Phân đoạn Ha Doyeong phát hiện hàng loạt chiếc túi thuộc về cửa hàng của Jeon Jaejun ngay trong nhà mình.
Giây phút biết Park Yeonjin ngoại tình và con gái Yesol là máu mủ của Jeon Jaejun, lần đầu tiên trong đời Ha Doyeong đã nghiêm túc đứng nhìn một lượt tủ quần áo nhà mình và nhận ra trong đó có vô số chiếc túi màu xanh của Siesta – tiệm quần áo do Jaejun làm chủ. Nói cách khác, đó cũng là lần đầu tiên Ha Doyeong nhận ra trên đầu mình có cả tá cặp sừng.
*Siesta nghĩa là giấc ngủ trưa, ám chỉ việc Jaejun và Yeonjin thường ngủ với nhau vào ban ngày.
Về việc tại sao túi giấy của Siesta toàn màu xanh dương, tôi đoán là do Jaejun bị mù màu đỏ và xanh lá. Hai màu này cả Jaejun và con gái Yesol của gã đều không phân biệt được, chỉ nhìn ra màu xám và đen mà thôi. Đây cũng là nguyên do khiến Yesol bực tức quăng máy tính vào bồn tắm, vì cô bé không tài nào nhìn ra đâu là táo đỏ đâu là táo xanh trên màn hình.
Có lẽ Jaejun đặc biệt yêu thích màu xanh, tương tự như con gái Yesol. Bằng chứng là phần nền trong bức tranh mà Yesol vẽ ở trường cũng là màu xanh dương như màu túi giấy của bố. Lúc Jaejun trang trí phòng chuẩn bị đón con gái về, gã cũng ưu ái đóng khung bức tranh màu xanh này và đặt ở vị trí bắt mắt.
Sau khi lộ clip nóng tại nhà thờ, vì sao Lee Sara lại tẩy và nhuộm tóc vàng?
Bất kì ai khi nhìn thấy đoạn clip bỏng mắt kia của Sara tại nhà thờ đều có thể đoán được, cô ả có dính tới ma tóe. Vậy nên cảnh sát nhất định sẽ tìm tới để kiểm tra. Sara đã tẩy và nhuộm vàng hết cả tóc, lông mày ngay sau đó.
Cô ả làm thế là để tránh xảy ra kết quả dương tính với ma tóe.
Có thể bạn đã biết, sau khi hút chích, thông qua quá trình trao đổi chất bên trong cơ thể con người, ma tóe sẽ xuất hiện trong nước tiểu, máu, nước bọt và lông, tóc. Chúng sẽ trở thành bằng chứng xác thực nhất để kết tội người hút ma tóe.
Thế nhưng, quá trình xét nghiệm nước tiểu, máu và các thành phần khác để truy nguyên thời gian hút ma tóe cũng có giới hạn. Cụ thể, khi kết quả xét nghiệm máu cho ra âm tính thì cũng chỉ chứng minh được người đó không sử dụng ma túy trong 24 giờ đổ lại mà thôi.
Với xét nghiệm nước tiểu, kết quả này tăng lên là 3 ngày, nếu vượt quá thời hạn trên, cơ quan chức năng không thể phát hiện thành phần của ma tóe trong máu và nước tiểu.
Vậy còn tóc?
Khi ma tóe đi vào trong cơ thể con người, chúng cũng theo quá trình tuần hoàn máu đi vào nang lông. Như vậy, ma tóe và các chất chuyển hóa của nó sẽ được giữ lại bởi chất sừng có trong tóc. Nên khi đã hút ma tóe, dù bạn có gội đầu hay nhuộm tóc thông thường thì cũng chẳng thay đổi được gì, vì đã trong 3-6 tháng sau khi hút, thành phần của ma tóe vẫn ở trong lông, tóc bạn mà thôi.
Để cho ra kết quả âm tính, các con nghiện truyền tai nhau hai mẹo là thường xuyên cạo lông và tẩy tóc liên tục. Vì quá trình tẩy tóc khá đau đớn, tạo tổn thương trên da đầu nên họ tin rằng nó cũng sẽ làm thay đổi kết quả xét nghiệm.
