Các quốc gia không thất bại sau một đêm. Hạt mầm sự sụp đổ nằm sâu trong thể chế chính trị của các quốc gia này.
Các quốc gia không thất bại sau một đêm. Hạt mầm sự sụp đổ nằm sâu trong thể chế chính trị của các quốc gia này.
DARON ACEMOGLU và JAMES A. ROBINSON
Một số nước thất bại một cách ngoạn mục, như sự sụp đổ hoàn toàn của mọi thể chế nhà nước tại Afghanistan sau khi quân đội Sô viết triệt thoái và treo cổ tổng thống Mohammad Najibulla lên cột đèn, hay trong một cuộc nội chiến kéo dài cả thập kỷ tại Sierra Leone, nơi chính phủ ngừng tồn tại hoàn toàn.
Tuy nhiên, sự tan rã ở đa số các nước khác đã không xảy ra với một tiếng nổ ầm nhưng với những rỉ rên thút thít. Những nước này thất bại không phải trong một sự bộc phát của chiến tranh và bạo lực mà vì họ hoàn toàn không thể khai thác tiềm năng tăng trưởng khổng lồ củaxã hội họ, buộc công dân của họ sống cả đời trong nghèo khó. Dạng thức thất bại chậm rãi nhưng xoáy nghiền này đã khiến các nước Châu Phi dưới Sahara, Châu Á và Mỹ Latin có mức sống thấp hơn rất rất nhiều so với phương Tây.
Điều bi thảm là thất bại này là hậu quả của một sự cố tình. Các quốc gia này sụp đổ vì chúng được cai trị bởi các thể chế kinh tế mà chúng tôi gọi là các thể chế “bòn rút” (extractive). Các thể chế này huỷ diệt động lực, cản ngăn đổi mới và làm héo mòn tài năng của người dânbằng cách tạo ra các sân chơi nghiêng lệch và cướp mất cơ hội của những người dân ấy. Sự hiện thực của các thể chế này không phải do lỗi lầm mà là có chủ ý. Chúng tồn tại vì lợi ích của các thành phần tinh hoa (elites) là những người được lợi nhất từ sự bòn rút – du đó là hình thức bòn rút dưới hình thức các khoáng sản đáng giá, lao động cướng bức hay các độc quyền được bảo vệ – mà toàn xã hội phải trả giá. Tất nhiên, những thành phần tinh hoa ấy cũng hưởng lợi từ các thể chế chính trị thủ đoạn, dùng quyền lực của họ để xô đẩy hệ thống về hướng có lợi cho họ.
Song, các nhà nước xây dựng trên bóc lột sẽ không tránh được thất bại, kéo sụp theo toàn bộ hệ thống thối nát và thường đưa đến sự đau khổ mênh mông. Hàng năm, Chỉ số các quốc gia thất bại[1] đưa ra các thống kê bi thảm của các quốc gia thất bại. Dưới đây là chỉ dẫn của chúng tôi về 10 con đường mà sự thất bại diễn ra.
1. Bắc Triều Tiên: Không có quyền sở hữu
Các thể chế kinh tế của Bắc Triều Tiên khiến người dân gần như không thể sở hữu bất cứ cái gì; nhà nước sở hữu mọi thứ, bao gồm hầu như tất cả đất đai và vốn. Nông nghiệp được tổ chức thông qua các trang trại tập thể. Mọi người đều làm việc cho Đảng Lao động Triều Tiên chứ không phải cho họ. Điều đó tiêu diệt động lực muốn thành công của họ.
Bắc Triều Tiên có thể trù phú hơn nhiều. Năm 1998, một phái đoàn của Liên Hợp Quốc nhận thấy rằng nhiều máy cày, xe tải, và máy móc nông nghiệp khác của quốc gia này đơn giản là không được sử dụng hay bảo trì. Từ những năm 1980, nông dân được phép sở hữu những thửa đất nhỏ và bán những gì họ trồng. Nhưng ngay điều này cũng không tạo ra nhiều khuyến khích vì sự thiếu vắng rộng khắp các quyền sở hữu. Năm 2009, chính phủ đổi tiền và chỉ cho phép mỗi người dân đổi từ 100.000 đến 150.000 won [2] tiền cũ sang tiền mới (tương đương khoảng 30, 40 đô la Mỹ theo giá chợ đen). Những người đã lao động và để dành bằng tiền cũ nhìn tiền tiết kiệm của mình trở thành vô giá trị.
