Mong bạn trải qua giông bão quay về vẫn là thiếu niên: Quá trình lên men của cuộc đời

by admin

 Nhiều người trong số chúng ta bị mê hoặc bởi những giá trị tạm thời, huyễn hoặc mà quên mất đi dáng vẻ đơn thuần của bản thân ngày xưa. “Có bao nhiêu người cả đời vội vã chỉ để tìm kiếm nét chất phát, mộc mạc, nguyên sơ đã bám rễ trong sâu thẳm tâm hồn mình từ thuở thiếu thời. Lại có bao nhiêu người nhờ những chất phác, mộc mạc, nguyên sơ đó tìm lại được dáng vẻ thuần khiết nhất của bản thân”

Thanh bần, cô độc chỉ vì tri thức, khi bạn tiến lên một bước, hiểu thêm một khái niệm, nhìn được điểm đúng đắn hay lỗ hổng của một nguyên lý, bạn mới cảm thấy tri thức tự thân nó đã có ma lực vô tận vẫy gọi bạn, thu hút bạn. Chỉ khi nào có thể nếm thử nó, đạt được nó, chiếm hữu nó, điều khiển nó, chinh phục nó, bạn mới hưởng thụ được niềm khoái lạc mãnh liệt”. 

Tôi tình cờ đọc được đoạn trích này khi lướt qua một trang quảng bá sách mới, và tôi quyết định mua nó mà không hề chần chừ. “Mong bạn trải qua giông bão, quay về vẫn tuổi thiếu niên” là một quyển sách rất đặc biệt, cũng là quyển sách tâm đắc nhất mà tôi từng có được. Không phải vì tôi vốn cực kỳ yêu thích những dòng sách này, mà chính đoạn trích ngắn này đã khiến tôi “đổ” ngay tức khắc. Đọc qua đoạn trích, bạn có cảm thấy tác giả của quyển sách này thú vị không? Nhỏ bé, khiêm tốn, nhưng ham học, tự tin và ngạo nghễ. Khá là mâu thuẫn nhỉ? Nhưng đó chính là ấn tượng đầu tiên của tôi về Tằng Khải – tác giả của quyển sách mà tôi đang nhắc đến. 

Một tiến sĩ chuyên ngành xã hội, lang bạt xứ người nhiều năm, “tự mình đong đếm mảnh đất dưới chân, nếm trải hết mọi ngọt bùi cay đắng, mới có được cảm xúc mãnh liệt, chân thật nhất”. Đây là lần đầu tiên tôi đọc tác phẩm của một tiến sĩ với lối hành văn dung dị và chân thành đến vậy. Tựa như một cốc cà phê sữa ấm áp giữa một buổi sáng mùa đông rét mướt, vỗ về những đôi chân lang bạt giữa xứ người. Từ La Habana sang Tây Ban Nha, quay về Trung Quốc, rồi lại lên đường đến Bồ Đào Nha, thăm thú Châu Âu, một hành trình hơn 20 năm chỉ để mưu cầu tri thức đúng là khiến người ta ngưỡng mộ không thôi. Nhưng mọi thứ đều có cái giá của nó. 

Cuốn sách được Vibooks chuyển ngữ và phát hành tại Việt Nam

Anh ấy quyết định học lên thạc sĩ, một mình tới châu Âu, “đồng nghĩa với việc từ bỏ sự ổn định, đối mặt với quá nhiều nhân tố không chắc chắn,… trải qua bao sự giày vò cả thể xác lẫn tinh thần”. Ngày tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Nghiên cứu tin tức của Học viện Khoa học Báo chí, Đại học Complutense, Madrid, anh rất cảm động khi nhận ra các giáo sư của mình đều là những con người ưu tú, cao quý và phóng khoáng, “nhưng lại rất đơn thuần, tôn sùng nghề nghiệp của mình như một tín đồ ngoan đạo sùng bái thánh thần, không thỏa hiệp với đời, không truy cầu danh lợi”. Đi ngang qua hành lang giảng đường, thấy tấm biển sáng loáng trước mỗi cửa phòng làm việc, bên trên còn có chức danh “giáo sư”, “tiến sĩ”, lòng anh chợt rung động – “nếu bây giờ mà về, có lẽ cả đời cũng chẳng có được bảng tên như thế”. Vậy là anh quyết định ở lại, một lần nữa, bắt đầu một công cuộc mưu cầu tri thức dài lâu .

