Sự phát triển của một nền văn học cũng giống như sự phát triển của một cái cây. Nó lớn lên không ngừng từ một cái gốc chung, phát triển đầy biến ảo và kỳ thú.
Sự phát triển của một nền văn học cũng giống như sự phát triển của một cái cây. Nó lớn lên không ngừng từ một cái gốc chung và phát triển đầy biến ảo và kỳ thú. Nếu xét văn học Việt Nam từ những tác phẩm thơ và văn xuôi khởi đầu cho tới bây giờ, chúng ta sẽ thấy được đường đi tất yếu và kỳ diệu của nó. Các nhà phê bình là những người có thể nói ngày ngày theo dõi đường đi của văn học cũng không thể đoán định được văn học tương lai sẽ như thế nào. Mỗi thời đại lại sinh ra một giọng nói riêng biệt và đặc trưng của thời đại đó. Lĩnh vực công nghệ truyền thông là một ví dụ đặc biệt. .
Cách đây mấy chục năm, chúng ta ngồi viết những lá thư trên giấy và ra bưu điện để gửi. Ngày đó, thử hỏi trong chúng ta ai có thể nghĩ được rằng: đến một ngày chúng ta chỉ cần chạm ngón tay vào màn hình là tất cả mọi nơi chốn trên thế giới hiện ra. Với văn học cũng vậy, khi chúng ta ngồi viết trong những căn phòng ẩm mốc và ánh sáng tù mù của những ngọn đèn dầu, chúng ta không bao giờ hình dung đến một ngày các nhà văn ngồi trong quán cà phê, trong những tòa nhà cao tầng, trên máy bay…viết trên một chiếc ipad nhỏ và lại viết bằng cả một ngôn ngữ khác như tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha….
Hai tác giả trẻ Minh Anh và Đặng Chân Nhân mà Viết & Đọc trong Chuyên đề mùa xuân 2019 là một thế hệ ngoài trí tưởng tượng của chúng ta cách đây mấy chục năm. Họ bắt đầu viết khi còn rất trẻ. Cả hai rất thông thạo tiếng Anh. Nhưng đặc biệt hơn, cả hai làm cho thế giới chúng ta đang sống thành một thế giới đa chiều đầy bất ngờ. Không có con đường nào đến với nghệ thuật được mặc định. Bởi thế nghệ thuật sáng tạo luôn luôn làm ra những con đường mới. Và đấy chính là bản chất của nghệ thuật. Nếu không như vậy, nghệ thuật đã chết từ nhiều thế kỷ trước. Và như vậy, lịch sử phát triển của nhân loại đã bị đóng băng.
Một nhà văn trẻ viết bằng tiếng Anh hay một ngôn ngữ khác có là mối nguy hại đối với ngôn ngữ mẹ đẻ không ? Đấy là một câu hỏi và đấy cũng là nỗi lo lắng thậm chí trở thành cảnh báo của một số người. Nhưng ở hai trường hợp cụ thể là Minh Anh và Đặng Chân nhân lại mở ra những điều cần suy ngẫm. Họ sáng tác bằng cả hai ngôn ngữ. Ngôn ngữ không chỉ là những ký tự, ngôn ngữ có khả năng kích hoạt tư duy và trí tưởng tượng. Khi một người thông thạo ngoại ngữ thì anh ta/ chị ta có khả năng tiếp cận ngôn ngữ mẹ đẻ trong một chiều kích rộng lớn hơn bằng tất cả những cách thức tương tác của nó. Tiếng Việt phát triển không ngừng trong lịch sử của nó và càng ngày nó càng trở nên đa dạng, phong phú, sâu sắc và có tính tổng quát. Và một trong những tác động quan trọng đến sự phát triển tiếng Việt là khi nó tương tác với ngôn ngữ của các nền văn hóa và văn minh khác trực tiếp hoặc gián tiếp.
