Người cận vệ cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời

by admin

Cụ Tạ Quang Chiến, người được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên trong nhóm 8 cận vệ Trường Kỳ Kháng Chiến Nhất Định Thắng Lợi qua đời ngày 11/6, hưởng thọ 98 tuổi.

Cụ Tạ Quang Chiến tên thật là Nguyễn Hữu Văn, quê gốc ở Hải Dương, nhưng sinh ra ở Thanh Hóa. Năm 10 tuổi, ông theo gia đình ra Hà Nội. Sớm giác ngộ cách mạng, 18 tuổi tham gia hoạt động trong tổ chức Thanh niên cứu quốc, chiến sĩ Tự vệ cứu quốc Hoàng Diệu (1945), đơn vị vũ trang đặc biệt trực thuộc Thành ủy Hà Nội lúc bấy giờ.

Cuối năm 1945, ông được Anh Cả – Nguyễn Lương Bằng tuyển chọn vào giúp việc cho Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với các ông Võ Chương, Vũ Long Chuẩn, Nguyễn Văn Lý, Văn Lâm, Ngọc Hà, Nguyễn Quang Chí và Trần Đình. Ông được bố trí bảo vệ Hồ Chủ tịch đến thăm các vị nhân sĩ, trí thức Hà Nội, bảo vệ Hồ Chủ tịch dự kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I và những chuyến đi kinh lý các tỉnh như Thái Bình, Thanh Hóa, Nam Định, Ninh Bình…

Năm 1947, sau ngày Toàn quốc kháng chiến, các cơ quan T.Ư Đảng rút lên Việt Bắc. Khi đến xã Cổ Tiết (H.Lâm Thao, Phú Thọ), tổ bảo vệ gồm 8 người được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt thành khẩu hiệu: Trường Kỳ Kháng Chiến Nhất Định Thắng Lợi. Anh thanh niên Nguyễn Hữu Văn mang tên Tạ Quang Chiến từ đó.

Sinh thời, cụ Tạ Quang Chiến thường nói: Được Bác Hồ đặt tên là một kỷ niệm không thể nào quên và đó là niềm hạnh phúc lớn khi tôi được Bác khai sinh ra lần thứ hai. Một lần khi chúng tôi đang đốt củi, ngồi quây quần để sưởi ấm thì Bác nói: “Hôm nay, Bác đặt lại tên cho các chú theo thứ tự vòng tròn mà các chú đang ngồi nhé Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi. Đặt xong, Bác lại hỏi: Các chú có biết tại sao Bác lại đặt tên cho các chú như vậy không?. Rồi Bác tiếp tục giải thích: Nhiệm vụ của Bác cháu ta hiện tại vừa là trước mắt, vừa là lâu dài cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đưa cuộc kháng chiến này đi đến thắng lợi. Vì vậy, đặt lại tên cho các chú để các chú trở thành khẩu hiệu sống bên Bác, nhắc nhở mọi người hằng ngày phải hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Những ngày đầu khi tiếp xúc và làm quen với công việc, ông Tạ Quang Chiến được ông Nguyễn Văn Lý (tức Hoàng Hữu Kháng) là người phụ trách tổ cận vệ và các ông như Ngọc Hà (Chu Phương Vương), Văn Lâm, Nam Phong, Trần Đình là những người đã từng bảo vệ Bác ở trên căn cứ Tân Trào giúp đỡ và kèm cặp kinh nghiệm. Trong mỗi chuyến công tác bảo vệ Bác Hồ, ông Tạ Quang Chiến thường được bố trí đi cùng Bác đến thăm các vị nhân sĩ, trí thức Hà Nội, bảo vệ Bác dự kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I hoặc bảo vệ Bác đi các tỉnh như Thái Bình, Thanh Hóa, Nam Định, Ninh Bình… Ông Tạ Quang Chiến từng bảo: Nói là cận vệ thì chưa đúng, vì thực tế ông và các đồng đội đều phải kiêm tất cả các công việc như cảnh vệ, văn phòng, thư ký, liên lạc và hậu cần trên tinh thần một người có thể làm được nhiều công việc. Nhưng trên hết, nhiệm vụ bảo vệ Bác, lo cho Bác lúc nào cũng khỏe mạnh là nhiệm vụ quan trọng nhất.

Suốt 12 năm, ông Tạ Quang Chiến cùng 7 thành viên khác của đội cận vệ hết lòng phục vụ và bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi vinh dự bảo vệ và phục vụ Bác Hồ, năm 1957, ông Tạ Quang Chiến được cử đi học chương trình lý luận cao cấp tại Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương và sau đó đi nghiên cứu sinh về khoa học xã hội tại Trường Đảng cao cấp ở Liên Xô. Về nước, ông được cử giữ nhiều chức vụ quan trọng như Vụ trưởng vụ Nghiên cứu Lịch sử Đảng, Bí thư Trung ương đoàn thanh niên, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao (giai đoạn 1981 – 1992). Ông cũng là Đại biểu Quốc hội khóa VII (1981 – 1987).

Chia sẻ với Thanh Niên, ông Nguyễn Vinh Quang, con trai cụ Tạ Quang Chiến, cho biết: Cụ qua đời hồi 5 giờ ngày 11.6 tại Bệnh viện Hữu nghị (Hà Nội). Tang lễ cụ Tạ Quang Chiến được tổ chức từ 9 giờ 15 đến 10 giờ 15 sáng 14/6 tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội).

R

You may also like

Leave a Comment