NÊN NHÌN NHẬN THẾ NÀO VỀ SÁCH ĐẮC NHÂN TÂM

by admin

Gần đây mình có đọc một bài viết rất hay của tác giả Minh Tâm viết về quyển sách Đắc Nhân Tâm của Dale Carnegie, xuất bản năm 1936. Bài viết rất hay, nhưng mình tò mò xem bình luận của mọi người phía dưới, và thật ngạc nhiên, bình luận phân cực. Hiếm có quyển sách nào nhận nhiều ý kiến trái chiều như quyển này. Mình thật muốn bình luận trong bài, chứ không tách riêng ra một bài viết mới như vậy, nhưng quá dài, và khó đọc. Ta nên có nhiều góc nhìn khác để khách quan hơn, đúng không?
——————————————-
Tại sao ta lại có cảm giác ta giả tạo khi thực hành Đắc nhân tâm? Có lẽ vì ta chưa hiểu mục đích tại sao phải hiền hòa, nhã nhặn, luôn khen ngợi và làm vui lòng người khác, mà không thể hiện cá tính của bản thân kiểu: “Tánh tình tôi nó như vậy, ai cảm thấy hợp thì chơi, tôi không có nghĩa vụ phải thay đổi cá tính để vừa lòng tất cả mọi người”. Ta đang nhầm lẫn giữa Cái tôi (Cái ham muốn được người khác thấy mình quan trọng) và cách cư xử với người khác sao cho phải đạo (Thuật xử thế).
Vậy, như thế nào là cư xử phải đạo?
Cư xử phải đạo, với phương Đông, gọi là chữ “Lễ”, còn với phương Tây, gọi là “Mệnh lệnh tuyệt đối”, nằm trong triết học về Chủ Nghĩa tự do của Immanuel Kant, khi ông cho rằng con người có lý trí, phải được tôn trọng như một mục đích tự thân. Tại sao không nên thẳng thắn mà phải giữ “Lễ”? Vì ta không thể biết được khi nào ta “Thất thố”. Các tư tưởng đối nhân xử thế phương Đông hạn chế tối đa việc này, vì họ cho rằng khi cư xử không đúng mực, chính là ta đang xúc phạm người khác. Vì thế, khi “thất thố” với một người, ta không xem người đó như một mục đích tự thân đáng được tôn trọng, mà ta xem người đó như một công cụ để làm ta trở nên thông minh hơn trong mắt người khác.
“Lễ, là nhún nhường, đem cái bản ngã của mình để sau kẻ khác, đâu phải vì giả dối du mỵ để mưu lợi cho mình. Lễ, là tránh cái đau khổ cho bản ngã kẻ khác bằng cách hy sinh bản ngã của mình. Lễ, là không chạm đến lòng tự ái của ai cả. Lễ, là che cái xấu, giấu cái dở và biểu dương cái hay cái đẹp của người ta. Phải là một người không ích kỷ, diệt được cái bản ngã của mình rồi mới làm nổi việc ấy, làm một cách thản nhiên, vô tư lợi…”
Ta có thể dùng tạm ví dụ sau để hiểu rõ hơn về lập luận trên:
Cặp MC Trấn Thành – ca sĩ Tuấn Ngọc.
Trấn Thành xây dựng bản thân mình là một người hoạt ngôn, là “Quân sư tình yêu”. Thế nhưng, khi ta “Cố gắng trở thành một người thấu mọi sự đời”, và ta thể hiện điều đó, trong khi bản thân ta “Chưa phải là một người thấu sự đời”, thì ta dễ mắc phải những sai sót trong lời nói và hành động, vô tình hay hữu ý, ta tạo nên thù oán.
Những gì người ta bộc phát trong lúc vô ý thông thường thể hiện con người thật của họ. Vụ vạ miệng Tiến Đạt, cũng như vụ review phim Lật Mặt gần đây, nó cho thấy anh không tinh tế như anh thường thể hiện.
Ngược lại, ca sĩ Tuấn Ngọc kiệm lời, duyên dáng, nhưng trông có vẻ nhàm chán. Những người điềm đạm thường gây cho ta cảm giác nhàm chán, nhưng khi họ đối nhân xử thế, họ rất cẩn thận, đến mức ta không có gì để phàn nàn về họ. Mình cho là ca sĩ Tuấn Ngọc đã nắm được chữ “Lễ” là vậy.
“Làm cho người ta cùng lý đến phải ngậm miệng, đỏ mặt, toát mồ hôi, mình tuy hả dạ, nhưng thật nông nổi, khắt khe làm sao, không những bất tâm, bất nhân mà còn bất trí nữa” (Thu Giang – Nguyễn Duy Cần). Ta xét lại xem, khi ta dồn họ đến đường cùng như vậy, là ta đang thật sự muốn tốt cho họ không, hay ta chỉ đang thể hiện khả năng hơn người của ta, ta đang vuốt ve Cái tôi của ta?
