“Cá nhân hóa mọi chuyện” thực ra là một cách nhìn nhận cuộc sống tiêu cực hơn thực tế, được hình thành từ tâm lý bi quan, yếm thế. Nếu đã nhận ra mình, hoặc ai đó đang rơi vào tình trạng này, thì bạn cứ bình tĩnh, vì ngưng “cá nhân hóa” cũng là một nghệ thuật. Và nghệ thuật thì cần thời gian để thực hành.
Bất cứ khi nào bạn bắt đầu ghét ai đó vì nhận xét hoặc thái độ của họ, hãy tự hỏi bản thân: “Tại sao?”. Câu trả lời có thể giúp bạn tìm ra cách cư xử hợp lý hơn.
Nếu bạn rất nhạy cảm với các lời phê bình, vậy điều bạn cần làm là tìm ra cách để bớt quan tâm những gì mọi người nghĩ và chỉ là chính mình.
Nếu bạn có những ký ức không vui với những lời chỉ trích tương tự, thì ai, điều gì đã gây ra điều đó? Xác định lại nguyên nhân thực sự và bắt tay vào xử lý cảm giác khó chịu đó.
Nếu lời chỉ trích đó đúng đến bực mình, thì bạn có thể thay đổi điều gì đó? Nếu bạn thay đổi được, hãy hành động. Nếu không thể, hãy học cách chấp nhận.
Nếu đơn giản là không vui vì bị chỉ trích, bạn sẽ làm gì để giảm thiểu điều đó trong cuộc sống của mình?
Dù lý do là gì, những mẹo gợi ý dưới đây sẽ giúp bạn làm chủ nghệ thuật kiểm soát tính xấu này:
1. Thử đặt mình vào hoàn cảnh của mọi người
Đã bao nhiêu lần bạn nói hoặc làm điều gì đó gây tổn thương cho người khác? Và bạn làm vậy chỉ vì bạn đã có một ngày tồi tệ chứ không hề cố ý? Nếu bạn đã từng như vậy, thì mọi người cũng thế.
Nói một cách khoa học, con người hầu như luôn để cảm xúc dẫn dắt trước khi dùng lý trí. Nói vậy không để bào chữa cho bất kỳ hành vi nào, nhưng nếu coi “hành động và lời nói phản ánh người nói chứ không phải đối tượng được nói đến”, có lẽ bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn.
2. Học cách để phát triển từ phê bình
“Chỉ có một cách để tránh bị chỉ trích: không làm gì, không nói gì, và không là gì cả” – Aristotle
Phản hồi tiêu cực là một yếu tố rất cần thiết để tạo động lực phát triển. Chúng ta không hoàn hảo, và luôn có thể mắc lỗi trong công việc. Vì thế, đôi khi, lời chỉ trích có trong nó một số sự thật. Kể cả những lời chỉ trích không mang tính xây dựng, thì bạn vẫn có thể học hỏi từ chúng.
Tất nhiên, thực tế là chấp nhận sự thật có khi còn khó hơn là đổ tại ai đó ghét bạn. Nhưng thay vì cắm đầu vào tấn công lại người chỉ trích, hoặc chìm đắm trong tự ti, hãy tự hỏi bản thân: “Tôi có thể học được điều gì từ điều này không?”. Tạo một kế hoạch khả thi, với các bước cụ thể để cải thiện bản thân nhé.
3. Biết sự nhạy cảm của mình
Chúng ta thường nhìn nhận một cách cá nhân với vấn đề mà chúng ta bị “nhạy cảm” nhất. Vì vậy, để không bị các cảm giác tiêu cực xâm chiếm, bạn hãy tự nhìn nhận những đề tài nào, hoặc vấn đề gì sẽ khiến mình khó chịu. Ví dụ: nếu ghét bị chỉ trích khi đang lên kế hoạch, thì ngừng chia sẻ khi các kế hoạch chưa thành hình. Như vậy, bạn có thể tránh xa các tình huống tạo điều kiện cho người khác nhận xét. Nghe có vẻ hơi tiêu cực, nhưng như vậy bạn sẽ không rơi vào cái bẫy cảm xúc của bản thân và làm mọi chuyện tệ đi.