Thông thường, khi cái tôi của chúng ta chịu ít nhiều tổn thương thì chúng ta mới thấy rõ những chi tiết tiềm ẩn trong cuộc sống – những chi tiết không dễ nhận ra, đôi khi khiến ta
Giả vờ vui vẻ là một hành động tai hại, còn tự ép bản thân phải vui vẻ một cách “chân thật” hơn chính là hành động tự hủy hoại bản thân. Một phần là vì hành động này làm gia tăng những kỳ vọng không thể đáp ứng, một phần khác là vì nụ cười giả tạo và khao khát có được cảm giác vui vẻ khiến chúng ta không thể đón nhận những lợi ích mà các cảm xúc khó chịu mang lại
Thông thường, khi cái tôi của chúng ta chịu ít nhiều tổn thương thì chúng ta mới thấy rõ những chi tiết tiềm ẩn trong cuộc sống – những chi tiết không dễ nhận ra, đôi khi khiến ta day dứt nhưng lại có vai trò quan trọng. Không có gì lạ khi các đại văn hào, từ các tác giả bi kịch Hy Lạp, các thi sĩ lãng mạn, cho đến tác giả của những bộ tiểu thuyết Nga đồ sộ trong thế kỷ 19, đều đã phát hiện nhiều bài học giá trị chứa đựng nhiều thông tin về mặt tối trong cảm xúc con người. Chính nhà thơ nổi tiếng John Milto đã phải thốt lên trong bài thơ u sầu Il Penseroso (tạm dịch: Người nghiêm trang): “Hail divinest melancholy” (“Tôn vinh nỗi u sầu thần thánh”).
Cảm xúc chân thực có thể là những “sứ giả” đến để giúp chúng ta hiểu bản thân mình và khơi gợi nhiều nhận thức sáng suốt về những ngã rẽ quan trọng trong cuộc đời. Tôi đã nhận ra điều này khi một khách hàng đến gặp tôi vì anh “thường xuyên giận dữ”. Tôi và anh ấy đã cùng ngồi lại để phân tích và phân loại những cảm xúc của anh. Anh nhận ra có lẽ anh không phải có vấn đề với cảm xúc giận dữ mà là có vấn đề với người vợ thường xuyên đặt ra cho anh những yêu cầu bất khả thi. Bằng cách chấp nhận và hiểu những cảm xúc khó chịu của mình chứ không cố gắng trấn áp hoặc điều chỉnh chúng, anh bắt đầu cải thiện đời sống hôn nhân, không phải bằng cách thay đổi bản thân để cố gắng đáp ứng các yêu cầu của vợ, mà bằng cách đặt ra các giới hạn hợp lý hơn để hai vợ chồng đều biết hành vi nào là chấp nhận được.
Bên cạnh tức giận (còn gọi là phẫn nộ), đố kỵ cũng là một trong “bảy mối tội đầu” bị mang tiếng xấu. Trên thực tế, sự đố kỵ có thể trở thành động lực mạnh mẽ hơn cả sự ngưỡng mộ trong việc thôi thúc chúng ta tự hoàn thiện bản thân. Một nghiên cứu đã cho thấy so với những sinh viên thể hiện sự ngưỡng mộ, những sinh viên thể hiện lòng đố kỵ vô hại đối với người có thành tích học tập cao hơn cũng thường cho thấy quyết tâm vươn lên cao hơn. Nhóm sinh viên đố kỵ trong nghiên cứu này đã dốc sức học tập và nhờ đó đã đạt thành tích khả quan hơn trong các bài kiểm tra khác nhau liên quan đến ngôn ngữ.
Những cảm xúc bị mang tiếng xấu khác cũng rất hữu ích cho chúng ta vì nhiều lý do khác nhau. Sự ngượng ngùng và cảm giác tội lỗi có thể đóng vai trò quan trọng trong các mối quan hệ xã hội vì chúng thúc đẩy tinh thần nhượng bộ và củng cố tinh thần hợp tác. Cảm giác buồn bã là tín hiệu cho đó ta mới tìm kiếm những giải pháp tốt hơn. Bên cạnh đó, khi chúng ta thể hiện nỗi buồn ra ngoài, những người xung quanh có thể biết chúng ta đang cần sự hỗ trợ. Nếu che giấu nỗi buồn bằng cách cố tỏ ra vui vẻ, bạn đang tự bỏ lỡ sự dẫn dắt đến từ bên trong và có lẽ là cả sự hỗ trợ đến từ bên ngoài.