Một ví dụ điển hình là Park Yoochun trong scandal ma tóe năm nào, anh thường xuyên tẩy tóc, lông trên người cũng rụng sạch. Với khả năng diễn xuất thần sầu, thậm chí anh còn tổ chức họp báo khẳng định mình vô tội và chất vấn ngược lại rằng liệu kết quả xét nghiệm của cơ quan chức năng có thật sự đúng.
Nhưng cuối cùng, Park Yoochun cũng thừa nhận hành vi sử dụng ma tóe sau khi cảnh sát tìm thấy… lông chân của anh trong nhà, kết quả xét nghiệm cho thấy Park Yoochun đã hút ma tóe đá.
Trong phòng chỉ có Lee Sara mặc áo phao kín bưng?
Sau khi Son Myeongoh mất tích, nguồn cung cấp ma tóe cho Lee Sara không còn. Thiếu thuốc khiến Lee Sara trong giai đoạn này luôn lộ ra những hành vi quái lạ.
Ví dụ, ở trong phòng kín nhưng cô ả luôn mặc áo phao, đội mũ len, đeo khăn quàng cổ, đi vớ thật dày. Đây hoàn toàn là biểu hiện của một người đã nghiện ma tóe rất nặng. Khi hút chích, ma tóe sẽ kích thích hệ tuần hoàn máu khiến cả người nóng phừng phừng, cảm giác cứ lâng lâng sung sướng. Vậy nên bạn hay thấy mấy con nghiện hút xong sẽ cởi đồ đấy.
Ngược lại, sau khi không được hút chích nữa, mạch máu của người nghiện sẽ co lại, máu lưu thông chậm hơn khiến họ sinh ra cảm giác sợ lạnh.
Để làm rõ độ nghiện nặng của Sara, phân đoạn này còn có hàng loạt chai nước khoáng và thức ăn nhiều calo được bày trên bàn (bánh ngọt, bơ đậu phộng,…). Hoặc trước đó cũng có đoạn Sara uống một hớp sữa thật to, ngồi trước chiếc tủ lạnh ngập đầy đồ ăn.
Sara liên tục thấy đói và khát chính là vì ma tóe đẩy nhanh quá trình trao đổi chất trong cơ thể khiến người nghiện muốn nạp thêm nước và năng lượng để bù vào.
Phải nói rằng, đoàn làm phim rất tỉ mỉ trong việc xây dựng các tình tiết này.
Chi tiết quyển sách được người mẹ cầm trên tay sau khi con gái đi du học.
Trong những tập trước, cô Hyeonnam đã nhớ nhầm tên quyển sách “Demian” thành “Remian” – phát âm tương tự Raemian, tên loạt chung cư cao cấp nổi danh ở Seoul. Sau khi con gái đi du học, trong lúc dọn dẹp nhà cửa, cô Hyeonnam phát hiện con gái đã chỉnh chữ “D” trên bìa sách thành “Remian”.
Tại sao biên kịch lại sử dụng quyển sách này mà không phải là một quyển sách nào khác?
Trước tiên nói về “Demian”, đây là một tác phẩm của nhà văn người Đức Hermann Hesse. Trong trường hợp bạn tò mò, “Demian” cũng được xuất bản ở Việt Nam với tên gọi “Tuổi trẻ băn khoăn”.
Người viết cho rằng, biên kịch Kim Eunsook đã mượn quyển sách này để ẩn dụ cho hoàn cảnh và hướng đi của các nhân vật trong phim. Một trong những câu trích dẫn nổi tiếng khi nhắc đến “Demian” chính là:
Chim non cố phá vỏ bọc hòng mong chào đời. Chiếc vỏ ấy là cả một thế giới. Kẻ muốn được sinh ra, trước tiên phải hủy diệt thế giới.
