Nghệ Thuật Minh Họa Áo Mũ Thời Nguyễn Đầu Thế Kỷ XX – Khảo cứu từ bộ tranh Grande Tenue de la Cour d’Annam của Nguyễn Văn Nhân

by admin

Cuốn sách phù hợp với mọi đối tượng độc giả quan tâm đến văn hóa, lịch sử, nghệ thuật nước Việt, chuyên sâu hơn là đội ngũ các giảng viên, sinh viên, nhà nghiên cứu/phê bình mỹ thuật, lịch sử trang phục…

Trong suốt ngàn năm áo mũ Việt Nam, triều Nguyễn đã ghi dấu vào nền “văn hóa mặc” một kho tàng trang phục độc đáo, có giá trị mỹ thuật lẫn giá trị lịch sử sâu sắc. Để phản ánh nền văn hóa áo mũ xa xưa này, nhiều tài liệu, ảnh chụp, tranh vẽ đã được thực hiện. Và trong số đó, bộ tranh “Grande Tenue de la Cour d’Annam” của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân cũng được đánh giá như một tài liệu quan trọng về cả mặt lịch sử lẫn nghệ thuật.

“Nghệ thuật minh họa áo mũ thời Nguyễn đầu thế kỷ XX” của tác giả Trần Minh Nhựt là công trình nghiên cứu nghệ thuật với trọng tâm là khảo cứu bộ tác phẩm nghệ thuật công phu “Grande Tenue de la Cour d’Annam” (tạm dịch Đại Lễ phục triều đình An Nam) của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân, nhằm giải mã ngôn ngữ tạo hình nghệ thuật đặc trưng, hay sự tác động của nghệ thuật phương Tây trong giai đoạn giao thoa văn hóa Đông – Tây đầu thế kỷ XX. Qua đó, tôn vinh tài năng vẽ tranh điêu luyện của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân; củng cố và đánh giá những giá trị nghệ thuật của bộ tranh khi soi chiếu đến trang phục triều Nguyễn, đồng thời đề cao những đóng góp của họa sĩ cho nền mỹ thuật nước nhà.

Bộ tranh “Grande Tenue de la Cour d’Annam” do họa sĩ Nguyễn Văn Nhân vẽ vào tháng 12 năm 1902, dưới triều vua Thành Thái, gồm 54 bức vẽ minh họa bằng màu nước trên giấy khổ 23,1×31,8cm đóng thành một cuốn album, hiện đang thuộc quyền sở hữu của National Gallery Singapore. Sau hơn 120 năm ra đời và lưu lạc, bộ tranh quý minh họa trang phục cung đình Huế đầu thế kỷ XX cũng đã được in ấn đẹp mắt và trang trọng theo đúng nguyên bản từ ảnh chụp kỹ thuật số sắc nét của National Gallery Singapore, trong công trình nghiên cứu của tác giả Trần Minh Nhựt.

Trong công trình này, bằng kinh nghiệm và chuyên môn của mình, tác giả Trần Minh Nhựt – Thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật đã dành một dung lượng tương đối để tập trung phân tích mỹ thuật học (đường nét, mảng, hình, màu sắc, nhịp điệu) của ngôn ngữ đồ họa trong tạo hình minh họa áo mũ, cũng như diễn giải kỹ càng về nghệ thuật minh họa và cuộc gặp gỡ phong cách tạo hình phương Tây ở khía cạnh khoa học màu sắc và ánh sáng, và tỷ lệ nhân thể, để giúp độc giả hiểu rõ hơn các giá trị (mỹ thuật, lịch sử, văn hóa – xã hội) của bộ tranh “Grande Tenue de la Cour d’Annam” và phần nào cho thấy rõ sự tài hoa, sự điệu nghệ cùng kỹ thuật vẽ tranh vô cùng ấn tượng của họa sĩ. Kết quả nghiên cứu được chỉ ra trong phần nội dung của quyển sách với kết cấu 5 chương:

Chương 1: Một số vấn đề về tác giả – tác phẩm “Grande Tenue de la Cour d’Annam”. 

Chương 2: Ngôn ngữ đồ họa trong tạo hình minh họa áo mũ – Phân tích mỹ thuật học

Chương 3: Nghệ thuật minh họa và cuộc gặp gỡ phong cách tạo hình phương Tây

Chương 4: Các giá trị của bộ tranh minh họa “Grande Tenue de la Cour d’Annam”

Chương 5: Vị thế tác giả Nguyễn Văn Nhân: Những đóng góp cho dòng nghệ thuật minh họa Việt Nam

Tác giả đã dành một phần chia sẻ hành trình đi tìm lời giải về thân thế của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân; đồng thời tái hiện thành công hoàn cảnh ra đời bộ tranh, hành trình lưu lạc, quá trình anh tiếp cận bộ tranh quý giá “Grande Tenue de la Cour d’Annam” hiện đang được lưu giữ ở Singapore để độc giả hiểu hơn về thân thế – sự nghiệp và vị thế của họa sĩ. Theo tác giả Trần Minh Nhựt, bộ tranh mang ba giá trị lớn:

  • Giá trị mỹ thuật: tranh minh họa đã tạo ra một hệ thống tham chiếu các yếu tố mỹ thuật của trang phục thời Nguyễn, gồm những ý nghĩa tâm linh, đồ án hoa văn trang trí, màu sắc và bố cục. 
  • Giá trị lịch sử: việc tái hiện lịch sử trên tranh vẽ có tác dụng phô bày những thứ đẹp đẽ nhất của triều Nguyễn như nghệ thuật tạo tác áo mũ, nghệ thuật thêu thùa, nghệ thuật thư họa, hay các nghi lễ trong hoàng cung. 
  • Giá trị văn hóa – xã hội: tác phẩm phản ánh văn hóa mặc và một số khía cạnh phổ quát về triều đình Huế, hay một xã hội An Nam trong thời kỳ đầu tiếp cận nghệ thuật phương Tây. 

