Nghĩ giàu không giúp bạn làm giàu: Cách thực sự để vực dậy khi xuống tinh thần

by admin

Khi cả thế giới đều trông ảm đạm, liệu tư duy tích cực có thể là câu trả lời cho mọi phiền não? Bài viết thú vị về các giải pháp để có được hạnh phúc trong lịch sử từ cổ chí kim, dưới nhiều góc nhìn thú vị.

Khi Napoleon Hill bắt đầu tìm hiểu về nguyên tắc bí mật ẩn sau mọi thành công của con người, ông thật sự đã rất chuyên tâm và mẫn cán. Trong hơn hai thập kỷ, ông đã phỏng vấn những doanh nhân xuất sắc (Thomas Edison, Henry Ford, Alexander Graham Bell), những nhà tài phiệt hàng đầu (John D Rockefeller, Charles Schwab) và những chính trị gia kiệt xuất (Theodore Roosevelt, Woodrow Wilson – và Joseph Stalin, điều này nói lên phần nào định nghĩa về sự “thành công” đang được bàn tới trong bài viết này). Sinh ra tại vùng núi Appalachia của Mỹ trong cảnh nghèo khó, Hill muốn biết được điểm chung của tất cả những người ông đã phỏng vấn: làm thế nào họ đạt được sự giàu có, quyền lực, danh tiếng, và tất nhiên có cả sự toại nguyện.

Đây là một câu hỏi thú vị, và do vậy câu trả lời đơn giản Hill đưa ra trong cuốn sách xuất bản năm 1937 Think and Grow Rich (13 Nguyên tắc nghĩ giàu, làm giàu) lại khiến chúng ta có phần thất vọng. Ông viết rằng, “ĐÍCH THỰC”, (hẳn rằng ông vô cùng tâm đắc với những chữ cái viết hoa), “tư duy có sức mạnh vô cùng to lớn, đặc biệt khi nó được hòa quyện cùng với mục tiêu, sự kiên trì và một HAM MUỐN CHÁY BỎNG tuyệt đối.

Ông giải thích rằng nếu bạn có thể hòa vào “sức nóng mạnh mẽ của từ HAM MUỐN”, nếu bạn có thể “hình dung, cảm nhận và tin rằng bản thân mình đã giàu có hay thành công”, thì bạn hoàn toàn có thể giàu có và thành công. Nói tóm lại: tư duy tích cực. Hay đúng ra phải viết là TƯ DUY TÍCH CỰC. Đơn giản là vậy.

Thông điệp này khó có thể được tiếp nhận dễ dàng khi mà ta đã phải trải qua cuộc Đại Khủng Hoảng. Nền kinh tế nằm dưới sự tác động của nhiều nguồn lực khác nhau; thất nghiệp cùng nghèo đói trên diện rộng hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của các cá nhân – vì vậy, nếu ai nói rằng đơn giản bạn chỉ cần giải phóng suy nghĩ khỏi những điều đó thì chẳng khác nào người đó đang muốn ăn một cú đấm vào mặt. Nhưng Nghĩ giàu làm giàu đã được tiên định sẽ được xếp vào hàng ngũ bestseller. Cuốn Đắc Nhân Tâm) của Dale Carnegie xuất bản một năm sau đó (1936) cũng như vậy, một cuốn sách cũng toát lên tinh thần lạc quan tương tự. Sau Khủng hoảng, phong trào Tư duy Tích cực hiện đại ra đời.

Nếu như chúng ta thấy mình khó có thể chấp nhận được chủ nghĩa tư duy tích tích cực này trong thời kỳ khó khăn kinh tế, thì có lẽ đó là vì ít nhiều trong sâu thẳm chúng ta, ta đồng tình với những điều Barbara Ehrenreich nói trong cuốn Bright-sided (Mặt sáng): bà chê trách tư duy tích cực vì đã góp phần tạo nên cục diện suy thoái hiện tại ngay từ những ngày đầu.

Bà lập luận:

Câu thần chú ‘chỉ cần muốn, bạn có thể có tất cả’ đã trở nên quá phổ biến trong giới kinh doanh. Tất cả những chồng sách trong hiệu sách đặt tại sân bay đều như đang hét lên phản đối tính “bi quan” và khuyên người đọc phải luôn lạc quan, vui vẻ và tràn đầy tự tin.