Gia đình với người chồng khốn nạn chính là vỏ trứng của Hyeonnam. Mục đích của cô ngay từ đầu là phải giết được gã đàn ông ấy. Chồng chết rồi, đồng nghĩa với việc cô đã phá tung lớp vỏ, hủy diệt thế giới ban sơ và để bản thân sinh ra một lần nữa.
Đây có thể cũng chính là lí do biên kịch luôn để nhân vật này mang theo quả trứng bên người.
Bầy đàn của những kẻ khiếp nhược, thực ra luôn chìm trong nỗi sợ hãi. Và mỗi người trong chúng đều có mưu đồ riêng.
Lại một câu trong “Demian” rất thích hợp để miêu tả hội 5 người bắt nạt. Moon Dongeun chỉ giăng bẫy, còn 5 người bọn họ tự chia rẽ và đẩy nhau xuống hố. Đó là minh chứng của một mối quan hệ mỏng manh như tơ nhện.
Ngay cả lúc trông có vẻ hòa hợp với nhau, bọn họ luôn sẵn sàng đâm sau lưng đối phương. Ví như bản ghi âm của Son Myeongoh, video cũ thời học sinh mà Sara quay Park Yeonjin, hay video Sara bò bốn chân được Hyejeong gửi vào group chat.
Ai trong chúng ta cũng nên tìm ra khái niệm thứ gì là hợp lí, thứ gì là cấm kỵ cho riêng mình. Một kẻ cả đời chưa từng phạm luật vẫn có thể là một thằng khốn đấy thôi, và ngược lại cũng thế.
Câu này lại rất thích hợp để miêu tả Ha Doyeong – người mà Hyejeong cho rằng phải nhìn kĩ mới biết anh là đồ khốn nạn.
Ở phần 2, Kim Eunsook không dành thời gian miêu tả mối quan hệ đặc biệt giữa anh và nữ chính (thật ra ngay từ phần 1 biên kịch cũng đã làm thế). Thay vào đó, bà chỉ dùng vài hình ảnh để cô đọng thế giới cảm xúc của anh.
Ví như đôi giày được cởi ra xếp gọn ngoài cửa phòng, ánh mắt chất chứa nỗi niềm khó nói khi trông thấy vết sẹo của Dongeun, hay chỉ đơn giản là vẻ mặt dường như không chút cảm xúc khi anh đứng ăn cơm nắm một mình ngoài cửa hàng tiện lợi.
Ngay cả khi là người kết thúc sinh mạng của Jeon Jaejun, Ha Doyeong vẫn lịch lãm như thế. Nhân vật này khiến người viết nhớ tới câu nói nổi tiếng trong phim “Ký sinh trùng”, ấy là “họ giàu nên mới tốt bụng đấy thôi”.
Quả vậy, Ha Doyeong giàu có ngạo nghễ là thật, nhưng không thể phủ nhận anh là một kẻ giàu tốt bụng. Anh dành mọi điều tốt đẹp cho Yesol, trả hết chi phí 18 năm bảo quản xác cho Yoon Sohee. Thậm chí anh còn cho Yeonjin cơ hội lựa chọn cuối cùng, hoặc đôi bên đường ai nấy đi, hoặc ả chỉ cần đi xin lỗi chân thành với gia đình nạn nhân là đủ.
Ở tập cuối cùng, hình tượng gã khốn nhân lành của Ha Doyeong được thể hiện rất rõ ràng. Anh đẩy Jaejun xuống bồn xi măng một cách thẳng tay, không hề do dự.
Nếu chỉ xét trên góc độ phim ảnh, tạm bỏ qua khái niệm đạo đức ngoài đời thực thì Ha Doyeong đúng là một nhân vật rất có sức hấp dẫn với người khác. Tất nhiên, khí chất của diễn viên thủ vai cũng là điểm cộng tạo nên sự thu hút này.
