Bài viết sau trích từ cuốn “Stalingrad: Trận chiến định mệnh”, ngày nay công nghệ đã vượt trội so với thập niên 40, tuy nhiên qua một vài chương sách lịch sử dường như lực lượng thiết giáp Nga có nhiều điểm không đổi theo thời gian.
“Một số sĩ quan của Hube (tướng Đức) coi thường sự khờ khạo của đối phương (Liên Xô), để xe tăng đứng trơ giữa chỗ trống làm mục tiêu lý tưởng cho máy bay Stuka hay pháo phòng không 88 bắn thẳng. Họ biết xe tăng T-34 là loại xe bọc thép chiến đấu tốt hơn bất kỳ những gì Đức có lúc đó (năm 1942). Nhưng kính ngắm của pháo thì không tốt lắm, ít chỉ huy Nga có ống nhòm tốt, điện đài còn ít người có hơn. Tuy nhiên điểm yếu chí tử của Hồng Quân là chiến thuật nghèo nàn. Lực lượng tăng của họ không biết cách lợi dụng địa hình và tỏ ra không rành các nguyên tắc vừa chạy vừa bắn. Và như Chuikov (tướng Nga) thừa nhận, họ không thể phối hợp tấn công với không quân nhà.
Thái độ tự mãn đôi khi làm người Đức mất cảnh giác. Hửng đông ngày 30 tháng 7 năm 1942, một tốp T-34 lợi dụng bóng tối tiếp cận, bất ngờ tấn công sở chỉ huy Đức trong làng. Các sĩ quan luống cuống xỏ quần áo thì đạn pháo đã nổ vang giữa sở chỉ huy và đoạn xe tuyến sau. Phóng viên chiến trường Đức đi theo viết: cảnh tượng không mấy khích lệ, đủ loại xe nháo nhác chạy thật nhanh ra ngoài.
Cú sốc ban đầu nhanh chóng qua đi. Một đại đội xe tăng Đức đến nơi và rất nhanh sau đó 6 chiếc T-34 bốc cháy rừng rực giữa một bãi đất trũng. Một chiếc T-34 cảm tử xông vào tấn công đoàn xe tải trong làng nhưng bất ngờ đụng ngay một xe tăng Đức và bị nó bắn thẳng ở cự ly gần làm tháp pháo bắn tung lên trời. Phóng viên chiến trường ghi lại: Những chiếc T-34 cháy đen vẫn còn âm ỉ, trong đó bốc ra mùi thịt cháy khét.”