Trẻ ngoan làm bài tập về nhà đúng giờ, viết chữ đẹp ngay hàng thẳng lối, dọn phòng gọn gàng, lúc nào cũng tỏ ra ngại ngùng một chút, muốn giúp đỡ bố mẹ, luôn cẩn thận mỗi khi đi xe đạp,…
Bởi vì chúng không gây ra nhiều rắc rối trước mắt, chúng ta thường có xu hướng giả định rằng những trẻ em ngoan đều sẽ ổn thôi. Chúng không phải là mục tiêu cho những mối quan tâm đặc biệt như đối với những đứa trẻ nghịch ngợm hay quấy phá khác. Mọi người tưởng tượng những đứa trẻ ngoan là tốt; bởi vì chúng làm mọi thứ trong sự mong đợi của họ.
Và điều đó chính là một vấn đề lớn. Từ khao khát nội tâm về việc nghiêm túc quá mức, những cô cậu bé ngoan bắt đầu nảy sinh những nỗi buồn thầm kín và những khó khăn trong tương lai. Trẻ ngoan ngoãn không hề tốt như chúng ta vẫn tưởng, bởi vì chúng đơn giản không có khuynh hướng nào khác ngoài trốn tránh thực tại. Chúng ngoan bởi vì chúng không có lựa chọn khác. Chúng tỏ ra ngoan ngoãn vì chúng cần phải như thế hơn là ngoan ngoãn vì chúng thực sự muốn thế.
Nhiều trẻ ngoan ngoãn vì nhận được sự giáo dục từ những phụ huynh mà vốn dĩ họ gặp phải các vấn đề khó khăn trong cuộc sống và sự ngoan ngoãn vâng lời của lũ trẻ là để đảm rằng họ sẽ không phải chịu thêm bất kì một quấy phá hay khó khăn nào. Những đứa trẻ ngoan cũng sẽ khiến cha mẹ chúng ít bộc lộ xu hướng giận dữ bạo lực hơn, hoặc có lẽ những người làm cha mẹ rất bận rộn và mất tập trung nên chỉ bằng cách tỏ ra ngoan ngoãn và nghe lời, đứa trẻ mới có thể hy vọng đạt được một sự quan tâm từ họ.
Nhưng những cảm xúc thực sự thì không hề dễ dàng để thuần phục như tính cách. Mặc dù trẻ ngoan luôn tỏ ra vâng lời và dễ chịu nhưng chúng cũng tiềm ẩn nguy cơ tích trữ những ức chế và tạo nên một lượng lớn khó khăn trong cuộc sống sau này. Các nhà giáo dục và phụ huynh nên phát hiện các dấu hiệu của sự ức chế này và có biện pháp giải tỏa cảm xúc phù hợp.
Đứa trẻ ngoan đôi khi giữ quá nhiều bí mật và những điều quan trọng ít ai biết. Chúng nói những lời đáng yêu, là những chuyên gia trong việc đáp ứng mong đợi của người lớn, nhưng những suy nghĩ và cảm xúc thật sự của chúng vẫn được chôn giấu và sau đó thậm chí có thể tạo ra các triệu chứng tâm thần, co giật, đột ngột giận dữ và mất kiểm soát…
Những vấn đề của trẻ ngoan xuất phát từ việc chúng không có kinh nghiệm trong việc được người khác chịu đựng và tha thứ cho những lỗi lầm của chúng. Chúng đã bỏ lỡ một đặc quyền quan trọng dành cho bất kì một đứa trẻ khỏe mạnh nào, đó là được biểu lộ sự ghen tị, tham lam, ích kỷ, chưa được dung thứ và yêu thương.
Những người tốt thường có vấn đề cụ thể xung quanh đời sống tình dục. Khi còn là một đứa trẻ, họ có thể được ca ngợi vì sự trong sáng và hồn nhiên. Tuy nhiên, khi họ trở thành một người lớn, giống như tất cả chúng ta, họ khám phá ra những khía cạnh khác của tình dục, có thể là những điều tốt đẹp thú vị hay kì dị ghê tởm. Những sự thật này lại có thể trái ngược hoàn toàn với những chấp niệm từ bé – những gì họ được phép làm. Họ có thể phản ứng bằng cách từ chối mong muốn, lạnh lùng và tách rời những nhu cầu này khỏi cơ thể- hoặc có lẽ chỉ cho chúng tồn tại như những ước mơ theo một cách không bình thường, làm ảnh hưởng đến những khía cạnh khác trong cuộc sống và khiến họ ghê tởm, sợ hãi.
Tại nơi làm việc, người lớn mà tốt quá cũng có vấn đề. Khi còn nhỏ, họ tuân theo các quy tắc; không bao giờ gây rắc rối và không làm phiền bất cứ ai. Nhưng tuân theo các quy tắc sẽ không giúp bạn tiến bộ trong cuộc sống trưởng thành. Hầu hết mọi thứ thú vị, đáng làm hoặc quan trọng sẽ đi kèm với một mức độ phản đối. Một ý tưởng tuyệt vời sẽ luôn bị một số người phản đối, chê bai. Đứa trẻ quá ngoan thường có xu hướng có một sự nghiệp làng nhàng khi lớn lên và lúc nào cũng cố gắng làm vừa lòng tất cả mọi người.
Để trưởng thành đúng cách đòi hỏi một mối quan hệ thẳng thắn, cởi mở với những góc khuất, sự phức tạp và tham vọng của chính mình. Nó liên quan đến việc chấp nhận rằng không phải tất cả mọi thứ làm cho chúng ta hạnh phúc sẽ làm hài lòng người khác hoặc được tôn vinh, đặc biệt là sự “tốt đẹp” được định nghĩa bởi xã hội. Tuy thế, sự “tốt đẹp” này vẫn có thể là quan trọng để khám phá và gìn giữ ở một mức độ phù hợp.
Mong muốn được trở nên tốt đẹp là một trong những điều đáng yêu nhất trên thế giới, nhưng để có một cuộc sống thực sự tốt, đôi khi chúng ta có thể cần phải (theo tiêu chuẩn của đứa trẻ ngoan) xấu xa một cách thật thà và dũng cảm.
Là một con người của gia đình và theo đuổi các giá trị nhân văn, Ohmae Kenichi có những triết lý
và quan niệm giáo dục con cái rất khác. Với ông, con cái không cần thiết phải học quá giỏi, lúc nào cũng nghe lời mà quan trọng nhất là xây dựng được cho con “năng lực sinh tồn” để sống và tồn tại được trong xã hội. Thước đo đánh giá sự thành công của con cái không phải dựa trên số tiền chúng kiếm được hay vị trí trong xã hội mà bằng khả năng tương thích với cuộc đời và tự vươn lên bằng chính nghị lực bản thân. Giáo dục không phải là sự huấn luyện con người theo những tư tưởng rập khuôn.
Tư tưởng này được trình bày rõ ràng và ấn tượng thông qua cuốn sách “Tự nảy mầm, tự vươn lên” của Ohmae Kenichi – một cuốn sách nằm trong Tủ sách người mẹ tốt và là một cuốn sách đáng đọc cho những bậc phụ huynh còn đang loay hoay trong việc nuôi nấng và dạy dỗ con cái mình.
Phương Anh
Trạm Đọc.
Theo The Book of Life.