MÀY NGHĨ MÀY HỌC BÁC SỸ MÀ NGON À, CON TAO CŨNG CÓ ĂN CÓ HỌC!

by admin

Đó là câu nói của bà mẹ vợ (cũ) đã đưa đến quyết định kết thúc cuộc hôn nhân của mình cách đây 1 năm.
Mình không muốn nhắc lại câu chuyện của mình, nhưng mấy hôm nay đọc báo thấy nói khá nhiều về nhân viên y tế bỏ việc, nên mình xin kể lại để cho mọi người để có một góc nhìn khác. Vì câu chuyện khá dài, nên mình xin chia thành các mục nhỏ để mọi người tiện theo dõi.

  1. Gia cảnh
    Mình xuất thân trong một gia đình nghèo, đông anh em. Nhưng nhờ sự nổ lực, chăm chỉ và cả may mắn, mình thi đậu Y Hà Nội, sau khi tốt nghiệp Bác sỹ nội trú mình làm phẫu thuật viên ở một bệnh viện.
    Vợ cũ của mình cũng sinh ra trong một gia đình nghèo có 2 chị em, em trai học cao đẳng dược. Bố mẹ cũng làm nông nghiệp, gia cảnh cũng bình thường. Bạn ấy học trung cấp, rồi sau này liên thông lên cao đẳng, cũng nhờ may mắn và nhiều sự giúp đỡ mà xin được một công việc ở bệnh viện tư. Hồi đấy, giữa nhiều người, mình đã lựa chọn bạn ấy vì nghĩ rằng cùng gia cảnh và nghề nghiệp sẽ giúp bạn ấy dễ dàng cảm thông và chia sẻ với công việc và cuộc sống của mình.
    Tuy nhiên sự thật lại không như mình nghĩ. Quen nhau 1 năm rưỡi thì cưới. Sau 1 tháng cưới nhau, bạn ấy đòi ly hôn! Lý do thì đến giờ mình còn không nhớ nỗi vì quá nhỏ nhặt. Cho đến lần thứ 7 thì lời đe dọa trở thành sự thật.
  2. Tài chính
    Bình thường, ngoài làm ở bệnh viện, nhờ chút kiến thức có sẵn, mình cũng chăm chỉ đi làm thêm vào cuối tuần ở các phòng khám và bệnh viện tư, nên thu nhập của mình khoảng trên dưới 20tr. Bạn ấy vì làm ở bệnh viện tư nên mặc dù là điều dưỡng nên thu nhập cũng từng ấy. Lúc quen nhau, bạn ấy chưa được ký hợp đồng chính thức, lương học việc chỉ hơn 2tr, nên thỉnh thoảng thấy hết tiền, mình lại bỏ thêm vào ví của bạn ấy vài trăm nghìn.
    Cưới nhau một thời gian thì mình có mua một căn chung cư trả góp. Số tiền lãi và gốc hàng tháng phải trả khoảng 25 triệu (nhưng chưa được nhận nhà và cuối năm ngoái thì bắt đầu phải trả nợ sau thời gian ân hạn). Tuy nhiên, vì mua nhà nên áp lực về tài chính trở nên nặng nề hơn. Bạn ấy thì mỗi tháng không biết chi tiêu hết bao nhiêu. Có tháng mình tính sơ sơ đã khoảng 15 triệu. Số tiền ấy đã chưa tính đến tiền thuê nhà (5tr mỗi tháng) và tiền xăng xe, café… của mình (khoảng 3tr). Điều đáng ngại là chính bản thân bạn ấy không biết số tiền mà hàng tháng bạn ấy đã chi tiêu là bao nhiêu. Mình nhiều lần bảo với bạn ấy: “bố mẹ anh và em đều nghèo rớt mùng tơi, để bám trụ được ở thành phố này không phải là dễ dàng. Chúng ta đến đây bằng 2 bàn tay trắng, nên muốn tồn tại được thì phải tiết kiệm để tích lũy, không thể chi tiêu như người khác được”. Rồi mình cũng đặt ra mục tiêu cho bạn ấy mỗi tháng chỉ chi tiêu 8tr thôi (không gồm tiền nhà và tiền chi tiêu của mình). Thế nhưng, chưa bao giờ bạn ấy đạt được mục tiêu ấy.
  3. Dịch COVID-19
    Cuộc hôn nhân của mình có thể sẽ kéo dài thêm một thời gian nữa nếu COVID-19 không ập đến. Vì dịch bệnh mà bệnh viện phải cắt giảm lương cho nhân viên, và vì ngăn song cấm chợ mà mình cũng không thể đi làm thêm. Kết quả là, thu nhập của mình mỗi tháng chỉ còn 5tr.
    Nhìn thấy cảnh bao người đói khát, lầm than vì dịch bệnh, nên trong thời gian đi chống dịch thì mình có gọi về bảo với bạn ấy: bây giờ công việc của mình đang không tốt, dịch bệnh thì kéo dài không biết đến bao giờ. Sắp tới lại phải trả tiền nhà, rồi tiền sinh con, nuôi con (hồi đấy bạn ấy đang có bầu). Trong khi, mình lại sắp đi học ở nước ngoài, bạn ấy thì sẽ không có thu nhập trong thời gian nghỉ thai sản sau sinh. Sau khi phân tích những việc đấy mình lại nhắc lại bạn ấy việc tiết kiệm trong chi tiêu.