Cuối cùng, khủng hoảng thế chấp này là gì, nếu đó không phải xuất phát từ lời tuyên ngôn của các ngân hàng và người đi vay, rằng nếu bạn thật sự muốn điều gì đó, bạn không cần phải lo lắng về khả năng thất bại?

[…]

Nếu như bạn đang cảm nhận được cuộc khủng hoảng tài chính đang tác động tiêu cực lên cuộc sống của mình, gần như chắc chắn là bạn sẽ không muốn ai tới khuyên bạn phải suy nghĩ tích cực.

Một lý do khác có thể là vì bạn đã cố gắng thử áp dụng các phương pháp trong sách, rồi phát hiện ra rằng chúng không có tác dụng gì cả. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Psychological Science tháng trước chỉ ra rằng việc tự nói với bản thân những câu khích lệ đầy lạc quan như “Mình là 1 người đáng yêu” lại thường khiến tinh thần của những người vốn kém tự tin tụt xuống, thay vì được nâng cao.

Tất cả những điều này đặt ra một câu hỏi: Nếu như những thứ phương pháp đó không thể khiến ta cải thiện tâm trạng trong cảnh đau buồn, vậy điều gì có thể làm được?

Trong các năm qua, thi thoảng tôi lại viết một cuốn “Nhật ký cảm ơn” (Gratitude journal) – theo cách gọi của nhà tâm lý học Sonja Lyubomirsky tại Đại học California: một cuốn sổ liệt kê khoảng 3-5 điều khiến tôi cảm thấy biết ơn. Thực ra, tôi rất ngại khi phải thừa nhận điều này. Việc giữ cuốn sổ này hoàn toàn mâu thuẫn với những gì tôi nhìn nhận về chính mình: một người Anh lúc nào cũng hoài nghi, lý trí và hay nói lời mỉa mai, châm chọc, miễn nhiễm với những cám dỗ sến sủa, hay những thứ vớ vẩn giúp tâm trạng tốt hơn. Bên cạnh đó, tôi cũng rất nghi ngờ những phương pháp có thể biến tôi thành người lúc nào cũng mỉm cười được và không bao giờ phàn nàn: có lẽ chúng ta nên giận dữ và buồn bã về những điều như thái độ của các chính trị gia hay tình trạng khí hậu hiện tại.

Điều khó xử ở đây chính là việc giữ một cuốn nhật ký cảm ơn như vậy đã giữ cho tâm trạng của tôi thay đổi rõ rệt.

Tôi không phải người duy nhất thấy vậy: các nghiên cứu do Lyubomirsky và  đồng nghiệp thực hiện chỉ ra rằng việc ghi chép này giúp mức hạnh phúc tăng lên rõ rệt so với nhóm kiểm soát (dù rằng hạnh phúc là một khái niệm mang tính chủ quan, nhưng bạn có thể yên tâm rằng họ đã tìm được cách đo đạc nó ở mức chính xác phổ quát nhất). Và tôi hân hạnh được chia sẻ với các bạn rằng, có lẽ chính việc tôi không thể viết nhật ký hàng ngày về bất cứ điều gì lại là một trong các lý do khiến phương pháp này có tác dụng. Nhóm của Lyubomirsky không ghi nhận được bất cứ sự cải thiện nào về chỉ số hạnh phúc ở những người viết nhật ký hàng ngày, nhưng lại ghi nhận được những cải thiện lớn lao đối với những người làm vậy theo từng tuần. Có lẽ là bởi những người như tôi sẽ không cảm thấy chán trò này, hay cũng không vì thế nảy sinh tư tưởng rằng chuyện cảm thấy biết ơn là thứ đương nhiên.

