Một (vài) sự thật về Tình Yêu

by admin

Có khá nhiều điều tôi không thích. Như khi ai đó gác lên tôi khi ngủ, ăn trên giường hay động chạm vào đồ uống của tôi khi tôi chưa đồng ý. Tôi thường không thích ai làm những điều đó cả.

Thế nhưng, vẫn có 1 vài người xóa luôn những ranh giới mà tôi đã tạo ra, bằng 1 cách nhẹ nhàng và thần bí nào đó.

Thế mà, tôi lại thích điều đó (?!).

Một trong những người có được đặc quyền ấy, là người yêu tôi. Dưới danh nghĩa tình yêu, bộ não gạch đi hết những cảm xúc xấu mà tôi tưởng rằng mình sẽ cảm nhận được, rồi thay vào đó những cảm xúc tuyệt vời khác như: yên tâm khi thấy người yêu ngủ ngon. Vui vẻ khi được ăn sáng cùng người yêu trên giường….

Thật kỳ lạ. Khi yêu, chúng ta cho người ấy đặc quyền vượt qua ranh giới của những việc làm ta khó chịu.

Không những thế, chúng ta còn thoải mái tận hưởng nó.

Tình yêu – thật sự là gì chứ? Thật khó để định nghĩa. Cũng chẳng thể giải thích.

Tui vậy. Có vài điều tôi nghiên cứu và trải nghiệm được về tình yêu. Quà bài viết này, bạn sẽ:

  • Thấy được tình yêu dưới con mắt nhà hóa học và tâm lý học.
  • Biết được lý do LỚN khiến cặp đôi chia tay.
  • Biết được đâu là cách để xây dựng tình yêu lâu dài.

BẮT ĐẦU THÔI!

1. Cái nhìn về “tình yêu”, dưới con mắt nhà hóa học và tâm lý học

ĐIỀU GÌ XẢY RA TRONG BỘ NÃO KHI YÊU?

Bộ não của chúng ta khi yêu, nó sản sinh ra những chất dẫn truyền thần kinh, khiến chúng ta cảm thấy thật dễ chịu.

Hormone “hưng phấn” Dopamine tạo cho chúng ta cảm giác thật ngây ngất khi 2 người ở gần nhau. Nó giống như việc mà bạn vừa làm tí chất cấm và cảm thấy lâng lâng khó tả vậy.

Hay cảm giác sâu lắng, gắn kết do Hormone Oxytocin được sinh khi cả 2 hay âu yếm hoặc đạt cảm giác cực khoái. Và chính nó cũng làm tăng lòng tin tưởng, trung thành ở cả 2 con người.

Cảm giác thật chán ăn, nghĩ ngợi thật nhiều và chẳng muốn ngủ khi cả 2 đang xảy ra vấn đề. Điều này do Serotonin. Những cặp đôi giai đoạn “hậu tuần trăng mặt” sẽ phát sinh loại hormone này. Nhưng nó chỉ kéo dài vài ngày hay vài tuần. Và người ta thường gọi khi đó lúc đang “chán yêu”.

VẬY CÒN TÂM LÝ HỌC?

Theo 1 báo cáo của tờ PsychCentral, tâm lý học đóng 1 vai trò quan trọng trong việc chúng ta sẽ bị thu hút bởi ai. Những trải nghiệm sống, cảm xúc trước đó, lòng tự trọng, thế giới quan,… đều sẽ ảnh hưởng đến việc chúng ta sẽ muốn được gắn bó với người nào.

Trong tiềm thức sẽ tự lựa chọn những người – đó có thể là 1 người có những đặc điểm giống với 1 thành viên trong gia đình, giống 1 người nào đó trong quá khứ mang lại cho bạn cảm giác thoải mái, hay có đặc điểm giống bạn – mà chúng ta muốn ở cùng.

Cũng vì thế, tiềm thức cũng sẽ tự tạo nên 1 hàng rào, bảo vệ bản thân bạn khỏi những người giống với người đã từng làm tổn thương ta trong quá khứ, cả về ngoại hình và tính cách.

