Trên hết tất cả, tôi mong các cậu hạnh phúc, bài viết hôm nay là điều tôi suy nghĩ rất nhiều từ rất lâu rồi !
Bài viết này có vẻ mang một cái tiêu đề drama, tuy nhiên nó lại không drama mà muốn tháo gỡ một chút nút thắt trong suy nghĩ của mọi người.
Đầu tiên, chúng ta cần đồng ý với nhau về giới hạn:
- Không phải bố mẹ ai cũng giống nhau
- Chúng ta không phán xét một phần và dán nhãn cho tất cả
- Chúng ta không nổi giận
- Chúng ta không đánh giá nỗi đau của mình quá lớn và bác bỏ sự thành công của người khác (dù nhỏ hay to)
- Tôi không toàn năng, tôi là thanh niên cutephomaique 23 tuổi, cho nên bài viết sẽ: hoặc là siêu thích hợp hoặc là không thích hợp với cậu. Tôi sẵn sàng nghe lí do cậu thấy không thích. Tuy tôi không muốn chiều lòng tất cả mọi người nhưng tôi tò mò.
- Nếu cậu có tư duy rằng cậu có thể “một mình” tự làm mọi thứ trên đời mà không cần ai tư vấn thì mời cậu lướt qua, đây không phải là một bài viết đủ tốt dành cho cậu.
Không biết các cậu từng nghe câu “nhà có người già như nhà có bảo bối” chưa?
Không biết liệu có bao nhiêu cậu đọc bài này và đang trả lời là “có”.
Thôi !
Không quan trọng !
Bởi tôi biết dù thế nào thì về mặt sinh học, chúng ta đều sẽ có bố và mẹ, có ông và bà.
Vậy thực trạng là cái gì? Cái câu đầu tiên của bài viết luôn !
Chúng ta sẽ có một thời điểm nào đó, hoặc thậm chí là hầu như là luôn giữ trong đầu “bố mẹ không hiểu con”.
Nhưng phần lớn mọi người đều chỉ dừng ở đó, bởi cái sự oán hận và trách cứ nó đã bào mòn đi cái lý trí rồi.
Cơn giận dữ là ngòi nổ cho sự ngu ngốc kèm với khả năng phá huỷ.
Bởi vậy, tôi mới thống nhất là “chúng ta không giận dữ”.
Nếu chúng ta bình tĩnh…như tôi chẳng hạn.
Có lẽ trí não chúng ta sẽ đi sâu hơn vào những trải nghiệm chệnh lệch giữa hai cá thể, chúng ta sẽ muốn biết vì sao bố mẹ lại áp đặt chúng ta thế này?
Vì sao lại nhắc nhở chúng ta thế kia?
Lời nói đấy là thiện chí hay ác tâm?
Liệu chúng ta nghe lời thì chúng ta đau khổ hay chúng ta hạnh phúc?
Vì lí do gì bố mẹ dễ dàng bác bỏ ý tưởng của ta? Cái mà ta cảm thấy “đây chính là ý tưởng vĩ đại nhất” ?
Nếu những quyết định đấy của bố mẹ là sai lầm thì vì sao họ có thể tồn tại đến ngày nay và nuôi dưỡng chúng ta thế này?
<Thật ra đoạn này tôi buồn cười xỉu khi nhớ đến những lần “cá không ăn muốn cá ươn” của mình>
Những câu hỏi trên nếu chưa được trả lời bởi chính sâu trong tâm can của cậu thì hãy nhìn câu thứ hai của bài viết.
Chúng ta cũng đếch hiểu gì về họ cả.
Về nguyên tắc đối thoại thì…cả hai đều đang phủ nhận nhau mặc kệ bao nhiêu lý luận, bằng chứng.
Mà thậm chí là cũng chẳng thèm hỏi lí do ra sao để phủ nhận luôn.
Thấy quen chứ? Kịch bản sẽ là cậu nói gì đó, bố mẹ không đồng ý (và không kèm lời giải thích) , rồi cậu cãi lại (cũng không kèm lời giải thích) và thế là giận nhau.
Mọi người bị gì ấy? nhanh chóng giận nhau vậy? Có phải bởi vì cảm thấy là người trong nhà liền không cần phải viết một bài văn xuôi dài 1000 chữ giải thích cho đối phương hiểu như khi nhắn tin với người yêu?
Cứ ngồi im đấy, bình tĩnh hỏi lại “Sao mẹ/ba lại không đồng tình? Ba/mẹ từng thử chưa và kết quả thế nào có thể chia sẻ cho không?”
Thử làm như vậy xem, có chết ai đâu.
Và tôi chắc chắn nhiều người sẽ phải ngạc nhiên nếu áp dụng đều này, bởi có lẽ sau khi nghe xong những câu chuyện, những trải nghiệm chân thật đầy đau đớn của các bậc tiền bối thì cậu sẽ biết thật ra mình ấu trĩ như thế nào. (với điều kiện tiền bối cũng chia sẻ nhé).