Thật may là trong cuốn The How of Happiness (tạm dịch: Làm sao để hạnh phúc), Lyubomirsky đã công nhận sự tồn tại của cảm giác xấu hổ ngượng ngùng khi viết nhật ký cảm ơn. Bà nhận định, một vài phương pháp trông có vẻ “ngốc nghếch… tốt thì cũng là trò vặt vãnh, còn tệ nhất thì rõ sến sẩm” – thật ra lại là cách hiệu quả giúp bạn hạnh phúc, vui vẻ hơn. Có thể chúng ta sẽ phải lựa chọn giữa việc thờ ơ mọi điều sến sẩm của cách làm này với việc chấm dứt tình trạng buồn bã.

Phát hiện của Lyubomirsky về lòng biết ơn hình thành nên một phần của ngành tâm lý học tích cực – cho tới nay đã có lịch sử 10 năm và đã tạo nên một cuộc cách mạng trong nghiên cứu về tâm trí con người. Nhờ chuyển đổi góc nhìn đơn giản – từ việc tập trung gần như tuyệt đối vào nghiên cứu rối loạn tâm thần như nhiều thập kỷ trước sang nghiên cứu nguyên nhân hình thành hạnh phúc giản đơn và “sự thăng hoa”. Freud có một nhận định nổi tiếng về sứ mệnh của ngành phân tâm học, đó chính là biến “đau khổ” sang “nỗi buồn bình thường”. Tuy nhiên, trong một phát biểu có tính bước ngoặt năm 1998, Martin Seligman, giáo sư của Đại học Pennsylvania, người có công mở ra ngành tâm lý học tích cực, cũng đã buộc tội những người bạn đồng nghiệp của mình đã bỏ quên nhiệm vụ “giúp những người ít gặp vấn đề về tâm lý trở nên vui vẻ hơn”.

Các thí nghiệm được thực hiện trong thập kỷ ngay sau đó đã thổi bùng nên sự ra đời các cuốn sách về hạnh phúc: ước tính chỉ riêng năm 2008 đã có 4.000 cuốn được xuất bản. Những cuốn hay nhất (bao gồm các tác phẩm của Lyubomirsky, Authentic Happiness của Seligman, Stumbling on Happiness của Daniel Gilbert và The Happiness Hypothesis của Jonathan Haidt) đã vượt xa mọi chỉnh sửa nhanh chóng sau đó về tư duy tích cực. “Tâm lý học tích cực là về việc tiếp thu các kỹ năng cho việc phục hồi, cam kết, có mục tiêu và các mối quan hệ tích cực”, Seligman phát biểu. “Và không có kỹ năng nào là đơn giản. Chỉ có chứng lo âu và trầm cảm là dễ gặp phải”.

Chính tính cách của Seligman đã chứng minh điều này: những người phỏng vấn vốn mong đợi vào một huấn luyện viên tràn đầy cảm hứng đã rất ngạc nhiên khi khám phá ra ông là người tẻ nhạt, hay cáu kỉnh và tự nhận mình thuộc nhóm “người thô lỗ cáu bẳn, bi quan và trầm cảm”. Ông đã áp dụng thành công những phát hiện của mình vào trường hợp của bản thân, từ đó dịch chuyển “vạch xuất phát” hạnh phúc theo hướng đi lên, mặc dù tính cáu bẳn vẫn không thay đổi. “Dù vậy, bất cứ khi nào tôi thuyết minh về điều này, điều đầu tiên tôi thường gặp phải là  ‘ồ, đó chính là kiểu lạc quan hời hợt, hớn hở của người Mỹ’.

