Một số lưu ý khi đi tầm soát Ung thư cổ tử cung

by admin

(KINH NGHIỆM TẦM SOÁT UTCTC CHO CÁC BẠN NỮ)

Mới đây, thông tin cô bé 14 tuổi ở Bình Dương bị ung thư tử cung giai đoạn cuối. Theo cách nói của BSCK. Nguyễn Văn Tiến – Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh: “Thật là khủng khiếp. Đây là trường hợp đầu tiên xô đổ mọi kỷ lục!.”

“Ung thư CTC không xảy ra đột ngột mà diễn biến một cách âm thầm trong nhiều năm, gây nên những biến đổi bất thường của tế bào cổ tử cung, các tổn thương tiền ung thư kéo dài trung bình từ 10-15 năm.

Tầm soát ung thư CTC là tìm ra ung thư trước khi những triệu chứng lâm sàng biểu hiện ra ngoài.”.

Mình đọc được thông tin này trong một cuốn sách về ung thư, sau đó có tìm hiểu thêm. Các bạn nhớ tầm soát UTCTC sớm nhé.

1, Ung thư cổ tử cung là gì? Các nguyên nhân chính gây nên ung thư cổ tử cung.

Cổ tử cung của chị em phụ nữ được bao phủ bởi một lớp mô mỏng – lớp mô này được tạo thành từ các tế bào.

“Ung thư cổ tử cung là một bệnh lý ác tính của tế bào gai hoặc biểu mô tuyến cổ tử cung, hình thành khi các tế bào ở cổ tử cung phát triển bất thường, tạo ra khối u trong cổ tử cung, nhân lên vô kiểm soát và xâm lấn khu vực xung quanh, thậm chí di căn đến các bộ phận khác trong cơ thể.”

Một trong những nguyên nhân phổ biến gây ung thư cổ tử cung chính là bị lây virus HPV qua đường quan hệ tình dục.

Khi “yêu” ở tuổi vị thành niên rất dễ lây nhiễm virus HPV bởi trong giai đoạn này khả năng tự bảo vệ trước các tác nhân gây bệnh chưa được tốt.

Thuốc tránh thai nếu sử dụng thường xuyên sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn, trong đó bao gồm việc gia tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung.

2, Tầm soát ung thư cổ tử cung là gì? Các phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung.

Chuyên gia bệnh viện K khuyến cáo “Sàng lọc, phát hiện sớm ung thư là phương pháp tốt nhất giúp phát hiện những bất thường, dấu hiệu tiền ung thư, hoặc ung thư giai đoạn sớm, trước khi bệnh gây ra các triệu chứng và cơ hội điều trị thành công cao.”

Chị em phụ nữ nên đi khám phụ khoa định kỳ và làm xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung theo chỉ định của bác sỹ, cùng với tiêm phòng vắc xin cho trẻ em gái, đây là cách phòng tránh và phát hiện sớm nhất bệnh ung thư cổ tử cung”.

Tầm soát ung thư CTC gồm hai loại xét nghiệm tầm soát: xét nghiệm dựa trên tế bào học và xét nghiệm HPV.

Xét nghiệm tế bào (Pap test) trong sàng lọc ung thư cổ tử cung.

Mẫu xét nghiệm tế bào – có 2 loại mẫu xét nghiệm tế bào: 1 loại là Pap smear truyền thống, một loại là có dung dịch lỏng cố định Thinprep.

Xét nghiệm Pap test được coi là tiêu chuẩn để sàng lọc ung thư cổ tử cung, giảm tỷ lệ mắc bệnh 60-90% và giảm tỷ lệ tử vong 90%.

Tuy nhiên, giới hạn của xét nghiệm tế bào độ nhạy khoảng 50%. Pap test cũng ảnh hưởng bởi sự chủ quan và kinh nghiệm của bác sĩ giải phẫu bệnh.

Có 2 loại vacxin được cấp phép và đang được sử dụng tại Việt Nam: vaccine 2 type HPV, vaccine 4 type HPV.

Cả 2 loại vaccin đều hiệu quả chống lại nhiễm HPV và tân sản ở cổ tử cung, âm đạo, âm hộ và hậu môn.

3, Lợi ích của việc tầm soát ung thư cổ tử cung. Các chuẩn bị cần thiết khi tầm soát ung thư CTC.

Vì liên quan đến vùng “kín” nên nhiều chị em lo lắng trước khi khám sàng lọc.

Tuy nhiên, xét nghiệm định kỳ để phát hiện và xử lý sớm những bất thường trước khi chúng trở nên nghiêm trọng đã cứu sống được hàng trăm ngàn người mỗi năm.

Vì vậy, đừng lo lắng, nên tự tin vì bạn đã kiểm soát được sức khỏe của mình.

“Việc thực hiện lấy mẫu cũng khá đơn giản và nhẹ nhàng. Nhân viên y tế sẽ lấy mẫu sau khi khám phụ khoa. Dụng cụ mỏ vịt sẽ được đặt vào âm đạo để người lấy mẫu có thể quan sát cổ tử cung.

Tế bào được lấy bằng que ( gỗ hoặc nhựa) hoặc chải CTC, sau đó mẫu tế bào được phết mỏng lên lam kính rồi đặt vào lọ chứa chất đựng cố định ( đối với Pap truyền thống).

Việc lấy mẫu hoàn toàn không đau, nhưng có thể gây khó chịu.

Kết quả tế bào có thể có nhanh chóng sau vài ngày.”

Các chuẩn bị cần thiết trước khi tầm soát ung thư CTC:

“Câu hỏi thường gặp về việc tầm soát ung thư CTC là cần được thực hiện trên đối tượng nào?

