Mẹ tôi cũng là người đã trải qua thời kỳ Đại khủng hoảng. Gia đình bà vốn thuộc tầng lớp nông dân và họ đã phải làm rất nhiều thứ để có thể tồn tại. Cả nhà tự “nuôi cá và trồng thêm rau” để cải thiện nguồn thức ăn. Nấu mỡ lợn của nhà để làm xà phòng. Tự may vá quần áo mặc. Dẫu không còn sử dụng bao tải bột mì để may quần áo nữa nhưng nhiều năm sau thời kỳ suy thoái, bà tôi vẫn giữ thói quen tự may quần áo cho mình. Họ học cách bảo trì và sửa chữa tất cả các thiết bị cơ khí để đảm bảo chúng có thể hoạt động tốt trong suốt thời kỳ Khủng hoảng.
Nhưng bà ấy vẫn tự nhủ rằng cả nhà còn may mắn chán vì điều kiện như vậy là đã tốt hơn rất nhiều người khác rồi.
Gia đình vẫn thường tổ chức các ngày lễ và Giáng sinh. Tất cả quà Giáng sinh đều được tự chuẩn bị ở nhà. Và cả gia đình vẫn luôn đặt sự quan trọng của giáo dục lên hàng đầu. Vì mọi người hiểu rằng nó miễn phí và là con đường tốt nhất để thăng tiến bản thân. Mẹ tôi là người đầu tiên trong gia đình đi học đại học sau khi cuộc Đại khủng hoảng kết thúc. Cả hai người con của bà đều nhận bằng tiến sĩ và bốn đứa cháu cũng vậy.
Gia đình bà tôn thờ vị tổng thống Franklin D.Roosevelt không phải vì mọi thứ đang dần trở nên tốt hơn trước chiến tranh, và đây vẫn là điều còn gây tranh cãi, mà vì ông ấy luôn cố gắng làm gì đó. Ông không ngừng nỗ lực giúp đỡ họ. Và ông ấy thực sự để tâm đến người dân.
Chiến tranh đã kết thúc thời kỳ khủng hoảng. Cả ba người anh em của bà đều bị bắt làm quân dịch. Hai người phục vụ ở khu vực Thái Bình Dương và người còn lại ở Đức. Người bác chiến đấu ở Đức đã bị một tay súng bắn tỉa bắn vài tuần trước khi chiến tranh kết thúc.
Mẹ tôi mất năm 2018. Và bố tôi, mất năm 2008, cả hai ông bà đều đã có một cuộc sống thoải mái hơn. Nhưng dư âm của cuộc Đại khủng hoảng không bao giờ buông tha họ. Họ luôn mang bên mình một vết sẹo trong suốt phần đời còn lại. Họ vẫn luôn luôn tiết kiệm tiền. Họ sẽ không tùy ý mua mọi thứ mặc dù họ có đủ khả năng chi trả. Nỗi sợ hãi lớn nhất của họ là gánh nặng tài chính cho con cái. Mẹ tôi không bao giờ tiêu hết số tiền hỗ trợ mà bà nhận được từ An sinh xã hội. Tôi còn nhớ, một lần tôi đã thuê người tới cắt cỏ trong khu vườn của bà. Nhưng tôi đã phải dặn dò anh ấy rất kỹ là không bao giờ được nói với bà ấy rằng anh ấy tính phí bao nhiêu vì bà ấy sẽ nghĩ rằng nó quá cao và muốn tự mình làm điều đó.
Tuy nhiên, có một thứ mà chắc chắn họ sẽ không ngại chi tiêu số tiền lớn. Bố mẹ tôi tin tưởng vào giáo dục và trao học bổng hàng năm cho các sinh viên tại trường đại học mà mẹ tôi đã tốt nghiệp. Nó thực sự rất quan trọng. Và đó là một khoản đầu tư xứng đáng.
Theo: Mai