Tôi bỗng tự hỏi, nếu là mình, mình có dũng cảm lựa chọn ở lại hay không? Nhìn xung quanh mà xem, “bạn cấp hai đang khoe bảng điểm của con, bạn cấp ba đang khoe giấy chứng nhận kết hôn, bạn đại học khoe ảnh người yêu, bạn thạc sĩ đang khoe công việc”, còn bạn vẫn chăn đơn gối chiếc, thanh bần và cô độc. Vậy bạn dám ở lại không? Câu trả lời của Tằng Khải là có. “Còn sống trên đời, có thể dùng sinh mệnh, trí tuệ và năng lực hữu hạn của bản thân để khám phá chân lý vô tận của vũ trụ, đó quả là một niềm vinh dự to lớn”. Đến đây, tôi chợt thấy thật cảm động. Bởi vì tôi đọc được những dòng tâm sự của một tâm hồn đơn thuần, yêu tri thức như sinh mệnh nhưng “không mong được lưu danh sử sách, giàu sang phú quý”, mà chỉ mong có được vinh dự “dùng sinh mệnh, trí tuệ và năng lực hữu hạn của bản thân để khám phá chân lý vô hạn của vũ trụ”. 

 

Bạn cấp hai đang khoe bảng điểm của con, bạn cấp ba đang khoe giấy chứng nhận kết hôn, bạn đại học khoe ảnh người yêu, bạn thạc sĩ đang khoe công việc, còn bạn vẫn chăn đơn gối chiếc, thanh bần và cô độc.

 

Nhiều người đọc đến đây sẽ đặt câu hỏi: học giỏi, học nhiều có tác dụng gì? Bạn cảm thấy những siêu sao trong lớp chỉ biết lý thuyết suông, không hề có kinh nghiệm thực tiễn, “mình chỉ cần làm gì độc đáo khác thường đi ngược với số đông là có thể tung hoành xã hội như cá gặp nước, có thể ăn đứt bọn họ”. Nhưng thực ra bạn đã lầm. Trường học không chỉ dạy tri thức, mà là học tập. Đó là nơi bồi dưỡng năng lực học tập của một con người. Gọi là “năng lực học tập” vì nó giúp bạn “rèn luyện kỹ năng phân tích, quan sát, tính toán, đối chiếu, mô phỏng, suy ngẫm, sáng tạo một cách độc lập, còn giúp bạn biểu đạt, trao đổi, giao lưu và hợp tác”. Nói cho cùng, việc bạn đến trường học là một nhân tố khách quan, mà thái độ, lựa chọn, tố chất, thói quen của bản thân mới là nhân tố chủ quan. Nhân tố khách quan chỉ là chất xúc tác dựa trên nhân tố chủ quan mà thôi. “Khi bạn đến trường, có thầy cô chỉ bảo, bạn bè giúp đỡ, bạn còn không học được, vậy thì đến khi ra ngoài xã hội, bạn lấy gì để đảm bảo mình có thể hiểu được chân lý vận hành của thế giới”? Đúng là trên đời này, chẳng sợ mình không thích làm gì, chỉ e lúc mình thích việc gì đó lại phát hiện ra cánh cửa mơ ước đã khép lại mất rồi”.

Tranh minh họa: obatasaki.tumblr.com

Khi viết những dòng chữ này, tôi vẫn là một sinh viên đại học chuyên ngành khoa học xã hội, giảng viên đều bảo với chúng tôi rằng “các em càng có khả năng làm được những việc mà ít người làm được, các em càng có giá trị. Các em học càng giỏi, có kiến thức càng nhiều, các em không lo không sống được”. Tôi tin điều đó. Nhưng không có nghĩa là tôi cảm thấy “chỉ có học hành mới cao quý nhất”, nhưng tôi cảm thấy thắc mắc nếu như học bên ngoài xã hội tốt hơn, vậy hàng nghìn nhà giáo, hàng trăm hệ thống giáo dục trên thế giới đều có vấn đề hết hay sao? Và tôi nghĩ Tằng Khải cũng có quan điểm như thế. “Nếu không, bao nhiêu tiến sĩ, thạc sĩ tha hương nơi đất khách, điên cuồng theo đuổi tri thức mới, kỹ thuật mới để làm gì”?  

