Khi thế giới ngoài kia dường như đã ngoảnh mặt với Aya, từng trang giấy trắng vô tri bỗng trở thành miền đất cứu chuộc cuối cùng của nàng, là nơi người con gái có “đôi mắt sáng to và khuôn mặt tròn nhỏ” cảm thấy mình vẫn là một con người bình thường ngay cả khi thân thể em đã trở thành “kẻ phản bội”
Kito Aya không phải là một thần đồng và có lẽ sẽ không ai biết đến cuộc đời cô nữ sinh Nhật Bản nhỏ bé ấy nếu như NXB Gentosha không biên tập và phát hành rộng rãi nhật ký của em dưới nhan đề Một lít nước mắt.
Thế nhưng sự nổi tiếng dường như là vô nghĩa đối với Kito Aya vì ước mơ của cô bé mười lăm tuổi này quá đỗi giản dị với những công việc bình thường như: thủ thư thư viện, dịch giả, người viết nghiệp dư hay giản đơn nhất chỉ là tự phục vụ, chăm sóc cơ thể mình. Căn bệnh Thoái hóa tiểu não đã biến chính thân thể K. Aya trở thành nhà ngục giam giữ linh hồn em, cũng như vĩnh viễn khép lại tương lai của một nữ sinh hiền dịu và mau nước mắt. Không những vậy, tình yêu cuộc sống của K. Aya theo thời gian cũng trở thành gánh nặng với bệnh viện, trường học và ngay cả những thành viên trong gia đình cô bé.
Khi thế giới ngoài kia dường như đã ngoảnh mặt với Aya, từng trang giấy trắng vô tri bỗng trở thành miền đất cứu chuộc cuối cùng của nàng, là nơi người con gái có “đôi mắt sáng to và khuôn mặt tròn nhỏ” cảm thấy mình vẫn là một con người bình thường ngay cả khi thân thể em đã trở thành “kẻ phản bội”. Một lít nước mắt, vì vậy, không chỉ dừng lại ở những tờ ghi chép “đóng băng” những năm tháng cuối cùng trong cuộc đời ngắn ngủi của K. Aya, mà còn là thế giới dành riêng cho em: là nơi em trở về với sự hồn nhiên, trong sáng, ngây thơ của con người mình; là nơi em trở thành quan tòa phán xét ánh mắt và lời nói cay nghiệt của những kẻ vô cảm; là nơi em lập thời khóa biểu, thời gian biểu của bản thân để sẵn sàng ứng phó với tình trạng ngày một xấu đi của cơ thể; là nơi em dành tình cảm yêu thương cho mẹ, em gái Ako, những người thân trong gia đình cho tới bà cấp dưỡng, thầy giáo và bạn học cũ vv… Nhưng quan trọng nhất, Aya dường như muốn chứng minh rằng mình tàn nhưng không phế và nhật ký chính là thứ duy nhất mang đến cho em sự bình đẳng với thế giới ngoài kia.
Xuyên suốt Một lít nước mắt, chỉ có một điều mà Aya, ngay cả trong những tình huống xấu nhất cũng chưa hề ngờ tới: đó chính là cái chết. Đó cũng là bi kịch ẩn giấu sau toàn bộ cuốn nhật ký này và mở rộng hơn đây cũng chính là điểm tạo nên sự khác biệt của nhật ký với những thể loại văn học phi hư cấu khác. Trong giao kèo giữa nhật ký với tác giả, để đổi lại “sự bất tử”, cuộc đời riêng tư trên trang sách, người viết không thể “biết trước” tương lai của mình. Ngược lại, chúng ta ở vị trí của người đọc bắt đầu khám phá nhật ký từ chiều nghịch của thời gian, từ kết cuộc bi thảm của người viết; tự ý chen chân vào một chân trời trước đó còn là bí mật, cõi riêng của một cá thể bị lãng quên; tùy ý ban phát những cảm xúc thương hại, kính phục, xúc động vv… Trường hợp Một lít nước mắt cũng không ngoại lệ khi ta quen nhắc tới tác phẩm đầu tiên nhưng cũng là cuối cùng của Kito Aya bằng “một điệu hát buồn”.
Ngược lại, “Khổ đau dẫu nhiều, tôi chọn niềm vui” (Lưu Quang Vũ) hình như mới là cảm xúc thật sự của K. Aya và cũng là điểm khác biệt lớn giữa nhật ký của cô bé học trò mười lăm tuổi người Nhật Bản với những bạn bè bất hạnh đồng trang lứa trên thế giới. Trong khi, nhiều tiểu thuyết, nhật ký, hồi ký cùng chủ đề hướng đến những danh sách công việc, các bản di chúc mà một bạn trẻ cần thực hiện trước khi chết như Ways to Live Forever (S. Nicholls), The Fault in Our Stars (J. Greens), Me and Earl and the Dying Girl (J. Andrews); Một lít nước mắt chỉ là những trang viết lặp đi lặp lại nỗ lực của Aya khi thực hiện các bài tập phục hồi chức năng, quãng ngày chịu nhốt mình trong bốn bức tường của bệnh viện, trường khuyết tật. Song, những nỗ lực ấy chưa bao giờ được ghi nhận, đền đáp xứng đáng. Trong nhật ký của mình, Aya đã nhắc đến Totto chan, cô bé bên cửa sổ, về ngôi trường trong mơ của thầy thầy hiệu trưởng Kobayashi Sosaku. Thật không may mắn cho K. Aya, ở thời điểm ấy (và ngay cả hiện tại), những giá trị khai phóng trong hệ thống giảng dạy “toa tàu” của Kobayashi mà Tetsuko Kuroyanagi ngợi ca chưa được nhiều nhà giáo dục Nhật Bản nói riêng, trên thế giới nói chung kế thừa và phát triển. Và trên thực tế, cô bé mắc bệnh hiểm nghèo Aya đã bị trường Higashi ép chuyển trường chỉ vì tình trạng khuyết tật. Điểm tựa cuối cùng của K. Aya bất ngờ lại chính là người mẹ của cô, người luôn dạy Aya nỗ lực sống vì những giá trị của bản thân mình.
Chúng ta sẽ đối xử ra sao với những trẻ đặc biệt? Có nên tách biệt những trẻ khuyết tật, mang bệnh hiểm nghèo ra khỏi môi trường học đường phổ thông? Đó là câu hỏi mà người viết mãi băn khoăn sau khi đọc Một lít nước mắt của Kito Aya vì mỗi phương pháp giáo dục đều có lý lẽ riêng với những ưu, khuyết điểm của mình. Sau tất cả các phương tiện ấy, lòng nhân ái mới là thứ cuối cùng chúng ta cần hướng đến. Tình thương con người mới là cứu cánh để chúng ta vượt lên sự khác biệt, tôn trọng sự khác biệt.
Nhưng mình đang nói quá nhiều? Mình chỉ là một kẻ trộm tồi khi lén đọc những trang nhật ký của người khác và để lại dấu vết quá nhiều.
Hải Đăng – Trạm Đọc (Read Station)