Tuổi 18, bước chân vào môi trường Đại học, tôi quyết tâm đạt được những thành quả cho bản thân mình: học bổng, đi du học, có việc làm thêm, mở rộng được nhiều mối quan hệ, trở thành con người khác tôi của hiện tại.
Nhưng cuộc đời không màu hồng đến thế…
Choáng ngợp bởi nhiều bạn có ‘profile’ cực kì khủng, sự hiểu biết của các bạn x3, 4 lần của tôi. Tự ti, không đủ sức cạnh tranh, gánh nặng mang tên ‘peer pressure’ dần dần bủa vây.
Tuổi 19, tưởng cuộc đời mình sang trang khi có được việc làm thêm như mong muốn nhưng mải chạy theo vật chất, tôi chưa trang bị được cho bản thân đủ kiến thức để theo đuổi ngành học
Tuổi 20, tôi còn lại một năm nữa để có thể cải thiện và định hình tương lai của bản thân. Lo lắng loay hoay kiếm tìm phương hướng cho mình là thế, nhưng thực ra tôi vẫn đứng dậm chân tại chỗ, mặc cho cuộc đời mình đang vận hành một cách vô định.
Tuổi 21 cứ thế lướt qua như vậy, không có cho mình một sự thay đổi, dù chỉ là nhỏ nhất.
2 năm ròng rã tôi cứ thế để cho cuộc sống của mình lặp đi lặp lại một vòng luẩn quẩn như vậy. Chán chường, mất phương hướng nhưng rồi tôi đã làm gì?
Tuổi 22, tôi nhất định phải nuôi dưỡng và hiện thực hóa ước mơ của mình.
Bài viết này chỉ ra ba bài học quan trọng nhất để tôi có thể lấy lại được tinh thần chiến đấu cho chính mình.
KHAI PHÁ CON NGƯỜI CỦA BẠN
Chúng ta vẫn luôn mơ mơ hồ hồ sống trong một cuộc sống không có phương hướng do tự mình dấn thân vào. Bạn không muốn sống mãi trong sự nặng nề, chán chường không dứt đấy thì tìm lại chính mình chính là điều mà bạn cần nhất ngay lúc này.
Có một sự thật mà chúng ta thường thờ ơ rằng, mỗi một con người sống trên Trái Đất này đều có định mệnh của mình. Bởi vì mỗi người đều có một nhiệm vụ riêng để khiến cho cuộc đời này tồn tại với muôn ngàn sắc thái. Bạn thấy đấy, bạn không hề vô dụngnhư mình nghĩ, đó chỉ là bông hoa chưa có đủ nước mà thôi. Vậy thì còn chần chừ gì nữa mà không khai phá con người bạn – tìm điểm mạnh của bản thân.
Bạn nghĩ rằng, phải có cánh tay từ phía ngoài giúp đỡ như cây hoa cần có người tưới bởi vì bản thân còn non dại. Nhưng không, không hẳn là như vậy. Trước hết, bạn phải xác định liệu bạn là loài hoa cần sống nhờ nước hay không? Nếu không, thì chính bạn là người nuôi sống bản thân mình và bạn cũng phải hiểu bản thân có những gì để tự bảo vệ mình.
Hãy dành thời gian trả lời những câu hỏi về chính bản thân bạn. Sau đó, hãy rút ra những đặc điểm từ chính những điều bạn vừa ghi ra để tìm ra điểm mạnh của bản thân. Đồng thời, tập trung để phát triển những điểm mạnh đó.
Ví dụ:
● Những việc làm khiến bạn cảm thấy hạnh phúc?
Trả lời: Lúc mình vừa cầm đàn vừa hát; lúc ngồi một mình tự do ngắm nhìn mọi thứ xung quanh
Mình thích sự thoải mái; thích âm nhạc
● Một việc bạn đã làm được khiến bạn siêu tự hào? Tại sao bạn làm được điều đó?
Trả lời: Mình đã từng dẫn MC đám cưới và tại đó mình đã hát trước tất cả mọi người. Bản thân thường hay ngại ngùng nhưng mình làm được điều đó bởi vì bản thân luôn muốn được làm MC như các anh chị trên truyền hình và được hát trên nền nhạc mà mình thích; bản thân không muốn làm ‘rùa rụt cổ’, muốn được mọi người biết đến năng lực của mình
Có khả năng hoạt ngôn, thích hát, muốn chứng tỏ bản thân
Bạn cũng có thể tham khảo những câu hỏi này tại video của chị Meichan – du học sinh Hàn Quốc để rút ra những điểm mạnh của bản thân nhé!
Hay một phương pháp khác có tên là SWOT giúp đánh giá bản thân. SWOT là viết tắt của 4 chữ:
● S (Strengths): điểm mạnh
● W (Weaknesses): điểm yếu
● O (Opportunity): cơ hội
● T (Threat): Thách thức
Với phương pháp này, bạn sẽ nắm được những điểm mạnh cần được phát triển tối đa trong môi trường phù hợp với chính mình. Tương tự, khi biết rõ điểm yếu, bạn cũng sẽ tránh được những yếu tố có thể ảnh hưởng đến công việc của mình.
Khi nhận ra những năng lực tiềm ẩn của bản thân, hãy tận dụng nó để giúp cho cuộc sống của bạn nhẹ nhàng và hiệu năng hơn nhé!
BẮT TAY VÀO VIỆC THỰC HIỆN MỤC TIÊU
“À, hóa ra bản thân mình có những điểm mạnh như thế này”. Nhưng rồi bạn sẽ đặt dấu chấm hết cho sức mạnh của mình hay can đảm mở ra chương mới cho cuộc đời đây?