Nắm được chữ “Lễ” tức là nắm được mật pháp của thuật xử thế.
Vậy, làm sao để có thể giữ được chữ “Lễ”? Thu Giang – Nguyễn Duy Cần cho ta câu trả lời:
-Đừng chạm tự ái người khác, nếu ta muốn họ nghe theo lẽ phải của ta.
-“Dương thiện, ẩn ác” (Triết học phương đông) hay “Nếu đã không nói được gì tốt đẹp thì tốt nhất nên im lặng” (Triết học phương Tây).
Ta có thể thuyết phục được người khác theo lẽ phải của ta, bằng cách thẳng thắn chê bai họ không? Mình cho là không. Hoặc họ giống Khuất Nguyên: “Cả đời đục, một mình ta trong. Cả đời say, một mình ta tỉnh”, những người mê này không những ta không thể thuyết phục được, mà nhiều khi cố gắng thuyết phục, ta còn mê hơn họ nữa. Hoặc họ bị chạm tự ái, ta nghĩ họ sẽ nghe theo mình sao? “Dùng cường lực, dùng uy thế mà bức người phải nghe theo mình, không bao giờ làm được; mà dầu có làm được đi nữa thì cũng chỉ là một việc làm có thể được tạm thời thôi”.
————————————————-
Vô tri bất mộ (Ta không hiểu thì ta không yêu mến).
Mình chia sách học thành hai dạng: sách tạo cho ta mục đích (Mindset) và sách tạo cho ta công cụ (Toolset).
Ta phải đọc cả sách rèn luyện tâm trí và sách công cụ. Tại sao phải đọc sách công cụ? Vì Hình thức bổ trợ cho tư tưởng. Ta không thể bắt một đứa nhỏ biết ơn nếu không vừa dạy cho nó hiểu tầm quan trọng của việc cảm ơn và cả thực hành cảm ơn. “Hãy quỳ xuống cầu nguyện, và anh sẽ là người sùng đạo” (Pascal); hoặc “Rèn luyện đạo đức cũng giống việc thổi sáo, không phải chỉ đọc vài quyển sách, mà là tập luyện cho đến khi thuần thục” (Aristotle). Thu Giang – Nguyễn Duy Cần có đem lại cho ta một ví dụ rất sinh động: chuyện ăn mặc của người Á Đông. Người Á Đông ăn mặc thật cầu kì, chính là để ta làm việc gì cũng không thể vội vàng hấp tấp, từ đó rèn giũa tính điềm đạm. Đó chẳng phải là dùng một công cụ để bổ trợ cho tinh thần sao? Hay như Tây Phương, Napoleon Hill gọi là “Tự kỉ ám thị”: Ta thực hành một đức tính, ví dụ khiêm tốn, cho đến khi khiêm tốn trở thành bản tính của ta một cách tự nhiên.
Vậy, Đắc Nhân Tâm không phải là quyển sách đem lại cho ta đầy đủ công cụ để bắt đầu hạ Cái tôi xuống, “Hủy mình, theo người” đó sao? Nếu bản thân ta chưa hiểu chữ “Lễ”, thì ta đọc trước quyển “Thuật xử thế của người xưa” (Thu Giang – Nguyễn Duy Cần), sau đó ta mới đọc quyển “Đắc Nhân Tâm” (Dale Carnegie), ấy là ta vừa hiểu, mà ta cũng vừa hành động được ngay vậy.
————————————————–
Kết: Có lẽ ta chưa hiểu Dale Carnegie, vì ta chưa đọc đủ sách. Có lẽ, ta chỉ như “Thầy bói xem voi”, ta chưa hiểu được cái “Chuyển” của sự vật. Khi ta cho ta là “Biết”, thật lúc đó ta còn chưa biết. Đọc sách, không chỉ đọc sách công cụ để thực hành, mà ta còn phải hiểu tại sao ta làm như vậy, và ta làm như vậy có mục đích gì. Ta đọc sách dạy ta các công cụ để kiếm tiền và thịnh vượng, nhưng ta lại quên đọc các sách chỉ cho ta biết Hạnh phúc là gì, và như thế nào là thịnh vượng. Liệu có đúng không khi ta phán xét vội vàng một quyển sách có tuổi đời có khi còn lớn tuổi hơn cha mẹ ta? Một người có thể sai, một thế hệ có thể sai, nhưng nhiều thế hệ thì không thể sai. Sách không có tính đúng sai, nó chỉ “Ánh xạ” lên người đọc. Hoặc hợp, hoặc không hợp.
——————————–
Sách tham khảo:
Cái dũng của thánh nhân (Thu Giang – Nguyễn Duy Cần).
Thuật xử thế của người xưa (Thu Giang – Nguyễn Duy Cần).
Phải trái đúng sai (Michael Sandel).
Tiền không mua được gì? (Michael Sandel).

You may also like

Leave a Comment