Lợi ích của những cảm xúc khó chịu
Đúng là không có gì vui khi rơi vào tâm trạng khó chịu, và chắc chắn việc liên tục đắm chìm trong các cảm xúc “tiêu cực” không hề có lợi cho sức khỏe của chúng ta. Tuy nhiên, việc trải nghiệm nỗi buồn, sự tức giận, cảm giác tội lỗi hoặc sợ hãi vẫn có thể mang lại cho chúng ta những lợi ích nhất định, chẳng hạn như:
Giúp chúng ta xây dựng lý lẽ vững chắc.
Khi trải nghiệm những cảm xúc “tiêu cực”, chúng ta có khuynh hướng sử dụng thông tin có căn cứ rõ ràng và cụ thể, nắm bắt chính xác tình hình thực tế và ít có nguy cơ đưa ra những phán xét sai lệch. Tất cả những điều này giúp chúng ta toát ra thần thái của người có năng lực chuyên môn và uy tín, nhờ đó chúng ta có thể trở thành những tác giả hoặc diễn giả có sức thuyết phục hơn.
Cải thiện trí nhớ.
Một nghiên cứu cho thấy vào những ngày âm u lạnh lẽo khi tâm trạng con người dễ ủ dột, người đi mua sắm nhớ được nhiều chi tiết bài trí bên trong cửa hàng hơn hẳn so với những ngày ấm áp và khiến người ta cảm thấy thoải mái. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện rằng khi tâm trạng không tốt, chúng ta thường ít tiếp nhận thông tin sai lệch và nhờ vậy, trí nhớ của ta cũng ít bị lẫn lộn.
Khuyến khích tính kiên trì.
Nói cho cùng, khi bạn đã cảm thấy thoải mái rồi thì có lý do gì để tự thúc đẩy bản thân nữa? Trong các bài kiểm tra học lực, khi có tâm trạng u sầu, người ta thường cố gắng trả lời nhiều câu hỏi hơn – và có số câu trả lời đúng nhiều hơn – so với khi cảm thấy vui vẻ. Các bậc phụ huynh có thể lưu ý vấn đề này và cố gắng đừng để con mình vui vẻ thái quá trước kỳ thi.
Giúp chúng ta lịch sự và chu đáo hơn.
Những người ở trong trạng thái ít hưng phấn hơn thường vô thức bắt chước cử chỉ cũng như lời nói của người mà họ đang tương tác – một hành vi đã được chứng minh là có thể củng cố mối liên kết xã hội. Khi cảm thấy sảng khoái, chúng ta tự tin khẳng định bản thân hơn, điều này đồng nghĩa với việc ta tập trung nhiều hơn vào đến cái tôi của mình và dễ bỏ qua những điều tốt đẹp nơi người khác hoặc những gì họ đang trải qua.
Củng cố lòng bao dung.
Những người có tâm trạng không quá vui vẻ thường chú ý hơn đến sự công bằng và có khuynh hướng từ chối tiếp tay cho sự bất công.
Khiến chúng ta ít sa vào thiên kiến xác nhận.
Một nghiên cứu có đối tượng là những người có quan điểm chính trị mạnh mẽ cho thấy những người đang tức giận thường chọn đọc nhiều bài viết bất đồng với ý kiến của họ thay vì sa vào thiên kiến xác nhận – một khuynh hướng phổ biến mà trong đó người ta tìm kiếm những thông tin giúp xác nhận hoặc củng cố niềm tin của mình. Sau khi tìm hiểu những quan điểm trái ngược đó, họ trở nên cởi mở hơn với việc thay đổi suy nghĩ của mình. Có vẻ như sự tức giận tạo ra tâm lý “chinh phục sự phản đối” và thôi thúc chúng ta tìm hiểu quan điểm của phía đối lập với mục đích bẻ gãy lập luận của họ, nhưng nghịch lý là chính vì hiểu rõ quan điểm của đối phương nên chúng ta cũng dễ bị họ thuyết phục hơn.