Chắc hẳn chúng ta ai cũng tồn tại một nỗi sợ: cuộc sống bị xáo trộn
Tôi cũng không ngoại lệ.
Tôi bắt đầu với việc làm thêm với vị trí là trợ giảng Tiếng Anh khi còn là sinh viên năm 2. Bẵng đến năm 4, tôi biết mình phải dừng lại. Tôi cần phải tìm một hướng đi mới đúng với ước mơ của mình, tôi đâu có định hướng làm giáo viên đâu. Nhưng mà “nghĩ một đằng làm một nẻo”. Tôi cứ thuyết phục bản thân rằng kiếm được công việc mới rồi nghỉ ở đây cũng chưa muộn. Cứ dần dà, tôi để mặc cho thời gian trôi đi bởi vì tôi vẫn đang sống ổn với công việc này và hơn cả là ngại tìm công việc mới vì mình chưa có kỹ năng gì trong tay. Biết là một chuyện nhưng hành động lại là một chuyện khác!
Thực ra, chúng ta không buông thả số phận của mình mà là chúng ta chưa dám đối mặt với cơn bão nếu nó ập đến. Không có gì bạn ạ, bởi vì thanh xuân chỉ có một, đừng để khi nhớ về chúng ta chỉ có thể hối tiếc “Nếu như ngày đó…”.
Trong cuốn sách “Đừng lựa chọn an nhàn khi còn trẻ”, tác giả Cảnh Thiên đã cảnh tỉnh chúng ta rằng: “Đừng lựa chọn cuộc sống an nhàn trong những năm tháng cần sự phấn đấu. Nhân khi còn ở độ thanh xuân, với sự nhiệt tình, năng động và những bài học thất bại, hãy bước về phía trước, dựng xây một cuộc đời khác biệt”.
Hãy ném bản thân vào “vùng biển lửa” mà lăn xả, tìm kiếm cơ hội mới, khai phá con người của mình nhiều hơn. Hơn cả, trong ván cờ này, chính bạn mới là người làm chủ thế trận nên đừng hy vọng có bàn tay nào can thiệp vào nó.
Đọc đến đây, bạn đã có được đáp án cho mình chưa? Nếu bạn chọn vế sau thì còn chần chừ gì nữa mà không bắt tay vào việc thực hiện mục tiêu của chính mình.
Hành động! Hành động! Hành động!
Điều quan trọng phải nhắc lại 3 lần.
MỖI KẾT QUẢ ĐỀU CẦN CÓ SỰ NỖ LỰC
Thực ra, tôi tự nhận bản thân không giỏi, dễ nhụt chí. Vào cuối năm 2, điểm GPA vẫn đang ở loại khá. Bồn chồn, lo lắng vì không thể ra trường với tấm bằng Khá như vậy được. Tôi đã từng đọc được ở đâu đó ngụ ý rằng “Chưa bao giờ là muộn để bắt đầu một điều gì cả”. Vì thế, tôi đã âm thầm quyết tâm học hành lại thật đàng hoàng để có được tấm bằng loại Giỏi.
Tôi chăm chút cho từng bài thuyết trình, tiểu luận và đọc cả những cuốn sách và tài liệu khô khan liên quan đến ngành học mà chưa bao giờ đụng tới để có thể chủ động xây dựng bài trong giờ học, những việc gì có thể lấy lại được tinh thần học và nâng điểm số lên, tôi đều sẵn sàng làm hết.
Kết quả tôi có được là gì?
Kì 2 năm 3 tôi đạt được GPA 3.25, và với đà này tôi đã chắc chắn có tấm bằng loại Giỏi tính cả điểm kỳ học sắp tới nữa. Và điều tuyệt vời hơn, đó cũng chính là kỳ đầu tiên tôi đạt được học bổng trong cuộc đời sinh viên.
Tôi đã tưởng chừng nó quá xa vời đối với một người sinh viên không có dũng khí phấn đấu như mình.
Một người không có tính kiên trì, làm việc gì cũng chỉ mong thấy kết quả một cách nhanh nhất như tôi đã không biết bao nhiêu lần gục ngã trên con đường phấn đấu của bản thân. Nhìn thấy việc học từ vựng tiếng Anh mỗi ngày chưa giúp ích gì được khi làm bài đọc vì toàn những từ mình không biết, có học mấy cũng không có từ giống với mình học. Lại bỏ qua. Vốn dĩ từ vựng tiếng Anh nhiều vô số kể, làm sao có thể học trong “ngày một ngày hai” cơ chứ. Tôi biết rõ điều đó nhưng lại vẫn “chứng nào tật nấy”, chưa có thay đổi trong thời gian ngắn cũng là một cái cớ cho sự thiếu nỗ lực của mình.
Quãng đường leo lên đỉnh Everest thực sự rất xa, nếu bạn bỏ cuộc giữa chừng vì nghĩ mất nhiều thời gian vào nó thì người sai lầm chính là bạn. Bạn chưa có sự quyết tâm để tạo nên dấu ấn riêng cho bản thân mình.
Bởi, nỗ lực chính là cái gốc của sự thành công.
Cho tới hôm nay, bạn có thể chưa giỏi bằng những người bạn luôn ngưỡng mộ. Nhưng thế sự vô thường, ai biết được vận mệnh của bạn sẽ thay đổi ra sao và bạn cũng phải đánh đổi rất nhiều trong quãng thời gian đó. Bạn chính là nhân vật chính trong cuộc đời của mình. Bạn nỗ lực thay đổi thì cuộc đời bạn cũng sẽ sang trang, thành công không phụ lòng người nỗ lực.
Cuối cùng, tôi hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn có thêm động lực để cải thiện và phát triển bản thân mỗi ngày trên hành trình chinh phục bản thân của mình nhé!