lợi ích chiến lược của việc trở thành hệ thống ASI duy nhất trên thế giới.

Ông không biết khi nào chúng ta sẽ đạt được AGI, nhưng khi 1 khi đã đạt được, sự chuyển dịch từ AGI sang ASI sẽ diễn ra trong vài ngày, vài giờ, hoặc vài phút – hiện tượng gọi là “cất cánh nhanh.” Trong trường hợp đó, nếu hệ thống AGI đầu tiên nhảy thẳng lên ASI: “kể cả chỉ trong vài ngày trước khi 1 hệ thống khác kịp vượt lên, nó đã đủ thông minh để vượt lên mãi mãi tất cả các đối thủ cạnh tranh. Điều này sẽ làm hệ thống ASI đầu tiên trở thành thứ được gọi là một singleton  – một ASI có thể [1 mình] thống trị thế giới theo ý mình mãi mãi, cho dù ý muốn của nó có là làm con người bất tử, quét sạch sự tồn tại của loài người hay biến vũ trụ này thành những chiếc kẹp giấy dài vô tận.

Hiện tượng singleton có thể đứng về phe loài người hoặc đưa loài người đến diệt vong. Nếu những chuyên gia về lý thuyết AI và an toàn của loài người có thể nghĩ ra một cách cứu hộ an toàn để chế tạo ra hệ thống ASI thân thiện trước khi bất cứ hệ thống AI nào đạt đến cấp độ trí thông minh ngang với loài người, ASI đầu tiên sẽ là một người bạn thân thiện.

Nếu mọi chuyện đi theo hướng khác, nếu rất nhiều các bên đều đang chạy đua với tốc độ cao nhất để đánh bại những đối thủ của mình, con người người sẽ gặp phải thảm họa diệt vong. Trong trường hợp đó, những bên tham vọng nhất sẽ hành động ngày một cấp tốc hơn, với hi vọng về tiền bạc, phần thưởng, quyền lực và danh vọng. Và khi bạn chạy nước rút nhanh nhất có thể, bạn sẽ không có nhiều thời gian dừng lại để suy nghĩ về những hiểm họa. Ngay bây giờ thứ họ có thể đang tiến hành là lập trình các hệ thống AI sơ khai của họ với một mục tiêu vô cùng đơn giản…chỉ cần AI hoạt động được.

Phát minh cuối cùng

Một khi ASI tồn tại, bất cứ nỗ lực kiếm chế nó của chúng ta sẽ thất bại. Chúng ta chỉ có thể nghĩ ở cấp độ con người, và ASI thì suy nghĩ ở cấp độ Trí tuệ nhân tạo siêu phàm. Giống như con khỉ không thể hiểu được cách giao tiếp qua điện thoại và wifi mà loài người có thể, chúng ta không thể hiểu được tất cả các cách mà một ASI có thể dùng để đạt được mục tiêu hoặc mở rộng phạm vi của nó. Giả sử nó thể sắp xếp lại các hạt electron của mình theo một mẫu hình nào đấy và tạo ra các kiểu sóng đi ra khác nhau, và đó mới chỉ là cách con người nghĩ ra được – ASI chắc chắc sẽ nghĩ ra thứ gì đó ưu việt hơn.

Hiện tại thì tương lai của ASI có trí thông minh gấp 100 lần con người chưa phải vấn đề cốt lõi với chúng ta. Đến lúc đó, chúng ta sẽ sống trong một thế giới mà ASI được phát triển bởi một phần mềm vẫn còn lỗi, phiên bản 1.0.

Chúng ta không thể dự đoán được những kết quả của cuộc cách mạng AI sẽ mang lại bởi vì có quá nhiều biến số. Tuy nhiên, thứ chúng ta biết chắc là sự thống trị tuyệt đối của con người trên Trái Đất này cho thấy một quy luật hiển nhiên: thông minh kéo theo sức mạnh. Điều này có nghĩa là một ASI, khi chúng ta tạo ra nó, sẽ là thực thể mạnh mẽ nhất trong lịch sử sự sống trên Trái Đất, và tất cả sinh vật sống, bao gồm cả loài người, sẽ hoàn toàn nằm dưới trướng của nó, và điều này có thể sẽ xảy ra trong một vài thập kỉ tới.

Nếu Trí tuệ nhân tạo siêu phàm thực sự xảy ra trong thế kỉ này, và nếu kết quả của điều này sẽ vô cùng cực đoạn như ý kiến của hầu hết các chuyên gia, chúng ta đang gánh một trách nhiệm rất lớn trên vai. Một mặt, chúng ta sẽ có thể phát triển ASI như vị chúa trong 1 chiếc hộp, tạo ra một thế giới thừa mứa và con người được bất tử. Nhưng mặt khác, chúng ta cũng có thể tạo ra một ASI làm cho loài người tuyệt chủng trong tích tắc

Đó là lý do tại sao những người hiểu rõ Trí tuệ nhân tạo siêu phàm gọi nó là phát minh cuối cùng của loài người, thách thức cuối cùng mà chúng ta sẽ phải đối mặt. Chúng ta có thể sẽ là thế hệ quan trọng nhất trong lịch sử loài người.

Trạm Đọc (Read Station)

Theo AI Revolution

You may also like

Leave a Comment