Trong “Demian” lại có đoạn:
Đó chẳng qua chỉ là câu chuyện khuyên chúng ta hướng thiện, mượn ngôn từ lay động ý chí con người mà thôi. Nếu cần chọn một trong hai tên cướp để làm bạn, hoặc phải quyết định xem mình nên tin tưởng ai hơn, chắc chắn tôi sẽ không chọn kẻ khóc lóc tỏ vẻ ăn năn.
Thay vào đó, tôi sẽ chọn kẻ còn lại.
Bởi từ đầu đến cuối, hắn vẫn là một kẻ đầy khí phách, tâm vững như bàn thạch. Với hắn mà nói, thay đổi chỉ là thứ chót lưỡi đầu môi. Hắn thà một mình đi vào bóng tối, chứ quyết không bỏ rơi đám ma quỷ đã buông lời xúi giục sau lưng.
Yeonjin à, cô bảo chẳng hiểu vì sao người nghèo luôn tin vào khuyến thiện trừng ác, tin vào cái gọi là báo ứng. Nhưng phải làm sao đây, “The Glory” đích thực là một câu chuyện về nhân quả của kẻ ác.
Vả lại câu nói chỉ có người nghèo mới tin vào khuyến thiện trừng ác là không đúng, bởi viện trưởng Joo – cha của nam chính là người đức cao vọng trọng, tiền quyền chẳng thiếu thứ gì cũng rất tin vào bốn chữ này cơ mà.
Dongeun có cho Park Yeonjin cơ hội hối cải không? Có.
Ha Doyeong có cho Park Yeonjin quay đầu không? Có.
Nhưng Park Yeonjin chỉ muốn tiến sâu vào bóng tối.
Ả ta không màng đến việc ăn năn hay tạ lỗi, nên việc vào tù và bị bắt nạt là cái kết hợp lí nhất cho nhân vật này – một cái kết “mắt đền mắt, răng đền răng”.
Có lẽ những hình ảnh ẩn dụ liên quan đến “Demian” chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Nếu đọc kĩ quyển sách này hơn, biết đâu bạn sẽ tìm ra càng nhiều thứ mang tính tương đồng với các nhân vật trong phim.
Jeon Jaejun thương con như thế, vì sao biên kịch không để gã nuôi nấng bé Yesol?
Ở phần 1, không khó để nhận ra Jaejun rất yêu quý chú cún Louis của mình.
Sang phần 2, trong lúc mua sắm đồ đạc để trang trí phòng cho con gái, Jaejun được anh nhân viên nhắc rằng: Nhà bình thường có trẻ con sẽ không nuôi chó, vì lông chó rất có khả năng sẽ khiến trẻ bị bệnh về đường hô hấp.
Trong khi đó, giống chó mà Jaejun nuôi lại là chó Tây Ban Nha – một loại chó có bộ lông khá dài, rụng lông nhiều, sợi lông mảnh, rất dễ gây kích ứng đường hô hấp.
Là một người bình thường khi rơi vào trường hợp này, hoặc là sẽ gửi chú chó đi chỗ khác, hoặc là để chó và em bé ở hai phòng khác nhau, hạn chế tiếp xúc.
Nhưng Jeon Jaejun thì sao?
Gã chỉ xách chó đi cạo hết lông mà thôi.
Cách thức này nhìn qua có vẻ rất nhân đạo, nhưng trên thực tế lại chẳng ra làm sao. Louis vốn thuộc giống chó lông dài, nay lại bị cạo sạch sẽ như thế sẽ khiến nó mất đi lớp bảo vệ, dễ sinh bệnh và bị stress về sau.
Nói cách khác, ngay từ đầu Jeon Jaejun đã không có những ý thức cơ bản mà một người cha tốt cần có. Gã vừa muốn có con, vừa không muốn rời xa Louis. Để giữ chú chó lại bên cạnh mình nhằm thỏa mãn mong muốn cá nhân, gã đã quyết định cạo lông nó. Một quyết định mà một kẻ yêu bản thân như Jeon Jaejun tự thấy là – vẹn toàn đôi bên.
Đúng vậy, Jeon Jaejun là một kẻ vô cùng ích kỷ, chỉ biết yêu bản thân mà thôi.
