Liệu nam giới có là nạn nhân của tấn công tình dục hay không? Nhiều người vẫn còn tin rằng sẽ không bao giờ xảy ra chuyện như vậy. Nhưng đáng buồn thay không chỉ có nữ giới là nạn nhân của tấn công tình dục mà đã có nhiều trường hợp người nam bị cưỡng bức đến kiệt sức. Từ những cậu bé cho đến anh thanh niên to khỏe, tất cả chúng ta đều có nguy cơ trở thành nạn nhân của hành vi xâm hại tình dục.
Tấn công tình dục thực chất là bất kì hoạt động tình dục nào không mong muốn hoặc không có sự tự nguyện. Nếu ai đó có tiếp cận bạn, đụng chạm vào bạn theo cách thức mà bạn không muốn bị đụng, điều đó đã có thể cấu thành hành động khiếm nhã hoặc tấn công tình dục….
Những con số biết nói về tấn công tình dục ở nam giới đã khiến các nhà nghiên cứu và dư luận trên thế giới phải ngạc nhiên. Vào năm 2019, hãng BBC News đã tiến hành khảo sát trên 10 quốc gia và vùng lãnh thổ về nạn tấn công tình dục đã cho kết quả vô cùng bất ngờ khi Tunisia và Iraq là 2 quốc gia có số nam giới bị tấn công tình dục nhiều hơn cả phụ nữ. Hay New York Times trích thống kê của Lầu Năm Góc đã có khoảng khoảng 10.000 nam giới bị tấn công tình dục trong quân đội Mỹ mỗi năm và trong thập kỷ qua con số này đã lên tới hơn 100.000.
Ở Việt Nam, cũng đã xảy ra hàng loạt những vụ thầy giáo giở trò dâm ô với học sinh gây bức xúc dư luận như : vụ việc hiệu trưởng xâm hại tình dục 9 nam sinh ở Phú Thọ, thầy giáo dạy môn sinh học ở tỉnh Tây Ninh bị tố dâm ô nhiều nam sinh,…
Ngoài ra việc cô, dì, chú, bác, ông, bà… điềm nhiên đụng chạm vào vùng nhạy cảm của các bé trai trong gia đình người Việt đã tồn tại từ rất lâu, lâu đến nỗi nhiều người còn tin đây là hành động thể hiện sự quan tâm thân mật. Và rõ ràng, khi trẻ em chưa phát triển đầy đủ về thể chất cũng như nhận thức, chúng khó lòng phân biệt rạch ròi được đâu là cưng nựng có giới hạn, đâu là quấy rối tình dục.
Nam giới và các bé trai bị tấn công hoặc lạm dụng tình dục cũng có cảm xúc và phản ứng tương tự như nạn nhân nữ giới. Tuy nhiên, bên cạnh những cú sốc, tổn thương về thể xác lẫn tinh thần – đàn ông còn phải gánh chịu sức ép đến từ thái độ và định kiến xã hội về sự nam tính.
Nam giới cảm thấy xấu hổ và tội lỗi khi bị tấn công tình dục.
Định kiến về giới đã khiến cho nam giới khi bị lạm dụng tình dụng e sợ hậu quả của việc báo cảnh sát hoặc tìm sự giúp đỡ. Họ sợ người đối diện sẽ có những phản ứng bất ngờ cùng với những câu nói như “Đàn ông mà cũng gặp những chuyện như này ư?”; “ Đàn ông khoẻ lắm mà sao không ngăn chặn được chuyện này vậy. Anh là đồ ẻo lả à?”,…
Nạn nhân nam giới thường sẽ cảm thấy xấu hổ và tội lỗi vì cho rằng xảy ra những chuyện như vậy là do bản thân mình cư xử thiếu đàn ông từ đó thu hút hoặc không ngăn chặn được hành vi tấn công tình dục.
Nếu một người đàn ông xuất ra khi anh ta bị cưỡng bức, thì đó thật sự không phải tấn công tình dục?
Theo chuyên gia tâm lý học, nhiều nam giới thường không hiểu rằng cơ thể của họ vẫn có thể phản ứng trước kích thích tình dục kể cả khi họ không muốn. Lên đỉnh không có nghĩa là anh ấy “hưởng thụ” sex, hoặc là họ muốn như thế. Lên đỉnh có thể là một phản ứng tự nhiên mà họ không thể khống chế được. Điều này không có nghĩa rằng hành vi quan hệ tình dục bắt buộc hay cưỡng ép là đồng thuận.
Với suy nghĩa như vậy mà nạn nhân nam hay ngộ nhận rằng nếu cơ thể bị kích thích khi bị xâm hại nghĩa là bản thân mình muốn hoặc thích thú khi điều đó xảy ra. Từ đó họ dần dần thu mình lại mặc cảm tự ti và tội lỗi.
Hành động tấn công tình dục không phân biệt nạn nhân và cũng không phân biệt kẻ phạm tội. Nữ giới cũng có thể là người quấy rối hướng đến nạn nhân nam. Vấn đề ở đây không phải là phái nào có sức mạnh hơn. Một hành vi như chạm vào vùng nhạy cảm hoặc phô dâm từ một khoảng cách cũng là quấy rối. Đó là chưa kể rất nhiều trường hợp nạn nhân nam bị chuốc thuốc mê và bị cưỡng hiếp. Như vậy sức mạnh thể chất không có can hệ gì trong những trường hợp này, dù là phái mạnh hay phái yếu, đã là nạn nhân của quấy rối tình dục thì đều phải được nhìn nhận một cách công bằng.
Vậy mới biết quấy rối tình dục chẳng chừa một ai, bất kể giới tính, ngoại hình hay địa vị,… Kẻ săn mồi luôn biết cách dồn nạn nhân tới chân tường. Hãy lên tiếng, vì bản thân bạn và vì những người mà bạn yêu thương. Chỉ có cách đó mới làm chúng phải chùn bước.