Trích đoạn tự truyện “Becoming” vừa ra mắt của cựu Đệ nhất Phu nhân Mỹ Michelle Obama, cuốn sách có tốc độ tiêu thụ nhanh nhất năm 2018. Bản dịch độc quyền trên Trạm Đọc!
Nghe có vẻ như một trò đùa, phải không? Điều gì sẽ xảy ra, khi một kẻ thích cô độc, theo chủ nghĩa cá nhân lại đi cưới một người phụ nữ hướng ngoại, yêu gia đình – người vốn chẳng có chút thiện cảm nào với sự cô đơn đó?
Tôi đồ rằng câu trả lời sắp tới có lẽ là lời giải đáp tuyệt vời nhất, và chắc chắn nhất, trước gần như mọi khúc mắc có thể phát sinh trong đời sống vợ chồng. Cho dù bất kể bạn là ai hay vấn đề của bạn là gì, câu trả lời chỉ có một: Bạn phải tìm cách để thích nghi với chúng. Sẽ chẳng có lựa chọn nào khác, một khi bạn đã bước vào ngã rẽ của hôn nhân.
Vậy nên vào đầu năm 1993, khi Barack quyết định bay đến Bali và dành khoảng năm tuần để chìm đắm trong những suy tưởng của riêng anh ấy, hoàn thiện bản thảo cho cuốn sách Những ước mơ của cha tôi; thì tôi đang ở đây, trong căn nhà trên Đại lộ Euclid, với người mẹ đẻ Marian sống dưới tầng.
Khi Barack lấp đầy từng trang sổ tay với những hàng chữ được cân nhắc tỉ mỉ kỹ càng, ấp ủ các ý tưởng của riêng anh ấy trong những chuyến đi dạo lững thững bên hàng dừa xào xạc và tiếng con sóng vỗ nhẹ trên bờ cát; thì một mùa đông Chicago lại đến, bao phủ lên mọi cây cối và vỉa hè bằng một lớp băng. Tôi cố giữ cho mình bận rộn, bằng những cuộc gặp gỡ bạn bè và các lớp tập thể thao hàng tối. Trong những mẩu chuyện nơi công sở hay xung quanh thành phố, tôi bắt gặp mình đang thốt lên một cụm từ rất chi kỳ lạ – “chồng tôi”.
Chồng tôi và tôi đang mong mua được một căn nhà. Chồng tôi là một nhà văn, và đang hoàn thiện một cuốn sách. Đó là những ký ức lạ lùng và thú vị, gợi nhắc cho tôi về một người đàn ông thậm chí còn chẳng có mặt ở bên mình. Tôi nhớ Barack đến khủng khiếp, nhưng đã cố lý giải tình cảnh của mình hợp lý nhất có thể. Tôi hiểu rằng ngay cả khi chúng tôi đã là một cặp đôi mới cưới, thì khoảng lặng này có lẽ là tốt nhất, cho cả hai.
Anh đã một mình ra đi để đối mặt với những rắc rối trong cuốn sách còn chưa hoàn thiện. Có lẽ, đây là một việc làm tốt cho tôi, khi anh cố bảo vệ tôi khỏi những chuyện tiêu cực không đáng có. Tôi đã phải tự nhắc mình rằng tôi đã cưới một người đàn ông với tư tưởng cấp tiến. Người đang phải tự mình giải quyết những khó khăn chướng ngại, một cách hợp lý và hiệu quả nhất có thể, cho dù nếu nhìn từ bên ngoài, nó có vẻ chẳng khác gì một chuyến đi chơi. Một kỳ trăng mật với chính bản thân anh (nó làm tôi chạnh lòng nghĩ về những giây phút cô đơn của mình), sau chuyến trăng mặt của hai vợ chồng.
Anh và tôi, anh và tôi, anh và tôi. Chúng tôi đã cố gắng thích nghi, để đan mình thành một, và để giữ như vậy mãi mãi về sau. Cho dù chúng tôi vẫn là hai con người như chúng tôi vẫn vậy, cho dù chúng tôi vẫn mãi là cặp đôi như thế suốt nhiều năm qua, thì giờ đây tôi và anh đã có những danh hiệu mới, một cặp danh tính thứ hai mà chúng tôi phải đối mặt. Anh ấy đã là chồng tôi. Tôi đã trở thành vợ anh ấy. Chúng tôi đã đứng bên nhau trong nhà thờ và nói thật to điều đó, với nhau và với cả thế giới. Nó có cảm giác như thể chúng tôi đã nợ nhau những điều thật mới mẻ.
Đối với nhiều người phụ nữ, và ngay cả với tôi, làm “vợ” là một điều gì đó có cảm giác thật nặng nề. Nó mang trong mình cả một quá trình lịch sử. Nếu bạn lớn lên trong những năm 60 – 70 giống như tôi, thì các bà vợ chẳng khác nào một giống loài của phụ nữ da trắng, những người đàn bà vui tính sống trong những bộ phim sitcom trên ti vi, với mái tóc phồng và chiếc váy coóc-xê. Họ ở nhà, chăm chăm chú ý vào tụi trẻ, và luôn có những bữa ăn sẵn sàng trong lò mỗi tối. Đôi khi họ uống rượu và tán tỉnh với anh chàng bán máy hút bụi, nhưng sự phấn khích có vẻ chỉ đến đó thôi.
