Và chuyện team Maybe Podcast tham vọng mang tinh thần báo chí lên Tóp Tóp
Năm 2018, mình bắt đầu công việc ở 360Life, tiền thân của hệ sinh thái Maybe, với nhiệm vụ nghe rất lãng mạn là cùng tạo ra một cộng đồng Tử Tế. Chữ “tạo ra” có lẽ là chưa thật sự chuẩn xác, vì đúng hơn nó là nhiệm vụ truyền cảm hứng cho mọi người sống tử tế hơn với chính họ và với thế giới quanh họ cũng như kết nối sức mạnh của sự tử tế trên bình diện cộng đồng chung. Cách mà tụi mình xây dựng có sự tham gia lớn của viên gạch truyền thông nghe-nhìn-tương tác, bắt đầu từ những cộng đồng trên Facebook và những ấn phẩm đa phương tiện trên các nền tảng khác nhau.
Đầu năm 2022, khi đang đứng ở hành lang sảnh họp của trung tâm nghiên cứu kinh doanh BSA, mình gặp lại cô Vũ Kim Hạnh sau gần 1 năm dịch (mình gọi cô là cô Hạnh). Lúc này mình có “buộc miệng” mời cô làm với Maybe một chiếc podcast vì thời điểm đó mình đang sản xuất Mọt Sách và muốn có thêm content cho Maybe, với định hướng làm “y chang” thời sự. Cô nói đồng ý ngay. Tuy nhiên, bẵng đi gần 10 tháng sau, chương trình mới chính thức được khai sinh vì không dễ để có 1 tiếng đồng hồ trống trong lịch làm việc dày đặc của người phụ nữ làm việc đầy đam mê và bất chấp thời gian, tuổi tác này.
Những điều có “lý tưởng” mà lại còn lãng mạn luôn đi kèm với nó là những thách thức và sự hoài nghi cả khách quan lẫn chủ quan. Đặc biệt hơn cả là đối với giai đoạn bùng nổ công cụ sáng tạo và nền tảng phát hành nội dung hiện tại, sự lên ngôi “xu hướng” của thông tin rác hoặc nội dung bẩn đã làm cho team lắm lúc đã muốn chạy theo cách làm xổi thì bởi áp lực con số. Dù làm gì đi nữa thì con số thể hiện một sự thật không thể chối cãi, đó là câu trả lời cho câu hỏi “Người xem có thích nội dung bạn mang lại hay không?”.
Tuy nhiên, đây có lẽ là thời điểm mà sự bướng bỉnh cá nhân của mình có tác dụng. Bắt đầu với series Câu Chuyện Tử Tế rồi tiếp theo là Trốn Tìm Podcast, mình và team củng cố niềm tin rằng những nội dung nhân văn luôn có chỗ đứng của nó trong dòng chảy ồ ạt của thông tin thời đại mới. Đó là nền tảng niềm tin để mình thực hiện chương trình mới nhất 5 Phút Chuyện Thị Trường cùng nhà báo Vũ Kim Hạnh.
5 Phút Chuyện Thị Trường có lẽ là show đầu tiên thiết kế riêng cho nền tảng phát hành là Tiktok mà lại chọn hướng đi “chắc không ai coi”: Một nhà báo có tuổi đời và tuổi nghề ở số lớn, có lịch sử thuộc dạng khủng nhưng giới trẻ lại ít biết, ngồi trên một set quay kì cục bởi đứa hậu bối bày ra ghế đỏ-nền bạt xanh và kể những câu chuyện kinh tế-thị trường dài tầm 5-7 phút liên tục. Lúc mình trình bày concept, toàn bộ các em sản xuất im lặng một lúc rồi hỏi: Anh chắc chưa?.
Chưa, mình thật sự không chắc, nhưng mình có niềm tin.
Khi ngồi cùng cô Hạnh ở phòng họp và cùng cô “rehearsal” kể chuyện qua micro, mình đã bị nội dung câu chuyện và cách kể của cô thuyết phục. Thời điểm hiện tại, Tiktok rất nhiều content nhưng hầu hết là fast-content, đa tập trung vào việc giải trí tức thời và rất ít account chính thống chia sẻ những chuyện “báo chí”. Ngay cả báo mạng chúng ta đang đọc cũng bị trộn lẫn bởi những nhà báo tự phong với kĩ năng và đạo đức nghề nghiệp chưa được trui rèn. Việc mang một người như nhà báo Vũ Kim Hạnh lên tiktok có lẽ là một quyết định “chịu chơi” nhất mà mình từng làm, và nó cũng thuộc dạng chịu chơi với cả cô Hạnh vì cô đã thật sự quan ngại “lỡ làm mà không ai nghe thì sao?”.
Và thế là, 5 phút Chuyện Thị Trường lên sóng.
“Đây là 5 phút Chuyện Thị Trường, và tôi là nhà báo Kim Hạnh”- và cô, với phong thái đĩnh đạc, khoan thai ngồi kể chuyện với mở đề hấp dẫn, phân tích và dẫn chứng thuyết phục, kết chuyện gợi mở trong vài phút. Trường quay há miệng nghe, và tiktok bùng nổ.
Thành tích có nhiều ý nghĩa khác nhau, riêng đối với 5 Phút, kết quả của 2 tuần và 10 câu chuyện đầu tiên đều lên xu hướng với hơn 50 ngàn người theo dõi “from ground up” chứng minh rằng mạng xã hội “khát” thông tin chất lượng thế nào. Tỷ lệ người nghe từ đầu đến cuối của chương trình cao ngất ngưỡng, tương tác bình luận chất lượng (ý kiến đa chiều, mang tính đại diện cao) cùng sự yêu thích, ủng hộ của các tiktokers “đời đầu, siêu khủng” dành cho 5 Phút Chuyện Thị Trường đã cho thấy tiềm năng của chương trình lớn thế nào.
Có quá nhiều điều để nói về những gì bản thân và team Maybe rút ra được từ việc sản xuất chương trình mà không thể kể hết ra trong một lúc. Chỉ xin kể một chuyện hậu trường vui vui thế này: Bạn DOP của show sau khi ghi hình một loạt câu chuyện của tuần đầu tiên trong chính xác 30 phút (bao gồm thay phục trang và nghỉ giải lao) đã thốt lên rằng “Trong 6 năm đi làm chưa bao giờ gặp một người ngồi trước máy quay một mình và nói chuyện one-shot không vấp, không quay lại một lần nào như cô Hạnh”.
Dành 5 phút (hoặc hơn xíu) mỗi ngày để xem cô Kim Hạnh và mình đang “quậy” tiktok theo một cách rất riêng thế nào, và chắc chắn bạn sẽ thấy đã.
Thật sự.