Minh Anh sinh năm 2007, hiện em đang học lớp 6 một trường quốc tế ở TP Hồ Chí Minh. Từ nhỏ Minh Anh đã làm thơ bằng cả tiếng Anh và thích vẽ những bức tranh trừu tượng. Truyện dài Bức tranh là truyện đầu tay của em. Khi đọc truyện Bức tranh văn bản tiếng Anh, tôi thực sự kinh ngạc. Không phải tôi kinh ngạc một cô bé ngoài 10 tuổi có thể viết tiếng Anh nhuần nhuyễn như vậy mà tôi kinh ngạc bởi tư duy của cô bé. Ngôn ngữ chính xác và tinh tế, tư duy khúc triết mà huyền ảo, cảm xúc trong sáng mà sâu sắc.
Một truyện dài nhưng cấu trúc tổng thể lại chặt chẽ lạ thường cùng với những chi tiết hợp lý, logic và đầy sáng tạo. Đây là tư duy, ngôn ngữ, sáng tạo thể loại của một cô bé hơn 10 tuổi nhưng không để lại bất cứ dấu vết nào của tuổi tác. Khi đọc xong truyện này, có thể ai đó sẽ đòi hỏi cô bé phải trở về với hiện thực của chính cô và nơi chốn cô sinh ra và lớn lên. Nhưng điều ấy không quan trọng. Điều quan trọng cơ bản của một nhà văn đã được cô xác lập còn hiện thực chỉ là vấn đề thời gian “lắp ghép” vào mà thôi.
Tập thơ song ngữ đầu tay mang tên Hình dung với 17 bài thơ do chính tác giả tự dịch sang tiếng Anh và chị gái học mỹ thuật bên Anh minh họa.
Đặng Chân Nhân bắt đầu sáng tác khi còn nhỏ tuổi và đã gây được sự chú ý đặc biệt. Đặng Chân Nhân viết bằng tiếng mẹ đẻ rồi viết lại bằng tiếng Anh hoặc viết trực tiếp bằng tiếng Anh rồi viết lại tinh thần ấy bằng tiếng Việt. Viết lại chứ không phải tự dịch ra tiếng Anh. Điều này là điều khác biệt. Việc tự dịch và viết lại bằng một ngôn ngữ khác là hoàn toàn khác nhau. Đấy là một nguyên nhân làm cho cảm xúc thơ Đặng Chân nhân nằm rất sâu sau vẻ lạnh lùng của các khái niệm, các định nghĩa.
Thơ Đặng Chân Nhân sự thực là những triết lý được phát biểu một cách trong trẻo, giản dị và vui vẻ, hướng thiện một cách kín đáo…Đó là kiểu viết hầu như không có vần với những suy nghĩ sâu sắc, vượt khỏi lứa tuổi, nhưng lại được diễn đạt hồn nhiên, trực diện, chặt chẽ, giản dị và ít.Trên nền tảng ấy, khi bước vào tuổi từ 17 đến 19, thơ Đặng Chân Nhân ngày một chuyển động và khác thường hơn. Thơ Nhân luôn gợi về những khoảng trống nhân sinh với sự tưởng tượng và sự chiêm nghiệm không giới hạn đầy màu sắc tâm trạng, triết lý và nhân bản.
Minh Anh và Đặng Chân Nhân đã mở ra một thế hệ thực sự mới của văn học Việt Nam, một thế hệ cân bằng được cảm xúc và tư duy. Một thế hệ vừa xuất hiện đã cho thấy tư thế của một tác giả mà người đọc đủ lý do để chờ đợi họ. Và chắc chắn, họ và những người viết khác cùng thế hệ đã bắt đầu thay đổi diện mạo của một nền văn học.
Hãy đọc họ như chưa từng biết họ, chưa từng biết đến tuổi tác, nhân thân họ. Hãy đọc họ như chúng ta vừa nhìn thấy một thế giới khác hoặc đọc họ như đang đọc những thứ của chính mình. Như vậy, sẽ có những điều gì đó thật đặc biệt và kỳ lạ xuất hiện.
Viết & Đọc chuyên đề mùa xuân 2019 xin trân trọng giới thiệu truyện dài Bức tranh của Minh Anh và một chùm thơ của Đặng Chân Nhân, trong đó có nhiều bài công bố lần đầu tiên.
Đặt mua ấn phẩm: Tại đây.
Nguyễn Quang Thiều