Bắc Triều Tiên không chỉ thất bại về tăng trưởng kinh tế – trong khi Nam Triều Tiên tăng trưởng rất nhanh – mà người dân của họ đơn giảncũng là thất bại trong việc trở nên trù phú hơn. Bị kẹt trong cái vòng xoay gây tê liệt này, Bắc Triều Tiên không chỉ nghèo hơn rất nhiều so với Nam Triều Tiên, họ còn lùn hơn (trung bình có thể đến 7,6 centimét) người láng giềng phía nam mà họ đã tách ra trong sáu thập kỷ qua.
2. Uzbekistan: Lao động cưỡng bức
Cưỡng bức là cách chắc chắn để thất bại. Tuy nhiên, cho đến gần đây, chí ít là trong phạm vi lịch sử nhân loại, phần lớn các nền kinh tế đều dựa vào sự cưỡng bức người lao động – nô lệ, nông nô và nhiều hình thức lao động cưỡng bức khác. Sự thật là, danh sách các phương cách để bắt con người làm cái họ không muốn cũng dài như danh sách các xã hội dựa trên cưỡng bức. Lao động cưỡng bức cũng là nguyên nhân của sự thiếu đổi mới và tiến bộ kỹ thuật trong đa số các xã hội này từ La Mã cổ đại cho đến miền Nam nước Mỹ.
Nước Uzbekistan hiện tại là một ví dụ hoàn hảo cho thấy cái quá khứ bi thảm ấy đã diễn ra như thế nào. Bông là một trong những hàng xuất khẩu lớn nhất của Uzbekistan. Vào tháng 9, lúc bông đến vụ thu hoạch, các trường học không một bóng trẻ em, tất cả bị cưỡng bức đi thu hoạch bông. Các nhà giáo thay vì làm công tác giáo dục thì trở thành những người tuyển lao động. Trẻ em được giao định mức thu hoạch từ 20 đến 60 kg bông mỗi ngày tùy theo độ tuổi. Người được lợi chính từ hệ thống này là tổng thống Islam Karimov và bầu bạn của ông ta, những người kiểm soát việc sản xuất và bán bông. Người thiệt thòi không chỉ là 2,7 triệu trẻ em bị cưỡng bức lao động mà còn là toàn xã hội Uzbekistan, một xã hội không thể vượt ra khỏi sự nghèo khổ. Thu nhập bình quân đầu người ở đây không cách xa bao nhiêu với mức thấp của họ khi Liên Xô sụp đổ, ngoại trừ thu nhập của gia đinh Karimov, người đang thống trị ngành khai thác dầu khí ở nước này, là đang rất khá.
3. Nam Phi: Một sân chơi nghiêng lệch
Vào năm 1904, công nghiệp khai khoáng đặt định một hệ thống đẳng cấp về việc làm tại Nam Phi. Từ khi ấy trở đi, chỉ những người Châu Âu mới được làm thợ rèn, thợ làm gạch, thợ nồi hơi – cơ bản là bất cứ việc làm nào đòi hỏi kỹ năng. “Rào cản [da] màu” này, như người Nam Phi gọi nó, đã được mở rộng ra toàn bộ nền kinh tế vào năm 1926 và kéo dài cho tới những năm 1980, đã tước đoạt mọi cơ hội sử dụng kỹ năng và tài năng của những người Nam Phi da đen. Họ bị buộc phải làm những công việc không cần đến kỹ năng trong các hầm mỏ và trong nông nghiệp với mức lương rất thấp. Điều đó mang lại lợi nhuận kếch xù cho giới tinh hoa – những người chủ sở hữu các hầm mỏ và các nông trại. Chẳng có gì ngạc nhiên, Nam Phi dưới chế độ phân ly chủng tộc (apartheid) đã thất bại trong việc cải thiện điều kiện sống cho 80% dân số của quốc gia này trong gần một thế kỷ. Trong vòng 15 năm trước khi chế độ phân ly chủng tộc sụp đổ, nền kinh tế Nam Phi thậm chí còn co lại. Từ năm 1994 với sự thăng tiến của một nhà nước dân chủ, nền kinh tế tăng trưởng đều đặn trở lại.
