Mọi tội lỗi trên đời đều biến thể từ ăn cắp và ẩn ức Afghanistan

by admin

“Người đua diều” không chỉ ám ảnh vì tình yêu, sự cứu chuộc hay giấc mơ Afghanistan thăm thẳm. Sợi dây xuyên suốt trang sách của Khaled Hosseini còn có những ẩn ức về “tội ăn cắp”.

Người đua diều của Khaled Hosseini, sau 15 năm ra mắt độc giả vẫn là một trong những tiểu thuyết hay nhất về Afghanistan với đủ mọi dư vị.

Có sự cuốn hút của một vùng đất đầy tình tự văn hóa trong quá khứ hòa bình bên cạnh bi kịch bom đạn chiến tranh. Có tình bạn sáng trong, gần gũi, thiêng liêng bên cạnh những tội lỗi ấu thơ cần cứu chuộc.

Có những trang sách khiến người đọc phải rung cảm đến mức run rẩy nhưng cũng có những câu chữ khiến kẻ tiếp nhận như muốn hét lên giống Amir “Không. Không, lạy Chúa, không” trong thương xót, phẫn uất, căm hờn.

Người đua diều được đánh giá là một trong những cuốn sách hay nhất viết về Afghanistan.

Người đua diều hấp dẫn có lẽ không chỉ vì Khaled Hosseini đã kể một câu chuyện kỳ diệu. Hơn thế, tiểu thuyết gia Kabul đã vẽ một bức tranh với nhiều gam màu đối lập, nước mắt song hành với nụ cười, đau thương để rồi hạnh phúc.

Và đằng sau Kabul khói lửa của hiện tại vẫn còn một Afghanistan tưởng tượng với tình yêu và hy vọng cất lên từ cánh diều.

Bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Bản hơn 540 trang, đầy thuật ngữ phải chú thích vì không thể tìm được từ tương ứng, như món ăn, tên gọi hay những tính từ đậm chất Afghanistan. Nhưng cuốn sách không hề khó đọc. Trái lại, độc giả dễ bị thôi thúc tìm hiểu về nền văn hóa Afghanistan và cả tính cách của những con người sinh ra tại nơi này.

Khaled Hosseini đưa ra những gam màu, tạo nên những cảm xúc đối lập. Nhưng, xuyên suốt tác phẩm vẫn là bức chân dung cảm động về tâm hồn Khabul, tâm hồn Afghanistan. Tâm hồn ấy có trong Baba của Amir, Amir, Hassan, Ali, Rahim Khan. Và trong cả một triết lý gây ám ảnh “mọi tội đều là biến thái của tội ăn cắp”.

 

”Nói dối là ăn cắp quyền được biết sự thật”

 

Baba của Amir – một mẫu người Pashtun cao to sừng sững với bộ râu rậm – khi thấy Amir hoang mang về những gì đang được học tại trường đã quyết định dạy cho cậu bé cách “đái vào râu tất cả lũ khỉ lên mặt đạo đức” bằng cách “không cần biết ông giáo sĩ ấy dạy gì, chỉ biết có duy nhất một tội, một tội thôi. Đó là tội ăn cắp. Mọi tội khác đều là biến thái của tội ăn cắp”.

 
Amir thất vọng, hay nói đúng hơn cậu sợ Baba của mình thất vọng vì cậu chẳng hiểu gì về triết lý mà cha mình truyền đạt. Cho đến khi Baba của cậu phân tích:

“Khi con giết một người, con ăn cắp một cuộc đời. Con ăn cắp quyền làm vợ của một người đàn bà, cướp cha của lũ trẻ. Khi con nói dối là con ăn cắp quyền của ai đó được biết sự thật. Khi còn lừa bịp, con ăn cắp quyền được ngay thẳng. Con có hiểu không?”.

Amir hiểu trong sự quyết liệt của Baba “Không có hành động nào xấu xa hơn trộm cắp. Ta nhổ vào loại người ấy. Và Thượng đế phù hộ cho hắn để đừng bao giờ hắn gặp ta”. Câu nói của Baba khiến Amir ám ảnh, không chỉ tại thời điểm đó mà gần như suốt cuộc đời.
Nhưng hiểu và hành động là hai trạng thái khác nhau. Amir sớm mắc lỗi lầm dù cậu chưa từng quên lời dặn của cha mình. Amir hèn nhát, bỏ chạy khi Hassan – người bạn của cậu – bị tổn thương, bị xâm hại.

Khaled  Hosseini  sinh năm 1965 tại Kabul, Afghanistan, hiện sống tại Mỹ.

Hassan đấu tranh và chịu đựng để bảo vệ chiếc diều chiến thắng của Amir, nhưng Amir đã cư xử ngược lại với hành động nghĩa hiệp của bạn mình. Amir đã phản bội và không nói lên sự thật. Cậu bé đã “ăn cắp quyền được biết sự thật của Hassan lần đầu tiên”.