    Kết quả là, ngay ngày hôm sau, mình nhận được tin nhắn của bạn ấy (nguyên văn): “Có hai việc phiền anh: 1. Bán nhà, 2. Mời luật sư làm thủ tục ly hôn. Cơ hội của anh hãy nắm lấy. Cảm ơn anh”. Và ngay trong tháng ấy, chi tiêu của riêng bạn ấy (chưa bao gồm tiền thuê nhà – vì mình đang đi chống dịch) vẫn khoảng 15 triệu, bằng 3 tháng lương của mình!
    Hồi đấy mình cũng suy nghĩ nhiều, nhưng chưa dứt khoát, vì bạn ấy đang mang bầu 5 tháng nên cũng không thể bỏ nhau lúc ấy được. Nhưng mọi chuyện càng ngày càng quá đáng. Sau khi chống dịch về, mình cách ly ở nhà thì giận dỗi nhau cả tháng, không nói chuyện với nhau câu nào. Việc bạn ấy đi khám cũng không nói, mua gì cũng không nói. Nhưng lại ch,,ửi mình là mình v,,ứ,,t bỏ con!
  4. Mẹ vợ
    Mọi chuyện càng căng thẳng hơn khi bà mẹ vợ ra để chuẩn bị chăm cháu. Trước mặt bà mẹ vợ, bạn ấy tuyên bố là: “cả đời con chưa hận ai, trừ người này” và “đứa con này sinh ra không có bố”, khi sinh thì chỉ có mẹ và con đi! Bà mẹ vợ im lặng! Lúc đấy vẫn chưa ly hôn. Mình đã cố gắng chịu đựng vì con cũng sắp sinh.
    Rồi một ngày bạn ấy xin lỗi mình. Mình bảo mình sẽ tha thứ cho bạn ấy nếu từ giờ đến khi con đầy tháng bạn ấy học thuộc lòng 180 lời dạy của Phật. Bằng không, sau khi con đầy tháng mình sẽ ra đi.
    Ngày bạn ấy sinh, mình đưa bạn ấy đi, nhờ vả cẩn thận, tiền nong mình lo, chăm chút cho bạn ấy từng tý một (mẹ vợ ở nhà). Về bạn ấy cảm ơn mình, mình bảo: “anh muốn cho em thấy là anh tử tế hơn những gì em nghĩ”.
    Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn tiếp tục căng thẳng, có thể bạn ấy nghĩ rằng mình không dám ra đi. Khi con 2 tháng, mình với bạn ấy chia tài sản. Kết quả: số tiền tiết kiệm định dành để trả một phần tiền nhà thì bạn ấy giữ, còn ngôi nhà trên giấy với một đống nợ thì may mắn thuộc về mình tại thời điểm thu nhập là 5tr và kéo dài không biết bao lâu (trước đấy bạn ấy còn đòi hỏi nhiều hơn nữa). Trong khi mình và bạn ấy ở trong phòng chia tài sản mất khoảng 2 tiếng, thì cũng từng ấy thời gian bà mẹ vợ ở ngoài chửi, và cố tình mở cửa nhà ra để cho hàng xóm nghe! Đỉnh điểm là câu nói trên: “mày nghĩ mày làm bác sỹ mà ngon à, con tao cũng có ăn có học”, “mày lúc nào cũng h,,à,,n,,h h,,ạ nó về chuyện tiền bạc từ lúc nó mang bầu”, “con tao nó ngoan, nó có theo gi,,a,,i đâu?…”. Những từ ngữ và câu nói ngay cả bố mẹ đẻ của mình cũng chưa từng nói với mình, và trong từ điển của mình không có những từ ấy, ngay cả từ “mày – tao”. Trong khi, ngay cả lúc ấy, mặc dù to tiếng và tức giận, nhưng mình vẫn xưng “mẹ – con”. Lúc đấy mình nhận ra rằng, dù rất thương con, nhưng mình không thể cố ở lại thêm một ngày nào nữa.
    Lúc ký đơn ly hôn, bạn ấy còn không buồn ngoáy đầu nhìn lại, mặc dù phần của mình còn chưa ký.
    Thế là mình ra đi, và phải mất thêm 2 tháng nữa để mình suy nghĩ, cân nhắc kỹ lưỡng, lường trước hậu quả trước khi mình đưa ra quyết định cuối cùng: không còn lựa chọn nào khác tốt hơn cả. Mình ký nốt vào đơn ly hôn và nộp cho tòa, kết thúc cuộc hôn nhân sóng gió kéo dài 1 năm rưỡi.
    Hồi đấy, căn nhà thì mình nhờ rất nhiều môi giới để rao bán cắt lỗ suốt 2 tháng mà không có ai hỏi mua, vay mượn bạn bè thì hoặc thì họ cũng khó khăn hoặc họ cũng không sẵn lòng. Mọi thứ thực sự bế tắc! Nhưng rồi mọi chuyện cũng qua.
  5. Kết
    Một năm đã trôi qua, nhưng vết thương ấy thì không dễ dàng để liền lại. Mình gạt sang một bên những buồn phiền và vẫn mạnh mẽ sống. Đôi khi tinh thần đi xuống khi nghĩ lại chuyện cũ, mình tự an ủi mình, có lẽ kiếp trước mình nợ bạn ấy, nên kiếp này đó là nghiệp chướng mình phải trả. Mỗi người một số phận. “Khi cánh cửa này đóng lại, thì cánh cửa khác sẽ mở ra”.
    “Ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”.

You may also like

Leave a Comment