Theo 1 phim tài liệu của Hàn Quốc về cung nỏ thì ở hầu hết các nền văn hóa chuộng cung nỏ như Triều Tiên, Ba Tư, La Mã, Ottoman,… (trừ Trung Hoa). Nơi nào cũng chuộng mũi tên ngắn và nặng hơn các loại tên dài và nhẹ, đặc biệt là tên cho nỏ. Cung tên muốn bắn được mũi tên ngắn thì phải dùng 1 cái máng trượt bằng tre (người Hàn Quốc gọi là Tong-ah).
Lý do:
- Mũi tên ngắn miễn nhiễm với Nghịch Lý Cung Thủ (Archer’s Paradox), thứ khiến phần thân mũi tên dài khi bắn ra sẽ bị lắc lư rất mạnh, gây nhiễu loạn trong không khí, khiến mũi tên gặp nhiều lực cản không khí hơn và gặp nhiều ma sát hơn.
- Mũi tên ngắn cho vận tốc nhanh hơn, động năng lớn hơn nên khả năng xuyên giáp tốt hơn, tầm bắn xa hơn ít nhất gấp 2 lần so với tên dài.
- Vì bay nhanh nên rất khó để đối phương nhìn thấy và dùng khiên chặn tên hiệu quả. Thậm chí trong các cuộc phục kích, kẻ thù còn không biết tên bắn từ vị trí nào.
- Theo định luật 3 Newton, mũi tên dài không những không truyền đầy đủ lực mà khi tiếp xúc với bề mặt đủ cứng (như giáp trụ, khiên,…) sẽ gặp phản lực khiến phần thân tên chịu áp lực rất lớn, trong nhiều trường hợp sẽ gây gãy đôi mũi tên. Mũi tên ngắn hạn chế tối đa điểm yếu này.
- Mũi tên ngắn khiến cho kẻ địch có lượm tên bắn lại cũng vô dụng. Tên dài khi gãy có thể tái chế thành tên ngắn.
Chính vì sử dụng mũi tên nhỏ và nặng mà lính nỏ Tân La có lợi thế hơn các lính nỏ nhà Đường.
Trong trận Mãi Tiêu (675) 3 vạn quân Tân La (đa số lính nỏ) giao chiến với 4 vạn quân Đường (đa số là kỵ binh)
Cung nỏ Tân La đã đóng vai trò quan trọng trong trận đánh. Những lính nỏ Tân La nhờ công nghệ dùng mũi tên ngắn và nặng nên đã đánh bại được quân cung nỏ nhà Đường rồi sau đó tập trung hỏa lực 3 hướng vào tiêu diệt lực lượng thiết kỵ nhà Đường ở trung quân. Kết thúc trận đánh, khoảng 6.047 kỵ binh Đường tử trận, số còn lại bị thương, đầu hàng hoặc bỏ chạy, Tân La tuyên bố thu được 30.380 con ngựa, 3 vạn binh khí.
Tuy nhiên đây rất có thể là tuyên truyền phục vụ chủ nghĩa dân tộc cực đoan của người Hàn Quốc. Vì theo Tư Trị Thông Giám, chiến thắng này không có nhiều ý nghĩa vì trước đó quân Tân La đã bị Đường đánh te tua nhiều trận, phải gửi thư cho Hoàng Đế Đường Cao Tông để xin hàng. Nhiều năm sau, khi chủ lực quân Đường rút về hết để phòng thủ trước Thổ Phồn, Tân La vẫn không dám vượt sông Đại Đồng. Tôi cho rằng người Hàn Quốc buộc phải tâng bốc chiến thắng này lên để phủ định rằng họ đã thua cả cuộc chiến và nhận làm chư hầu cống nạp cho Đại Đường.
Ngoài Triều Tiên ra thì người Ottoman cũng sử dụng loại mũi tên và máng trượt tương tự gọi là Majra hoặc Nawak, người La Mã và Hy Lạp cũng rất chuộng những mũi tên ngắn từ thời cổ đại, chúng được gọi là σωληνάριον (trong tiếng Hy Lạp). Ở Châu Âu, mũi tên ngắn và nặng được sản xuất hàng loạt để làm tiêu chuẩn cho quân đội các quốc gia Châu Âu Trung Cổ.