Điều này đôi khi có chút ngoại lệ với người có 1 gu nhận định. Họ bị thu hút bởi những người có đặc điểm khuôn mặt, cơ thể giống với những người họ đã từng yêu. Gu ấy được hình thành sau khi họ trải qua mối tình đầu, hình mẫu của người đầu tiên trở thành đặc điểm để theo đuổi trong tương lai.

Chúng ta có rất nhiều lý do để giải thích việc chúng ta bị thu hút bởi ai đó. Nó có thể do khuôn mặt, tỷ lệ cơ thể, tính cách…

Nhưng thật khó, để chúng ta giải thích rằng, tại sao chúng ta lại muốn gắn bó với người đó. Trở nên gắn bó, là quá trình đường dài. Thật khó để trả lời trong ngày 1, ngày 2. Cũng chẳng ai có thể cảm thấy thật gắn bó với người kia chỉ trong 1, 2 ngày. Nó đòi hỏi rất nhiều sự nỗ lực, tin tưởng và cố gắng từ cả 2 phía.

Để đi đến 1 cái kết viên mãn, 2 người trong 1 mối quan hệ cần bỏ ra rất nhiều công sức, thời gian và đôi khi có cả những sự tổn thương khi cả 2 cố gắng tìm hiểu sâu hơn về nhau.

Tuy vậy, có những trường hợp, dù có cố gắng đến mấy, 2 người vẫn không thể cùng nhau đi đến cái đích cuối cùng.

Tôi quen rất nhiều người yêu nhau gần cả chục năm, nhưng lại chẳng thể sống cùng nhau. Thế nhưng lại có những người, chỉ mới yêu vài tháng, lại sẵn sàng về chung 1 nhà và xây lên 1 tổ ấm.

Có những mối tình nhìn có vẻ lãng mạng, nhưng thật ra, lại chẳng hạnh phúc chút nào. Còn những mối tình trông thật nhạt, bình lặng trôi qua từng ngày, nhưng họ lại gắn kết và có thể ở bên nhau thật lâu.

Vậy, những mối quan hệ có vẻ rất lãng mạn kia tại sao lại thất bại?

2. Lý do lớn khiến chúng ta không còn yêu nữa

Bỏ qua những vấn đề khiến các cặp đôi chia tay như sự thiếu thành thật, cắm sừng, lừa tình,… Tôi muốn nói đến ở góc nhìn khác. Góc nhìn của tâm lý học, khi chúng ta đang yêu say đắm và đột nhiên họ dừng lại.

LÝ TƯỞNG HÓA TÌNH YÊU

Khi mới yêu, cô ta/anh ta thật hài hước, duyên dáng và tốt bụng biết bao. Những mộng tưởng về 1 người yêu lý tưởng dường như đang dần lộ diện ra trước mắt ta.

Ta sẵn sàng khám phá những sở thích của đối phương. Ta trở nên hào phóng hơn. Nhẹ nhàng hơn. Đồng cảm hơn.

Cảm giác như có 1 sợi dây nối 2 người lại với nhau vậy. Ta mong muốn được khám phá nhiều hơn cùng với đối phương về những bí mật của thế giới, thành phố ngầm atlantis, hay đi thăm nhà vệ sinh của nhau.

Trong mắt của chúng ta, đối phương lúc nào cũng thật tuyệt.

Giai đoạn đầu mới yêu thật màu hồng. Chúng ta lý tưởng hóa tình yêu của mình. Cho đến khi, bắt đầu có những bất đồng NHỎ xảy ra.

Sẽ có 2 cách để bạn lựa chọn. 1) ngồi xuống và cùng nhau giải quyết, bất chấp việc có thể vì thế mà lòi ra thêm 1 vấn đề nữa cần giải quyết. 2) Lo lắng và chọn cách phớt lờ.

Cách 1 nghe có vẻ hợp lý. Nhưng chỉ cần thấy “lòi ra thêm 1 vấn đề nữa cần giải quyết” thì bộ não của chúng ta thường ưu tiên cách 2 hơn.