Thực vậy, những gì chúng ta học được từ tâm lý học tích cực thường khá nghiêm túc và thực tế, không giống với cách nghĩ thần kỳ như mô tả của Napoleon Hill hay trong cuốn The Secret. Chúng ta đã biết về các cuốn nhật ký cảm ơn. Chúng ta học được rằng việc ghi lại những vấn đề cá nhân trong nhật ký có thể có tác động tích cực không chỉ lên tâm trạng, mà còn lên cả những chỉ số khách quan về sức khỏe của cơ thể. (Các nhà nghiên cứu tại New Zealand phát hiện ra rằng các bài tập viết 30 phút mỗi ngày giúp làm tăng mức độ CD4 lymphocytes, một chỉ số về chức năng miễn dịch của bệnh nhân AIDS). Nhìn chung, mọi người đều khá tệ trong việc đoán những điều có thể làm họ hạnh phúc, và khi phải xem xét những lựa chọn quan trọng trong cuộc đời, chúng ta thường cho rằng sẽ khôn ngoan hơn nếu chọn theo điều đa số đã làm trước đó. Chúng ta học được rằng thích nghi là kẻ thù lớn nhất của hạnh phúc: dù trải nghiệm của chúng ta có tích cực thế nào, chúng ta cũng sẽ quen dần và rồi bắt đầu cảm thấy nhàm chán. Vì vậy tìm kiếm những điều mới mẻ trong cuộc sống chỉ để thỏa mãn ham muốn trải nghiệm cái mới có thể là một chiến lược hợp lý. Nhưng điều giúp ta an tâm nhất, có lẽ là con người kiên trì, bền bỉ hơn họ nghĩ rất nhiều. Thậm chí khi đối mặt với những khủng hoảng như chiến tranh, động đất, lũ lụt, gần như ¾ loài người không mắc phải rối loạn stress sau sang chấn.

Tuy các phát hiện này còn khá khiêm tốn, nhưng dễ dàng nhận thấy đã có những phản ứng dữ dội về “ngành công nghiệp hạnh phúc”, một khái niệm thường bị đánh đồng giữa những kẻ buôn lậu thuốc chống trầm cảm với các bậc thầy về tư duy tích cực self-help hay những nhà tâm lý học tích cực nhiệt thành. “Người hạnh phúc là người nông cạn”, Eric Wilson, một học giả văn học đã viết như vậy trong cuốn Against Happiness, buộc tội ngành tâm lý học hiện đại vì đã “gạt bỏ giá trị của nỗi buồn một cách hèn nhát”. Trong cuốn The Loss of Sadness, hai nhà xã hội học Jerome Wakefield và Allan Horwitz cũng đưa ra quan điểm tương tự. Họ lập luận rằng con người đang quá thiết tha với việc chữa trị những buồn đau thông thường. Chúng ta vội vàng đi kê đơn hay can thiệp bằng liệu pháp cho những người đau khổ vì chia tay hay vì cái chết của ai đó.

Đương nhiên những lập luận này cũng có điểm đúng. Nhưng những nhà phê bình công kích tâm lý học tích cực thường mắc một lỗi nghiêm trọng: khi các nhà tâm lý học tích cực đương đại nói về niềm hạnh phúc, họ không chỉ đơn thuần nói về trạng thái tâm lý tích cực.

Có lẽ chúng ta không thể đạt được trạng thái hưng phấn liên tục và nếu đạt được, đó là dấu hiệu vấn đề về tính cách chứ không phải tình trạng tâm lý. Nhà nghiên cứu Barbara Fredrickson đã đưa ra một tỉ lệ lý tưởng là cứ mỗi 3 trải nghiệm hay cảm xúc tích cực, ta lại có 1 trải nghiệm và cảm xúc tiêu cực, tất nhiên tỉ lệ này không thể là 1:0. Sau mất mát, nỗi đau giúp cho vết thương được chữa lành; nỗi sợ hãi, tất nhiên, chính là một chỉ số cần thiết đánh giá mức độ nguy hiểm. Nhưng tâm lý học tích cực “không phải môn khoa học giúp cải thiện tinh thần”, Seligman nhấn mạnh. Thay vào đó, ông xác định được ba loại hạnh phúc khác nhau. Thứ nhất là “cuộc sống dễ chịu” – đây thường là mục tiêu công kích của những nhà phê bình tâm lý học tích cực. Thứ hai là “cuộc sống tốt”, nghĩa là “nhận biết các giá trị, điểm mạnh nhất của bản thân, và luôn tận dụng chúng”. Cuối cùng là “cuộc sống có ý nghĩa”, dùng điểm mạnh của mình vào những việc to lớn hơn những điều mang tính cá nhân.

