Nếu mỗi đứa trẻ là một trang giấy trắng, thì bạn đang vẽ gì lên trang giấy thân yêu của cuộc đời mình?

by admin

“Chiến lược của mẹ thay đổi cuộc đời con” là cuốn sách cung cấp cho những người đã, đang, và sẽ làm mẹ cách để vẽ lên trang giấy trắng thân yêu của cuộc đời mình.

Sau thành công từ cuốn “Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn”, Ibuka Masaru lại tiếp tục đem đến cho chúng ta một cuốn sách mới về việc giáo dục trẻ thơ. Không chỉ là chủ tịch của công ty điện tử nổi tiếng thế giới Sony, ông còn là một người tâm huyết với hai mươi lăm năm kinh nghiệm làm việc liên quan đến giáo dục.

“Chiến lược của mẹ thay đổi cuộc đời con” là cuốn sách mà Ibuka Masaru tập trung vào thời điểm và cách mỗi gia đình, đặc biệt là mỗi người mẹ, nuôi dạy trẻ như thế nào. Cuốn sách gồm có ba chương chính, với các ví dụ cụ thể, dẫn chứng thực tế mà độc giả – chính là các bà mẹ, đã phản hồi lại sau khi đọc cuốn “Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn”. Tất cả các ví dụ và dẫn chứng đó đều nhằm mục đích chứng minh cho quan điểm của tác giả về thời điểm thích hợp để bắt đầu giáo dục trẻ:

“Nói gì đến mẫu giáo, từ 3 tuổi mới bắt đầu dạy trẻ cũng đã là muộn rồi.”

Các phương pháp giáo dục và nuôi dạy trẻ sơ sinh từ trước đến nay đều không nuôi dạy một “con người”

Tác giả luôn có một mối hoài nghi rất lớn về điều đó. Ông không đồng ý với những suy nghĩ kiểu như “trẻ con thì biết cái gì” mà nhiều người trong số

chúng ta vẫn hay có. “Nếu sau khi trẻ chào đời mà cha mẹ vẫn nghĩ tập trung cho bé mau lớn, mau tăng cân đã, chờ cho bé lớn chút rồi mới tập trung phát triển trí não thì xin thưa là đã quá muộn.”

Người lớn đã luôn xao lãng giai đoạn quan trọng nhất trong việc tập trung phát triển trí tuệ của trẻ: giai đoạn trẻ từ 0 đến 2 – 3 tuổi. Không phải ở trong độ tuổi này, trẻ không biết nhận thức; mà là chúng ta không biết cách nhận ra nhũng dấu hiệu biểu hiện nhận thức ở trẻ. Rồi từ đó, chúng ta đã và đang kéo dài thời gian giáo dục đến mẫu giáo, đến cấp một thậm chí là cả cấp hai. Đây không chỉ là một sự lãng phí thời gian, mà còn là lãng phí khả năng có thể trau dồi cho trẻ ngay trong những giai đoạn đầu đời.

Mẹ thay đổi, con cũng sẽ thay đổi

 

Trẻ là tấm gương sáng phản chiếu hình ảnh của mẹ.

 

Trẻ không chỉ nhận gen thông minh từ người mẹ, mà còn nhận cả cách ứng xử, hành động, nói năng. Đây không phải là điều gì khó hiểu, vì thường thì người mẹ sẽ luôn là người gắn bó với trẻ nhất trong giai đoạn đầu đời.

Người mẹ không chỉ cần chuyên tâm chăm sóc cho trẻ trong giai đoạn này, mà còn cần uốn nắn trẻ đúng cách. Nhưng thế nào là đúng cách?

Trong những năm tháng đầu đời, trẻ sẽ thường nhận được sự bao bọc gần như hoàn toàn từ phía gia đình. Tình thương đôi khi cũng mang lại những điều không tốt. Bởi nếu cứ luôn đối xử với trẻ như trẻ con, thì cũng đồng nghĩa với việc ngắt đi “mầm tự lập” trong chính bản thân trẻ. Học cách buông tay có lẽ là bài học khó nhằn nhất với mọi người mẹ trên thế gian này.