4. Ai Cập: Các ông lớn trở nên tham lam
Khi giới ưu tú kiểm soát nền kinh tế, họ thường sử dụng quyền của họ để tạo ra các độc quyền và ngăn cản sự xâm nhập của những người mới hay hãng mới. Đó chính là điều đã diễn ra tại Ai Cập trong suốt ba thập kỷ thời Hosni Mubarak. Chính phủ và quân đội sở hữu nhiều mảng lớn của nền kinh tế – khoảng 40% theo một số ước tính. Ngay khi họ “tự do hoá”, họ đã tư nhân hóa một phần lớn nền kinh tế vào tay bạn bè của Mubarak hay của con trai ông ta – Gamal. Các nhà kinh doanh lớn gần gũi với chế độ, ví dụ như Ahmed Ezz (trong lĩnh vực sắt và thép), gia đình Sawiris (trong lĩnh vực đa truyền thông, nước giải khát và viễn thông) và Mohamed Nosseir (trong lĩnh vực nước giải khát và viễn thông) đã nhận được không chỉ sự bảo hộ của nhà nước mà còn các hợp đồng của nhà nước và các khoản tín dụng lớn từ ngân hàng mà không cần thế chấp.
Các nhà kinh doanh lớn này được biết đến như những con “cá voi”. Sự nắm chặt nền kinh tế trong tay của họ đã tạo ra lợi nhuận khổng lồ cho những kẻ bên trong chế độ, nhưng lại ngăn chặn cơ hội của đại bộ phận người dân Ai Cập thoát khỏi nghèo khổ. Trong lúc đó, gia đình Mubarak tích lũy một tài sản ước tính khoảng 70 tỷ đô la.
5. Áo và Nga: Giới quyền lực cản trở công nghệ mới
Các công nghệ mới đặc biệt có tính phá hủy. Chúng quét đi các mô hình kinh doanh cũ và làm cho các kỹ năng và các tổ chức hiện hành trở nên lỗi thời. Chúng phân phối lại không chỉ thu nhập và của cải mà còn cả quyền lực chính trị. Đó là một động lực lớn khiến giới tinh hoa cố gắng ngăn chặn tiến bộ. Thế là tốt cho họ, nhưng không tốt cho xã hội.
Hãy xem cái gì đã xảy ra vào thế kỷ 19, khi đường sắt đã lan rộng ra khắp nước Anh và nước Mỹ. Một đề án xây dựng đường sắt được trình lên Francis I, hoàng đế nước Áo. Vẫn đang bị ám ảnh bởi bóng ma của Cách mạng Pháp 1789, ông ta trả lời: “Không, không, tôi sẽ không làm gì với cái này hết, không thì cách mạng có thể vào nước ta.” Một việc tương tự cũng xảy ra ở Nga cho đến tận những năm 1860. Với các công nghệ mới bị ngăn chặn, chế độ Sa hoàng đã an toàn, ít nhất trong một thời gian. Trong khi Anh và Mỹ phát triển nhanh chóng thì Áo và Nga đã không được như thế. Đường ray nói lên câu chuyện: vào những năm 1840, nước Anh trong cơn sốt đường sắt với hơn 6000 dặm đường sắt được xây dựng, trong khi ở nước Nga mênh mông thì chỉ có một tuyến đường sắt. Thậm chí tuyến đường đó cũng không được xây dựng vì lợi ích của dân Nga; nó dài 17 dặm nối St. Petersburg với dinh thự hoàng gia tại làng Tsarskoe và Pavlovsk.
6. Somali: Không luật pháp và trật tự
Một điều nhất thiết phải có cho một nền kinh tế thành công là một nhà nước trung ương hiệu quả. Thiếu cái đó sẽ không có hi vọng gì về bảo đảm trật tự, một hệ thống luật pháp hiệu quả và cung cấp các hàng hóa công cơ bản.
Thật vậy, hiện nay phần lớn thế giới vẫn là các xã hội không có nhà nước. Mặc dù các quốc gia như Somali hay một quốc gia mới là Nam Sudan có chính quyền được quốc tế công nhận, các chính quyền này vẫn thực thi rất ít quyền lực bên ngoài thủ đô của họ, thậm chí có thể là không có ngay ở thủ đô. Cả hai nước được xây dựng trên các xã hội mà trong lịch sử chưa bao giờ thiết lập được nhà nước trung ương, nhưng bị chia thành các thị tộc nơi các quyết định được đưa ra theo sự đồng thuận giữa những người đàn ông trưởng thành. Chưa một thị tộc nào có thể thống trị hay xây dựng một bộ luật hay quy tắc được toàn quốc công nhận. Ở đó không có các chức vụ chính trị, không có các nhà hành chính, không có thuế, không có chi tiêu của chính phủ, không có công an, không có luật sư – nói cách khác, không có chính phủ.