Theo khuyến cáo của Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ nên bắt đầu từ 21 tuổi tần suất sẽ phụ thuộc vào tiền sử bệnh của bạn.

Trước khi đi xét nghiệm tầm soát, các bạn cần chú ý:

  • Nên tránh những yếu tố làm tế bào âm đạo biến đổi hoặc làm mất các tế bào bất thường làm kết quả không chính xác.
  • Bệnh nhân tránh thụt rửa âm đạo, đặt thuốc, bôi kem, dùng hoá chất khử mùi hay giao hợp trong vòng 2 ngày trước khi xét nghiệm.
  • Không làm Pap khi đang có kinh nguyệt.
  • Thời gian làm Pap tốt nhất là vào khoảng từ 10-20 ngày của chu kỳ kinh nguyệt.”

4, Khám tầm soát ở đâu? Một số lưu ý về thủ tục hành chính.

“Tại Việt Nam, việc xét nghiệm tầm soát ung thư CTC đã được triển khai rộng khắp trên các bệnh viện và khoa sản phụ của cả nước như :

Bệnh viện Sản phụ Trung ương, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện phụ sản Hà Nội, Bệnh viện K, Bệnh viện ung bướu TPHCM, Bệnh viện Phụ Sản Hải Phòng.”

Chi phí xét nghiệm tầm soát thường không cao, đặc biệt khi đến khám Bác sĩ sẽ tư vấn thêm cho bạn các xét nghiệm cần thiết và không cần thiết. Mình thường mang tầm 1-2 triệu khi đi khám, tuy nhiên thường thì không xài hết đâu.

Trước khi đi khám, các bạn nên chuẩn bị đầy đủ giấy tờ tùy thân như thẻ căn cước, các dụng cụ như bút, giấy phòng khi cần ghi chú, nước uống, khăn giấy, và mặc váy nhé.

Đặc biệt các bệnh viện trung ương thường rất đông bệnh nhân. Khi đi khám cần đi sớm để được về sớm, đeo khẩu trang, dùng nước rửa tay khô, khai báo y tế ngay khi vừa vào bệnh viện do tình hình dịch Covit-19.

Định kỳ 3-6 tháng nên đi khám phụ khoa và làm thêm các xét nghiệm tầm soát tế bào ung thư.

Nếu đang có vấn đề về viêm nhiễm phụ khoa như khí hư bất thường, viêm âm đạo, viêm lộ tuyến CTC… thì cần đi khám và chữa trị dứt điểm để bệnh không tiến triển nặng hơn.

Bên cạnh đó, trong cuộc sống thường ngày, chị em nên giữ gìn vệ sinh “vùng kín” sạch sẽ, quan hệ tình dục lành mạnh, sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn.

Đã tiêm vaccine HPV thì có cần tầm soát ung thư cổ tử cung không? Có

Không phải ai nhiễm HPV cũng sẽ bị ung thư cổ tử cung, nhưng ngược lại, có hơn 95% các trường hợp ung thư cổ tử cung phát hiện do virus HPV gây ra.

Thực hiện xét nghiệm cần thiết giúp phát hiện sớm các bệnh: ung thư cổ tử cung – tử cung – buồng trứng ngay cả khi chưa có triệu chứng.

Các dấu hiệu ung thư cổ tử cung thường ở giai đoạn muộn và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh phụ khoa khác như viêm, nấm, …

Nếu bạn tầm soát và có kết quả bất thường? Đừng quá lo lắng

Rất nhiều phụ nữ có kết quả tầm soát bất thường, điều này không có nghĩa là họ bị ung thư CTC.

“Trong trường hợp này, thông thường bạn sẽ phải làm lại test tầm soát, xét nghiệm HPV, hoặc thường làm một xét nghiệm khác chi tiết hơn là nội soi CTC ( có hoặc không có sinh chiết).

Nếu kết quả chỉ ra dấu hiệu của các tổn thương tiền ung thư, cần được điều trị để loại bỏ các tế bào bất thường.”

Ung thư CTC là bệnh dễ chữa khỏi, với tỷ lệ thành công tới 94% nếu phát hiện ở giai đoạn 1. Thậm chí, tỷ lệ có thể đạt tới gần 100% nếu như phát hiện ở giai đoạn tiền ung thư.

Tuy nhiên, đa số các trường hợp được chẩn đoán ở giai đoạn muộn, phải cắt bỏ rộng và cơ hội sống thấp, dễ tử vong.

Phải cắt bỏ tử cung, mất cơ hội làm mẹ, nguy cơ tái phát cao, chi phí điều trị lớn, thậm chí tử vong…

Ung thư cổ CTC là “cơn ác mộng” cho phụ nữ. Bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, vì vậy, tầm soát ung thư cổ tử cung sớm là điều kiện tiên quyết.

Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến cáo, cho dù bạn đã tiêm vaccine HPV thì vẫn cần sàng lọc phát hiện tổn thương tiền ung thư và ung thư giai đoạn sớm, nếu không may bị bệnh.

Các cộng đồng chung tay phòng tránh ung thư CTC ở Việt Nam

  • HPV Vietnam : Đây là trang thông tin giáo dục về HPV được điều hành bởi Hội y học dự phòng Việt Nam với sự đồng hành của VPĐD MSD tại Việt Nam
  • Ruy Băng Tím : Cung cấp thông tin đúng, đủ về mặt khoa học, y học về ung thư.
  • WHO Trang chủ/Các chủ đề y tế/Phòng chống Ung thư ( cơ sở Việt Nam)

Theo: Maybe You Could Live A Healthier Life

You may also like

Leave a Comment