Một điều nữa cần lưu ý, đó là “giáo dục kì vọng vào thành công sẽ không thể thành công”. Bản chất mục đích của giáo dục là giáo dục một “con người” hoàn thiện, chứ không phải một thiên tài, một vĩ nhân, v…v…

Tạo cho trẻ một môi trường tốt

Như đã nói bên trên, trong giai đoạn đầu đời thì người mẹ luôn là người gắn bó với trẻ nhất. Môi trường người mẹ sống cũng chính là môi trường mà trẻ tiếp nhận mọi thứ. Nếu có thể, người mẹ hãy tạo những tiền đề tốt đẹp nhất cho sự tiếp xúc của trẻ, cho trẻ trải nghiệm cuộc sống hay tạo môi trường học tập phù hợp với trẻ. Đừng cho rằng như vậy là quá sớm. Khi đọc cuốn sách này, bạn hãy cất hết những định kiến đã có sẵn vào một ngăn kéo nào đó trong đầu rồi khóa nó lại đi. Không có gì là sớm khi bắt đầu cho trẻ làm quen với những điều nói trên. Trẻ đã có ý thức ngay từ lúc sinh ra rồi.

Chúng ta luôn bị ám ảnh từ “giáo dục” có nghĩa là “dạy và nuôi dưỡng”. Nhưng với Ibuka Masaru, “giáo dục” có nghĩa là để bản thân trẻ “nhớ và tự lớn lên”. Nếu không lặp đi lặp lại cho trẻ nhớ, rồi sau đó để chúng tự phát triển bản năng và kĩ năng, thì chúng ta mãi mãi sẽ không thể nào tạo ra được những thế hệ có những bước nhảy cao hơn, xa hơn cha mẹ, thầy cô và những người đi trước chúng.

Niềm đam mê sẽ giúp trẻ thành công

 

Ibuka Masaru tập trung chủ yếu vào sự hứng thú và cách khơi gợi, duy trì và phát triển sự hứng thú của trẻ lên một tầm cao mới, tầm của “đam mê”.

 

Trẻ con rất tò mò. Chúng có thể cảm thấy hiếu kì với mọi thứ xung quanh và cả mọi hành động của người lớn. Không bao giờ nên gián đoạn hứng thú của trẻ với các sự vật, sự việc. Luôn có các cách xử lý khéo léo hơn vừa giúp trẻ tránh được nguy hiểm lại vừa thỏa mãn trí tò mò của trẻ.

Chính những tò mò khiến người lớn phát điên của trẻ là hạt mầm cho động lực học hỏi và tìm tòi về thế giới xung quanh cũng như niềm đam mê cháy bỏng khi trưởng thành. Đừng vội vàng chôn lấp những hạt mầm có thể phủ xanh tương lai của một đứa trẻ. Định kiến của cha mẹ sẽ trở thành những “khung giới hạn” cho việc phát triển của trẻ. Gỡ bỏ những định kiến kịp thời, để đứa trẻ của bạn có thể ngắm nhìn thế giới từ một tầm cao mới.

Kết

Thời kỳ có tính quyết định đến cuộc đời của một đứa trẻ có thể là vài ngày sau khi ra đời, thậm chí là vài giờ. Tất nhiên, sự trưởng thành của trẻ sẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Nhưng, khoa học đã chứng minh môi trường ngay khi chào đời sẽ tác động lên trí não trẻ một sức ảnh hưởng lớn mà sau này không gì có thể thay đổi được.

Một trang giấy chỉ dễ vẽ khi nó còn trắng trơn, khi đã in những nét vẽ khác màu, bức tranh sẽ không còn được bảo đảm về mặt bố cục nữa. Hãy vẽ đúng thời điểm, và hãy thật chắc tay trong những nét phác họa đầu tiên của mình.

You may also like

Leave a Comment