Muốn tạo thói quen, hãy nghĩ ra một câu chuyện hay

by admin

Nhiều người trong chúng ta thường gặp khó khăn trong việc tạo lập thói quen tốt. Bí kíp là, hãy trở thành người kể chuyện, biến thói quen đó trở thành một câu chuyện thú vị và khả thi, khiến bạn muốn gắn bó với nó.

Nếu bạn muốn tạo một thói quen mới (ví dụ như việc rèn luyện sức khỏe đều đặn) thì thường bạn sẽ nói với bản thân những điều như thế này:

“Thật tuyệt quá vì tôi sắp có một thân hình cân đối và gọn gàng, rồi tôi sẽ trở nên xinh đẹp và cực kì khỏe mạnh.”

Đây là câu chuyện bạn đang kể cho chính bạn nghe. Nó không có thực nhưng lại có sức mạnh to lớn tác động lên cảm xúc của bạn về những thói quen để rồi thay đổi hành động của bạn. Bạn có một câu chuyện tích cực về thói quen mà bạn muốn tạo và nó truyền cảm hứng cho bạn hành động. 

Nhưng cũng có thể những bài tập thể dục bạn thực hiện thực sự khó và chẳng thú vị chút nào thì câu chuyện của bạn sẽ thay đổi theo chiều hướng sau: “Ôi khó quá! Thật là tệ.”

Bây giờ, câu chuyện thói quen của bạn ít màu sắc tích cực hơn và bạn không còn hào hứng về thói quen mới đó nữa.

Bạn cũng có thể vì bận rộn mà quên mất luyện tập thể dục trong vài ngày và câu chuyện của bạn trở thành: “Chết tiệt, mình làm rối tung hết mọi thứ rồi. Mình quả thật không giỏi trong việc tạo thói quen mới này như mình nghĩ. Tại sao mình không phải tuýp người sống có kỉ luật nhỉ?”

Và thế là câu chuyện của bạn nhuốm màu bi quan chán chường. Bạn không còn muốn nghĩ đến thói quen đó nữa và thậm chí bạn còn bỏ thói quen đấy từ đó về sau.

Thực ra, câu chuyện về thói quen mà mỗi người kể cho chính bản thân nghe đóng vai trò quan trọng hơn nhiều người nghĩ.

Vì thế, mấu chốt ở đây là hãy định hình một câu chuyện, bạn sẽ trở thành người kể chuyện cho chính thói quen của bạn, và hãy tạo ra một câu chuyện khả thi khiến bạn muốn gắn mình với thói quen đó.

 

Hãy kể một câu chuyện hay!

Sự thật là chẳng có câu chuyện nào là hoàn toàn chính xác. Chúng chỉ là những lời nói ta tự tạo trong tâm trí về những điều đang xảy ra. Thực tại là những điều đang thực sự diễn ra, và trong thế giới “lí tưởng” ấy, ta gạt đi những câu chuyện và đắm mình vào từng khoảnh khắc, trải nghiệm hiện thực của chính nó.

Nhưng mà chẳng có thứ gì được gọi là thế giới “lí tưởng” cả và việc bạn phải làm là kể những câu chuyện. Do đó, hãy biết nhận ra khi nào mình đang kể một chuyện tiêu cực và rồi thay thế nó bằng một câu chuyện khác hữu ích hơn.

Thử những điều sau nhé :

1. Hỏi bản thân xem bạn cảm thấy thế nào về thói quen mà bạn đang tạo. Bạn cảm thấy tự tin hay chán nản? Bạn háo hức hay sợ hãi? Bạn quyết tâm với nó chứ hay mãi chần chừ? Bạn cảm thấy thói quen này sẽ là trải nghiệm tuyệt vời hay bạn đang khó nhọc từng ngày thực hiện nó? Những câu hỏi như thế này có thể là lời gợi ý cho câu chuyện mà bạn muốn kể với chính mình.

2. Bạn có thể khiến câu chuyện của mình thú vị hơn bằng cách tập trung vào những điều mà bạn thích về thói quen này. Bạn có thể chú ý nhiều hơn vào việc bạn ghét thói quen này như thế nào hay bạn yêu thói quen này ra sao. Tất cả đều là sự lựa chọn của bạn. Hãy tìm những điều khiến bạn thấy trân trọng thói quen này hơn để rồi sau đấy khi bạn đã thành công và ngồi nhìn lại sẽ thấy được rằng : “Tuyệt thật, mình đã làm được chừng này rồi cơ đấy.”

Điều này không có nghĩa là bạn chỉ nên nghĩ về những điều tích cực và lờ đi những suy nghĩ tiêu cực. Nhưng nếu câu chuyện của bạn ở trạng thái cân bằng tích cực hơn thì bạn sẽ bền chí hơn. Bạn sẽ từ tốn đối mặt với những điều tiêu cực vì bạn luôn có suy nghĩ tích cực về thói quen của mình.

Luyện tập kể chuyện tích cực

Hãy thử nghĩ về những điều sau khi bạn đang gây dựng một thói quen mới cho bản thân:

1. Thói quen này khiến mình cảm thấy rạo rực ý chí/khỏe mạnh hay như được tiếp thêm sức mạnh (hoặc là những đặc tính tích cực khác)

2. Mình sẽ thấy tự hào về bản thân khi thực hiện được thói quen này.

3. Mình đã có được một vài thành công nho nhỏ với thói quen mới này rồi đấy.

4. Mình học được nhiều thứ từ thói quen này

5. Mình đã có những trải nghiệm tốt đẹp với nó.

6. Có vài thứ khá thú vị về thói quen này mà mình muốn chia sẻ với mọi người.

7. Mình trân trọng những điều nhỏ nhất về thói quen này.

8. Thói quen này có những điều khiến mình thực sự yêu nó.

9. Đôi lúc sẽ khó khăn đấy nhưng nó hoàn toàn xứng đáng mà.

10. Thói quen này đang tác động tích cực lên nhiều mặt trong cuộc sống của mình.

11. Mình thật may mắn khi có thể thực hiện được thói quen này.

12. Mình thực sự háo hức về những điều mà thói quen này đem lại.

13. Đôi khi mình không thực hiên liên tục được thói quen này nhưng xét về mặt lâu dài thì điều này không ảnh hưởng nhiều đâu.

14. Thực hiện thói quen này khiến bản thân mình bền bỉ hơn.

15. Khi thói quen này đã trở thành một phần trong cuộc sống của mình, mình sẽ thấy hạnh phúc và hoàn thiện hơn.

16. Mình như trở thành một con người tốt hơn khi thực hiên thói quen này vậy.

Hãy chỉ nghĩ về một trong những điều trên mỗi khi hoặc sau khi bạn thực hiện thói quen của mình và nghĩ về điều khác khi thực hiện nó vào lần sau.

Dần dần, những suy nghĩ như thế này hay bất kì những điều mà bạn nghĩ, bạn sẽ tạo được câu chuyện tích cực cho bản thân. Và điều này sẽ hoàn toàn tạo được sự khác biệt, không chỉ khiến bạn cảm thấy muốn gắn bó lâu hơn với thói quen đó mà còn thực sự cảm thấy thích thú mỗi lần thực hiện.

Trạm Đọc – Read Station

Nguồn: Zenhabits

You may also like

Leave a Comment