Thư của một người cha
Ngày ấy…, ngày các con chào đời, gia đình chúng ta cùng với cả dân tộc sống dưới bom đạn của Mỹ, sống trong một điều kiện sống có lẽ không giống dân tộc nào trên trái đất này.
Các con là những đứa trẻ thiếu may mắn. Khi các con biết đi thì điều mà bố mẹ dạy đầu tiên là biết cầm cái ghế bếp chạy ra hầm trú ẩn, mỗi khi chiếc loa cỡ lớn tại nhà hát thành phố thông báo, “máy bay địch cách Hà Nội…”.
Bố mẹ cũng muốn cho các con được ăn ngon, mặc đẹp, song vì cả nhà ta 5 người mà chỉ có một cái phiếu thực phẩm, với 0,5 kg thịt một tháng (vì mẹ và các con không có hộ khẩu ở Hà Nội). Ấy thế nhưng chưa khi nào các con bị thiếu sữa, và chưa khi nào các con bị lạnh. Vì sao ư?
Vì bố mẹ là bố mẹ của các con. Ngoài đồng lương ít ỏi, sau giờ làm việc ở cơ quan bố mẹ phải “cầy” thêm bằng cách cuốn thuốc lá điếu rồi bỏ xỉ cho các hàng nước vỉa hè. Cũng vì làm công việc cuốn thuốc lá mà một dạo bố bị nghiện thuốc (vì phải hút thử trước khi mua), thế rồi bố mẹ cũng thành thạo các khâu lựa thuốc, sao, tẩm, ủ và cuốn. Ngoài ra vào mỗi dịp tết bố lại xách cái máy ảnh Zenit về nông thôn để kiếm tiền, từ đó bố cũng thành thạo trong công việc của phòng tối.
Một kỷ niệm làm bố nhớ mãi, đứa con đầu lòng được sinh ra đúng vào thời điểm Mỹ bắt đầu ném bom miền bắc, khốn khó trăm bề. Một chiều thứ bảy, sau giờ làm việc, bố đi bằng chiếc xe đạp ‘Phượng hoàng’, trên quãng đường 20 km, sang thăm nơi hai mẹ con sơ tán, đến nơi mới biết con hết sữa, vậy là lại đạp 20 km quay về Hà Nội mua được sữa, thêm 20 km nữa đi sang nơi sơ tán, vị chi là đạp xe 60 km trong một buổi tối. Trên đường quay về, trong đầu chỉ nghĩ cách làm thế nào mua được sữa; trên đường quay sang thì vui vì đã mua được sữa rồi, nên bố chẳng biết mệt là gì.
Ngày ấy như vậy đó các con ạ. Cuộc sống của mọi người gần như nhau, và cũng mọi người chỉ ước nguyện sao cho chiến tranh mau chấm dứt.
Và bây giờ…, bây giờ, bố mẹ và các con mỗi khi ăn là nghĩ đến ăn ngon, ăn sao phải tốt cho sức khỏe; mặc chẳng những lành lặn mà con đẹp nữa; bây giờ bố mẹ và mỗi con đều có nhà riêng, khang trang rộng rãi. Nếu tính tổng diện tích nhà ở mà cha mẹ và các con hiện đang sở hữu, có lẽ đến 300 mét vuông rồi đấy, 300 ngày nay so với 10 mét vuông ngày ấy, một con số khá lớn đó các con nhỉ? Người già cũng đã có tiền để dành nhằm giảm bớt nỗi lo cho các con sau này.
Và bây giờ…, bốn đứa cháu nội của bố mẹ, một đứa chuẩn bị làm nghiên cứu sinh để lấy bằng tiến sĩ; đứa thứ hai đã thi đậu vào đại học; đứa thứ ba đang luyện thi vào Nhạc Viện; đứa thứ tư mới học lớp 4 nên chưa có định hướng nghề nghiệp gì.
Vậy là gia đình ta từ chỗ thiếu ăn, thiếu mặc, sống trong một căn nhà cấp 4 chỉ có 10 m2, nay bố mẹ và các con đã có nhà cửa đàng hoàng, có những bữa ăn ngon và có quân áo hợp “mốt”, những đứa trẻ được học hành đàng hoàng và có triển vọng thành đạt.
Bố mẹ không đòi hỏi sự đền đáp của các con, song mong các con hãy nhớ cho một điều rằng, gia đình ta được như hôm nay không thể tách rời vận hội của đất nước.
Điều mà bố mẹ cho đến khi về già vẫn sống thanh thản vì bố mẹ không hề “trộm cướp” của ai (kể cả của công) và cũng không phải quỵ lụy ai để có được những thứ đó. Tuy nhiên, là con người thì sao tránh khỏi những lỗi lầm, chỉ mong các con hiểu cho là được.
Yêu các con,
Phạm Tiến Khoa