Một trong những chuyến đi vào mùa Giáng sinh ghi dấu mãi trong tôi chính là về Đường Lâm, hay đúng hơn là về những ngôi làng quanh vùng Ba Vì, Sơn Tây.
Tôi lúc ấy tan tác như cánh chim trong bão, chỉ muốn tìm nơi hiu quạnh để mình được ôm mình nỉ non. Đường Lâm là sự lựa chọn trong tích tắc; đơn giản chỉ để khi vừa xuống Nội Bài, tôi có thể có ngay một không gian khác trong thời gian ngắn nhất, không phải là phố đầy người.
Một chuyến đi trốn
Một chuyến đi trốn. Trốn phố, trốn người, trốn hiện tại, trốn cả tương lai.
Ở nhà người quen trong một xóm nhỏ, tôi đạp xe lang thang vô định nhiều ngày liền. Ngang qua những cánh đồng đậu đang mùa chín vàng như lá mùa thu, ngang qua những nương ngô xanh mướt, xuyên qua rừng bạch đàn và ngồi ngắm hoàng hôn trên những vuông tôm.
Mặt Trời những buổi chiều tà của mùa đông miền Bắc, xanh và lạnh, chẳng thể làm tan những băng giá trong tôi. Những con đường làng đưa tôi tới những địa danh mới chỉ được nghe tên như đền Và, chùa Mía, miếu Mèn, đình Chu Quyến, đình Tây Đằng…
Một thời, những ngôi đình nơi đây là hồn cốt của một vùng, nơi thờ thần hoàng linh thiêng, nơi tụ họp, điểm son của văn hóa làng xã Việt xưa, nơi để những người con đi xa luôn nhớ về.
Nhưng khi tôi tới, cửa đóng then cài, may mắn lắm mới kiếm được người coi sóc và được vào ngắm những hoa văn gỗ trăm năm tuổi bên trong.
Những ngôi đình đang dần biến mất, hoặc mất đi ý nghĩa truyền thống trong đời sống nông thôn Việt Nam. Nhưng ở vùng Ba Vì, Sơn Tây này, tôi vẫn cảm nhận rất rõ không khí linh thiêng, ít nơi nào có được.
Linh khí hiển hiện thật rõ ràng khi tôi vượt đường mây leo lên núi Tản. Linh khí đậm đặc trong những đền, đình, chùa, miếu và cả trên những con đường, cánh đồng hay bờ ao mà tôi đi qua.
Chưa ở đâu mà tôi cảm nhận được cái hồn linh thiêng của đất, cái linh khí của vùng một cách trọn vẹn như ở nơi đây. Và sau một tuần, dường như có một phần nào đó trong tôi đã được hồi sinh.
Ở Đường Lâm, duyên lành cho tôi gặp được anh V., có được một chỗ ngủ trong căn nhà cổ của anh chị, mới sửa sang lại để làm homestay cho du khách. Anh V. là người rất nhiệt tình và là một kho kiến thức về làng cổ vì gia đình anh là dân gốc mấy đời ở nơi đây.
Ban ngày, tôi lang thang trong làng, uống nước vối ngoài đình, ghé nhà này nếm chè lam, sang nhà kia xem làm bánh tẻ, bánh dợm, và lại đạp xe sang lăng Ngô Quyền và Phùng Hưng.
Bản nhạc màu cứu rỗi tâm hồn
Đêm Giáng sinh năm ấy, anh V. lấy xe máy chở tôi đi xem lễ tại nhà thờ lớn trong thị xã Sơn Tây. Nhà thờ nằm trong phố, đối diện thành cổ Sơn Tây.
Một ngôi nhà Chúa kiểu mới, hơi lòe loẹt trang trí cho đêm Chúa ra đời. Nhưng có hề gì, được nghe Đức Cha giảng về ngày Giáng sinh, ăn bánh thánh, được hòa vào dòng người cả có đạo và không có đạo, xem hang đá và cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ trong vườn, tất cả đã khiến tôi dần quên đi lý do mình đến đây.