Chúng ta lo lắng liệu rằng nhỡ có gì sai thì sao? Chúng ta lo lắng vẻ đẹp đẽ của tình yêu sẽ bị cắt đứt bởi những cuộc cãi vã. Và từ đâu đó, chúng ta tin rằng mình có thể tránh đi những cuộc cãi vã ấy bằng việc phớt lờ những rắc rối và cố gắng làm cho tình yêu đẹp hơn nữa. Ta muốn nó trông nó thật ngọt ngào như chiếc bánh kem phủ đầy lớp Vani. Nhưng đằng sau cái vẻ ngoài đẹp đẽ ấy, lại là 1 lớp tráng trộn chẳng ăn nhập gì với nhau cả.

Đằng sau 1 hình tượng lý tưởng thế kia, lại lại những sự gồng gắng, trốn tránh những vấn đề đang diễn ra xung quanh cả 2. Khi vấn đề giữa cả 2 không được giải quyết, nó vẫn sẽ còn đó. Nó sẽ chẳng đi đâu ngoài việc nằm đó và chờ 1 ngày lại lòi lên. Lúc nào, vấn đề đã trưởng thường, nhưng nó cũng chẳng tự giải quyết chính mình đâu.

Chúng ta không dám thể hiện những quan điểm của bản thân trước vấn đề đang diễn ra, vì sợ cãi vã sẽ to hơn, xung đột sẽ có và tổn thương có thể gây nên.

Nhưng đó là điều chắc chắn phải xảy ra. Cặp đôi nào cũng sẽ có những cuộc cãi vã, mà tưởng chừng chẳng thể hàn gắn. Nó sẽ đến khi nó cần phải đến. Thật ấu trĩ khi chúng ta tin rằng có thể thỏa mãn ai đó 100%. Không ai có thể làm được điều đó. Càng thân thiết, chúng ta càng để lộ ra những gì chúng ta không thể thỏa mãn được đối phương. Hệ quả tất yếu, những xung đột sẽ diễn ra. Nhưng có xung đột thì mới có phát triển.

Thậm chí, việc xung đột lại là 1 bước tiến tốn để gắn kết nhiều hơn cho cả 2 người. Nếu không có những xung đột về quan điểm, và được thể hiện thế giới quan, chúng ta thật khó để hiểu nhau hơn. Nếu không có chuyện cùng nhau ngồi xuống và nói nhau nghe về những điều làm ta thích/không thích thì sẽ thật khó để cả 2 nên thay đổi như thế nào.

Khi việc cố gắng lý tưởng hóa tình yêu 1 cách mù quáng, ta thường có xu hướng phớt lờ đi những rắc rối của bản thân và của cả đối phương.

Những cặp đôi cố gắng lý tưởng hóa tình yêu của họ thường sẽ lợi dụng việc đắm chìm trong tình yêu để bỏ qua những rắc rối của chính mình. Hoặc đùn đẩy trách nhiệm giải quyết những vấn đề ấy cho người kia.

Nhưng sẽ chẳng ai giải quyết được vấn đề của bạn thay bạn cả. Việc trốn tránh và đùn đẩy những rắc rối chỉ càng làm cho nó lớn hơn trong tương lai.

Và khi mọi việc vỡ lở, có quá nhiều thứ ập đến, khi hình tượng của đối phương không còn đẹp đẽ, sự ngọt ngào giả tạo đã bị ăn mòn hết từ bên trong, họ Dừng Lại.

Những lời hứa, ước nguyện và dự định của cả 2 đều đổ sông, đổ bể sau những khi quả bong bóng bị vỡ.

Tôi không phủ nhận việc cố gắng lý tưởng hóa tình yêu. Việc cố gắng xây dựng 1 tình yêu đẹp là tốt. Nó cho chúng ta động lực để cùng nhau cố gắng, phấn đấu. Nó trở thành 1 nguồn động lực để chúng ta thoát khỏi những ngày tồi tệ và đi đến tương lai sáng sủa hơn.

Nhưng việc làm cho nó lúc nào cũng phải tốt đôi khi tại rất tệ. Trong quá trình yêu, sẽ luôn có những rắc rối, bất đồng diễn ra. Nếu chúng ta cứ trốn tránh, đùn đẩy, không thể thành thật cùng nhau giải quyết, kết quả tất yếu, chúng ta sẽ không thể yêu được nữa.