Vì sao bố mẹ thường dễ phản bác chúng ta? Bởi nếu bạn 18 tuổi thì ít nhất họ cũng phải gấp…đôi tuổi bạn :))))))))))))))))))) (dark inside my mind)
Cái sự quan sát, sự trải nghiệm, sự chúng kiến, kinh nghiệm của họ nó rộng hơn bạn rất nhiều, và mỗi năm sau 18 tuổi, kinh nghiệm của mỗi người sẽ còn tăng theo cấp số nhân chứ chả phải cộng lại là có thể bằng nhau được.
Đấy là một kho tàng kinh nghiệm mà đáng lẽ là bạn là kẻ kế thừa hoàn hảo không cần bất kì ai chứng nhận !
Nhưng không, theo thực tế thì phần lớn chẳng ai chịu tiếp nhận cả, cứ ấu trĩ xem mớ tri thức ngây thơ của mình là tất cả rồi phủ nhận.
Đính chính 1: Tôi không phủ nhận việc nhiều người có trình độ hơn bố mẹ, nhiều bố mẹ quá cổ hủ, nhiều tư tưởng không còn áp dụng được, bao gồm cả những vị bố mẹ quá tiêu cực, đấy là những điều quá nghiêng về một phía rồi, hãy gạt nó ra bài này nhé.
TÔI LÀ KẺ THÍCH LẶNG THINH…
Tôi là kẻ thích mơ màng, ngồi một chỗ nhìn trời, nhìn con nhện, con kiến,…đến nỗi người lớn không khỏi chán ngán mà phải mở miệng kể chuyện cho tôi nghe !
Mà đặc biệt, tôi nghe hết! Chăm chú nghe, tôi chả hiểu gì cũng nghe, cũng gật, cũng cười !
Mẹ bảo đấy là sự lịch sự đáng yêu của tôi!
Nhưng đấy là bởi tôi đang tiếp thu, tôi nghe trong câu chuyện của họ những khó khăn, đau khổ, lý giải điều họ đã trải qua.
Các cậu biết chứ? Nền tảng của một con người nằm ở những gì họ đã trải qua trong đời !
Nghe những câu chuyện đấy khiến tôi biết nền tảng của họ, thì có khó khăn gì để mà hiểu họ đâu !
Họ có cáu ghét lên cũng bởi vì hiểu họ mà bỏ qua ! Cho nên tôi không giận !
Có người từng nói với tôi, kẻ cho mình cái quyền nổi giận khi bị người khác bác bỏ là kẻ xem mình là ông vua trong cái giếng cạn, cạn kiến thức !
Nhiều năm trước, tôi được tặng cho câu này sau một trận cãi nhau to trên mạng.
Mặc dù nhân sinh của tôi khá êm đềm, nhưng còn trẻ, không khỏi có chút trẩu. Họ có nói thế thì tôi cũng có hiểu đâu.
Nhiều năm sau tôi hiểu được !
Bất kì ai có ý kiến với chúng ta mà dám nói ra trước mặt ta, là bởi vì theo quan điểm của người đó, chúng ta có vấn đề !
Tức là theo giá trị quan của họ, chúng ta sai.
Tức giận bởi do chưa hình thành giá trị quan, chưa hình thành nguyên tắc sống ! Không tự tin và tin tưởng vào điều bị bác bỏ mà dùng hành vi hoang sơ nhất để tạo áp lực nhằm áp chế kẻ thù.
Chúng ta quên một việc vô cùng trọng đại, chúng ta không cần phải đồng ý,tuân theo,hành động bởi lời nói của bất kì ai !!!
Trời ơi là trời, đấy là điều quan trọng đấyyyyyyyyy! – TaN
Nếu chỉ lặng người lại, mượn ý kiến của họ để hiểu rõ giá trị quan của họ là gì?
Phân tích đâu là điểm va chạm, điểm khác nhau giữa chúng ta và họ, từ đấy học hỏi, từ đấy lý luận, từ đấy phản hồi ngược lại cho họ, thế thì mọi sự đều thông !
Suy cho cùng, đối với tôi, kiến thức, kinh nghiệm của các bậc tiền bối là tài nguyên vô giá mà tôi muốn dùng tất cả khả năng đi tìm hiểu và chiêm nghiệm, thay vì trò tiêu khiển mang tên “Phán xét”.
Cuối lời, tôi đói quá, tôi dừng bài lại, mai viết tiếp. Chúc các cậu ăn ngon miệng và đọc bài vui vẻ !
Hi vọng bài viết mang lại giá trị cho cậu bằng cách khởi gợi một điểm kì lạ trong tư duy mà xưa giờ cậu chưa để ý !
From: Thuật sư TaN