Chắc hẳn hình ảnh những nhóm người túm tụm ở những quán nước đầu xóm, thi nhau cầm điếu cày rít đã rất quen thuộc với mỗi người dân Việt. Vậy đã bao giờ bạn tự hỏi: thuốc lào có ở nước ta từ bao giờ? Các cụ ta thời kỳ đầu từng hút thuốc lào như nào? Và quan trọng nhất: thuốc lào có phải bắt nguồn từ Lào? =))
Lưu ý: Thuốc lào cũng như thuốc lá đã được khoa học chứng minh là có hại cho sức khỏe. Bài viết chỉ nhằm tìm hiểu về phong tục cổ, không cổ xúy hành động hút thuốc lào.
- TỪ ĐÂU VÀ TỪ BAO GIỜ?
Theo “Vân đài loài ngữ” của Lê Quý Đôn: “Nước Nam ta lúc đầu không có cây thuốc lá (yên diệp) ấy. Từ năm Canh Tý tức niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 3 (1660) đời vua Lê Thần Tông nhằm niên hiệu Thuận Trị thứ 16 đời vua Thanh Thế Tổ, người Ai Lao mới đem đến, nhân dân nước ta bắt đầu trồng cây thuốc lá. Quan dân đàn bà con gái tranh nhau hút thuốc lá, đến nỗi có câu: “Có thể ba ngày không ăn, chớ không thể một giờ không hút thuốc lá”.”
“按本國初無此草。自永壽庚子年,當中國順治十六年, 哀牢帶來,民始得種。官民婦女爭嗜吸煙,至有語曰:能三日不食,不能一時不吸煙。”
Theo Lê Quý Đôn, cây thuốc lá tạo ra thuốc lào thật sự có nguồn gốc từ Lào (Ai Lao) và được truyền vào nước ta từ năm 1660, thời kỳ Lê Trung Hưng.
- CÁCH HÚT THUỐC
Theo các hiện vật điếu thuốc tìm được và ghi chép, ban đầu thuốc được hút bằng điếu sành. Điếu gồm 3 bộ phận chính: điếu, bát điếu và xe điếu.
Theo bài viết trên trang Tham quan Quốc Hội (bảo tàng Quốc Hội): “Điếu thường được làm bằng gốm men hoặc bằng sành, hình cầu, thắt eo tạo dáng, miệng có hai lỗ, một to, một nhỏ. Lỗ to ở giữa, bên trên là nơi cắm “nõ” để đặt thuốc; lỗ nhỏ để cắm xe điếu gọi là lỗ xe điếu. Điếu được đặt lọt bên trong lòng bát điếu. Bát điếu để đựng điếu, được làm bằng gỗ hoặc bằng gốm men. Ngoài chức năng đựng điếu, chức năng quan trọng nhất của bát điếu là để đựng tàn thuốc và tàn “đóm”. Xe điếu thường là một ống đồng hoặc một ống tre nhỏ dùng để cắm vào lỗ xe điếu.” Cụ thể cách hút thuốc trong video clip mình sẽ dán dưới comment ạ.
- LỆNH CẤM THUỐC
Theo ghi nhận tại thế kỷ XVII đã có quá nhiều người hút thuốc lào, không kể tầng lớp xã hội hay giới tính, tuổi tác. Năm 1665 vua Lê Thần Tông đã hai lần hạ lệnh nghiêm cấm hút thuốc.
Theo ghi nhận của Lê Quý Đôn trong “Vân đài loại ngữ”: “Năm Ất Tỵ nhiên hiệu Cảnh Trị thứ 3 (1665) đời vua Lê Huyền Tông, triều đình đã hai lần xuống lệnh chỉ nghiêm cấm, lùng bắt những người trồng thuốc, bán thuốc là lén hút thuốc, nhưng rốt cuộc không dứt tuyệt được.”
(“景治己巳年,兩下令旨嚴禁,搜捕種賣匿吃之人,終不能絕。”)
Lệnh cấm khiến người dân nhao nhao tìm cách lách lệnh để hút hít, dẫn tới cách hút chôn điếu sành xuống đất như “Vân đài loại ngữ” từng ghi nhận: “Người ta phần nhiều khoét cột tre làm ống điếu và chôn điếu sành xuống đất. Tro than thuốc lá lắm lần gây thành hỏa hoạn.”
(“人多穴竹柱為煙筒及埋礠筒於地下,所遺灰燼屢致火災”)
Tuy nhiên lệnh cấm cũng không ăn thua mấy với người dân, sau này dần dần được nới lỏng: “Lâu dần, lệnh cấm bãi bỏ. Nay (ý là khoảng năm 1773, khi Lê Quý Đôn viết “Vân đài loại ngữ”) thì việc hút thuốc lá đã thành thói thông thường.”
(“久之其禁遂止,今則習以爲常矣”)
Quả đúng với câu vui đùa:
“Nhớ ai như nhớ thuốc lào,
Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên!”
Bài viết: Nhóm Đại Việt Phong Hoa – 大越豐華
—
Tài liệu tham khảo:
- Lê Quý Đôn, “Vân đài loại ngữ”, bản Hán của Thư viện số tài liệu nội sinh – Đại học Quốc gia Hà Nội
- Văn đàn bảo giám, NXB Văn học, 2004
- Bài viết “QR58: Ăn trầu – Hút thuốc lào”