Chính vì thế, tôi có một ý tưởng tốt hơn để có thể có tình yêu lâu dài.

3. Yếu tố tạo nên 1 tình yêu lâu dài

Có 1 yếu tố đơn giản để giúp tình yêu của chúng ta lâu dài hơn.

Nó nằm ở 2 từ: Trung thực.

Nhưng cũng chính vì nó quá đơn giản, nên thành ra, tự chúng ta làm cho nó có vẻ khó và phức tạp lên.

Trung thực với cảm xúc của bản thân. Trung thực với những gì mình nói ra. Trung thực với mối quan hệ mà bạn đang cố gắng xây dựng lâu dài.

Điều này nghe có vẻ hiển nhiên. Và dễ nữa. Nhưng như tôi đã nói, chính vì nó dễ nên người ta thường bỏ qua hoặc làm nó phức tạp lên.

Để trung thực trong hầu hết các trường hợp, đặc biệt là thời gian đầu lúc mới yêu là điều không phải ai cũng có thể làm ngay được. Có những điều khi ta trung thực, sẽ dẫn đến những cảm xúc không được thoải mái cho lắm. Và bộ não khi yêu lại không thích điều ấy. Vậy nên, nó chọn cách phớt lờ và giấu dẹm vấn đề vào 1 góc nào đó.

Thế nhưng, khi sự thiếu trung thực kéo dài, nó thường dẫn đến 1 thói quen – lảng tránh khi có vấn đề.

Mặt khác, sự trung thực còn là bước đà để xây dựng nên sự tin tưởng trong mối quan hệ. Sự thiếu trung thực khi bị phát hiện sẽ gây nên những kết quả mà… bạn biết rồi đấy. Và qua mỗi lần bị phát hiện như thế, niềm tin từ đối phương cùng giảm đi rất nhiều.

Sẽ thật đúng khi nói rằng niềm tin như miếng băng dính vậy. Cứ mỗi lần chúng ta bị phát hiện thiếu trung thực, là 1 lần miếng băng dính bị bóc ra. Và cứ sau mỗi lần bóc ra, nó sẽ chẳng thể dính chặt như lần trước được nữa. Cho đến khi, miếng băng dính ấy không còn dán được nữa, tự nó sẽ rơi xuống đất…

Để có thể thành thực (ít nhất là gần như) hoàn toàn trong 1 mối quan hệ yêu đương, 2 người bắt buộc phải học cách giao tiếp với nhau.

Thời gian đầu chắc chắn sẽ có những cãi vã, nhỏ có, to có. Nhưng cũng đừng vì thế mà vội vàng nói lời dừng lại.

1 điều tôi học được từ người yêu tôi trong việc tranh luận (tôi thích dùng từ này khi cả 2 có xích mích), đó là hạn chế cảm xúc và tăng sự logic.

Việc học cách giao tiếp với nhau không chỉ là cố gắng trình bày những quan điểm của mình sao cho đối phương có thể hiểu được. Một việc quan trọng hơn không kém, đó là “lắng nghe”.

Mỗi người đều sẽ có quan điểm, thế giới quan riêng. Và đối với họ, điều đó là đúng. Ta sẽ chẳng thể hiểu được cho đến khi chịu lắng nghe bằng tâm thế CHỈ NGHE, không phán xét. Việc học cách lắng nghe sẽ tốn nhiều thời gian. Nhưng chính vì những lợi ích mà nó mang đến cho cả 2 người trong 1 mối quan hệ, nên nó đáng được cố gắng.

Trung thực, học cách giao tiếp chỉ là 2 yếu tố trong nhiều yếu tố tạo nên 1 tình yêu lâu dài. Nhưng với tôi, nó là 2 yếu tố quan trọng để có 2 người có thể cùng nhau xây dựng nên 1 tình yêu đẹp.

Ngoài ra, còn những việc như: tôn trọng không gian và thời gian riêng của đối phương, ủng hộ những mục tiêu của người kia, cùng nhau tạo nên nhiều trải nghiệm mới,… nhưng những thứ ấy, tôi sẽ nói trong bài sau.

Cuối cùng, chúc bạn có 1 tình yêu đẹp.

love,

_____________________

You may also like

Leave a Comment