Hai loại hạnh phúc cuối cùng không gắn liền với niềm vui bất tận. Một phần do nó bao gồm cả những cảm xúc tiêu cực và một phần vì trong những chặng đường tuyệt vời nhất của cuộc sống “tốt” hay “có ý nghĩa”, chúng ta hiếm khi nhận ra cảm xúc của mình: chúng ta thường ở trong một trạng thái mà nhà tâm lý học Mihaly Csikszentmihalyi gọi là “dòng chảy”.

 

Chỉ khi ngồi chiêm nghiệm lại, chúng ta mới nhận ra mình đã mãn nguyện thế nào.

 

Một trong những kết luận đặc biệt phù hợp với thời điểm hiện tại của tâm lý học tích cực chính là không có loại hạnh phúc nào đặc biệt liên quan tới thu nhập: trên một ngưỡng nhất định, hiệu ứng cải thiện hạnh phúc của đồng tiền sẽ giảm xuống nhanh chóng. Seligman, người mất 25% số tiền tiết kiệm cả đời trong một lần thị trường chứng khoán bị sụp đổ, lại tiếp nhận điều này một cách khá dễ chịu. “Khoa học chỉ ra rằng chỉ số sức khỏe của con người phụ thuộc một phần vào vật chất, của cải, đặc biệt là khi điều này ở dưới mức an toàn, nhưng ở trên mức này rồi thì ý nghĩa cuộc sống và các mối quan hệ tốt đẹp mới quan trọng. Mất một phần tư số tiền tiết kiệm cả đời đúng là một cú choáng người, nhưng khi so sánh nó với những mối quan hệ tốt đẹp thì điều này chẳng là gì cả”.

Càng đọc cuốn Nghĩ giàu làm giàu của Napoleon Hill, bạn sẽ càng thấy luận điểm của ông ấy thiếu thuyết phục. Đầu tiên, ông ấy không đưa ra bằng chứng thực tế nào cho thấy những người giàu có và nổi tiếng mà ông ấy phỏng vấn thực sự hạnh phúc. Kể cả khi cứ cho là họ hạnh phúc đi, Hill ngày càng trở nên kém thuyết phục hơn trong nỗ lực khẳng định lý do dẫn tới hạnh phúc là người nào đấy đã chia sẻ Bí quyết Thành công – dù mỗi người là những tổ hợp khác biệt về kỹ năng, tinh thần phấn đấu, trí tuệ, kế hoạch, đặc quyền, tham vọng và  may mắn. (May mắn có thể là một nhân tố đặc biệt bị bóp méo: hàng nghìn người khác có thể đã tư duy tích cực chính xác như vậy, nhưng rồi lại thất bại. Sẽ không có gì là ngạc nhiên khi Hill không bao giờ phỏng vấn những người này.)

Những phát hiện của tâm lý học tích cực có một lợi thế khó có thể bì được vì chúng đều được chứng minh thông qua các nghiên cứu thực nghiệm, nhưng ngoài ra còn có một lý do khác khiến chúng ta thấy những điều này thật đúng đắn. Các phát hiện này đều khiêm tốn, phong phú và khác biệt:  nó giúp trực giác của chúng ta biết rằng hạnh phúc là một tổ hợp tạo thành từ nhiều lý do khác nhau, bao gồm các thử nghiệm đúng sai, và phù hợp với lẽ thường; rằng không có một bí mật duy nhất hay cách chữa trị nhanh chóng nào đang đợi chúng ta khám phá và nếu làm vậy, chúng ta chỉ chuốc lấy khổ sở thôi. Lời khuyên rất đơn giản. Luôn ghi nhớ phải biết ơn.

 

Hãy chi tiền để thu về các trải nghiệm, không phải vật chất. Đi tình nguyện. Nuôi dưỡng các mối quan hệ. Dành thời gian với thiên nhiên. Hãy chắc chắn rằng bạn gặp gỡ những người mới, đến những địa điểm mới. Và không bao giờ được mặc định rằng bạn biết rõ điều gì sẽ khiến mình hạnh phúc.

 

Một số lời khuyên trên nghe giống như những lời dạy bảo của các cụ, hay một tràng những lời sáo rỗng cũ rích. Nhưng chắc chắn rằng đấy là những điều đáng suy nghĩ, bởi vì chúng đúng đắn.

Theo The Guardian

You may also like

Leave a Comment