Thực ra có những người rất lạ, như “một kẻ điên” không ngừng tiến bước trên con đường chấp mê bất ngộ, tự nguyện hòa hợp với gian nan, rồi tự tìm vui trên con đường khúc khuỷu đầy gai nhọn này. Tằng Khải là một trong số đó, nhưng tôi dành cho anh ấy và cho những ai như anh ấy một sự yêu quý và tôn trọng tuyệt đối vì sự điên rồ đó. Điên rồ nhưng phóng khoáng, cao quý và tự do. Vẫn có những người, giữa cuộc đời không có sự lựa chọn này, dù đối mặt với vinh hoa và lợi ích, không một ai có thể dễ dàng tước đi tôn nghiêm và thể diện của họ. Gặp chuyện bất công, phi lý, họ vẫn đủ tư cách, điều kiện mà nho nhã nói “Không!” Họ có những linh hồn thăng hoa, tự do và đơn thuần. Họ dám theo đuổi ước mơ, tình yêu lớn nhất của mình theo cách của họ. Họ tự thấy thỏa mãn, vui sướng “như có thể chết ngay mà không hối hận”, thấy cuộc đời mình đẹp đẽ và có ý nghĩa biết bao nhiêu. Mỗi sinh mệnh, đều như “ông lão đánh cá chiến đấu với cá kiếm, không phải để so bì xem ai chết xa hoa hơn, mà là để dũng cảm hơn và có tự tôn hơn trong cuộc đời này”. Những cảm giác đó, không một đồng tiền nào có thể mua được! Thứ mà tiền không mua được luôn quý giá hơn tiền! 

Cuộc đời bạn sẽ thay đổi vì những cuốn sách bạn đọc và những người bạn gặp. Những khát khao đơn thuần nhưng đầy tôn nghiêm của Tằng Khải, không phải tự nhiên mà có. Mỗi phẩm chất trong con người anh chính là được bồi đắp, tích lũy qua từng ngày, từ những cuốn sách anh đọc, những giảng viên anh gặp và quan trọng nhất là nền tảng giáo dục từ chính gia đình anh. Ngay từ những phần đầu tiên của quyển sách, Tằng Khải đã nhắc đến thư phòng của bố mình với giá sách lớn kê sát tường, chứa rất nhiều sách, toàn là những danh tác thế giới đã cũ, ố vàng nhưng được giữ gìn rất cẩn thận. Trong thời đại không có mạng Internet, điều khiển tivi lại bị cất đi, câu chuyện trong mỗi quyển sách chính là thú vui tiêu khiển cuối cùng, nhưng đồng thời cũng là điều may mắn nhất đối với Tằng Khải (theo quan điểm của cá nhân tôi). Nếu không có những quyển sách đó, có lẽ anh đã không phải là con người của hiện tại, quyển sách này càng không thể xuất hiện trên đời. Bá tước Monte Cristo, Nhà thờ Đức Bà ở Paris, Những cuộc phiêu lưu của Tintin,.. là tuổi thơ của Tằng Khải. Vương miện Cleopatra, nhà tắm La Mã cổ ở Florence, Kim tự tháp ở Maya, Hoa hướng dương của Van Gogh,… là quãng thời gian ở trường Đại học của anh. Nếu bạn đủ kiên trì để đọc đến hết quyển sách nhỏ này, bạn sẽ thấy kiến thức mà anh ấy tích lũy được không những vô cùng sâu sắc, mà còn rất rộng lớn, liên ngành, từ những lý thuyết của các bậc thái tinh bắc đẩu trong giới học thuật như Aristotle, Max Weber, Nietzsche,.. cho đến kiến thức về các loại rượu với vô số câu chuyện thú vị, vô số trải nghiệm đặc sắc. Mặc dù gian nan vất vả, nhưng phần thưởng lại khiến người ta mãn nguyện như thể được “tắm trong gió xuân, uống nước cam tuyền”. Không phải tiếc nuối khi “đứng trước kết tinh của hàng ngàn năm trí tuệ và văn minh nhân loại mà bạn lại vì thiếu hiểu biết nên trơ lì chai sạn, vì nông cạn và tầm thường mà không cảm nhận được nỗi niềm vui sướng do văn minh đem lại”