Nhưng, đêm Giáng sinh đó trong căn nhà cổ, tôi đã trằn trọc không sao ngủ được. Quá khứ, tưởng đã chìm vào quên lãng, bỗng đâu trỗi dậy trong cái im ắng lạnh lùng của đêm đông.
Dù cửa đã đóng chặt và có chiếc chăn bông dày, cái lạnh vẫn luồn lách khắp nơi trong nhà, luồn những ngón tay lạnh lẽo vào tôi đang co ro khốn khổ.
Năm giờ sáng, trời mùa đông còn tối mù, nhưng tôi quyết định dậy đi lòng vòng trong cái lạnh se sắt. Đường làng vắng không một bóng người. Bạn đã bao giờ trải qua cảm giác của một sáng mùa đông vào ngày Chúa sinh, lạnh lẽo và cô đơn, trong một ngôi làng xa lạ như vậy bao giờ chưa?
Tôi đã trải qua những lần như thế khi đi học ở Đức, nhưng cái cảm giác cô đơn trên chính quê hương mình thật kinh khủng lắm, không gì có thể so sánh được.
Nhưng những ngày trải qua tại những ngôi làng vùng Sơn Tây đã cho tôi hiểu rằng cần phải mạnh mẽ, phải uống từng ngụm linh khí mà đất trời nơi đây đang trao. Để có thể đứng lên và vượt qua mọi điều.
Lần theo bờ tường đá ong có cây mành mành đổ những chùm sợi mềm mịn từ trên cao xuống, tôi đi xuyên qua lớp mành ấy, để những sợi tơ vương đầy trên mặt, trên vai. Bỗng thấy lòng dịu xuống, dễ chịu lạ lùng.
Trước mặt tôi là đình Mông Phụng sừng sững uy nghiêm trong ánh sáng buổi ban mai. Ngôi đình cổ này được xây dựng từ năm 1553 dưới thời Lê, thờ Thánh Tản, có đình ngoài và hai nhà tả hữu mạc ở hai bên, tường đá ong xung quanh và bốn cột trụ trước cửa.
Tôi đi ngang những cánh cổng bằng đá ong của những ngôi nhà cổ, băng qua những giếng nước rêu phong phủ đầy như đôi mắt thần đã khép, đến ngôi nhà thờ bé nhỏ nơi cuối làng.
Chuông nhà thờ ngân dài trên những mái ngói, lan tới từng con đường, con ngõ. Tôi không còn ngạc nhiên nữa, khi ở vùng đất hai vua linh thiêng này, trong ngôi làng nhỏ này lại có một nhà thờ.
Tạo hóa là vô tận và đức tin cũng là vô tận, đó là điều tôi đã học được qua những chuyến đi. Khóa lễ bắt đầu lúc sáu giờ. Vẫn là một không khí khó diễn tả mỗi khi bước chân vào ngôi nhà của Chúa, dù đơn giản hay cầu kỳ, cổ kính hay tân thời. Chỉ biết rằng ta luôn được bao bọc bởi một sự thành kính nhẹ nhàng, thanh thản mà gần gũi hiếm thấy.
Nhà thờ dần đông. Xung quanh tôi là những ánh mắt và những gương mặt ngời ngời như ánh sáng của ngày Chúa sinh.
Ngồi xuống và nhắm mắt. Tiếng thánh ca nâng lên tôi lên từ từ, nhẹ bỗng, bay qua những mái đình cong vút, bay qua rừng bạch đàn, ruộng lúa, bờ ao.
Không khổ sở, không lạnh lẽo, không còn sự đơn côi. Tôi tin rằng trong buổi sáng ngày lễ thánh ở nơi ấy, tôi đã thấy ánh sáng của Thiên Chúa. Như một bản nhạc màu cứu rỗi tâm hồn tôi.
Theo Zing News