Khi dạy kỹ năng viết chuyên nghiệp Content Marketing, PR, tôi có một phần hướng dẫn chi tiết cách đánh giá chất lượng nội dung.
Trong đó, có yếu tố “vốn kiến thức cuộc sống, xã hội” rất đáng chú ý.
Cũng từ phần này, nhiều học viên trẻ tỏ ra băn khoăn. Họ không biết thời điểm nào mới thực sự nên bắt đầu chuyện viết lách một cách nghiêm túc, bởi vì viết sớm thì “vốn kiến thức còn non dại”, mà chờ tới khi từng trải thì lại sợ… muộn quá, và cũng chưa biết cụ thể lúc nào mới “đủ từng trải” để viết.
Chẳng hạn như sự băn khoăn dưới đây của một bạn trẻ gửi đến tôi để nhờ tư vấn:
“Có phải mình nên chuẩn bị đủ, trải nghiệm thật nhiều thì mới nên bắt đầu viết không ạ? Bởi vì lúc đó, mình mới có vốn sống và cái nhìn đủ sâu để viết đúng nhu cầu và nỗi đau của xã hội.
Nhưng em lại học được rằng, mình nên chia sẻ ngay cả khi mình vẫn chưa hoàn thiện, cứ làm rồi sẽ tốt lên, cứ học hỏi trau dồi trong quá trình viết và nghiên cứu thì kiến thức và kĩ năng của mình cũng theo đó mà nâng theo.
Em cảm thấy rất rối và đau đáu về vấn đề này ạ, mong được nghe ý kiến từ anh Hiếu”.
Vậy, chúng ta nên bắt đầu viết lách khi nào? Lúc ‘non dại’ hay chờ tới khi từng trải?
*****
Đứng trước sự băn khoăn kể trên, tôi sẽ giải quyết rốt ráo từ gốc để mọi người tham khảo xem có phù hợp với bản thân không.
Thứ nhất, nếu chưa có đủ vốn sống – kiến thức cuộc sống, xã hội – thì khi đặt bút viết, điều gì sẽ xảy ra?
Nội dung đó sẽ bị “nông”, có thể phù hợp với những người đồng trang lứa hoặc trẻ hơn (so với tác giả), nhưng đặt trên bình diện xã hội nói chung thì bị “non”.
Bởi thế, kể cả trong trường hợp nội dung hấp dẫn, thú vị, thì nó vẫn bị hạn chế đáng kể vì được hình thành trên một tấm nền “vốn sống” còn mỏng.
Câu chuyện ở đây giống hệt kiểu: Bây giờ, bạn 20 tuổi. Bạn đọc lại chính những con chữ mà bạn từng viết, vào năm bạn 14 tuổi (lớp 8 ). Bạn thấy như thế nào?
Có thể con chữ đó hồn nhiên, ngây thơ, vô tư, thú vị, nhưng bạn rất dễ cảm thấy đỏ mặt, xấu hổ, vì nhiều thứ “trẩu” quá ~ ứng với lúc vốn sống của bạn ít hơn so với thời điểm hiện tại.
Vậy nên, nội dung do chúng ta của hiện tại viết ra – nếu ta là một người trẻ, ít sự từng trải, chiêm nghiệm – thì có thể tự hiểu rằng, nội dung đó trong mắt những người va vấp nhiều hơn sẽ như thế nào!
Thứ hai, nếu bảo vốn sống chưa đủ thì chưa viết, vậy… đến lúc nào là đủ?
Quá khó để đưa ra một mốc thời gian, bởi người 30 tuổi vẫn phải tiếp tục học hỏi, tích lũy vốn sống, người 40 tuổi, 50 tuổi… cũng vậy.
Bởi thế, nếu hiểu theo điều “thứ nhất”, thì có lẽ sống hết cả cuộc đời, chúng ta cũng… chưa kịp viết gì!
Vậy, nên giải quyết thế nào?