Gã nghĩ mình là người cha tốt, nên cho mình cái quyền cạo trọc cún cưng.
Gã nghĩ mình là người cha tốt, nên mới trang trí phòng cho Yesol đủ mọi sắc màu, có cả xanh lá và đỏ mà không để tâm đến cảm nhận của con trẻ.
Quan trọng nhất là từ đầu đến cuối, Jeon Jaejun chẳng mảy may để tâm đến mong muốn của Yesol. Trong mắt gã, Louis cũng vậy, Yesol cũng thế, đã là đồ thuộc về Jeon Jaejun thì dù gã có muốn kéo đi cạo trụi lông, hay cứ khăng khăng bắt đối phương phải rời bỏ mái ấm đã sống yên bình mấy năm trời để về bên gã cũng là lẽ thường tình.
Tóm lại, Jeon Jaejun là một người rất ích kỷ. Xét trên phương diện làm cha, gã hoàn toàn không có cửa so sánh với Ha Doyeong.
Trong bất cứ tình huống nào, Ha Doyeong đều đặt Yesol lên hàng đầu, luôn cố gắng giữ gìn phẩm giá và thể diện cho cô bé.
Còn Jeon Jaejun?
Dù đang nổi cơn tam bành hay thể hiện bản năng người cha, gã đều không chú ý đến hai điều này.
Tại sao Kim Gyungran lại làm việc cho Jeon Jaejun?
Trong phần 1, cô nhân viên Kim Kyungran có khá nhiều phân đoạn đặc tả khiến khán giả tin rằng, đây không chỉ là một nhân vật qua đường.
Quả vậy, khi phần 2 lên sóng đã cho chúng ta biết, Kim Kyungran từng là bạn thời đi học của Moon Dongeun. Nhưng khi nữ chính bị hội phản diện bắt nạt, Kyungran đã chọn việc bo bo giữ mình, bỏ mặc bạn bè.
Kim Kyungran của sau đó không hề đổi tên, cũng chẳng phẫu thuật thẩm mỹ như lời đồn. Chỉ đơn giản là cô đã bỏ rơi Dongeun nên chiếm được lòng tin của bọn bắt nạt, nhờ vậy mà tiếp tục sinh tồn bên cạnh họ.
Nói cách khác, Kim Kyungran của lúc đi học có thể chỉ khoanh tay đứng nhìn chứ không làm gì quá đáng, nhưng biểu hiện ấy đã vô tình đưa cô gia nhập bầy đàn kẻ xấu.
Khái niệm gia nhập này không phải cứ nhất thiết là chính tay cô cầm máy uốn tóc đè lên người Dongeun, mà chỉ cần có người hỏi về vụ bắt nạt, Kyungran lắc đầu giả lơ cũng đã tính rồi.
Chúng ta cần chú ý một điểm, ấy là nhóm bắt nạt do hội ba kẻ giàu có làm chủ cuộc chơi, hai người còn lại là hội tay sai. Hội ba kẻ giàu có cũng từng nói, bọn họ coi thường Son Myeongoh và Choi Hyejeong, cũng ít khi tỏ ra thân thiết với họ. Hội tay sai cũng như cô bảo mẫu, chú quản gia, anh lái xe – là đối tượng mà hội giàu có thích thì sa thải, đổi thành người khác chỉ trong phút mốt.
Vậy tại sao ngần ấy năm trôi qua, Kim Kyungran vẫn luôn “được” làm việc trong tiệm của Jaejun?
Có một vấn đề cần chúng ta hiểu rõ.
Hội phản diện không cần Kim Kyungran, là cô ấy đầu quân cho họ, là cô ấy chọn làm việc dưới trướng Jeon Jaejun chứ không phải Jeon Jaejun khăng khăng chỉ muốn thuê Kim Kyungran.