Tình trạng này đã kéo dài trong suốt thời kỳ thuộc địa ở Somali khi mà người Anh thậm chí không thể thu được thuế thân, thường là nền tảng tài khóa tại các thuộc địa của họ ở châu Phi. Từ khi độc lập vào năm 1960, đã có nhiều nỗ lực nhằm thiết lập một nhà nước trung ương hiệu quả, ví dụ như dưới thời độc tài của Mohamed Siad Barre, nhưng sau hơn năm thập kỷ thì có thể công bằng và thậm chí hiển nhiên mà nói rằng những nổ lực ấy đều thất bại. Điều này có thể gọi là quy luật Somali: không có một nhà nước trung ương thì không thể có luật pháp và trật tự; không có luật pháp và trật tự thì không thể có một nền kinh tế thực sự; và không có một nền kinh tế thực sự thì quốc gia chắc chắn sẽ thất bại.
7. Colombia: Một chính quyền trung ương yếu
Colombia không phải là Somali. Dù vậy, chính phủ trung ương của Colombia đã không thể hoặc không muốn thực hiện sự kiểm soát đối với một nửa đất nước, nơi thống trị bởi các du kích cánh tả, nổi tiếng nhất là lực lượng FARC, và, ngày càng tăng, các nhóm bán vũ trang cánh hữu. Các ông trùm ma tuý có lẽ đang bị dẹp, nhưng sự vắng mặt của nhà nước trên phần lớn quốc gia đã dẫn đến không chỉ tình trạng thiếu thốn các dịch vụ công như đường xá và y tế mà còn thiếu vắng những quyền sở hữu được xác định rõ ràng và thể chế hoá.
Hàng ngàn nông dân Colombia chỉ có quyền sở hữu không chính thức hoặc quyền sở hữu không có giá trị pháp lý. Mặc dù điều đó không làm họ ngừng mua bán đất, nhưng nó làm suy giảm động lực đầu tư của họ và sự không chắc chắn thường đưa đến bạo lực. Trong những năm 1990 và đầu 2000, có khoảng 5 triệu hecta đất ở Colombia bị cướp đọat, chủ yếu bằng súng đạn. Tình hình trở thành tồi tệ đến mức vào năm 1997, chính phủ trung ương cho phép các nhà chức trách địa phương cấm các giao dịch về đất đai ở nông thôn. Kết quả là thế nào? Nhiều vùng ở Colombia về cơ bản đã không thể tham gia vào các hoạt động kinh tế hiện đại, thay vào đó là chìm sâu vào nghèo khó, và khỏi phải nói tình trạng này mang lại những nơi ẩn trú mầu mỡ cho các lực lượng nổi dậy vũ trang và bán vũ trang cả tả lẫn hữu.
8. Peru: Dịch vụ công tồi tệ
Calca và gần đó là Acomayo là hai tỉnh của Peru. Cả hai đều nằm trên núi cao, đều là nơi cư trú của các hậu duệ của sắc tộc Incas nói tiếng Quechua. Cả hai đều canh tác một loại cây, nhưng Acomayo thì nghèo hơn Calca rất nhiều. Tiêu dùng của cư dân Acomayo ít hơn một phần ba so với cư dân ở Calca. Mọi người đều biết thế. Ở Acomayo người ta hỏi những người ngoại quốc can đảm. “Bạn có biết người ở đây nghèo hơn người ở Calca không? Tại sao bạn vẫn muốn đến đây?”
Thực vậy, đi đến Acomayo từ thủ phủ vùng Cusco, trung tâm của đế chế Inca cổ đại, khó khăn hơn nhiều so với đi đến Calca. Đường đến Calca được tráng nhựa trong khi đường đến Acomayo bị xuống cấp kinh khủng. Để đến Acomayo bạn cần ngựa hay lừa – chẳng phải vì khác địa hình nhưng vì không có đường tráng nhựa. Ở Calca người ta bán ngô và đậu tương ra thị trường lấy tiền, trong khi ở Acomayo người ta cũng trồng các loại cây đó nhưng chỉ để cho nhu cầu của bản thân. Kết quả là người Acomayo nghèo hơn người Calca một phần ba. Cơ sở hạ tầng là quan trọng.