Không dừng lại ở đó, Amir, vì sự xấu hổ về hành vi của mình đã chọn cách đổ cho Hassan tội ăn cắp đồng hồ. Lời nói dối của Amir buộc ông Ali phải dẫn Hassan rời khỏi ngôi nhà. Không còn chỉ là quyền được biết lên sự thật, Amir đã tước đi cả quyền được sống của Hassan tại Kabul, và cả quyền được gần cha mình của cậu bé.

Hành vi “ăn cắp sự thật” khiến Amir sống trong sự ám ảnh suốt những năm tháng sau đó, ngay cả khi sang Mỹ, lấy vợ và có một cuộc sống tương đối hạnh phúc. Nhưng những ẩn ức về Afghanistan và Hassan trong tâm trí Amir vẫn không bao giờ có thể quên được.

 

Hành trình cứu chuộc ”tội ăn cắp” của Amir

 

Amir tôn thờ cha mình, một người Pashtun đúng nghĩa, một tính cách rực rỡ của Afghanistan. Sự tôn thờ ấy thôi thúc Amir phải trở về, phải gặp chú Rahim Khan để rồi một sự thật khác được hé lộ, một tội “ăn cắp” khác được kể lại trong đớn đau, thất vọng, nước mắt.

 
Hassan và vợ của cậu đã bị giết. Nói như Baba của Amir, Taliban đã ăn cắp tới hai cuộc đời, đã cướp đi quyền làm cha, làm mẹ. Tội ác thật ghê tởm, thật đáng khinh bỉ, thật đáng nguyền rủa. Hassan đã chết trong sự bảo vệ ngôi nhà, bảo vệ những kỷ niệm của Amir. Hassan đã chết trong sự trung thành của một tình bạn thiêng liêng, cao đẹp không dễ gì có được.

Hassan đã chết khi chưa biết sự thật mình là anh em ruột của Amir, là con trai của Baba chứ không phải ông Ali. Baba đã nói dối, đã ăn cắp quyền được biết sự thật. Chính Baba đã nói về tội ăn cắp, nhưng cũng chính ông đã không thực hiện trọn vẹn triết lý của mình.

Vì danh dự Pashtun cao quý, vì sự xấu hổ của lỗi lầm hay vì điều gì khiến Baba đã không nói lên sự thật. Vậy việc Hassan phải rời đi liệu có phải chỉ Amir có lỗi, bởi lẽ nếu Baba nói thật sự thật, Hassan và Amir sẽ là anh em. Amir liệu có đối xử với em trai của mình như vậy, có trở thành một người ăn cắp như vậy?

Nhưng, may mắn thay, Amir đã không đổ lỗi. Anh chỉ nhớ về lời dạy của Baba như một sự hờn giận nhẹ nhàng để bắt tay vào hành động, cứu chuộc cho sự phản bội và tội lỗi thơ ấu.

Amir đã quay trở về Kabul trong sự gian khổ và nguy hiểm đến tận cùng để rồi vượt qua tất cả cậu đón được con trai Hassan từ bàn tay của Assef – cũng chính là kẻ thù năm nào.

Nhưng bi kịch của “tội ăn cắp” vẫn chưa dừng lại, ngay cả khi Amir và Sohrad đã ở bên nhau trong sự tin tưởng. Amir chưa từng quên, nhưng anh không thể ngờ được rằng khi lời hứa chẳng thể thực hiện, đó cũng là một lời nói dối, một tội ăn cắp. Đúng như triết lý của Baba “mọi tội lỗi đều là biến thái của tội ăn cắp”.

Người đua diều đã được chuyển thể thành phim vào năm 2007

“Bác hứa”, Amir đã nói như vậy nhiều lần với Sohrad để cậu bé bớt lo sợ, để cậu bé lấy lại niềm tin, để cậu bé cảm thấy được bảo vệ. Nhưng cũng chính Amir đã nói với Sohrad về việc đưa tạm cậu vào một trại mồ côi vì chưa thể có visa cho cậu bé về Mỹ cùng mình.

Sohrad đã tự sát bằng cách cắt vào tay mình vì cậu bé, sau những đau khổ đã phải chịu đựng khi bên con ác thủ Assef, đã không còn đủ tin tưởng bất cứ ai nữa khi chính bác của mình cũng không thể thực hiện được lời hứa.

Một cậu bé phải chọn cách tự sát để tránh bị bỏ rơi là bi kịch mà bao nhiêu ngôn từ đớn đau cũng không thể tả nổi.

Những ấn ức về triết lý “tội ăn cắp” không chỉ ám ảnh nhân vật trong cuốn sách mà ở lại đầy vết gợn trong tâm trí người đọc. Nhưng sau tất cả kinh hoàng, Khaled Hosseini đã chọn cách kết thúc tác phẩm của mình bằng một tương lai tươi sáng của Afghanistan, trong hy vọng ở California.

Ở đó, tội ăn cắp đã được cứu chuộc, Amir đã phần nào được thoải mái về tâm tưởng. Và ở đó, Amir dạy Sohrad đua diệu, viết tiếp câu chuyện về tình bạn năm nào trong giấc mơ về một Afghanistan bình yên, tươi đẹp như đã từng…

Theo Zing.vn

Nguồn ảnh: Pinterest

You may also like

Leave a Comment