*****
Đầu tiên, theo tôi, hãy viết ngay chứ đừng chờ đợi!
Kế đó, vì cái sự “viết ngay” đồng nghĩa với việc chấp nhận nội dung của mình sẽ bị “non” về vốn sống, kinh nghiệm, nên nếu xác định đi theo nghiệp viết lách, truyền thông, thì mỗi người cần phải có ý thức tích lũy kho vốn sống ngay từ lúc này.
Tích lũy được, thì ít nhất là ngòi bút đã “sâu” hơn so với những người đồng trang lứa, tức là rất tốt rồi. Việc tích lũy này bao gồm cả sự hiểu biết về xã hội, cũng như trình độ chuyên môn: Nếu làm bác sĩ thì phải giỏi nghề y, thêm khả năng viết để thể hiện thì càng “lợi hại”; Nếu làm lập trình viên thì phải giỏi coding, còn viết lách là để mọi người hiểu về mình, xây dựng thương hiệu cá nhân…
Thế việc tích lũy như thế nào?
Đó là quá trình chịu khó ĐỌC – NGHE – XEM một cách QUAN SÁT (chứ không phải “nhìn” đơn thuần), CHIÊM NGHIỆM, SUY NGẪM.
Thứ đọc – nghe – xem ấy có thể là “hầm bà làng” nội dung hay – dở, chứ không phải là cứ đọc – nghe – xem toàn tác phẩm kinh điển. Vì cái hay – dở trong cuộc sống đều mang lại cho mình sự rút kinh nghiệm.
Chẳng hạn: Khi xem một clip cô gái ngoáy mông trên TikTok, bên dưới hầu hết là comment bậy bạ, liên tưởng chuyện tình dục.
Nếu quan sát cô ấy và nghĩ xem, nếu ta có thân hình gợi cảm và khuôn mặt xinh như vậy, ngoài chuyện ngoáy, lắc thì ta có thể đóng kịch hay làm gì để nội dung ấn tượng hơn? Rồi nếu phản ứng trước một nội dung như vậy, mọi người thường thể hiện như thế nào?…
Đó! Rõ ràng một Content nhạt nhẽo, không có “não”, nhưng vẫn cho mình một chất liệu cuộc sống!
*****
Với kinh nghiệm 12 năm cầm bút, tôi xin có vài lời khuyên cho những người bắt đầu viết lách. Đó là chúng ta nên nhìn tổng thể và có tầm xa một chút:
+ Dự án viết lách đó nhằm mục đích gì? (*)
+ Dự án có mang tới lợi ích nào cụ thể không? (Tiền, thương hiệu cá nhân, quan hệ mạng lưới…). Điều đó có nghĩa là trả lời các câu hỏi chi tiết hơn, như:
=> Viết cho ai đọc?
=> Sẽ khai thác những kênh nào? (Blog, Facebook, TikTok…).
=> Sẽ tạo nội dung theo những chuyên mục nào, với thời gian định kỳ sản xuất là bao lâu?
=> Tạo xong nội dung thì sẽ có những phương án nào để quảng bá?
=> Đo lường mức độ hiệu quả (dựa vào mục đích (*)) của hoạt động sản xuất nội dung này như thế nào?
Nếu không hiệu quả như mong muốn thì có phương án dự phòng nào để điều chỉnh?
…
Đa số mọi người bắt đầu viết thì thường mắc lỗi sơ đẳng là mục đích mù mờ, không biết viết để làm gì, cho ai đọc, quảng bá tới đâu… nên chỉ sau một thời gian là họ chán nản và bỏ cuộc.
Rốt cuộc, chuyện viết lách luôn chứa đựng đầy những sự thú vị và thử thách. Bất kỳ ai muốn khẳng định bản thân thì kỹ năng viết lách là một “vũ khí” không thể bỏ qua!
Tác giả: Trung Hiếu – Vietchuyennghiep.vn ACADEMY
#vlmn_kienthuc