9. Bolivia: Bóc lột chính trị
Bolivia có lịch sử dài lâu của các thể chế bòn rút bắt đầu từ thời kỳ thực dân Tây Ban Nha, một lich sử đã gây oán hận tăng lên từ năm này sang năm khác. Vào năm 1952, người Bolivia nhất tề đứng lên chống lại giới ưu tú truyền thống, những người đang làm chủ các hầm mỏ và ruộng đất. Các lãnh tụ của cuộc cách mạng này phần lớn là những người thành thị bị loại ra khỏi quyền lực và sự đỡ đầu trong chế độ cũ. Một khi giành được chính quyền, những nhà cách mạng này tịch thu phần lớn ruộng đất và hầm mỏ và thành lập đảng chính trị – Phong trào Dân tộc Cách mang (MNR). Sự bất bình đẳng giảm đi đáng kể nhờ kết quả tịch thu ruộng đất và cải cách giáo dục của MNR. Tuy nhiên, MNR thiết lập nhà nước độc đảng và dần dần huỷ bỏ các quyền chính trị mà họ đã ban hành năm 1952. Vào cuối những năm 1960, bất bình đẳng trên thực tế lại cao hơn trước cách mạng.
Đối với đại bộ phận quần chúng ở nông thôn Bolivia, một giới ưu tú này được thay thế bởi một giới ưu tú khác theo cái mà nhà xã hội học người Đức Robert Michels gọi là “định luật sắt của chế độ hoạt đầu chính trị”. Nông dân vẫn chỉ có các quyền sở hữu không được bảo đảm, họ vẫn phải bán phiếu bầu của mình để có thể có đất đai, tín dụng và việc làm. Chỉ khác là thay vì họ làm như vậy với giới ưu tú truyền thống thì nay họ làm với MNR.
10. Sierra Leone: Tranh giành lợi lộc
Sự bóc lột cực lực sẽ gây bất ổn và thất bại bởi vì, nhất quán với “định luật sắt của chế độ hoạt đầu chính trị”, sự bóc lột ấy sẽ tạo động lựccho các nhóm khác lật đổ nhóm ưu tú hiện tại để đoạt quyền.
Đó chính là điều đã xảy ở Sierra Leone. Siaka Stevens và đảng Quốc Đại Toàn Dân (APC: All People’s Congress) của Stevens cai trị quốc gia ấy từ năm 1967 đến 1985 như một thái ấp của cá nhân ông ta. khi Stevens xuống và trao quyền cho Joseph Momoh, người được ông ta đỡ đầu), thì tình trạng cũng không thay đổi gì mấy. Momoh tiếp tục cuộc cướp bóc.
Cái rắc rối là lối bòn rút này sẽ gây nên những bất mãn sâu đậm và thúc giục những kẻ muốn thành “đầu sỏ” giành lấy quyền lực, với hi vọng thò tay vào lợi lộc. Tháng 3 năm 1991, Mặt trận Cách mạng Thống nhất của Foday Sankoh, với yểm trợ và có lẽ cả sự chỉ đạo của nhà độc tài Liberia là Charles Taylor, đã vượt biên giới để vào Sierra Leone, đưa nước này vào một cuộc nội chiến bạo tàn kéo dài cả thập kỷ. Sankoh và Taylor chỉ quan tâm đến một thứ, đó là quyền lực, mà họ có thể dùng để chiếm đoạt kim cương, ngoài những mục tiêu khác. Họ có thể làm thế là nhờ chế độ mà Stevens và APC đã tạo dựng. Sierra Leona nhanh chóng rơi vào hỗn loạn, với nội chiến cướp đi mạng sống của khoảng 1% dân số và gây thương tích cho không biết bao nhiêu người khác. Nhà nước và các thể chế của Sierra Leone hoàn toàn sụp đổ. Thu nhập của chính phủ giảm từ khoảng 15% tổng thu nhập quốc gia xuống gần bằng không vào năm 1991. Nhà nước, nói cách khác, không phải là thất bại mà là biến mất hoàn toàn.
Daron Acemoglu và James A. Robinson là đồng tác giả cuốn sách “Vì sao các quốc gia thất bại: nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo khó”.
Nguồn: Viet-Studies