Như lời chia sẻ của tác giả: “Cuộc đời và sự nghiệp hội họa của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân còn rất nhiều điều bí ẩn cần khám phá. Tuy ông không được tôn vinh trên mặt giấy như các nghệ sĩ cùng thời, nhưng trên thực tế, ông đã có đóng góp vô cùng ý nghĩa cho nghệ thuật minh họa Việt Nam nói chung và mỹ thuật Huế nói riêng. Đứng trước thành tựu còn hạn chế về tranh minh họa thời cận – hiện đại, tác phẩm của ông trở thành một mảnh ghép quan trọng mới cho dòng nghệ thuật minh họa Việt Nam đã từng một thời rực rỡ. Phía sau bộ tranh ấy là cả một nền văn hóa áo mũ tuyệt vời.”

Trải qua hành trình hơn 120 năm ra đời và lưu lạc xứ người, giá trị của bộ tranh minh họa trang phục cung đình Huế “Grande Tenue de la Cour d’Annam” của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân, và những đóng góp của người họa sĩ tài hoa này cho dòng nghệ thuật minh họa Việt Nam, cuối cùng cũng được hậu thế biết đến, được nghiên cứu bài bản và công phu, được thưởng lãm và đặt ở vị trí quan trọng trong lịch sử trang phục Việt Nam.

Cuốn sách phù hợp với mọi đối tượng độc giả quan tâm đến văn hóa, lịch sử, nghệ thuật nước Việt, chuyên sâu hơn là đội ngũ các giảng viên, sinh viên, nhà nghiên cứu/phê bình mỹ thuật, lịch sử trang phục…

 

Hoàn cảnh ra đời và hành trình lưu lạc của bộ tranh

 

“Tháng 4/2011, TS. Trần Đức Anh Sơn nhận được một bức e-mail từ TS. Pierre Baptiste – quản thủ sưu tập Đông Nam Á của Bảo tàng Quốc gia Guimet về Nghệ thuật châu Á ở Paris (Pháp) – báo tin tại Eric Chaim Kline Bookseller ở Santa Monica (California, Mỹ) đang rao bán bộ tranh vẽ minh họa Lễ phục của vua quan và binh lính nhà Nguyễn mặc trong lễ tế Nam Giao. Bộ tranh được bán với mức giá $35,000.00 tương đương với 722,050,000.00 VND (tính theo tỷ giá đô la năm 2011). Theo TS. Trần Đức Anh Sơn, trên website của Eric Chaim Kline Bookseller, bộ tranh được rao bán có ký hiệu: Book ID: 11638. Tuy nhiên, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố Đô Huế đã không kịp đặt mua các họa phẩm ấy. Được biết, bộ tranh đã được bán cho một người ẩn danh tại Hội chợ sách New York (cuối tháng 4/2011), sau đó bộ tranh được bán lại cho một người khác.

Ngày 3/10/2011, bộ tranh trên được lên sàn đấu giá tại Sotheby’s, số hiệu: Lot 595. Khoảng giá ước tính: 240,000.00-380,000.00 HKD, giá gõ búa: 680,000.00 HKD32, tương đương với 1,996,419,013.00 VND, gấp 2,6 lần so với giá bán tại Eric Chaim Kline Bookseller. Trong e-mail phản hồi ngày 27/11/2017, ông Mok Chuan Kim – Giám đốc cao cấp tại văn phòng đại diện của Sotheby’s Đông Nam Á – xác nhận bộ tranh được bán ra là sản phẩm gốc, và cũng là sản phẩm duy nhất trên thế giới. Một lần nữa, bộ tranh quý rơi vào tay quý nhân và phía Sotheby’s không thể tiết lộ danh tính của người này. 

Một thời gian ngắn sau đó (khoảng năm 2012), bộ tranh xuất hiện và được giới thiệu công khai tại National Gallery Singapore (Phòng Trưng bày Quốc gia Singapore).” – Trích chương 1 của tác phẩm. 

VỀ TÁC GIẢ TRẦN MINH NHỰT

  • Tốt nghiệp Cử nhân ngành Thiết kế Thời trang, Trường Đại học Hoa Sen – Mod’Art International Paris (2014).
  • Tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật, Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM (2019).
  • Có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Thiết kế/Kỹ thuật ngành may tại các Công ty: Áo dài Sĩ Hoàng (thực tập), Quỳnh Paris (thực tập), Traval Vai Co.Ltd, và các hãng thời trang nội địa. Tham gia giảng dạy về Thiết kế và Nghệ thuật tại các Trường Đại học/Cao đẳng ở TP. HCM: Trường Cao đẳng Quốc tế Kent, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Trường Đại học Hoa Sen,…
  • Á khoa Fashion Creation 2014 – Trường Đại học Hoa Sen.
  • Top 15 TKTT hạng mục Haute Couture – cuộc thi Gương mặt trẻ Her World 2013.

You may also like

Leave a Comment