Trớ trêu thay, tôi cũng đã từng là một trong những kẻ ngồi xem những chương trình như thế, trong phòng khách căn nhà nằm trên đại lộ Euclid, trong khi người mẹ ở-nhà-làm-nội-trợ chuẩn bị bữa tối cho chúng tôi mà không lấy gì làm phàn nàn, còn ông bố chỉn chu thì đang nghỉ ngơi sau một ngày dài làm việc. Hình ảnh của cha mẹ tôi, cũng truyền thống y như những gì người ta vẫn xem trên ti vi vậy. Đôi khi Barack nói đùa, rằng tôi được nuôi dạy như một phiên bản da đen của bộ phim truyền hình Để nó cho Beaver nổi tiếng. Anh ví von rằng gia đình Robinson đến từ Bờ Nam chúng tôi cũng khuôn mẫu và ngây ngô hệt như gia đình Cleaver vậy, chỉ cần thay bộ đồng phục công nhân áo xanh của cha tôi bằng bộ vest của ông Cleaver là xong.
Khi nói ra những lời so sánh ấy, trong Barack có một thoáng ghen tị, vì tuổi thơ của anh thật khác tôi. Nhưng đó cũng là cách để anh đập tan đi định kiến rằng những gia đình Mỹ – Phi thường chỉ sống trong những căn nhà cũ nát, rằng chúng tôi cũng có thể có một cuộc sống trung lưu ổn định và tử tế, như những người hàng xóm da trắng của mình.
Những ngày còn nhỏ, cá nhân tôi lại dành một sự hào hứng đặc biệt cho chương trình The Mary Tyler Moore hơn. Mary có một công việc, một tủ quần áo hoành tráng, và một mái tóc đẹp miễn chê. Cô ấy tự lập, vui tính, và không như những cô nàng khác trên ti vi, các rắc rối của cô ấy rất thú vị. Những mẩu chuyện trò của cô ấy chẳng xoay quanh chuyện con cái hay nội trợ. Cô không để cho ông sếp Lou Grant bắt nạt mình, và cũng chẳng bận tâm đến việc tìm cho mình một tấm chồng. Cô ấy vừa tươi trẻ, mà lại thật chững chạc. Từ thuở trước khi có Internet rất rất rất xa, khi thế giới chỉ gói gọn lại trong ba kênh truyền hình vô tuyến, những điều như thế thực sự quan trọng. Nếu bạn là một cô gái có trí tuệ và có lý tưởng rằng tương lai của bạn không chỉ gói gọn lại trong việc làm vợ, thì Mary Tyler Moore chính là nữ thần của bạn.
Và giờ tôi ngồi đây, 29 tuổi, trong chính căn nhà nhỏ mà tôi đã xem những chương trình tivi thời thơ bé, đã ăn những bữa ăn được chuẩn bị bởi người phụ nữ nhẫn nại và vị tha mang tên Marian Robinson. Tôi đã nhận được quá nhiều – một nền giáo dục, một tinh thần khỏe manh, và có những tham vọng to lớn trong mình – và tôi đủ khôn ngoan để khắc cốt ghi tâm rằng mẹ tôi, đã mang đến cho tôi điều đó.
Bà đã dạy tôi biết đọc từ trước khi đi nhà trẻ, giúp tôi tập phát âm khi tôi cuộn tròn trong lòng bà như một chú mèo con, với cuốn truyện Dick và Jane mượn từ thư viện. Bà đã nấu nướng với một sự ân cần chu đáo, khi đặt bông cải xanh và cải bi xen lên đĩa, yêu cầu chúng tôi ăn nó. Và bà cũng là người đã tự tay khâu áo đầm cho tôi đi dạ hội, vì Chúa. Mấu chốt là, bà đã quá siêng năng và trao cho chúng tôi mọi thứ. Bà đã hy sinh quên mình và để gia đình trở thành thứ định nghĩa bà là ai. Giờ đây, tôi đã đủ lớn khôn để nhận ra rằng biết bao thời gian và ngày tháng mà mẹ bỏ ra cho tôi và người anh trai Craig, cũng chính là ngần ấy thời gian mẹ không có riêng cho bản thân mình..
Những phước lành to lớn mà tôi may mắn có được trong đời, giờ đây lại đang tạo ra một phản ứng trái ngược hoàn toàn về tâm lý. Tôi đã được nuôi dạy để trở nên tự tin và vượt qua mọi giới hạn, tin rằng mình có thể theo đuổi và có được bất cứ điều gì mình muốn. Và tôi, tôi muốn tất cả mọi thứ. Tôi muốn sống với một tinh thần hăng hái, tự chủ và có sự nghiệp như Mary Tyler Moore, và cùng lúc, tôi lại muốn hướng mình tới sự ổn định, sự hy sinh của một người mẹ, người vợ, dẫu cho trông nó có vẻ tầm thường và nhạt nhẽo.
Tôi muốn là người phụ nữ của công việc, và của cả gia đình, nhưng với một cam kết rằng sẽ không có bên nào lấn át bên còn lại. Tôi vừa muốn trở thành một người phụ nữ giống hệt mẹ, nhưng mặt khác lại chẳng muốn giống như bà chút nào. Nó quả thực là một ý nghĩ kỳ lạ và khác biệt. Tôi có thể có tất cả mọi thứ không? Liệu rằng tôi có làm được không? Quả thực, tôi cũng không biết nữa.
Theo bài viết đăng tải trên Guardian
Trích tác phẩm “Becoming”, tác giả Michelle Obama
Vân Anh (biên dịch)