Tranh minh họa: obatasaki.tumblr.com

Nhiều người trong số chúng ta bị mê hoặc bởi những giá trị tạm thời, huyễn hoặc mà quên mất đi dáng vẻ đơn thuần của bản thân ngày xưa. “Có bao nhiêu người cả đời vội vã chỉ để tìm kiếm nét chất phát, mộc mạc, nguyên sơ đã bám rễ trong sâu thẳm tâm hồn mình từ thuở thiếu thời. Lại có bao nhiêu người nhờ những chất phác, mộc mạc, nguyên sơ đó tìm lại được dáng vẻ thuần khiết nhất của bản thân”. Dáng vẻ thuần khiết của Tằng Khải chính là lúc anh ôm thùng các tông đầy đồ ăn mà mẹ gửi cho khi còn học tại Cuba. Bên trong nào là bột ớt, sốt thịt bò, đồ ăn vặt, tương ớt, ruốc thịt, muối vừng,… Anh thích ăn cay, mỗi lần mở hộp ra thấy vẫn còn bột ớt, lòng anh lại tràn đầy hy vọng. Khi đọc đến câu chuyện về mẹ anh, tôi cảm thấy có lẽ đây chính là câu chuyện khiến tôi cảm động nhất khi đọc quyển sách này.H Hình ảnh một hộp cơm đầy rau và thịt của mẹ làm, còn nóng hổi trong đêm lạnh đúng là khiến người ta xúc động không thôi. “Món ăn ngon nhất trên đời này là món ăn bất cứ lúc nào, dù bạn đắc ý hay thất ý, thành công hay thất bại, giàu có hay nghèo khổ, chỉ cần bạn trở về, bước vào cửa, nó vĩnh viễn luôn được đặt trên bàn ăn, chờ đợi bạn, chờ đợi thời khắc cả nhà đoàn tụ. Đó chính là món ăn của mẹ”. 

 

Có bao nhiêu người cả đời vội vã chỉ để tìm kiếm nét chất phát, mộc mạc, nguyên sơ đã bám rễ trong sâu thẳm tâm hồn mình từ thuở thiếu thời. Lại có bao nhiêu người nhờ những chất phác, mộc mạc, nguyên sơ đó tìm lại được dáng vẻ thuần khiết nhất của bản thân

 

Đúng là không biết phải nên diễn tả thế nào, những đứa trẻ phương xa chỉ nhớ bữa cơm nhà nông giản dị đơn sơ, không trang trí cầu kỳ hoa mỹ nhưng khiến người ta khó có thể buông đũa. Khói lửa nhân gian khó có thể miêu tả bằng lời, khó tìm thấy ở những nơi sang trọng, chỉ giấu mình ở chốn chợ búa thôn quê:

 

 

“Đầu thôn cây uốn xanh mơn

Nghiêng nghiêng núi biếc mây vờn thành xa

Ngoài song giậu bí, vườn hoa

Nâng ly kể chuyện rau cà mướp dưa”

(Quá cố nhân trang – Mạnh Hạo Nhiên)

 

Đôi khi bạn sẽ thắc mắc, rốt cuộc vì sao có những người lại từ bỏ ổn định, từ bỏ sự che chở của gia đình mà lang bạt phương xa, để gian nan giày vò, để cơn mưa lạnh nơi xứ người làm dấy lên nỗi khắc khoải về bếp lửa ấm áp của gia đình. Ý nghĩa đích thực của việc lang bạt là gì? 

 

 

“Vì chú chim nhỏ tung cánh trên không trung,

Vì dòng suối nhỏ róc rách trong khe núi

Vì thảo nguyên bao la, 

Lang bạt về phương xa, 

Lang bạt”. 

 

Lang bạt để được trèo lên đỉnh vòm đại thánh đường Saint Peter, nhìn ngắm quảng trường hình bầu dục phía dưới; lần đầu tiên đứng trong đền Pantheon, cảm khái sự thần kỳ của kết cấu mái vòm thời La Mã cổ đại, rồi kinh ngạc trước sự huy hoàng của thời kỳ Phục Hưng khi ở cung điện Medici,… là trải nghiệm cảm giác thanh bần khi trót uống thêm một cốc cà phê đặc giá 65 xu Euro, không đủ tiền lẻ mua vé xe bus, chỉ đành đi bộ về nhà trong gió rét. Chỉ mong sâu có thể hóa bướm, kế thừa và truyền thụ những điều chí chân chí mỹ, cống hiến một phần sức lực nhỏ bé của mình thúc đẩy sự tiến bộ của loài người. Trong quá trình này, con người không thể thiếu sự nhẫn nại. “Khi chúng ta buông xuôi trước nghịch cảnh, hoang mang do dự trong những năm tháng đầu đời,… khi chúng ta vật lộn giữa đống suy nghĩ mâu thuẫn mình có thể làm mọi việc và mình chẳng thể làm gì, hãy tự nhủ với bản thân đây chính là quá trình lên men của cuộc đời mà mình còn thiếu sót”“Tôi tin rằng, có một ngày, sau khi mất đi tất cả, cũng như có được tất cả, tôi sẽ trở thành một người giống như những thầy giáo của tôi”. 

Lê Phương Quyên

You may also like

Leave a Comment