Kim Kyungran chính là Son Myeongoh phiên bản nữ. Nếu Myeongoh là tài xế kiêm trợ lý chăm lo mọi điều trong cuộc sống hàng ngày cho Jaejun, thì Kim Kyungran là cửa hàng trưởng giúp Jaejun quản lý cửa tiệm, tiếp các khách hàng nữ. Đây là những chuyện mà Kyungran có quyền quyết định làm hay không làm, hội phản diện không hề ép buộc cô.
Bằng chứng là trước khi dùng chai rượu đánh chết Myeongoh trong lúc hoảng loạn, Kim Kyungran không hề có hành vi nào chứng tỏ cô muốn gấp rút trả thù hội phản diện.
Thêm vào đó, trong phân đoạn Dongeun và Myeongoh gặp nhau ở cửa hàng Siesta, Kyungran đã nói với Myeongoh thế này:
“Jaejun gọi kìa, cậu ta hỏi sao cậu không nghe máy?”
Bạn có nhận ra điều gì qua câu này chăng?
Chúng ta ít nhiều gì cũng từng nghe về kính ngữ trong tiếng Hàn. Kính ngữ là cách nói chuyện thể hiện sự tôn trọng với người đối diện, thường được dùng khi nói chuyện với người lớn tuổi hơn, người có địa vị cao hơn mình, ví dụ như cấp trên.
Trong trường hợp hai người nói chuyện cùng vai vế, hoặc đối phương nhỏ tuổi hơn mình, ta có quyền không dùng kính ngữ, nhưng ngôn từ vẫn ở mức lịch sự.
Ngoài hai loại này, còn một hình thức nữa đó là nói chuyện trống không, thường dùng khi nói chuyện với bạn bè thân thiết hoặc người quen lâu năm.
Ở đoạn trên, Kyungran không gọi Jaejun là ông chủ, cũng không gọi Myeongoh là trợ lý Son, mà dùng cách nói trống không.
Sau đó có một phân đoạn Jeon Jaejun mời Kim Kyungran đi mua sắm cùng để lựa quà Giáng sinh cho Yesol. Kim Kim Kyungran đã từ chối, Jeon Jaejun phản ứng thế nào?
Không hề tức giận.
Có thể thấy qua đối thoại hằng ngày, hai người đều dùng cách nói chuyện trống không với nhau. Điều này chứng tỏ tại Siesta, quan hệ giữa Kim Kyungran và Jeon Jaejun không phải là quan hệ giữa kẻ bắt nạt và người chịu nạn, mà chỉ đơn giản là mối quan hệ khá thoải mái giữa ông chủ và nhân viên.
Nếu Kim Kyungran rời xa cửa hàng của Jeon Jaejun, cô không chắc mình sẽ tìm được công việc tốt hơn. Phải chăng đây là lí do nhân vật này quyết định ở lại?
Bởi Jeon Jaejun có một ưu điểm rõ ràng: Với nữ giới xung quanh mình và kẻ dưới trướng, gã không hề tiếc tiền cho họ. Ví dụ như có đoạn Jaejun mắng Myeongoh rằng, gã thuê Myeongoh làm tài xế nhưng cuối cùng gã lại phải tự lái xe nhiều hơn, nhưng rốt cuộc gã vẫn trả lương đàng hoàng cho Myeongoh.
Son Myeongoh cũng là thành phần dưới đáy xã hội như Kim Kyungran, như Moon Dongeun, nhưng gã đã nguyện trở thành tay sai và đao phủ của hội phản diện.
Cảnh Myeongoh xâm hại Kyungran là thì tiếp diễn của những gì mà hội phản diện đã làm với Dongeun. Giây phút bị xâm hại, Kyungran có thấy hối hận vì năm ấy đã ngoảnh mặt làm ngơ, không giúp đỡ Dongeun không?
Các bạn thân mến, tôi không phán xét một cách ác ý mà chỉ đưa ra cái nhìn khách quan về những việc mà nhân vật này làm mà thôi. Nếu bạn cảm thấy tôi đang xúc phạm, vậy tôi xin nói thẳng:
Tôi không xúc phạm bạn, mà chính bạn là người đã coi rẻ bản thân.