NẾU ĐƯỢC CHỌN SẼ ÔM AI ĐÓ VÀO LÚC NÀY, BẠN NGHĨ TỚI AI?

by admin

Mình là người rất thích ôm, vì cái ôm là hành động mang nhiều ý nghĩa. Đôi khi ôm vừa để che chở và cảm thông cho người khác, và ngược lại, cũng để bản thân được nhận lại hơi ấm từ đối phương. Một cái ôm chân thành và đúng nghĩa, nó truyền tải được sự thấu cảm cao lắm.

Mình có thói quen ôm mọi người trong gia đình. Khi còn sống ở Hà Nội, 1 tháng, 2 tháng mới về quê 1 lần. Ngắn ngủi, chớp nhoáng có 1 – 2 ngày. Trước khi đi, mình đều cố ôm lấy bố, lấy mẹ một chút, rồi mới xách đồ lên xe đi.

Mỗi khi gặp các chị, và các cháu cũng vậy, trước khi đi, đều phải ôm mọi người thật chặt, thật ấm áp và tình cảm.

Nhưng vốn dĩ điều đó không phải là văn hóa có sẵn của gia đình mình, mà là một nét văn hóa mình phải dùng hết can đảm để xây dựng với mọi người.

Vì bạn biết đấy, khi chúng ta càng lớn, không còn là những đứa trẻ nữa, chúng ta càng dễ xa gia đình. Chúng ta cần đi học, đi làm, dành thời gian cho công việc, sự nghiệp, những mối quan hệ bên ngoài nữa.

Dần dần, những khoảnh khắc gần gũi bên gia đình ít đi nhiều lắm. Và những hành động gần gũi với cha mẹ, người thân cũng ít hẳn, thậm chí không còn.

Bằng cách đó, chúng ta dần cảm thấy rất ngại khi muốn bày tỏ những hành động gần gũi với những người thân thương.

Chúng ta đã mất đi dũng khí để làm một điều đơn giản mà ý nghĩa như thế.

Thậm chí, còn không dám nghĩ tới.

Ta có nỗi sợ rằng mình sẽ bị trêu đùa “lớn rồi ai còn ôm như con nít”. Nhưng trong thâm tâm, chắc chắn chúng ta đang mong muốn những khoảnh khắc tình cảm như vậy, những khoảnh khắc thật ấm lòng.

Mình cũng từng như vậy. Lần đầu lấy dũng khí để ngỏ lời ôm bố, ôm mẹ, tim mình đập thình thịch, y như lúc tỏ tình với người thương vậy đó, hồi hộp vô cùng.

Nhưng rồi miệng cũng bật ra được câu, và những cái ôm tình cảm cũng bắt đầu.

1 cái

2 cái

3 cái…

Rồi thường xuyên hơn như 1 thói quen – thói quen không bao giờ bỏ.

Mẹ mình qua bao lần nhưng vẫn cứ ngại, ra chút vẻ thờ ơ. Nhưng mình biết tính của mẹ mà, hy sinh cả đời tần tảo vì các con, nhưng hễ con muốn gần gũi, con muốn làm gì cho mẹ, mua gì cho mẹ, mẹ đều ngại như vậy, dù trong thâm tâm hạnh phúc lắm.

Bố mình thì ngược lại! Bình thường vẫn luôn có dáng vẻ khô khan, ít nói, ít tâm sự, ít thể hiện tình cảm, nhưng luôn ở phía sau âm thầm hỗ trợ các con. Bố đón nhận cái ôm rất nhiệt tình, ấm áp.

Các chị mình cũng thích vậy. Chào tạm biệt mà không ôm thì sẽ nhắc ngay là mình quên à.

LÝ DO NÀO THÚC ĐẨY, CHO MÌNH CAN ĐẢM ĐỂ THỰC HIỆN ĐƯỢC ĐIỀU ĐÓ?

Mình học được nó từ một câu lạc bộ kinh doanh mình từng tham gia từ rất lâu rồi. Ở đó, mỗi lúc chào tạm biệt, các thành viên đều trao cho nhau những cái ôm chân thành, bất kể họ là nam hay nữ, hơn hay kém tuổi, mặc dù tất cả mới chỉ là sinh viên. Văn hóa đó làm mọi người gắn kết và thân thiết với nhau nhanh một cách diệu kỳ.

Trong khoảnh khắc đó mình chợt thắc mắc:

“Tại sao bản thân sẵn sàng ôm và gắn kết với những người bạn mới quen, mà lại lãng quên việc thực hiện nó với gia đình? Chẳng phải, gia đình còn xứng đáng hơn vậy nhiều hay sao!?”

Và từ đó mình đã quyết định làm, giờ thì mình thực hiện nó như một thói quen không thể thiếu mỗi khi về nhà.

Từ ngày vào Sài Gòn này, lâu chưa được gặp gia đình, lâu chưa được ôm. Nhưng vẫn vui vì cả gia đình luôn hướng về nhau, dù có ở xa đi nữa.

Vậy còn bạn thì sao? Ai sẽ là người bạn muốn chọn ôm ngay lúc này? Ba mẹ, bạn bè, hay người yêu, chú mèo của bạn, hay là chính bạn?

Và thêm một câu hỏi nữa. Bao lâu rồi bạn chưa thực hiện cái ôm đó với họ?

Dù câu trả lời là bao lâu đi chăng nữa, cũng cố gắng lấy hết can đảm để làm ngay đi nhé!

Yêu thương họ, cũng là cách để yêu thương mình!

Đoàn Mai

Có thể là hình minh họa về một hoặc nhiều người và văn bản

You may also like

Leave a Comment