Sáng mùng hai Tết, chị em mình theo chân bố mẹ về thăm ông bà ngoại. Ông bà ngoại mình đều đã gần 80 tuổi rồi, đi không còn vững, và tóc cũng đã bạc gần trắng cả đầu. Cách đây vài năm, ông ngoại bị đột quỵ, di chứng để lại sau đợt đó là ông bị lẫn, không thể nói chuyện tròn vành rõ chữ được nữa, đầu óc thì cứ nhớ nhớ quên quên, hay đi lang thang quanh làng. Bà ngoại và dì chăm ông cũng vất, mà ông thì lại dỗi suốt cả ngày.
Ngày Tết, trong nhà nhiều bánh kẹo, ông ngồi buồn miệng nên ăn hơi nhiều. Bụng dạ ông thì yếu, thành ra lúc cả nhà đang ăn bữa trưa, ông mất tự chủ, bĩnh ra quần, ra cả sàn nhà bà vừa mới lau. Họ hàng đang dùng bữa cụt hứng lắm, họ buông đũa đứng dậy hết cả. Ông ngoại cứ ngồi một góc, mân mê cái bát trên tay, nhất thời cũng lúng túng, không biết phải làm sao. Mẹ kéo ông vào nhà vệ sinh thay quần, tuy đóng cửa nhưng mình vẫn nghe rất rõ tiếng mẹ mắng ông lanh lảnh: “Đều tại bố không nghe con cả. Ăn nhiều thứ linh tinh làm gì xong bây giờ lại bày bừa ra cho con dọn. Nhà thì đã bao nhiêu là việc!”
Ông ngoại im lặng, chẳng nói gì. Một lúc sau, mình thấy ông ra phòng khách ngồi, mắt cứ cụp cả xuống nhìn khay bánh mứt nhưng không ăn nữa. Mẹ thì đang lúi húi lau dọn “bãi chiến trường” lúc nãy. Trong nhà chỉ còn tiếng tivi đang phát lại chương trình Táo quân đêm giao thừa. Không khí ngày Tết đến là ảm đạm.
Tự nhiên mình nhớ lại mỗi lần mình cãi nhau với bố, mẹ hay kể mình nghe về ông ngoại để mình nguôi cơn nóng giận. Mẹ kể là: “Hồi xưa ông bà ngoại nghèo lắm! Cơm thì chẳng có mà ăn, nhà lại có tận 4 đứa con gái. Ông ngoại mày ngày nào cũng đi cày từ tờ mờ sáng đến tận tối muộn, buổi trưa chỉ dám ăn vài củ khoai với uống nước rau muống luộc. Thỉnh thoảng ông buột miệng bảo giá mà có quả chanh vắt vào bát nước rau muống thì ngon biết mấy! Nhưng rồi lần nào ông cũng gạt đi, bảo mẹ là thôi chanh đắt lắm, tao nhịn vài quả chanh là cuối tháng, con Quyên (dì mình) lại có tiền đóng học rồi. Đấy, ông ngoại là thế đấy! Cả một đời lúc nào cũng nhịn đói nhịn khổ vì con, thế mà đến khi con cái lập gia đình và bắt đầu có thể báo hiếu cho bố được rồi thì bố lại lẫn, bệnh tật triền miên, chẳng được hưởng sung sướng an nhàn ngày nào.” Mỗi lần nhắc đến ông ngoại, mẹ lại nghẹn ngào, không kìm được nước mắt. Mình biết mẹ thương ông ngoại nhiều lắm.
Thế mà mẹ lại mắng ông ngoại? Kì lạ không?
Không, chẳng có gì kì lạ. Cuộc sống gia đình thực tế là như vậy. Không phải như trên phim, con cái hiếu thuận, yêu thương cha mẹ là phải quấn quýt, ngọt ngào, mang hoa thơm trái ngọt về kính dâng cha mẹ. Trong đời sống thường ngày, những điều hoàn hảo mỹ mãn đó rất khó xảy ra. Chúng ta biết là chúng ta cần phải đối xử dịu dàng với cha mẹ, nhưng những áp lực cơm áo gạo tiền dễ khiến ta không tránh khỏi những lúc lớn tiếng, khiến cha mẹ buồn lòng. Nhưng ngay cả những khoảnh khắc như thế cũng không thể nói lên được rằng chúng ta không yêu thương bố mẹ. Mẹ thương ông ngoại, nhưng có thể tình cảm ấy bộc lộ hơi vụng về, hoặc không như cách ông ngoại muốn, hoặc không như cách mình tưởng tượng. Chung quy lại, mẹ vẫn thương ông ngoại, như mình thương bố vậy.
Ta yêu cả những điều không hoàn hảo, vì đó là bản chất của tình thân.
Theo: Nguyễn Thương Huyền